Tâm Ca
- Details
- Written by Phạm Duy
- Hits: 6457
... Biến cố 11-63 (đánh đổ chế độ Ngô Đình Diệm) kéo theo nhiều xáo trộn trong miền Nam nước Việt. Về mặt chính trị, thường xuyên có những vụ đảo chính, chỉnh lý, xuống đường. Về mặt quân sự, sự có mặt của Quân Đội ngoại quốc trên đất nước khiến cho chiến tranh khởi sự leo thang dữ dội. Về mặt xã hội là cả một sự đổ vỡ về luân lý, sự mất niềm tin. Tôi gọi thời kỳ này là thời kỳ sợ hãi, hoài nghi và khinh thị (le temps de la peur, du soupcon et du mépris). Thời kỳ thần đồng gẫy cánh, cõi tiên lạc lõng, nhạc trời đứt đoạn. Và tâm ca bắt buộc phải ra đời.
Với cái đà soạn những tác phẩm lớn hơn hình thức ca khúc thông thường là hai trường ca CON ĐƯỜNG CÁI QUAN, MẸ VIỆT NAM (chưa kể hai tiểu ca kịch CHỨC NỮ VỀ TRỜI và TẤM CÁM với phần libretto của Năm Châu do tôi thực hiện cho Hãng Phim MỸ VÂN vào năm 1963), bây giờ tôi quyết định tỏ thái độ bằng những chương khúc.
Nếu Trường Ca là tổng hợp của nhiều đoản khúc có liên hệ với nhau trong phong cách (style) và có chung một chủ đề (leimotif) nhưng không đóng khung trong một số bài (CON ĐƯỜNG CÁI QUAN có 19 bài, MẸ VIỆT NAM có 22 bài)...
... thì Chương Khúc là tổng hợp của 10 bài, có chung một đề tài nhưng mỗi bài có thể khác nhau về hình thức.
Lề lối soạn mười bài hát liên tục cho một vấn đề mà tôi đẻ ra với MƯỜI BÀI TÂM CA lúc này, sẽ được tiếp tục với MƯỜI BÀI BÌNH CA, MƯỜI BÀI BÉ CA, MƯỜI BÀI NỮ CA, MƯỜI BÀI TỤC CA, MƯỜI BÀI ĐẠO CA, MƯỜI BÀI RONG CA, MƯỜI BÀI THIỀN CA v.v...
Tôi cũng nhớ là trước đây có đọc cuốn sách MƯỜI ĐIỀU TÂM NIỆM của Hoàng Đạo. TÂM CA cũng có thể là những bài hát tâm niệm, nghĩa là nó đi tới luân lý nữa.
Tôi vẫn cho rằng con số 10 là số vẹn tuyền vì theo căn bản của vi tính, 10 là hai số 1 và 0.
Nhưng trước khi đó, để dẫn tới mười bài hát nói thẳng vào cái xã hội nát tan trước mặt trong thời đại này, tôi có một lời kêu than của tôi, qua bài hát :
TÔI CÒN YÊU TÔI CỨ YÊU
(Saigon-1964)
Tôi còn yêu, tôi cứ yêu !
Tôi còn yêu, tôi cứ yêu !
Tôi còn yêu mãi mãi mãi
Tôi còn yêu đời, tôi còn yêu người,
Tôi còn yêu tôi !
Cho dù tôi đã chết rồi
Cho dù ai đã giết tôi...
Bài TÔI CÒN YÊU TÔI CỨ YÊU là tiếng nói lương tâm của một con người trong thời đại, tuy là động cơ để tôi soạn ra MƯỜI BÀI TÂM CA nhưng lối nhìn và ngôn ngữ của bài này có vẻ mòn mỏi rồi, giống như lối nhìn và ngôn ngữ của những bài hát tình tự quê hương khác hay của trường ca, trong đó cách nhìn một chiều khiến tôi chỉ cúi mặt xưng tụng cái đẹp trong vinh quang hay trong đau khổ của dân tộc tôi, nơi quê hương tôi mà không dám nhìn vào và nói lên bề trái của xã hội. Cách nhận diện lại quê hương, qua những bài tâm ca, rồi đây sẽ ảnh hưởng tới các nhạc sĩ trẻ ở trong hay ở ngoài PHONG TRÀO DU CA.
Cách nhìn vào quê hương, nhận diện lại quê hương của tôi ra sao trong Tâm Ca :
Tâm Ca số 1 Tôi Ước Mơ nhận diện cái bi đát của xã hội trong giai đoạn ấy.
Tâm Ca số 2 Tiếng Hát To là thái độ của tác giả trước sự bi đát đó.
Tâm Ca số 3 Ngồi Gần Nhau nhận diện sự chia rẽ dân tộc và kêu gọi đoàn kết.
Tâm Ca số 4 và số 6 Giọt Mưa Trên Lá, Một Cành Củi Khô nhận diện lại thiên nhiên, siêu nhiên, đời sống con người khi được (hay bị) đặt vào cái thiên nhiên đó và trái tim của nó hướng về những điều siêu nhiên kia.
Tâm Ca số 5 Ðể Lại Cho Em nhận diện lại gia tài của người đi trước để lại cho người đi sau.
Tâm Ca số 7 Kẻ Thù Ta nhận diện kẻ thù.
Tâm Ca số 8 Ru Người Hấp Hối nhận diện cái chết.
Tâm Ca số 9 Tôi Bảo Tôi Mãi Mà Tôi Không Nghe nhận diện chính mình.
Tâm Ca số 10 Hát Với Tôi một tuyên ngôn, trình bày lại thái độ (và lời mời gọi) của tác giả sau khi ta đã có cơ hội nhận diện lại mọi sự trong đời như thế.
Xét về nội dung thì ta thấy rõ đó là nhũng bài hát của lương tâm,xét về hình thức thì đó là những bài hát rất giản dị, không chau chuốt mà còn có vẻ nghèo nàn là khác.
Bài đầu tiên nhận diện sự bi đát của xã hội (người chết không sống lại được nhưng hoa chết rồi hoa lại nở...) tôi dùng một motif minơ ngắn (sol sib sol) để viết một giai điệu đi xuống (descendant) buồn bã, thảm thương, chết chóc (re sol do – si do re – la re sol...), tiếp theo lại cũng là motif đó và melody đi lên (ascendent) [có tính cách transformation chứ không là imitation] mô tả cảnh vô tình của bông hoa tái sinh...
Tiếp theo là hai câu nhạc cũng có tính chất đối xứng và cân phương :
Re mib mib - re mib re - do re mib sib... re
Do re re - do re do - lab do re lab... re
Rồi những câu sau cũng vẫn là đối xứng và cân phương :
Nhưng biết bao giờ, biết bao giờ,
Tôi mới được nói thẳng những điều tôi ước mơ???
Si sol mib – sol mib re
Sol sib do – re sol sol – sol sib re – sol la do re sol
Điệp khúc lại dùng một motif majeur khác nhưng cũng vẫn là đối xứng và cân phương để nói lên những điều ước mơ của thi sĩ và nhạc sĩ :
Re do si sol
Sol la sol re
Re mi re la...
Georges Etienne Gauthier đã nhận xét về tâm ca :
...Tất cả nhạc phẩm Phạm Duy há không phải là tiếng hát của con tim, rồi sao? Tiếng kêu của con tim của cõi lòng khốn khổ của một con người, của một nghệ sĩ đã sống từ hăm lăm năm giữa một thế giới bạo động và khổ đau. Đây là những cái nhìn bi thảm nhưng đầy mến thương của một người muốn cố gắng nhìn rõ niềm khổ đau đích thực của dân tộc mình, những cái nhìn sắc bén của một người muốn cố gắng nhận diện kẻ thù đích thực, những cái nhìn bâng khuâng hay suy tư của một người thắc mắc về cuộc sống về cái chết, về định mệnh, những cái nhìn khinh khoái hơn hay tươi vui hơn của một người từ đáy thẳm của vực sâu, vẫn tiếp tục tạ ơn đời. Đây là những khúc điệu phần nhiều điểm vẻ giản dị trơ trụi và cũng cảm kích nữa. Cái giản dị và trơ trụi ấy đối với Phạm Duy nó bất thường đến nỗi khi ông mới soạn một bài Tâm Ca thì có kẻ tưởng ông ''cạn nguồn nhạc hứng''.
Cái giản dị và trơ trụi của phần nhạc điệu trong một số bài Tâm Ca ấy hiến nhiên là do tác giả cố ý, vì nếu không phải thế thì làm sao cắt nghĩa được sự phong phú về khúc điệu trong các bài tâm ca mới soạn ra sau này vào những năm 1966 và 1968, như Nhân Danh, Bi Hài Kịch, Những Gì Sẽ Đem Theo Về Cõi Chết, Đi Vào Quê Hương, Chuyện Hai Người Lính và Trả Lại Tôi Tuổi Trẻ?
Phần lời thì cô đọng và phong phú, phần nhạc lại giản dị và trơ trụi: chỗ tương phản nghệ thuật, do chính sự cố ý của Phạm Duy ấy, thực ra chì làm cho mười bài tâm ca đâu tiên thêm phần ác liệt...
Bài tâm ca số 1 có giá trị nên đã khiến anh bạn ca sĩ Hoa Kỳ Steve Addiss soạn lời ca Anh Ngữ:
Poem By A Buddhist Monk
From a poem by Nhat Hanh, adaptation by Pham Duy
English lyrics by Steve Addiss
Six o'clock, when I wake
A friend brings me the news
My brother is killed.
Now he lies slain, and yet
By this house, by this wall
A flower blooms.
I, I still breathe, I still eat, I still live
How shall I speak, how shall I say
All I hope for my land ?
Tâm Ca Tiếng Hát To là thái độ của tôi trước cảnh bi đát đó. Trong cuộc đời 1965, có bao nhiêu cảnh ngộ, có bao nhiêu hình ảnh thì đều vào nằm trong bài hát cho nên nó là bài hát dài nhất trong MƯỜI BÀI TÂM CA. Có tới 6 đoạn ca từ nằm trong bài hát vốn chỉ có một câu nhạc, nửa câu đầu (periphrase 1) là mineur và nửa câu sau (periphrase 2) là majeur. Chỉ có một câu thì đúng là nghèo nàn rồi !
Nghèo như các nhân vật trong bài hát :
....đứa bé nhỏ ngồi trên vỉa hè,
...anh kép già trong gánh cải lương hay ông lão hiền trung
Motif, melody của tiếng hát to đó không đẹp đẽ, cầu kỳ, bay bướm... nghe chỉ như là một tiếng thở dài tuy nhiên nó nhất định không phải là tiếng tuyệt vọng. Người khác (như TCS) thì khi mô tả một thảm cảnh nào, chỉ thích chôn vùi mình (và người nghe) vào cảnh khổ đó thôi.
Tâm ca Ngồi Gần Nhau nhận diện lại dân tộc Việt Nam hiện nay là một dân tộc đầy chia rẽ... Nó kêu gọi mọi người ngồi lại với nhau, dù là ông bụt, người hùng trong trắng, kể cả giun dế hiền lành cũng phải ngồi gần ma quái, kẻ ăn cướp của công và ác thú hùm beo... Là một bài hát chung (cũng chỉ là một câu nhạc mà thôi) nhưng tiết tấu trong bản nhạc không phải là sự thúc đẩy, giục giã như hành điệu của một bài hát ca chiến đấu. Motif là re fa# sol, phát triển thành la do re, sol la si, fa# sol la... Melody cũng thật là nghèo !
Tâm ca Giọt Mưa Trên Lá thu gọn cuộc đời vào một giọt mưa. Giọt nước thiên nhiên chứa đựng đầy đủ cái sống, cái chết, cái vui, cái buồn, người trần, thần thánh, tuổi già, tuổi thơ... (Tôi soạn bài này chỉ trong 15 hay 20 phút). Vì bài này không phải là bài hát nhận diện cuộc đời trước mặt mà là ca khúc có tính chất siêu hình cho nên melody của Giọt Mưa Trên Lá trở lại đẹp đẽ, ngọt ngào, bao dung như tính chất lạc quan sở trường của tôi. Motif cũng như melody trong bài này, ta cũng đã thấy trong Lữ Hành, Thương Tình Ca :
Do fa sol la...
(Người đi trên dương gian, thơ hơi gió...)
(Dìu nhau đi trên phố vắng...)
Hãy đọc Etienne Gauthier để hiểu thêm :
Lữ Hành (1953) và Thương Tình Ca (1956) đã tiềm tàng chứa đựng giai điệu của Giọt Mưa Trên Lá (1965). Trong Lữ Hành, qua hành điệu khoan hoà của ca khúc -- hành điệu nổi bật bởi việc xử dụng nhịp tư -- đã loáng thoáng cái nét nhạc của Giọt Mưa Trên Lá. Trong Thương Tình Ca, hành điệu đã thành nhịp ba như trong Tâm Ca sau này, giai điệu giản lược so với Lữ Hành, và qua cách phân chia các trường độ âm thanh, chúng ta đã nghe ra gần như bản Giọt Mưa Trên Lá. Từ đó mà đi, chắc chắn là trong giai đoạn kế tiếp, ca khúc sẽ thanh thoát hơn. Và quả nhiên Giọt Mưa Trên Lá là sự giản dị rốt cuộc đã đạt được, là sự thuần khiết rốt cuộc đã vươn tới, là sự xúc cảm đã hoàn toàn tự chủ, tóm lại, là tuyệt phẩm bấy lâu đợi chờ. Nếu xuyên qua Lữ Hành và Thương Tình Ca, Phạm Duy đã có ít nhiều ý thức đi tìm một giai điệu thật thuần khiết và thật hoàn hảo, thì chính Giọt Mưa Trên Lá là sự thức ngộ cuối cùng, là cái đich đã đạt đến độ tuyệt hảo. Lại còn thêm một việc rất có ý nghĩa là cả ba ca khúc đều ở trong hơi ''Ré trưởng'' : âm thể vui tươi nhẹ nhàng đó thường vẫn gợi hứng rất nhiều cho Phạm Duy.
Ca sĩ người Mỹ Steve Addiss cũng đã soạn lời ca Anh ngữ cho bài này và được MITCH MILLER & HIS GANG thu thanh vào đĩa hát, phát hành tại Hoa Kỳ vào năm 1956:
THE RAIN ON THE LEAVES
English lyrics by Steve Addiss
The rain on the leaves is the tears of joy
Of the girl whose boy returns from the war.
The rain on the leaves is the bitter tears
When the mother hears her son is no more.
The rain on the leaves is the cry that is torn
From a baby just born as life is begun
The rain on the leaves is an old couple's love
Much greater now than when they were young...
Tâm Ca Để Lại Cho Em là lời nhắn nhủ của thế hệ 45 để lại cho thế hệ 65 một thảm họa mà chỉ có sự tha thứ và thương yêu nhau giữa hai thế hệ mới có thể đem lại một tương lai sáng sủa. Về nhạc lý, cũng vẫn là motif và melody của Lữ Hành, Thương Tình Ca và Giọt Mưa Trên Lá : do re fa (sol fa) la... nhưng trong Điệp Khúc, có thêm một motif majeur :
Fa# fa# fa# fa#, fa# la fa# re la
Mi mi mi mi, mi re mi fa# fa#
Sol sol sol sol, sol si re sol la si
La la la la, la sol re mi re re...
Tâm Ca Một Cành Củi Khô là sự kiện tôi nhìn vào thiên nhiên, siêu nhiên và nhìn vào trái tim tôi khi hướng vào siêu nhiên, thiên nhiên đó... để thấy :
Cuộc đời quanh đây mừng là biết mấy
Tình đầy trong tay và tình ở ngoài
Ở gần bên tôi hàng nghìn thế giới
Cùng nhờ nhau thôi, để buồn hay vui.
Câu trước là motif mi fa sol sol rồi phát triển thành la la do re rồi sol la sol sol... Câu sau là sol la do do tiến tới sol sol si si qua mi mi sol la rồi về re mi sol sol... Nghe rất thản nhiên, yên tĩnh, như một lời kinh ngắn nơi giáo đường.
Tâm ca Kẻ Thù Ta là sự khám phá ra kẻ thù của ta không cứ là người ngoài mà còn đích thân nằm trong ta nữa. Vậy ta phải đi tìm nó ngay trong tim ta để mà chiến thắng nó. Motif rất giản dị (do fa sib) là một sự nhẩy quãng, melody (sib do re fa sib do re – sol sib do sib sol sib do...) rất giản đơn, tiếng nhạc mà nghe như tiếng nói. Vì dễ hát nên tôi đã chứng kiến một lũ trẻ hát nghêu ngao bài này ngoài đường phố Saigon ngay sau Tâm Ca vừa ra đời.
Tâm ca Ru Người Hấp Hối nhận diện cái chết. Ôi cái chết thật là tuyệt vời, nó đến đúng hẹn, nó không phản bội bất cứ ai, nó thành thật như trái tim con người. Motif chỉ là nét nhạc mineur la re fa la re, bình dị với development sol la re la sol, re sol la fa re sib, la re fa re sol... Qua tới Điệp Khúc, có một motif khác : re fa sib chuyển tới sib mi la, la do fa, fa sib re, la re la...
Tâm Ca Tôi Bảo Tôi Mãi Mà Tôi Không Nghe nhận diện chính mình. Tôi vốn sinh ra đời chỉ biết yếu mềm, tin yêu, tha thứ, say đắm... thì, nếu ai thương, xin cho tôi được sống say mê, nếu ai không thương, xin giết tôi đi !
Tôi xưa nay ít có dịp được soạn nhạc vui. Bèn nhân khi được soạn tâm ca, chẳng lẽ cứ viết 10 bài buồn... nên liều viết một bài vui nhộn. Trong đầu đã có sẵn một khuôn khổ ca khúc vui như bài Sức Mấy Mà Buồn :
Si si sol sol, sol la, mi sol si
Si si sol sol, sol la, re la sol
Sức mấy mà buồn ! Buồn ơi ! Bỏ đi Tám !
Sức mấy mà buồn, vào ngay Đảng Đỡ Buồn !
Tôi không ngần ngại viết tâm ca Tôi Bảo Tôi Mãi Mà Tôi Không Nghe :
Tôi bảo tôi mãi mà tôi không nghe không nghe
Cứ muốn đi về nẻo đường mình thường mong ước
Tôi bảo tôi mãi mà tôi không nghe không nghe
Cứ cố tin rằng lòng người còn trong, còn trắng
Motif re si re sol có imitation sol mi sol do và si si la sol rất đơn giản, thông thường. Tới điệp khúc thì có thêm một motif sol do di chuyển tới sol si và sol sol...
Và tâm ca kết thúc, Tâm Ca Hát Với Tôi là một bài tuyên ngôn với hành điệu march, với nét nhạc Phạm Duy quen thuộc, không cầu kỳ rắc rối, dễ nghe, dễ hiểu, dễ thuộc...
HÁT VỚI TÔI
(Saigon-1965)
Hát với tôi trong nỗi vui hay trong cơn buồn
Hát với tôi qua tiếng reo hay bằng lời than
Ðời đẹp thì ta hát vẻ vang
Ðời buồn thì ta hát nỉ non
Ðừng ngậm miệng im hơi thành xác không hồn
Hát với tôi khen rất ngoan hay là chửi toang
Ðời này tròn hay méo rồi vuông
Ðời còn cần ta hát nhặt khoan
Một nghìn đời sau ta còn hát ầm vang.
Hát với tôi nào ! Hát với tôi nào !
Hát với nhau những lời hôm nay cùng hát
Hát với tôi nào ! Hát với tôi nào !
Hát với nhau những lời của người Việt Nam.
Hát với tôi trong lúc chơi hay trong khi làm
Hát với tôi trong đám đông hay trong phòng loan
Từ vỉa hè thơm cát bụi đen
Từ ruộng đồng xanh ngát thần tiên
Từ biển vàng lời ca vượt sóng lên ngàn
Hát với tôi thương lúa non không ưa phũ phàng
Hát với tôi thương cánh hoa sớm nở chiều tan
Buồn vì người gieo giắc lầm than
Mừng vì còn mong ước người hơn
Vì lòng còn tin yêu còn hát nghìn năm.
Hát với tôi nào ! Hát với tôi nào !
Hát với nhau những lời hôm nay cùng hát
Hát với tôi nào ! Hát với tôi nào !
Hát với nhau những lời của người Việt Nam.
Hát với tôi khi sắp chui vô trong quan tài
Hát với tôi khi mới mang thân phận bào thai
Vào cuộc tình đôi lứa sục sôi
Vào tuổi già êm như làn khói lưng trời
Hát với tôi trong cõi tim sâu xa tuyệt vời
Hát với tôi vươn mãi ra đến tận mù khơi
Ðừng thèm nhờ máy hát lạ tai
Ðừng thèm nhờ ai hát hộ ai
Ðể lòng mình dâng lên miệng hát đầy vơi.
Hát với tôi nào ! Hát với tôi nào !
Hát với nhau những lời hôm nay cùng hát
Hát với tôi nào ! Hát với tôi nào !
Hát với nhau những lời của người Việt Nam.
Phạm Duy