42. Minh Họa Truyện Kiều Phần Hai
- Details
- Written by Phạm Duy
- Hits: 3080
Minh Họa Truyện Kiều Phần Hai
(Theo thơ Nguyễn Du)
Bố cục, Giai điệu, Tiết điệu của Phạm Duy
Hoà âm, Phối khí của Duy Cường
Giọng hát của Ái Vân, Thái Hiền, Duy Quang, Tuấn Ngọc
Giọng ngâm của Thanh Ngoan, Thảo Hiền (Hà Nội).
*
Tôi đã khởi sự soạn ngay PHẦN HAI của Minh Họa Kiều trong khi đi lưu diễn tại Âu Châu vào tháng 7, 1997 (Tôi còn nhớ những đoạn đầu được soạn tại nhà anh Đoàn Xuân Kiên ở London). Với sự phân đoạn đã phác họa xong xuôi, phần này có thể được kết thúc ngay nhưng vì Duy Cường phải theo vợ về làm việc tại Việt Nam cho nên tôi đành phải đợi tới năm 2000 mới hoàn thành nó. Vả lại, tôi cũng không thấy cần phải tung ra PHẦN HAI ngay, hãy để cho PHẦN MỘT tung hoành một thời gian đã.
PHẦN HAI đã dần dà được soạn xong vào đầu năm 2001, đã được Duy Cường hoà âm, phối khí, thu thanh... và được ra mắt người yêu nhạc vào ngày Chủ Nhật 9 December 2001 tại Phòng Sinh Hoạt của toà soạn báo NGƯỜI VIỆT do nhà báo Đỗ Ngọc Yến chủ tọa.
Sau đây là tác phẩm với những lời dẫn giải...
PHẦN HAI
Kiều Gặp Kim Trọng
Minh Họa Truyện Kiều gồm 4 Phần. Phần Một là phần Kiều gặp Đạm Tiên, tức là gặp số phận mình, số phận của những người tài hoa bạc số. Phần Hai là phần Kiều gặp Kim Trọng, nghĩa là gặp tình yêu, nhưng là tình yêu không trọn vẹn. Từ khi nhớ nhung nhau, đi tìm nhau cho tới khi gặp nhau, tỏ tình với nhau... đôi người tình này không hề được cụ Nguyễn Du cho phép nắm tay nhau, kề vai nhau, ôm hôn nhau... Thật là khó cho tôi quá, trong việc diễn tả cảnh ái tình này ra bằng âm nhạc. Tôi đành phải soáy vào việc biểu lộ tài hoa của Nàng Kiều, khi đánh cho Kim Trọng nghe. Bốn khúc nhạc mà cụ Nguyễn Du chỉ cho chúng ta 4 cái tên là : Hán Sở Chiến Trường, Tư Mã Phượng Cầu, Kê Khang Và Khúc Quảng Lăng, Chiêu Quân... thì bây giờ, với sự góp công rất đắc Lực của Duy Cường, tôi phải tạo ra bốn nhạc khúc đó. Do đó, Phần Hai không là loại nhạc tả cảnh, tả tình như trong Phần Một, mà là loại nhạc tỏ tình, nhạc tỏ tài... Là nhạc tài tình chăng ?
Đoạn Người Đâu Gặp Gỡ Làm Chi này là sự nhớ nhung của cả hai người sau buổi gặp gỡ mùa Xuân. Đã đành là Kim Trọng nhớ Thúy Kiều, nhưng Thúy Kiều cũng nhớ Kim Trọng, cho nên đây là một bản song ca :
Người Đâu Gặp Gỡ Làm Chi
(Ngâm)
Người đâu gặp gỡ làm chi ?
Trăm năm biết có duyên gì hay không ?
(Hát)
Người đâu gặp gỡ làm chi ?
Trăm năm biết có duyên gì,
Biết có duyên gì hay không ?
Ngổn ngang trăm mối bên lòng...
Sầu đong càng lắc càng đầy
Càng lắc càng đầy
Càng lắc càng đầy
Ba Thu dồn lại một ngày dài ghê
Mây Tần khoá kín song the
Khoá kín song the
Khoá kín song the
Bụi hồng liệu nẻo đi về chiêm bao.
Tuần trăng khuyết, đĩa dầu hao
Tuần trăng khuyết, đĩa dầu hao
Mặt tơ tưởng mặt, lòng ngao ngán lòng.
Buồng văn, hơi giá như đồng
Hơi giá như đồng
Trúc se ngọn thỏ, tơ trùng phím loam
Mành Tương phất phất gió đàn
Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình.
Ví chăng duyên nợ ba sinh
Làm chi đem thói khuynh thành trêu ngươi.
Bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người
Nhớ nơi kỳ ngộ vội dời chân đi.
Vội dời chân đi
Vội dời chân đi
Vội dời chân đi...
Đoạn sau đây là đoạn Kim Trọng đi tìm Thúy Kiều. Tới nhà Viên ngoại thì thấy cửa đóng then cài. Rồi dạo quanh chợt thấy mái sau có nhà để trống bèn lấy điều du học để thuê :
Lơ Thơ Tơ Liễu
(Ngâm)
Lơ thơ tơ liễu buông mành
Con oanh học nói trên cành mỉa mai, mỉa... mai
(Hát)
Lơ thơ tơ liễu buông mành
Con oanh học nói trên cành mỉa mai, mỉa... mai
Thâm nghiêm kín cống cao tường
Cạn dòng lá thắm dứt đường chim bay
Mấy lần cửa đóng then cài
Mấy lần cửa đóng then cài
Dẫy thềm hoa rụng biết người ở... đâu ?
Đứng đứng đứng suốt giờ lâu
Dạo quanh chợt thấy mái sau
Có nhà Ngô Việt, buồng không để trống, người xa chưa về
Lấy điều du học để thuê
Lấy điều du học để thuê
Túi đàn cặp sách đề huề dọn... sang
Có hoa, có lá, sẵn sàng
Có hiên Lãm Thúy nét vàng chưa phai
Mừng thầm chốn ấy an bài
Ba sinh âu hẳn (ư ứ) duyên trời chi đây !
Một buổi êm trời, Kim Trọng đang ngồi đọc sách thì thấy thấp thoáng bóng người bên vườn đào :
Một Buổi Êm Trời
(Ngâm)
Cách tường một buổi êm trời
Dưới cành đào có bóng người thướt tha...
(Hát)
Cách tường một buổi êm trời
Dưới cành đào có bóng người thướt tha...
Mới đứng vội lên
Xốc áo vội ra
Tức tốc chạy ra...
Hương nào man mát
Hương còn thơm ngát còn thơm ngát
Hương mùi thơm tóc
Mà người vắng tanh
Người đà vắng tanh...
Lần theo tường gấm,
Lần theo tường gấm dạo chơi
Trong vườn nhác thấy
Ai cài trên cánh...
... hoa đào, một nhành kim thoa...
Giơ tay với lấy đem về nhà
Liền tay ngắm nghía biếng ăn nằm
Thoa còn thoang thoảng (ư ứ...)
Hương trầm chưa phai...
Thoa còn thoang thoảng (ư ứ...)
Hương nồng thơm lâu
Tan sương đã thấy bóng... người
Quanh tường ra ý tìm tòi ngẩn ngơ
Có ý đợi chờ
Cách tường lên tiếng xa đưa ướm lòng
Kiều lấy cớ đi tìm chiếc thoa để gặp Kim Trọng. Đây là cảnh tự tình của hai người :
Biết Đâu Hợp Phố
(Ngâm)
Thoa vàng bắt được hư không
Biết đâu Hợp Phố mà mong châu về...
(Hát)
Chiếc... thoa vàng
Bắt được ở hư không
Biết, biết đâu Hợp Phố ?
Mà, mà mong châu về...
Xá, xá gì của rơi
Thoa kia, nào của mấy mươi
Mà, mà lòng trọng nghĩa
Khinh, khinh tài xiết bao...
Đâu phải đâu, phải đâu người xa xôi
Được rày là nhờ, nhờ chiếc thoa rơi, nàng ơi !
Đâu ngờ đâu, ngờ có ngày hôm nay
Xin nàng ở lại đây
Cho tôi gạn chút niềm Tây gọi là...
Đây là đoạn tình tứ nhất :
Từ ngày ngẫu nhĩ gặp nhau
Thầm trông, trộm nhớ bấy lâu đã chồn
Xương mai như đã rũ mòn
Lần lừa ai biết hãy còn hôm nay...
Cuốn tròn như Cuội trong mây
Đã liều một phận ôm cây dưới cầu
Tiện đây xin một hai điều
Đài gương soi đến dấu bèo cho chăng ?
Lá thắm chỉ hồng, nên chăng cũng phải tùy lòng mẹ cha
Nặng lòng sót liễu vì hoa
Nhưng còn thơ dại, đau mà dám thưa ?
Rày gió mai mưa, ngày xuân nào dễ mấy khi tình cờ,
Tình cờ mấy khi
Mối tình si, ôi mối tình si
Mối tình si, ôi mối tình si
Gắn bó một phen, rồi mai liệu tính mối mai liệu bài,
Liệu bài mối manh
Mối tình xanh ôi mối tình xanh
Mối tình xanh ôi mối tình xanh.
Buổi mới lạ lùng, nể lòng khó thể cầm lòng cho đang.
Quân tử đa mang, một lời vâng, tạc đá vàng thủy chung.
Như cởi tấm lòng, giở kim hoàn với khăn hồng trao tay...
Như cởi tấm lòng, giở kim hoàn với khăn hồng trao tay...
Trăm năm cũng từ đây
Trăm năm cũng từ đây
Của tin này một chút này làm ghi
Sẵn tay khăn gấm
Sẵn tay quạt quỳ
Với cành thoa đó tức thì đổi trao.
Một lời vừa gắn tất giao
Mái sau dường thấy xốn xao,
xốn xao tiếng người,
xốn xao tiếng người...
Lá rụng hoa rơi
Lá rụng hoa rơi
Chàng về viện sách
Nàng dời lầu trang
Lá rụng hoa rơi
Lá rụng hoa rơi
Lá rụng hoa rơi
Lá rụng hoa rơi
Lá... rụng... hoa... rơi !
Sau buổi gặp gỡ, trao tặng nhau kim hoàn với khăn hồng, Kiều lại qua nhà Kim Trọng tự tình :
Đá Biết Tuổi Vàng
(Ngâm)
Từ phen đá biết tuổi vàng
Tình càng thắm thiết dạ càng ngẩn ngơ...
(Hát)
Từ phen đá biết tuổi vàng
Tình càng thắm thiết dạ càng ngẩn ngơ
Dạ càng ngẩn ngơ...
Nhà lan thanh vắng có một mình
Ngẫm cơ hội ngộ đã dành cho thiếp hôm nay
Đồ ăn thức uống sẵn bày
Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mái tường.
Bên vườn hoa có tiếng vàng
Bên cành hoa thấy có chàng
Có chàng đứng trông
Thì xin mở khóa động đào
Đường tình dẫn lối đi vào Thiên Thai
Mặt nhìn mặt càng thêm tươi
Lời vạn phúc lời hàn huyên
Cùng sánh vai về
Cùng sánh vai về
Cùng sánh vai về
Cùng sánh vai về
Về chốn thư hiên
Giấy hoa tiên câu thề nguyện
Giấy hoa tiên câu thề nguyện
Lòng xuân phơi phới
Lòng xuân phơi phới
Lòng xuân phơi phới
Chén xuân ngà
Chén xuân la đà
Anh hoa phát tiết ra ngoài
Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa
Trông người lại ngẫm đến ta
Một dày một mỏng biết là có nên
Thưa rằng giải cấu là duyên
Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều
Ví dù giải kết đến điều
Thì xin vàng đá mà liều với thân
Rồi chẳng tiện tiện ngồi lâu
Ngày thật ngắn chẳng đầy gang
Nàng kíp ra về
Nàng kíp ra về
Nàng kíp ra về
Nàng kíp ra về
Về chốn phòng the
Thấy hai thân chưa về nhà
Thấy hai thân chưa về nhà...
Trở về nhà, thấy cha mẹ chưa về, Kiều lại qua nhà Kim Trọng một lần nữa :
Vườn khuya băng lối
Vườn khuya băng lối
Vườn khuya băng lối
Tới nơi chàng
Tới ngay nơi chàng
Sinh đang trong giấc mơ vùi
Dường như nửa tỉnh, nửa vời mộng mơ
Chân nàng động tới giấc khuya
Ngờ rằng mộng đẹp đã về với xuân
Thưa rằng khoảng vắng một phen
Yêu hoa nên phải thức đêm đi tìm
Xiết mừng làm lễ rước vào
Đài sen ngời sáng cành đào ngát hương
Hai người thề nguyện :
Tóc mây một món
Đây dao vàng nâng lên
Trăng vằng vặc soi
Với những lời song song
Tóc tơ một chữ
Mãi khắc vào trăm năm
Tóc mây một món
Đây dao vàng chia đôi
Như chuyện tình xưa
Nếu có phải lìa xa
Nép mặt mày hoa
Xin dâng phụng Quân Vương
Xin phụng Quân Vương...
Bây giờ thì chúng tôi xin phép được chuyển qua Phân Đoạn Hai, với cảnh Kiều đánh đàn cho Kim Trọng nghe.
Ca khúc số 6 : Hán Sở Tranh Hùng là bản nhạc đầu trong bốn bài mà Nguyễn Du tiên sinh chỉ cho ta 4 đầu đề.
Trong bài này, ngoài phần diễn tả cảnh chiến trận do Duy Cường phóng tác một cách tuyệt vời, tôi có ý đưa vào đây triết lý của Nguyễn Du trước hiểm hoạ của loài người là chiến tranh :
Trải qua một cuộc binh đao
Đống xương vô định đã cao bằng trời...
Tôi cũng không quên dùng câu châm ngôn nhất tướng công thành vạn cốt khô... và dùng điển tích về tiếng sáo Trương Lương để làm tăng ý nghĩa của bản nhạc.
Hán Sở Tranh Hùng
(Ngâm)
Khúc đâu Hán Sở chiến trường
Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau.
(Hát)
Rằng nghe nổi tiếng cầm đài
Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ,
Lắng tai Chung Kỳ...
Kiều trả lời :
Tài mọn sá chi, tài mọn sá chi
Đã lòng dạy đến, dạy thì phải vâng ... Vâng !
So dần dây vũ... so dần dây văn...
Bốn dây to nhỏ... theo vần cung Thương
Khúc đâu Hán Sở chiến trường
Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau
Trải qua nhiều cuộc binh đao
Đống xương vô định đã cao bằng trời
Hán Sở tranh hùng Lưu Bang Hạng Võ
Tranh, tranh nhau thiên hạ
Gây nên cảnh chiến trường
Trong tiếng sắt tiếng vàng
Có nghe tiếng lòng người dân lầm than ?
Những đại anh hùng
Lưu danh vạn kiếp
Sẽ, sẽ có mấy ai ?
Nhớ tới đám dân lành
Ôi nhất tướng công thành
Là xây trên đống vô vàn cốt khô !
Sắt chọi với đồng
Gươm nghênh ngọn giáo
Trong giao tranh tơi bời
Thân rơi ngập chiến hào
Thương biết mấy xác người
Dẫu da sắt mình đồng cũng phải rơi
Khiến kẻ anh hào
Nghe Trương Lương thổi sáo
Tiếng sáo giữa chiến tranh
Nhắc mái ấm gia đình
Ôi tiếng sáo thanh bình
Làm cho quân sĩ không đành giết nhau...
Khúc 7, bài thứ hai : Tư Mã Phượng Cầu... Vào đời Cảnh Đế nhà Hán, Tư Mã Tương Như là người đa tài, văn hay, đàn giỏi. Được Trác Vương Tôn mời tới nhà dự tiệc, Tương Như biết được con gái gia chủ là Trác Văn Quân là người xinh đẹp, sớm goá chồng, thích nghe nhạc... nên đàn và hát bản Phượng Cầu Hoàng, tức là con chim phượng trống bay tìm con chim phượng mái. Văn Quân đứng nghe trộm và đem lòng yêu mến Tương Như. Rồi Nàng sẽ bỏ nhà đi theo Tư Mã Tương Như.
Tư Mã Phượng Cầu
(Ngâm)
Khúc đâu Tư Mã Phượng
Nghe ra như oán như sầu phải chăng ?.
(Hát)
Nhạc là nỗi lòng Tư Mã xưa
Dạo đàn cho người trong giấc mơ
Phượng hề Phượng hề bao tháng năm
Tìm Hoàng tìm Hoàng nơi bốn phương
Chim bay biển Bắc Đi tìm biển Đông
Chim bay biển Tây Đi tìm biển Nam
Bao giờ, bao giờ ta thấy nhau
Bao giờ, bao giờ ta thấy nhau
Văn Quân nàng ơi Văn Quân nàng ơi
Tuy trong gang tấc Mà như nghin trùng
Cho ta gặp gỡ Xây tổ uyên ương
Phượng hề Phượng hề quy cố hương
Phượng hề Phượng hề quy cố hương ...
Khúc 8, bài thứ ba : Kê Khang Và Khúc Quảng Lăng, kể lại truyện đời Ngụy ở bên Tầu, có một người khách lạ, giỏi đàn, giỏi vẽ tới kết bạn với Kê Khang. Người đó dạy cho Kê Khang một bản nhạc nhan đề Quảng Lăng, nhưng dặn Kê Khang là không được truyền cho ai cả. Về sau, Kê Khang bị giết, cho nên không còn ai được nghe bản nhạc lưu loát như nước chảy, nhẹ nhàng như mây trôi này nữa.
Kê Khang và Khúc Quảng Lăng
(Ngâm)
Hay, hay thật là hay
Nhưng nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào
(Hát)
Hay, hay thật là hay
Hay, hay thật là hay
Nhưng nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào
Nuốt cay thế nào...
Nhớ ơ ớ ơ xưa
Có người khách lạ à a,
Khách lạ à a tới nhà của Kê Khang
Giỏi ý y y đàn, giỏi ý y y họa,
Đôi bên tương ư ư ư đắc,
Đôi bên tương ư ư ứ phùng.
Khách y ý y chơi khúc nhạc nước chẩy ỳ y,
nước chẩy ỳ y khúc nhạc, nhạc mây trôi
Nhạc ý y y này, nhạc ý y ỳ này,
Kê Khang học ú ư học lấy,
Nhưng không được truyền cho ó o ó ai.
Tiếc y tiếc y thay, khúc nhạc nước chẩy ỳ y,
Khúc nhạc ỳ y nước chẩy mây trôi
Nhạc ý a thanh bình, nặng ý a nặng tình
Quê hương yêu ý y yêu dấu,
Quê hương huyền thoại như ú ư ư mơ.
Tiếc y ý y thay, khúc Quảng Lăng ấy,
Khúc nhạc lên non, khúc nhạc theo suối theo suối
Đã ý y thất truyền, đã ý y thất truyền
Vì Kê Khang bị ý y bị giết, suối vàng đem ý y y theo...
Mới y ý y hay những kẻ hiền ngoan
Hát nhạc bình an giữa thời binh biến, chinh chiến
Kẻ ý a có quyền thường ý a cay nghiệt
Thì ca nhân phải y phải y chết,
Nên đời không mấy khi ấm êm...
Khúc 9, bài thứ tư : Chiêu Quân, kể truyện một trong 3000 cung nữ đời Hán, vì không chịu đút tiền cho hoạ sĩ Mao Diên Thọ nên bức chân dung của nàng có thêm một nốt ruồi sát chồng và do đó, khi coi tranh, Vua Hán không dám vời nàng vào hậu cung. Khi Vua gả Nàng cho Chúa Hung Nô để khỏi bị gây hấn, trước khi theo sứ giả ra đi, Nàng vào bái yết thì nhà vua mới trông rõ mặt ! Nhưng đã quá chậm... Chiêu Quân phải cùng đoàn lạc đà đi qua một bãi sa mạc để tới đất Phiên. Xin quý vị chú ý tới cảnh sa mạc trơ trụi xa vắng, đoàn lạc đà gật gù đi trên bãi cát, có tiếng đàn tỳ bà của Chiêu Quân nhớ thương quê hương, nhớ thương cha mẹ... và trách móc nhà Vua. Khi tới đất Phiên, Chiêu Quân sẽ dùng giây lụa để thắt cổ tự vẫn, cho khỏi thẹn nhan sắc giữa nơi Phiên Đình... Xác Nàng sẽ được đưa về quê nhà.
Chiêu Quân Cống Hồ
(Ngâm)
Quá quan một khúc tỳ bà
Một rằng luyến mẹ cùng cha
(Hát)
Chiêu Quân chẳng được vua mời
Vì nàng không chịu đút, đút tiền cho người vẽ tranh
Trong bầy mỹ nữ hậu cung
Hán Vương đã chọn Chiêu Quân để cống Hồ...
Quá quan một khúc tỳ bà
Một rằng luyến mẹ cùng cha
Hai là luyến Chúa, ba là luyến quê,
Luyến quê hương, luyến Quân Vương, luyến gia đường...
Quá quan một khúc ngậm ngùi
Gẫm thương mình đã lạc loài
Quân Vương dù thấy mặt rồi
Vẫn đem hương vẫn đem sắc hiến cho người ở ngoại bang.
Quá quan này khúc từ ly
Gió lên miền sa mạc xa
Lạy Mẹ lạy Cha, tình xưa nghĩa cũ
Thiếp ra đi với đau thương chốn âm u tới mịt mù...
Quá quan này khúc buồn tênh
Quá quan để tới Rợ Phiên
Lụa mầu trong trắng mượn để quyên sinh
Khỏi thẹn nhan sắc giữa nơi Phiên Đình.
Khúc 10 : Càng Tỏ Hương Nồng, với Kim Trọng vì say rượu, say nhan sắc hay say tài hoa của Kiều mà : nghe trong âu yếm có chiều lả lơi... lập tức bị Kiều chỉnh ngay : đã cho vào bực bố kinh mà lại ra tuồng trên bộc trong dâu, nghĩa là đã coi Nàng như vợ hiền tương lai, quần vải khăn gai, mà còn giở trò dâm đãng như trai gái trên bãi dâu sông Bộc thì con người ấy ai cầu làm chi ?... Kiều làm cho Kim Trọng càng thêm kính nể...
Càng Tỏ Hương Nồng
(Ngâm)
Trong như tiếng hạc bay qua
Đục như tiếng suối mới sa nửa vời
(Hát)
Trong như tiếng hạc bay qua
Đục như tiếng suối mới sa nửa vời
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài
Tiếng mau xầm xập như trời đổ mưa
Ngọn đèn khi tỏ khi mờ
Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu
Khi tựa gối khi cúi đầu
Khi vò chín khúc khi chau đôi mày
Lựa chi cung bực u sầu
Rầu lòng mình cũng nao nao lòng người !
Rằng quen mất nết đi rồi
Buồn vui thôi cũng tính trời đã cho
Rằng quen mất nết đi rồi
Tẻ vui thôi cũng do trời biết sao ?
Khúc 11 : Trăng Thề Còn Đó, khúc cuối cùng của Phần Hai là cảnh hai người đang chia tay nhau thì có tiếng đập cửa, người nhà tới báo tin người chú của Kim Trọng vừa qua đời, chàng phải kíp về Liêu Dương để hộ tang. Kiều than : chưa vui xum họp đã sầu chia ly... Hai người còn dùng dằng chưa nỡ rời tay, thì vừng Đông trông đã đứng ngay nóc nhà... Kim Trọng phải thắt yên, một gánh, vội vàng... sầu chia nửa mối, bước đường chia đôi... Họ nghĩ rằng trăng thề còn đó trơ trơ, dám xa xôi mặt mà thưa thốt lòng... Vâng, trăng thề bao giờ cũng còn đó nhưng đã chắc rằng những cuộc tình của chúng ta trên cõi đời này sẽ còn được trọn vẹn mãi mãi hay không ?
Trăng Thề Còn Đó
(Ngâm)
Mảng tin xiết nỗi kinh hoàng
Băng mình lẻn trước đài trang tự tình.
(Hát)
Cửa ngoài then đã mở ra
Người đem tin tới thư nhà vừa sang
Thư nhà vừa sang...
Đọc thư xiết nỗi, nỗi kinh hoàng
Liễu Dương nghìn dặm thúc đường lâm tang...
Được tin xiết nỗi kinh hoàng
Gót chân thoăn thoắt đài trang trút lời
Duyên này chưa tới mấy hồi
Duyên này chưa thấy những lời trao tơ
Vừng trăng nguyện ước còn thì
Dù rằng xa cách không hề quên đâu !
Ông Tơ ghét bỏ chi nhau
Chưa vui xum họp đã sầu chia phôi.
Ông Tơ ghét bỏ chi nhau
Chưa vui xum họp đã sầu chia phôi.
Càng thấy ngại ngùng
Vừng Đông đã tỏ nóc nhà tường hoa
Đôi hàng châu sa
Đôi hàng châu sa
Sầu chia nửa mối
Bước đường chia đôi
Bước đường chia đôi...
Thắt yên một gánh, đành vội vàng ra đi
Cuốc kêu đầu gió và cuối trời nhạn thưa
Sót thương ngày tháng, với gánh nặng tương tư
Sót thương ngày tháng, với gánh nặng tương tư
Gánh nặng tương tư...
***
Nhân đây, chúng tôi muốn được thưa với quý vị về tính chất của nhạc phẩm mới nhất của chúng tôi. MINH HỌA KIỀU 1 và 2 này không phải là nhạc tả thực như Con Đường Cái Quan, ấn tượng như Mẹ Việt Nam, ẩn dụ như Bầy Chim Hồi Xứ hay siêu thực như Trường Ca Hàn Mặc Tử... mà nó mang tính chất MOOD MUSIC hay là AMBIENT MUSIC. Như ta đã biết, lời thơ của cụ Nguyễn Du rất là súc tích, chỉ trong có hai câu lục bát thôi, mà ta đã thấy có nhiều trạng thái khác nhau. Trong một bản Tân Nhạc thông thường, nhạc sĩ chỉ cần đưa ra một hay hai trạng thái nào đó tùy theo cảm tính của bài hát.
Bây giờ, phổ những đoạn thơ Nguyễn Du, chúng tôi cần tới nhiều yếu tố để tạo ra nhiều trạng thái, chẳng hạn phải dùng tiếng ngâm theo điệu cổ ngoài giọng hát tân thời, phải dùng tiếng đàn tranh, đàn nguyệt, đàn bầu ngoài tiếng nhạc cụ Tây Phương, phải cần phần hoà âm phối khí của Duy Cường ngoài phần giai điệu và cấu phong của Phạm Duy... tất cả tạo nên những trạng thái (MOOD) phù hợp với tình tiết của truyện thơ Kim Vân Kiều.
Chúng tôi rất sung sướng vì đã làm cho nhạc Việt Nam càng ngày càng thêm phong phú. Chúng tôi còn sung sướng hơn nữa, nếu quý vị biết rõ hơn về phần nhạc thuật, để sự thưởng thức tác phảm được vẹn toàn.
Phạm Duy