PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400

38. Nói Về Ca Khúc và Thơ Phổ Nhạc

Một Đời Nhìn Lại - Ngàn Lời Ca
Nói Về Ca Khúc và Thơ Phổ Nhạc


Tranh Nguyên Khai

Vào năm 1970, nhà xuất bản BORDAS, Paris-Montreal cho ra đời một cuốn sách nhan đề LA LITTÉRATURE EN FRANCE DEPUIS 1945. Các tác giả là Jacques Bersani, Michel Autrand, Jacques Lecarme, Bruno Versier... đã cho rằng từ năm đó trở đi, Văn Học Pháp Quốc không phải chỉ là thơ, tiểu thuyếtkịch bản mà thôi. Vào thời đại này, trong văn học phải kể thêm truyện trinh thám, truyện bằng tranhca khúc.

Riêng về ca khúc, người ta nhận định rằng: sau thế chiến 2, vì sự góp mặt của các thi sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ như Jacques Prévert, Boris Vian, Joseph Kosma, Georges Brassens, Charles Trenet v.v... ca khúc (chanson) của nước Pháp phải đi vào văn học sử bởi vì nó đã không còn là một thứ nghệ thuật yếu kém (un art mineur) nữa rồi. Thơ Prévert được phổ thành ca khúc và rất thành công cho nên vào lúc đó triết gia Jean Paul Sartre làm lời ca cho bài La Rue Des Blancs Manteaux, nhà thơ Raymond Queneau soạn lời cho ca khúc Si Tu T'imagines. Georges Brassens thì đem thơ Victor Hugo, Paul Fort ra phổ nhạc. Léo Ferré phổ thơ Aragon và Hélène Martin phổ thơ Jean Genet... Trong sách, có nói rõ về chỗ đứng của ca khúc : En quelques années, la chanson est devenue intelligente, humoristique, sensible, satirique, enfin intéressante. La chanson a pénétré dans toutes les couches sociales. (...) Elle fait partie de notre vie quotidienne. Biên giới giữa ca khúc và thơ gần như không còn nữa. Nhạc còn làm cho thơ (hay lời ca cũng vậy) đi nhanh vào lòng người.

Bây giờ ta nói đến Văn Học Sử Việt Nam. Phần nhiều nó là những thi phẩm được hát lên như TRUYỆN KIỀU, LỤC VÂN TIÊN với lối kể Kiều và nói thơ Vân Tiên. Dân chúng thường biết đến văn chương thi ca qua hình thức ca ngâm cho nên tác phẩm thường có thêm chữ NGÂM hay chữ CA vào, ví dụ CHINH PHỤ NGÂM, CUNG OÁN NGÂM KHÚC, GIA HUẤN CA. Còn HÁT Ả ÐÀO thì hoàn toàn là thơ của những thi sĩ lỗi lạc như Tú Xương, Nguyễn Khắc Hiếu v.v... Ta có thể nói văn học Việt Nam của thời trước là những ca khúc ngắn hay những ca khúc dài.

Trong Nhạc Sử Việt Nam, kể từ khi có Tân Nhạc để thay thế cho Cổ Nhạc, ca khúc dù là những đoản khúc hay những trường ca, dù sử dụng nhạc ngũ cung của dân tộc hay đi theo đường lối nhạc chủ âm của Âu Mỹ... ca khúc đều đã đóng một vai trò rất lớn. Nó có một chỗ ngồi rất vững trong lòng người, không phải là một mà tới ba, bốn thế hệ. Chẳng cần phải nghiên cứu kỹ càng, ta cũng thấy rằng trong 50 năm qua, nhạc điệu của ca khúc Việt Nam mỗi ngày một phong phú thêm, lời ca mỗi ngày một trí thức hơn, mỗi thời đại, mọi tình cảm đều được diễn dịch qua hàng ngàn ca khúc của hàng trăm tác giả, từ Lê Thương, Ðặng Thế Phong qua Văn Cao tới Trịnh Công Sơn... Và nếu thế hệ nhạc sĩ đương thời hay tương lai rất giỏi về nhạc lý, về nhạc thuật, chịu bỏ công ra để soạn phần hoà âm, phối khí mới mẻ cho những ca khúc cũ của các bậc cha chú thì nhạc Việt Nam chắc chắn sẽ không thua nhạc cổ điển hay tân thời của Âu Mỹ đâu ! Hơn nữa, vì hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của nước ta cho nên nhạc Việt còn có rất nhiều sự sống mà chưa chắc nhạc cổ điển hay nhạc tân kỳ của Âu Mỹ có thể có được.

Khởi sự là một người soạn ca khúc, rồi không hề có một mặc cảm nào cả, tôi cứ mãi mãi là người soạn ca khúc bởi vì sau khi đi học ở Pháp về và nhìn vào tình trạng sinh hoạt âm nhạc ở nước mình thì tôi thấy không thể đi vào con đường nhạc thuần túy như nhạc cổ điển Tây Phương được. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ rằng nếu tiếp tục soạn ca khúc thì phải thăng hoa nó lên, nghĩa là phải làm sao cho cả hai phần nhạc và lời càng ngày càng tiến bộ. Nghĩa là vào lúc cuối đời, làm sao nhạc của mình có thể tiến dần tới cõi giao hưởng mà hình như mọi người đều coi là cái đỉnh của nghệ thuật âm thanh và làm sao cho lời ca của mình có thể được cho vào văn học sử.

Ca khúc của tôi, như mọi người đã biết, về phần lời ca, đa số là do tôi soạn, còn một số là những bài thơ đã nổi danh hay chưa ai biết tới khi được tôi phổ nhạc. Lý do tôi thích phổ thơ cũng rất là giản dị. trước hết, tôi yêu thơ từ ngày còn bé. Lớn lên, tôi có nhiều bạn là thi sĩ làm thơ hay và làm cho tôi càng yêu thơ hơn lên. Cuối cùng, tôi có một người tình rất yêu thơ tiền chiến và làm 300 bài thơ tình tặng tôi.

Hành trình phổ nhạc những bài thơ hay của tôi xét ra cũng thật là dài. Khởi sự với thi phẩm của những thi sĩ đã thành danh như Cô Hái Mơ của Nguyễn Bính (1942), rồi tới Tiếng Thu (1945) rồi sau đó là Vần thơ Sầu Rụng, Hoa Rụng Ven Sông, Thú Ðau Thương của Lưu Trọng Lư. Tôi đến với Tiếng Sáo Thiên Thai của Thế Lữ vào năm 1952, với Ngậm Ngùi của Huy Cận và với Chiều của Xuân Diệu vào đầu thập niên 60. Những bài thơ của các thi sĩ lớn khác như Mầu Thời Gian của Ðoàn Phú Tứ, Tỳ Bà của Bích Khê, Con Qùy Lại Chúa Trên Trời của Nhất Tuấn cũng được tôi đem vào nhạc trong những ngày xa xưa đó.

Ngoài việc phổ nhạc những bài thơ đã trở thành thơ cổ điển của nền THƠ MỚI, vào những năm 60, tôi là người đóng góp vào việc phổ biến những bài thơ tình của lớp thi sĩ trẻ vừa mới được in ra hoặc chưa ai biết tới như : Kiếp Nào Có Yêu Nhau, Ðừng Bỏ Em Một Mình của Hoài Trinh, Mùa Thu Paris, Tiễn Em, Kiếp Sau, Bên Ni Bên Nớ, Về Ðây, Chiều Ðông của Cung Trầm Tưởng, Mùa Xuân Yêu Em của Ðỗ Quý Toàn, Tâm Sự Gửi Về Ðâu của Lê Minh Ngọc...

Thơ về chiến tranh/hoà bình và về tình yêu trong suốt 30 năm ly loạn ở trong nước cũng được tôi phổ nhạc rất nhiều như : Thanh Niên Ca của Ðào Duy Kỳ, Ðồi Tím Hoa Sim của Hữu Loan, Lời Mẹ Dặn của Phùng Quán, Kỷ Vật Cho Em của Linh Phương, Tưởng Như Còn Người Yêu của Lê Thị Ý, Khi Tôi Về của Kim Tuấn, Nhân Danh của Nguyễn Ðắc Xuân, Bi Hài Kịch của Thái Luân, Ði Vào Quê Hương của Hoa Ðất Nắng, Tình Khúc Trên Chiến Trường Tồi Tệ, Thầm Gọi Tên Nhau Trên Chiến Trường Tồi Tệ của Ngô Ðình Vận, Mười Hai Tháng Anh Ði của Phạm Văn Bình, Còn Chút Gì Ðể Nhớ của Vũ Hữu Ðịnh, Ở Rừng U Minh Ta Không Thấy Em của Nguyễn Tiến Cung, Chuyện Tình Buồn của Phạm Văn Bình... Ðó là chưa kể trường khúc CHIẾN CA MÙA HÈ gồm 13 bài thơ của Phạm Lê Phan mà tôi phổ nhạc trong Mùa Hè Ðỏ Lửa vào năm 1972.

Trong khoảng đầu của thập niên 70, tôi lại có diễm phúc là làm cho mọi người nhanh chóng biết tới hai hiện tượng về thơ là : thơ rất Ðạo của Phạm Thiên Thư: Ðưa Em Tìm Ðộng Hoa Vàng, Gọi Em Là Ðoá Hoa Sầu, Em Lễ Chùa Này... (nhất là mười bài thơ được phổ thành MƯỜI BÀI ÐạO CA), và thơ tình ngộ nghĩnh của Nguyễn Tất Nhiên: Thà Như Giọt Mưa, Em Hiền Như Ma Soeur, Hai Năm Tình Lận Ðận...

Ra hải ngoại, ngoài những bài thơ ngắn của Hà Huyền Chi như Mười Năm Một Chuyện Tình Buồn, Năm Ngàn Năm Về Trước, của Nguyên Sa như Vết Sâu, của Cao Tần như Thư Em Ðến, Mai Mốt Ông Về, của Viên Linh như Thủy Mộ Quan, của Nguyễn Xuân Quang như Mây Trôi Trôi Hết Một Ðời, của Duyên Anh như Có Bao Giờ Em Hỏi, Em, Anh Ðã Tới Paris và một loạt 5 tập thơ của Ngô Xuân Hậu nhan đề MỘ KHÚC I, II, III, IVV... tôi còn tung ra hai loại ca là Ngục CaHoàng Cầm Ca mà mọi người đều biết đó là thơ Nguyễn Chí Thiện và thơ Hoàng Cầm do tôi phổ thành ca khúc.

Thế là sau khi đã đi qua gần như hầu hết các nẻo thơ của Nền Thi Ca Việt Nam Hiện Ðại trong tuổi thanh xuân và tuổi giữa trưa rồi, bây giờ vào tuổi về chiều, hành trình phổ nhạc phải dẫn tôi tới THƠ HÀN MẶC TỬ và THƠ NGUYỄN DU.

Sau đây là bảng danh sách (chưa đầy đủ) của những bài thơ mà tôi đã phổ nhạc:

1942
Cô Hái Mơ (theo thơ Nguyễn Bính)

1945
Tiếng Thu (theo thơ Lưu Trọng Lư)

1947
Thanh Niên Ca (theo thơ Ðào Duy Kỳ)

1952
Tiếng Sáo Thiên Thai (theo thơ Thế Lữ)

1953
Thuyền Viễn Xứ (theo thơ Huyền Chi)

1958
Kiếp Nào Có Yêu Nhau (theo thơ Hoài Trinh)
Tình Quê (theo thơ Hàn Mặc Tử)
Hoa Rụng Ven Sông -- Vần thơ Sầu Rụng -- Thú Ðau Thương (theo thơ Lưu Trọng Lư)
1959 Mùa Thu Paris -- Kiếp Sau -- Chiều Ðông -- Về Ðây -- Bên Ni Bên Nớ -- Tiễn Em (theo thơ Cung Trầm Tưởng)

1960
Nhạc Cảnh Mầu Tím Hoa Trinh Nữ (theo thơ Kiên Giang)

1961
Ngậm Ngùi (theo thơ Huy Cận)

1962
Mộ Khúc (theo thơ Xuân Diệu)
Tâm Sự Gửi Về Ðâu (theo thơ Lê Minh Ngọc)
Nhạc Cảnh Chức Nữ Về Trời --
Nhạc Cảnh Tấm Cám (libretto của Năm Châu)
Quán Bên Ðường (theo thơ Bình Nguyên Lộc)
Mùa Xuân Yêu Em (theo thơ Ðỗ Qúy Toàn)

1966
Nhân Danh (theo thơ Nguyễn Ðắc Xuân)
Bi Hài Kịch (theo thơ Thái Luân)
Ði Vào Quê Hương (theo thơ Hoa Ðất Nắng)

1968
Kỷ Vật Cho Em (theo thơ Linh Phương)
Khi Tôi Về (theo thơ Kim Tuấn)

1969
Ðừng Bỏ Em Một Mình (theo thơ Hoài Trinh)
Tỳ Bà (theo thơ Bích Khê)

1970
Con Qùy Lạy Chúa Trên Trời (theo thơ Nhất Tuấn)
Mùa Thu Chết (theo Apollinaire)
Thu Ca Ðiệu Ru Ðơn (theo Verlaine)

1971
MƯỜI BÀI ÐạO CA Pháp Thân -- Ðại Nguyện -- Chàng Dũng Sĩ Và Con Ngựa Vàng -- Quán Thế Âm -- Một Cành Mai -- Lời Ru Bú Mớm Nâng Niu -- Qua Suối Mây Hồng -- Giọt Chuông Cam Lộ -- Chắp Tay Hoa -- Tâm Xuân (theo thơ Phạm Thiên Thư)
Ngày Xưa Hoàng Thị -- Ðưa Em Tìm Ðộng Hoa Vàng -- Em Lễ Chùa Này - Gọi Em Là Ðoá Hoa Sầu (theo thơ Phạm Thiên Thư)
Huyền Thoại Trên Một Vùng Biển (theo thơ Thái Phương Thư tức Phạm Thiên Thư)
Tình Khúc Trên Chiến Trường Tồi Tệ -- Thầm Gọi Tên Nhau Trên Chiến Trường Tồi Tệ (theo thơ Ngô Ðình Vận) Thôi --
Anh Yêu Em Vào Cõi Chết (theo thơ Nguyễn Long)
Mười Hai Tháng Anh Ði -- Chuyện Tình Buồn (theo thơ Phạm Văn Bình)
Tưởng Như Còn Người Yêu (theo thơ Lê Thị Ý)
Mầu Tím Hoa Sim (theo thơ Hữu Loan - sửa lại ca khúc đã soạn từ lâu)
Nụ Hôn Ðầu (theo thơ Trần Dạ Từ)

1972
Còn Chút Gì Ðể Nhớ (Vũ Hữu Ðịnh)
Rừng U Minh Ta Không Thấy Em (Nguyễn Tiến Cung)
CHIẾN CA MÙA HÈ Qua Cầu Ái Tử -- Bên Giòng Thạch Hãn --Lời Dặn Dò -- Suối Trăng Hờn -- Ðêm Hội Máu -- Một Tình Thương -- Ðêm Hội Pháo -- Bất Khuất -- Ðưa Mẹ Về -- Trị Thiên Yêu Dấu -- Sữa Trắng Rừng Xanh -- Mặc Niệm -- Xin Tha Thứ (theo thơ Phạm Lê Phan)
Khúc Lan Sầu (theo thơ Thanh Lan)
Xin Tình Yêu Giáng Sinh (theo thơ Trụ Vũ)

1973
Thà Là Giọt Mưa -- Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ -- Em Hiền Như Ma Soeur -- Anh Vái Trời -- Hãy Yêu Chàng -- Hai Năm Tình Lận Ðận (theo thơ Nguyễn Tất Nhiên

1975
Ta Yêu Em Lầm Lỡ (theo thơ Ðào Văn Trương)

1978
Thư Em Ðến (theo thơ Cao Tần)
Mưa Rơi Ở Ca Li (theo thơ Nam Lộc)
Những Mùa Ðông Dĩ Vãng (theo thơ Hà Huyền Chi)
Biển Máu (theo thơ Diệu Văn)

1980
Mây Trôi, Trôi Hết Một Ðời (theo thơ Nguyễn Xuân Quang)
NGỤC CA Từ Vượn Lên Người -- Ðảng Ðầy Tôi -- Ngày 19 Tháng 5 -- Xưa Lý Bạch -- Những Thiếu Nhi Ðiển Hình Chế Ðộ -- Tôi Có Thể --. Chuyện Vĩ Ðại Bi Ai -- Thấy Ngay Thủ Phạm --Nước Ðổng Trác Ðiêu Thuyền -- Sẽ Có Một Ngày -- Ðôi Mắt Trưương Chi -- Cái Lầm To Thế Kỷ -- Vì Ấu Trĩ -- Tia Chớp Này Vĩ Ðại -- Ôi Mảnh Ðất Nửa Trên Hình Chữ S -- Trong Bóng Ðêm -- Ðất nước Tôi -- Xin Hãy Giữ Mầu Trong Trắng -- Biết Bao Giờ Lời thơ Của Tôi -- Thời Ðại Hồ Chí Minh (theo thơ Nguyễn Chí Thiện)

1981
Sương Khói Tây Nguyên (theo thơ Lâm Hảo Dũng)
Người Tù Dũng Liệt (theo thơ Thái Tú Hạp)

1982
Anh Ði Từ Ðộ Ấy -- Bài Ca Dang Dở Cho Con -- Trinh Nữ Biển Xanh (theo thơ Nguyễn Long)
Mộ Khúc I -- Mộ Khúc II -- Mộ Khúc III -- Mộ Khúc IV -- Mộ Khúc V (theo thơ Ngô Xuân Hậu)
Tôi Phải Chết Từ Năm Ngàn Năm Về trước (theo thơ Hà Huyền Chi)
Mai Mốt Ông Về -- Xa Em Anh Về (theo thơ Cao Tần)

1983
Ðất Mẹ Và Ðôi Ta -- Bài Ca Tình Ái -- Cười Chung Một Nụ (theo thơ Trần Quan Thái)

1984
Có Bao Giờ Em Hỏi -- Em ! Anh Ðã tới Paris (theo thơ Duyên Anh)
HOÀNG CẦM CA Tình Cầm -- Lá Diêu Bông -- Qua Vườn Ổi -- Cỗ Bài Tam Cúc -- Ðạp Lùi Tinh Tú -- Trăm Năm Như Một Chiều (theo thơ Hoàng Cầm)
Mầu Thời Gian (theo thơ Ðoàn Phú Tứ)
Lời Mẹ Dặn (theo thơ Phùng Quán) 

1985
Bài thơ Xanh (theo thơ Vi Khuê)
Thủy Mộ Quan (theo thơ Viên Linh)
Vết Sâu (theo thơ Nguyên Sa)

1986
Từ Dạo Ta Buồn (theo thơ Cung Vũ)
Buồn Xưa -- Sao Em Biết Thu Về -- Tìm Người (theo thơ Hoàng Ngọc Ẩn) 1987
Mơ Về Đất Mẹ -- Hãy Trả Về Em -- Mộ Chiều Xuân (theo thơ Hoàng Ngọc Ẩn)
Mười Năm Chuyện Tình Buồn (theo thơ Hà Huyền Chi)

1990
Tình Như Biển Xanh Muôn Thuở -- Một Khắc Bay Chơi (theo thơ Trần Văn Nam)

1993
Tập HOA THÔNG THIÊN : Huyền Trân -- Người Em Xứ Huế -- Em Ðến Thăm Tôi -- Tôi Ðưa Em Về -- Thần Tượng -- Si Mê-- Sao Em Chẳng Nói -- Mừng Cưới -- Xin Làm Nhân Chứng -- Hoa Thông Thiên -- Em Tập Viết -- Nếu Em Hỏi -- Người Em Gái -- Lỗi Hẹn (theo thơ Ðào Tiến Luyện)
Ngựa Biển (theo thơ Hoàng Hưng)
Tôi Yêu (theo thơ Bạch Vân)
Tháng Mười Yêu Dấu (theo thơ Võ Hoàng Châu)
Lời Vọng -- Tháng Tư Không Quên (theo thơ Trần Thiện Hiệp)
Buồn Xưa -- Sao Em Biết Thu Về -- Tìm Người -- Xuân Chết -- Nếu Ngày Mai Tôi Chết -- Gửi Lại Em Yêu -- Mãi Tiễn Ðưa -- Hãy Trả Về Em -- Mộ Chiều Xuân (theo thơ Hoàng Ngọc Ẩn)
Ðá Soi Nhật Nguyệt -- Ảo Giác -- Lỗi Hẹn (theo thơ Thái)
Thuyền Say -- Lời Cuối (theo thơ Nguyễn Thị Thanh Bình)
Còn Cát Bụi Tìm (theo thơ Ngô Tịnh Yên)
Trường Ca HÀN MẶC TỬ Tình Quê -- Ðây Thôn Vỹ Dạ -- Dalat Trăng Mờ -- Trăng Sao Rớt Rụng -- Hồn Là Ai -- Trút Linh Hồn -- Lạy Bà Là Ðấng Tinh Truyền Thánh Vẹn -- Ôi Sứ Thần Thiên Chúa Gabriel -- Phượng Trì Ôi Phượng Trì (theo thơ Hàn Mặc Tử)

1994
Mặt Trời Buồn (theo thơ Mùi Qúy Bồng)
Thu Man Mác (theo thơ VTT Paris)
Mùa Xuân Hoa Thắm -- Nhớ Con Sông Ðà (theo thơ Danielle)
Ngàn Hôn Mộng (theo thơ Nguyễn T.)

1997
MINH HỌA TRUYỆN KIỀU - PHẦn MỘT Rằng Năm Gia Tĩnh Triều Minh -- Ngày Xuân Con Én Ðưa Thoi -- Thanh Minh Trong Tiết Tháng Ba --Ngổn Ngang Gò Ðống Kéo Lên -- Sè Sè Nấm Ðất Trên Ðường -- Ðau Ðớn Thay Phận Ðàn Bà -- Một Vùng Cỏ Áy Ác Tà -- Dễ Hay Tình Lại Gặp Tình -- Gốc Cây Lại Vạch Một Bài Cổ Thi -- Dùng Dằng Nửa Nửa Về -- Chàng Vương Quen Mặt Ra Chào -- Tình Trong Như Ðã Mặt Ngoài Còn E (theo thơ Nguyễn Du)

2002
MINH HỌA TRUYỆN KIỀU - PHẦN HAI Người Đâu Gặp Gỡ Làm Chi -- Lơ Thơ Tơ Liễu -- Một Buổi Êm Trời -- Biết Đâu Hợp Phố -- Đá Biết Tuổi Vàng -- Hán Sở Tranh Hùng -- Tư Mã Phượng Cầu -- Kê Khang Và Khúc Quảng Lăng -- Chiêu Quân Cống Hồ -- Càng Tỏ Hương Nồng -- Trăng Thề Còn Đó -- Càng Tỏ Hương Nồng -- Trăng Thề Còn Đó (theo thơ Nguyễn Du)

Trên đây là bản danh sách chưa đầy đủ của những bài thơ mà tôi đã phổ nhạc trong đó có một số bài không được tôi cho vào MỤC PHẠM DUY TỔNG QUÁT. Nay tôi xin được ghi những bài đó vào mục THƠ PHỔ NHẠC này để các bạn đọc và nghe lại những bài -- đa số là thơ tình -- đã một thời trở thành những ca khúc ghi lại khá nhiều những kỷ niệm buồn vui của các bạn... Và của cả riêng tôi nữa. 


Phạm Duy