32. Trên Ðường Tị Nạn - Phần 3
- Details
- Written by Phạm Duy
- Hits: 2694
Những Bài Hát Tâm Tình Lưu Vong
Dấu chân trên tuyết của một người lữ thứ
Như mồ chôn một quá khứ nặng nề
Dấu chân sâu đậm giữ nguyên niềm hờn tủi
Của một người xa nơi miền ấm, nắng vui...
DẤU CHÂN TRÊN TUYẾT (1979)
Xưa kia, thi sĩ Vũ Hoàng Chương có câu thơ Ðôi ta mất hết, chỉ còn nhau... Tâm tình này đúng là tâm tình của đa số những người bỏ xứ ra đi... Tôi thì cho rằng, nếu chúng ta còn nhau thì chúng ta chẳng mất gì cả:
CHỈ CÒN NHAU
(Midway City, CALIFORNIA-1978)
Ðôi ta mất hết, chỉ còn nhau
Chỉ còn trước sau
Niềm đớn đau với nỗi hận sầu
Buồn thương lai láng như biển sâu
Ðôi ta đã mất cả mộng mơ
Chỉ còn xác xơ, hình bóng xưa
Dĩ vãng mịt mù
Buồn như chiếc lá rụng, mùa Thu.
Ngồi lại đây, xin ôm chặt lấy
Bàn tay này chứa đựng hôm nay
Năm ngón gầy đưa nhau tìm lối
Năm ngón dài ve vuốt tương lai
Ngồi kề vai, hôn không từ chối
Vết thương lòng khép kín nghỉ ngơi
Rồi cùng đi xây duyên tình mới
Thế gian này sẽ bớt đơn côi.
Ta chưa mất hết, vì còn nhau
Còn cần khát khao, cần biết yêu
Biết giữ tình đầu
Tình hôm nay nối qua tình sau
Ta xây dĩ vãng của ngày mai
Bằng tình lứa đôi, dù ngắn hơi
Tiếng hát còn ngời
Tình ta như nắng mọc ngoài khơi
CODA
Ta chưa mất hết vì còn nhau
Cùng nhau nương náu trong ân tình sau.
Tôi đi tị nạn vào lúc đã hơn 50 tuổi. Cuộc sống -- cứ xin được gọi là ''lưu vong'' đi -- cô đơn, buồn tẻ, không đem lại cho tôi cảm hứng để soạn ra những bản nhạc tình ngọt ngào như xưa nữa. Có cố gắng đưa ra những bài hát tâm tình thì cũng chỉ là thứ tâm tình chẳng ai muốn nghe hay muốn hát. Trong một ca khúc, tôi cũng đã nói tới cảnh đàn đứt tung dây rồi! Không có đề tài, không còn đối tượng... chẳng nhẽ đời ca nhân này lại phải ngưng lại rồi sao ???
Thế rồi, vào năm 1983, tôi nhận được một lá thư Saigon của một người yêu nhạc, trong đó có dựa vào một câu hát cũ của tôi để đưa ra câu hỏi:
Năm năm rồi không gặp,
Mười năm mất nhau không ?
Như vớ được đối tượng và đề tài, tôi vội vã trả lời bằng một bài hát trong đó có tên những bài hát cũ.
NGHÌN NĂM VẪN CHƯA QUÊN
(Midway City, CALIFORNIA-1983)
Như một dòng sông nhỏ
Cuộc tình đã ra đi
Ra đi cùng năm tháng
Ra đi tít muôn trùng
Ôi ! Cuộc tình thơ mộng
Chỉ còn thoáng dư âm
Năm năm rồi không gặp
Mười năm mất nhau không
Có mất nhau không?
Thời gian là lệ úa
Nhỏ xuống tình không tên
Hỡi người miền xa lắc
Người còn nhớ hay quên
Làm sao mà quên được?
Ánh mắt với nụ cười
Ðêm tình nhân huyễn mộng
Tạ ơn người gối chăn
Nhớ xin tạ ơn đời, nghe không.
Như từng giọt máu nhỏ
Trở về trái tim khô
Con sông đời trăm hướng
Ðưa nhau tới vô thường
Ra nghìn trùng nước hẹn
Tìm lại mối cơ duyên
Năm năm dù không gặp
Mười năm vẫn chưa quyên
Vẫn nhớ chưa quên.
CODA
Trăm năm dù lỗi hẹn,
Nghìn năm vẫn không quên
Vẫn nhớ y nguyên...
Rồi cũng theo lề lối soạn bài hát mới tiếp nối bài hát cũ, tôi hình dung người thiếu nữ trong bài TRẢ LạI EM YÊU khi xưa, nếu còn sống, Nàng sẽ sống như trong bài hát:
GIỜ THÌ EM YÊU
(Midway City, CALIFORNIA-1983)
Giờ thì em yêu, em sống một mình
Ở miền quê hương chua sót tội tình
Giờ thì em sống với kiếp long đong
Ngày đêm khốn đốn đói khát quanh năm
Giờ đây bão tố trên vai hao gầy
Giờ thì đôi môi đã khô nụ cười
Em hỡi em ơi ! Em hỡi em ơi !
Ôi xưa em mềm mại
Mà nay, em tôi mệt nhoài
Bờ vai tóc rối
Nắng mưa dầu dãi
Ðường em đi, áo không còn bay
Ôi em yêu oằn oại
Em như quê hương huyền thoại
Gấm hoa đa tình
Giờ đây hấp hối trong cơn nhục hình.
Giờ thì tha phương, anh sống lạc loài
Ở miền đua chen, xa vắng tình người
Cuộc đời quay tít, choáng váng, chơi vơi
Rượu buồn có uống, cũng đắng thêm thôi
Giờ đây có khóc, có than hoặc cười
Chỉ thêm ứa máu vết thương một đời
Phải về quê hương, báo xong thù rồi
Ta sống bên nhau ! Em hỡi em ơi !
Trong công việc moi ra những bài hát cũ để sào nấu lại, tôi nhớ ra rằng 20 năm trước đây, tôi có soạn bài BÉ BẮT DẾ và vào lúc đó, con dế của tôi mới lên 10 tuổi. Bây giờ có thể con dế cũng đi tị nạn như chúng ta. Nó đã trưởng thành và nó vẫn chọn cái nghề hát rong. Tôi bèn soạn bài hát nói lên tâm sự của con dế tị nạn.
CON DẾ HÁT RONG
(Midway City, CALIFORNIA-1983)
ÐIỆP KHÚC
Những muốn theo mây vượt mấy tầng (1)
Theo thuyền về vực thẳm mông lung
Theo em về xứ sầu thiên cổ
Anh phải làm con dế hát rong !
Con dế đã theo làn mây lãng tử
Vượt khỏi trần gian vào ngủ vườn tiên tìm thấy lãng quên
Nhưng nhiều khi mây về đầu non
Mây làm tranh vân cẩu sầu thương
Ðời nơi cuối đường
Con dế hát trên từng mây trắng ngắt
Cho kẻ tù nhân nghe nhạc phù vân qua lỗ chấn song
Mây còn mưa cho nhẹ khổ oan
Những tình yêu kết hợp rồi tan
Làn mây man mác...
ÐIỆP KHÚC
Con dế đã đi vòng quanh bốn bể
Vượt nghìn trùng xa, một thuyền một ta gặp hết bến Mê
Bão nổi lên cho biển tả tơi
Cho thuyền ôm ta chìm vào khơi
Thuyền rơi xuống vực
Con dế muốn thăm bầy tiên đuôi cá
Ai ngờ gặp ngay nghĩa địa hồn ma dưới nước trôi qua
Ôi biển sâu thăm thẳm huyền mơ
Sinh vật ra đi từ nghìn xưa
ÐIỆP KHÚC
Con dế hát trong mùa Thu nức nở
Gọi người tình ! Ôi, gọi người tình ! Nhưng tình đã vắng xa
Em về đâu ? Em lạc về đâu ?
Anh còn đây ! Anh vào nghìn sau
Bằng muôn tiếng nhạc
Anh sẽ hát cho đời, cho muôn kiếp
Cho cuộc tình trên khắp nẻo đường xa, thế giới bao la
Thôi thì em đi vào mộng mơ
Anh còn đây anh soạn lời ca
Cho người tình không quen biết...
ÐIỆP KHÚC
--------------------------------------------------------------------------------
(1) Bốn câu thơ này, thi sĩ Trụ Vũ viết tặng tôi khi tôi vừa soạn xong bài BÉ BẮT DẾ
Tâm tình ca của tôi lúc này còn muốn nói lên sự chế ngự của thiên nhiên vào tâm hồn một con người tị nạn là tôi. Khi còn ở trong nước tình cảm thiên nhiên của nghệ sĩ thường tràn lan ra với lũy tre còm, làn khói rơm. Cảnh vật này quá quen thuộc, hiền lành, ngọt ngào, thân ái bởi vì mình sinh ra và lớn lên trong đó.
Bây giờ, chúng ta lìa bỏ một quê hương xinh xắn để ra đi, có khi phải vượt qua dăm ba đại dương, dăm ba lục địa rồi mới tới được nơi tạm cư (chưa phải là định cư vĩnh viễn), thiên nhiên bây giờ chế ngự ta, đè bẹp ta, và trong ta chỉ còn những nỗi buồn đại dương không đáy, những nỗi sầu đỉnh núi chơ vơ, những nỗi lạnh thị thành xi-măng Âu Mỹ. Bài hát sau đây nói lên điều đó:
NHƯ LÀ LÒNG TÔI
(Midway City, CALIFORNIA-1983)
Chiều nay ra đứng bên bờ đại dương
Biển âm u, vắng ngắt
Biển bao la một mầu tím ngát muộn phiền
Biển mênh mang niềm nhớ tiếc
Biển run lên từng đợt sóng biếc, ngỡ ngàng
Rủ nhau tới chết bên bờ biển hoang
Mặt trời cũng chết trong lòng biển sâu
Biển thương đau mấy kiếp
Biển đơn côi, biển còn nối tiếp cuộc sầu
Biển mông lung gào với gió
Biển hung hăng và làm bão tố nghiêng trời
Biển khơi nhức nhối như là lòng tôi...
Hãy lấp kín lại trùng dương
Cho tôi thôi buồn đại dương,
Tái sinh làm con suối vắng
Cho tôi xin là dòng sông
Nơi quê hương sạch và trong
Uốn quanh ngoài cánh đồng.
Bình minh lên núi, tuyết phủ đầy vai
Vùi thân trong buốt giá
Nằm chơ vơ một hàng núi đá chập chùng
Rừng xanh xao và chết cóng
Trời không cao và trời vắng bóng mây ngời
Mặt hồ băng kín như là lòng tôi
Rồi đi xuống phố không một người quen
Nhà xi măng cốt sắt
Mọc chênh vênh và làm khuất mắt người tình.
Ðường tuy đông mà quá trống
Ngày đi qua chỉ là những bóng không lời
Ðời nghe xa vắng như là lòng tôi !
Hãy quét tuyết sạch mùa Ðông
Cho non cao khỏi lạnh băng
Hãy về gặp nhau trên đất khách
Ta ôm nhau mà hỏi han
Ta gây lại tình thương
Sẽ thấy vui ở cuối đường.
CODA
Biển xanh, núi biếc hay vỉa hè kia.
Rồi đây thắm thiết như là lòng ta !
Thiên nhiên này quả rằng chưa hợp với chúng ta, những người Việt Nam đi tị nạn vào cuối thế kỷ 20. Hãy nhìn hình ảnh một bà mẹ quê Việt Nam đi co ro trên đường tuyết phủ và để lại dấu chân gầy gò nhỏ bé của bà. Tôi đã thấy cảnh này mỗi khi đi lưu diễn ở miền Bắc Mỹ. Ngoài ra tôi cũng còn thấy những vết chân trên tuyết của những kẻ mất vợ, những người xa chồng, những bước chân êm đềm của những đôi tình nhân hay những bước chân tung toé của lũ trẻ... tất cả đã in vào hồn tôi qua bài:
DẤU CHÂN TRÊN TUYẾT
(Midway City, California-1979)
Dấu chân trên tuyết của một người lữ thứ
Như mồ chôn một quá khứ nặng nề
Dấu chân sâu đậm giữ nguyên niềm hờn tủi
Của một người xa nơi miền ấm, nắng vui
Dấu chân be bé của mẹ già xứ nóng
Sao buồn hơn một vệt bước trong bùn
Dấu chân khô lạnh chứa muôn vàn khổ nhục
Của mẹ lìa con hay vợ lỡ xa chồng
Dấu chân tung toé, lũ trẻ thơ đùa rỡn
Dấu chân êm ái của vài lứa tình nhân
Cũng không che lấp nỗi sầu xa tổ quốc
Dấu chân bạc phước của người vắng quê hương
Dấu chân trên tuyết của bao người xa xứ
Tan dần khi làn nắng ấm Xuân về
Nếu trên con đường đã mọc loài cỏ dại
Thì còn hằn in một vài dấu chân người
Thì còn trong tim ta, đậm dấu chân người.
Sau khi soạn nhiều bài theo nhạc chủ âm (tonal), tôi quay về với nhạc ngữ dân ca Việt Nam để soạn một bài hát kêu gọi nghĩa đồng bào sau khi đã biết thế nào là tình nhân loại qua sự cứu giúp người tị nạn của nhiều người trong thế giới tự do.
TÌNH NHÂN LOẠI NGHĨA ÐỒNG BÀO
(Midway City, CALIFORNIA-1978)
Trời cho anh được hơn muông thú
Sinh ra đời với kiếp con người
Trời cho anh bộ tim khối óc
Cho linh hồn, cho biết buồn vui (láy)
Mẹ cho anh còn hơn thế nữa
Cho tấm lòng không thiếu không thừa
Niềm vui hay niềm đau thấp thoáng
Anh yêu người, dun dế còn thương (láy)
Tình nhân loại, nghĩa đồng bào
Chia cho nhau hột cơm manh áo
Tình nhân loại, nghĩa đồng bào
Tránh cho nhau máu chảy ruột đau (láy)
Gọi nhân loại, cứu đồng bào
Ðang kêu to : Tự Do yêu dấu
Gọi nhân loại, cứu đồng bào
Sống yên vui dưới mặt trời cao (láy)
Phật cho em bàn tay măng búp
Xoa cõi đời chan chứa đau buồn
Lệ em rơi thập phương, muôn hướng
Khi em nhìn thấy cõi trầm luân (láy)
Mẹ cho em một đôi mắt sáng
Cho em nhìn đất nước hoang tàn
Me ru em lời ru tranh đấu
Cho dân mình ra thoát lầm than (láy)
Tình nhân loại, nghĩa đồng bào
Chia cho nhau hột cơm manh áo
Tình nhân loại, nghĩa đồng bào
Tránh cho nhau máu chảy ruột đau (láy)
Gọi nhân loại, cứu đồng bào
Ðang kêu to : Tự Do yêu dấu
Gọi nhân loại, cứu đồng bào
Sống yên vui dưới mặt trời cao (láy)
Người van lơn, lạy ơn Thiên Chúa
Ban cho người Bác Ái, Khiêm Nhường
Xin mang tội thế giới gần xa (láy)
Mẹ xin cho người cầm vận nước
Hối tiếc vì đã rõ lỗi lầm
Gục đầu đi, Mẹ cho khiêm tốn
Khiến giống nòi sẽ thoát lầm than (láy)
Tình nhân loại, nghĩa đồng bào
Chia cho nhau hột cơm manh áo
Tình nhân loại, nghĩa đồng bào
Tránh cho nhau máu chảy ruột đau (láy)
Gọi nhân loại, cứu đồng bào
Ðang kêu to : Tự Do yêu dấu
Gọi nhân loại, cứu đồng bào
Sống yên vui dưới mặt trời cao (láy)
Ðời cho ta bàn tay sắt đá
Bước chân dài đi khắp cõi đời
Của thiên nhiên, của chung không chiếm
Chia nhau thì sẽ sống bình yên (láy)
Mẹ cho ta ngàn năm sử sách
Nước non mình bao lúc nguy nàn
Bàn tay ta, cùng giơ tay nắm
Thương nhau nhiều nên có Việt Nam (láy)
Tình nhân loại, nghĩa đồng bào
Chia cho nhau hột cơm manh áo
Tình nhân loại, nghĩa đồng bào
Tránh cho nhau máu chảy ruột đau (láy)
Gọi nhân loại, cứu đồng bào
Ðang kêu to : Tự Do yêu dấu
Gọi nhân loại, cứu đồng bào
Sống yên vui dưới mặt trời cao (láy)
Hát Cho Mọi Người
Cho tới lúc này, tôi chỉ chăm chú soạn nhạc cho người tị nạn, những người đã thoát ra khỏi địa ngục đỏ. Với bài hát này, tôi khởi sự hướng chủ đề sáng tác của mình về người ở trong nước.
HÁT CHO NGƯỜI Ở LẠI
(Midway City, CALIFORNIA-1978)
Hát cho người ở lại quê hương
Với tấm lòng sót thương vô vàn
Hát cho người trong họ hàng
Ðang biến thành ma đói lang thang
Hát cho từng bạn bè anh em
Chúng bắt dần nhốt sâu trong rừng
Hát cho người dưới mộ vàng
Ðã chết vì chế độ lầm than.
Hát cho người ở lại trong nước
Nếu còn sống cứ nuôi hờn căm
Hát cho người hùng đang cầm súng
Âm thầm đang phục quốc
Hát cho người ở vùng nông thôn
Hay người đang ở ngay phố phường
Ðồng bào ơi ! Vùng lên tranh đấu !
Ngày chiến thắng sẽ không lâu.
Hát cho người ở lại nơi quê
Chúng tôi thường vẫn mong ngày về
Nắm tay cười, xây lại đời
Nơi nước Việt yêu quý yên vui
Hát cho người tình vợi thương đau
Hát cho Mẹ với em quên sầu
Hát cho đời ! Hát cho người !
Quyết đấu tranh cho nước Việt tôi !
Thế là trong khoảng gần 10 năm lưu vong, tôi đã viết ra một số bài ca bao trùm tất cả những chủ đề trong đời sống tị nạn: sự thương nhớ quê hương, niềm oán thù Cộng Sản, biến cố boat people, hải trình gian nguy của thuyền nhân, nạn hải tặc, thân phận người đàn bà Việt Nam, tỏ tình với Mỹ Quốc v.v... Tôi gọi chung những bài đó là tị nạn ca. Tuyệt nhiên không có một bản tình ca nào được viết ra. Sự hiếm hoi của bài hát ái tình không cứ chỉ ở riêng tôi. Hình như không còn ai viết nhạc tình nữa !
Phạm Duy