26. Cho Tuổi Thơ
- Details
- Written by Phạm Duy
- Hits: 7945
Cho Tuổi Thơ
Xin Ði Lại Từ Ðầu
Sau một thời gian ngụp lặn trong vũng lầy của tâm ca, tâm phẫn ca, vỉa hè ca, tục ca, chiến ca, thương ca chiến trường... và cố bay lên để trốn tránh vào đạo ca thì vào năm 1972, tôi rơi xuống đất. Tôi rơi vào kỷ niệm, những kỷ niệm của rất nhiều người thuộc lứa tuổi tôi, lúc còn bé, còn ngây thơ trong trắng và được sống ở tỉnh nhỏ, có những buổi chiều đi giữa làng quê ruộng lúa rồi vì quá mê trời mây tía nên không nghe tiếng mẹ gọi về... Hoặc trong những đêm mùa khô ráo ngồi bên cha mẹ, nghe tiếng còi tầu xe lửa để mơ ước viễn du. Tôi nhớ lại kỷ niệm và xin đi lại từ đầu..
KỶ NIỆM
(Saigon-1966)
Cho tôi lại ngày nào
Trăng lên bằng ngọn cau
Me tôi ngồi khâu áo
Bên cây đèn dầu hao
Cha tôi ngồi xem báo
Phố xá vắng hiu hiu
Trong đêm mùa khô ráo
Tôi nghe tiếng còi tầu.
Cho tôi lại chiều hè
Tôi đi giữa đường quê
Hai bên là hương lúa
Xa xa là ngọn tre
Thấp thoáng vài con nghé
Tiếng nước dưới chân đê
Tôi mê trời mây tía
Không nghe mẹ gọi về.
Cho tôi lại nhà trường
Bao nhiêu là người thương
Không ai thù ai oán
Ai cũng bảo tôi ngoan
Tôi yêu thầy tôi lắm
Nhớ tiếng nói vang vang
Tôi theo tà áo trắng
Cô em bạn cùng trường.
Cho tôi lại một mùa
Mưa rơi buồn ngoại ô
Ðêm đêm đèn trong ngõ
Soi sáng mảnh tim khô
Tôi mơ thành triệu phú
Cứu vớt gái bơ vơ
Tôi mơ thành thi sĩ
Ðem thơ dệt mộng hờ.
Cho tôi lại còn nhiều
Cho tôi lại tình yêu
Tôi không cần khôn khéo
Tôi không đòi bao nhiêu
Cho tôi lòng non yếu
Dễ khóc, dễ tin theo
Cho tôi thời niên thiếu
Cho tôi lại từ đầu
Cho đi lại từ đầu
Chưa đi vội về sau
Xin đi từ thơ ấu
Ði vui và bên nhau
Trong tim thì sôi máu
Khoé mắt có trăng sao
Bông hoa cài trên áo
Trên môi một nguyện cầu.
CODA
(hát nhiều lần)
Cho đi lại từ đầu
Chưa đi vội về sau
Cho đi lại từ đầu
Chưa đi vội về sau...
Bé Ca
Tôi xin đi lại từ đầu cho nên tôi đi lại từ tuổi thơ ! Trong mấy chục năm qua, kể từ khi có Tân Nhạc cho tới lúc bấy giờ là năm 1972, soạn đủ mọi loại ca, nhưng tôi chỉ có hai bài hát nhi đồng là EM BÉ QUÊ và MỘT ÐÀN CHIM NHỎ mà thôi ! Bây giờ tôi muốn, trước hết phục hồi loại ''đồng dao cổ'' mà tôi cho là những bài thơ hay bài hát trong sáng nhất của thi ca bình dân Việt Nam. Tiếc thay, với sự xâm chiếm nước ta của thực dân Pháp và với sự áp đảo của văn hoá Âu Tây, cho tới đầu thế kỷ 20 này, đồng dao ở Việt Nam đã chết ! Không có một câu đồng dao mới nào được soạn ra để hát lên, dù Trương Tửu đã viết cuốn KINH THI VIỆT NAM. Nay tôi muốn đồng dao sống dậy, với âm điệu mới và nhịp điệu mới. Tôi còn muốn cho nó có thêm ý nghĩa mới, phù hợp với cuộc sống hôm nay nữa !
Sau công việc phục hồi vốn cũ, tôi muốn đi từ những bài đồng dao cổ (tức là bé ca của thuở xưa) đến việc soạn ra những bài hát mới cho trẻ em, dựa vào sự trong sáng của đồng dao. Tôi đặt tên cho loại ca này là bé ca. Một câu truyện nhỏ : Tôi gặp Vũ Khắc Khoan tại Santa Ana năm 1982, họ Vũ nói: '' Sao cậu không làm bài hát cho tuổi 60? '' Tôi trả lời: '' Có làm rồi đấy chứ... đó là bài Nhạc Tuổi Vàng''.
Bé ca nghĩa là chưa đi vội về... lão ca. Trước hết tôi đưa ra bộ ba (triptyque) ÔNG TRĂNG XUỐNG CHƠI, CHÚ BÉ BẮT ÐƯỢC CON CÔNG và THẰNG BỢM (dấu nặng)...
ÔNG TRĂNG XUỐNG CHƠI
(Saigon-1973)
Ông trăng xuống chơi cây cau thì cau sẽ cho mo
Ông trăng xuống chơi học trò thì học trò cho bút
Ông trăng xuống chơi ông bụt thì ông bụt cho chùa
Ông trăng xuống chơi nhà Vua thì nhà Vua cho lính
Ông trăng xuống chơi đền thánh thì cụ chánh cho mõ.
Ông trăng xuống chơi nồi chõ thì nồi chõ cho vung
Ông trăng xuống chơi cành sung thì cành sung cho nhựa
Ông trăng xuống chơi con ngưạ thì con ngựa cho tầu
Ông trăng xuống chơi cần câu thì cần câu cho lưỡi
Ông trăng xuống chơi cây bưởi thì cây bưởi cho hoa
Ông trăng xuống chơi vườn cà thi vườn cà cho trái
Ông trăng xuống chơi gái đẹp thì gái đẹp cho chồng
Ông trăng xuống chơi đàn ông thì đàn ông cho vợ.
Ông trăng trả vợ đàn ông
Trả chồng cô gái
Trả trái cây cà
Trả hoa cây bưởi
Trả lưỡi cần câu
Trả tầu cho ngựa
Trả nhựa cây sung
Trả vung nồi chõ
Trả mõ ông chánh
Trả lính nhà vua
Trả chùa cho bụt
Trả bút học trò
Trả mo cây cau.
Tôi thấy được trong ÔNG TRĂNG XUỐNG CHƠI một bài học về sự vật (lecon des choses). Người xưa dạy cho trẻ thơ biết rằng cây cau có mo, học trò có bút, ông bụt có chùa, nhà vua phải có lính v.v... Vì ông trăng đẹp quá nên ai cũng muốn tặng quà mỗi khi ông trăng xuống chơi trần thế. Luân lý của bài ÔNG TRĂNG XUỐNG CHƠI là ông ở trên trời, từ phía Ðông ông xuống chơi với chúng ta trong một đêm, rồi ông đi khuất về phiá Tây. Ông Trăng đẹp quá nên quyến rũ luôn cả những tình nhân nữa, khiến cho gái đẹp sẵn sàng cho chồng, đàn ông sẵn sàng cho vợ. Nhưng ông Trăng cũng không nhận luôn cả chuyện cho vợ cho chồng này. Ông trăng trả lại hết, trả lưỡi cho cần câu, trả tầu cho con ngựa, trả nhựa cho cây sung. Cuối cùng trả lính cho nhà Vua, trả chùa cho ông bụt, trả bút cho học trò, trả mo cho cây cau... ông trăng đi mất !
Bài CHÚ BÉ BẮT ÐƯỢC CON CÔNG là bài học về những con người quen thuộc trong gia đình. Chú bé ở trong bài đồng dao này, rõ ràng là có ông bà, có anh chị và có chú thím để làm công việc đổi chác. Trong gia đình nó, ai cũng thích con công mà nó vừa bắt được cho nên đem gà, chim tu hú, quả thị hay buồng cau ra để đổi lấy con công. Chú bé đồng ý, cho tới khi vì cái chuyện đổi chác mà gây ra đổ máu giữa chú và cô thì nó nghe lời của mợ, đòi lại con công, không đổi chác nữa!
CHÚ BÉ BẮT ÐƯỢC CON CÔNG
(Saigon-1973)
Bắt được con công, chú bé bắt được con công
Ðem về biếu ông, biếu ông, ông cho con gà
Ðem về biếu bà, biếu bà, bà cho quả thị
Ðem về biếu chị, biếu chị, chị cho quả tranh
Ðem về biếu anh, anh cho con chim tu hú.
Ðem về biếu chú, biếu chú, chú cho buồng cau
Ai ngờ đánh nhau, cô chú đánh nhau vÀơ đầu
Ôi thằng bé nào, bé nào mà không hoảng sợ
Thế rồi nghe mợ, nghe mợ trả lại buồng cau
Xin hoà với nhau, Cô ơi, cô ơi ! Cô, Chú !
Buồng cau trả chú
Tu hú hú trả anh
Quả tranh trả chị
Quả thị trả bà
Con gà trả ông
Nghe không chú bé...
Lấy lại con công, chú bé lấy lại con công
Lấy lại con công, chú bé lấy lại con công
Giữ chặt con công, chú bé giữ chặt con công
Giữ chặt con công, chú bé giữ chặt con công
Với bài THẰNG BỜM thì lần này tôi muốn đổi tên nó là THẰNG BỢM (dấu nặng) Theo tôi, Thằng Bợm sẽ không dại như Thằng Bờm khi xưa, chỉ đổi cái quạt mo lấy một nắm sôi nhỏ của Phú Ông, trong khi Phú Ông sẵn sàng cho nó đổi lấy năm con bò, chín con trâu, một sâu cá mè, một bè gỗ lim, thêm cả một con chim đồi mồi. Trong kết luận của câu đồng dao cổ, hình như ai cũng khen là Thằng Bờm thực tế, chỉ cần có nắm sôi ăn cho no bụng chứ không cần sự giầu sang của Phú Ông. Tôi thì cho là Phú Ông bóc lột Thằng Bờm. Lần này gập phải Thằng Bợm thì nó sẽ ôm tất cả mọi thứ của Phú Ông và cùng với chiếc quạt mo của nó, nó chạy luôn một mạch khiến cho Phú Ông chỉ còn có cách đứng kêu Trời...
THẰNG BỢM (*)
(Saigon-1973)
Thằng Bợm, thằng Bợm có cái quạt mo
(Phù phu) Phú Ông, Phú Ông muốn đổi (ý)
Ba bò chín trâu, Bợm chỉ lắc đầu.
Thằng Bợm, thằng Bợm nó chỉ lắc đầu
(Phù phu) Phú Ông, Phú Ông muốn đổi (ý)
Ao sâu cá mè, Bờm chỉ nín khe.
Thằng Bợm, thằng Bợm nó chỉ nín khe
(Phù phu) Phú Ông, Phú Ông muốn đổi (ý)
Dăm bè gỗ lim, Bợm chỉ im lìm
Thằng Bợm, thằng Bợm nó chỉ im lìm
(Phù phu) Phú Ông, Phú Ông muốn đổi (ý)
Con chim đồi mồi, Bờm chẳng hé môi.
Thằng Bợm Bợm, thằng Bợm chẳng hé (ý) môi
(Phù phu) Phú Ông, Phú Ông quyết đổi (ý)
Nắm sôi cho Bợm thì Bợm cười vang.
Một tay thì giữ quạt mo
Một tay nắm cổ ba bò chín trâu
Bợm chạy cho mau, là Bợm chạy cho mau
Cùng sâu cá mè
Cùng bè gỗ lim
Cùng chim đồi mồi
Cùng với nắm sôi
Bợm chạy đi thôi
Là Bợm chạy đi thôi
Mặc Ông kêu trời.
(*) Vào năm 1998, hãng sản xuất video THÚY NGA nhờ tôi soạn một tiết mục ca múa cho bài THẰNG BỜM do hai ca sĩ Ái Vân và Kiều Hưng đóng. Tôi lại có thêm một version khác cho câu ca dao cổ này, lấy chủ đề là sự giầu khó và sự thanh nhàn...
Ba bài bé ca đó xoay quanh vấn đề cho nhau và trao đổi với nhau. Cái gì tốt và hợp lý thì nhận. Cái gì không hợp lý và đem lại sự đánh nhau thì thôi, không trao đổi nữa. Và cũng chẳng bao giờ nên đánh lừa người thấp cổ bé miệng bằng sự đổi chác.
Bé ca sẽ đi tới những bài hát, tuy không khởi sự từ đồng dao nhưng nó vẫn nằm trong thế giới trẻ em như bài BÉ BẮT DẾ sau đây chẳng hạn. Nhưng ở đây, nó là một hát ám chỉ về thời cuộc nước ta của trong cảnh chiến tranh, dựa vào việc trẻ con Việt Nam thường hay đào lỗ bắt dế rồi đem về cùng nhau chơi trò chọi dế. Con dế nói rằng: ''Tôi là ca sĩ chứ không phải là võ sĩ ! Ðể tôi hát, đừng bắt tôi phải đánh nhau''!
BÉ BẮT DẾ
(Saigon-1974)
A ! Này bé ! Con dế nó đậu cành tre
Em bắt đem về hát xẩm mà nghe
Ðừng bắt đem về đánh lộn làm chi
Loài giun dế mang tội gì
Loài giun dế mang tội gì
A ! Này bé ! Con dế nó nằm ổ sâu
Ðào lỗ đem về cho ở hộp cao
Ðừng bắt dế nghèo đánh bể đầu nhau
Ðể dế nó phải buồn rầu
Ðể dế nó phải buồn rầu
A ! Này bé ! Con dế nó tội tình chi
A ! Này bé ! Con dế nó tội tình gì.
A ! Này bé ! Con dế nó ở đồng quê
Chinh chiến lan về, nó phải tản cư
Nó sống trên hè, quanh quẩn ngoại ô
Làm thân sống nương, ở nhờ
Làm thân sống nương, ở nhờ
A ! Này bé ! Con dế nó cùng chị ve
Trong mấy tháng hè, nó chỉ hoà ca
Mưa nắng thuận hoà cho đẹp ruộng ta
Con dế hát đẹp ngày mùa
Con dế hát đẹp ngày mùa
A ! Này bé ! Con dế nó ở miền quê
A ! Này bé ! Con dế nó ra kinh đô.
A ! Này bé ! Con dế nó ở nhà em
Nên nó cũng thèm coi truyền hình đêm
Nó thấy phi thuyền lên tận mặt trăng
Mà không thấy đâu Chị Hằng ?
Mà không thấy đâu Chị Hằng ?
A ! Này bé ! Con dế cúi đầu phục lăn
Nó hát khen rằng : Con người giỏi giang
Nhưng vẫn chê rằng : Thiếu hẳn tình thương
Lòng vẫn chứa đầy bạo cường
Lòng vẫn chứa đầy bạo cường
A ! Này bé ! Này bé ! Mau thuộc bài đi
A ! Này bé ! Cho dế nó coi Ti Vi.
A ! Này bé ! Theo dế ra tận bờ đê
Ðất sét đem về ta nặn đồ chơi
Nặn những tay người hay nặn bàn chân
Tặng cho những ai tàng tật
Tặng cho những ai tàng tật
A ! Này bé ! Theo dế ra trại định cư
Coi những ông già phá rừng trồng hoa
Chia sớt ngọt bùi với trẻ mồ côi
Ðời mới chúc người phục hồi
Ðời mới chúc người phục hồi
A ! Này bé ! Con dế xin vài hòn bi.
A ! Này bé ! Ðem biếu những em xa quê.
A ! Này bé ! Thôi nhé, dế còn phải đi
Ði hát câu vè trên nẻo đường xa
Ði tới quê mẹ nối lại tình cha
Và ca hát câu giải hoà
A ! Này bé ! Có lẽ dế về miền sông
Có lẽ lên rừng hát cùng loài công
Hay xuống cát vàng hát cùng hàng thông
Ở giữa cõi đời mịt mùng
Ở giữa cõi đời mịt mùng
A ! Này bé ! Con dế đến mùa phải đi
A ! Này bé ! Rồi sẽ có ngày trở về.
Bé ca thời nay tả thực hơn là mang những ẩn ngữ của đồng dao khi xưa. Nó muốn kết chặt thân tình anh em, như trong bài:
ÐƯA BÉ ÐẾN TRƯỜNG
(Saigon-1974)
Ðưa bé đến trường bằng xe anh đạp
Khi bước ra đường bình minh mới lên
Ba má đã khuyên mình nên đi sớm
Em hãy leo lên để anh đi liền
Ðưa bé đến trường từ nơi xóm hẹp
Qua những con đường vòng quanh đã quen
Ra tới công viên ngựa xe như nước
Len giữa đám đông chật như đóng nêm.
Trên xe, trên xe em nói huyên thuyên
Bao nhiêu, bao nhiêu chuyện cổ tích tiên
Anh tuy nghe luôn, anh vẫn quên liền
Thôi em, thôi em con dốc nghiêng nghiêng
Anh đang leo lên nghẹt thở đứng tim
Em im đi cho anh gắng anh đạp
Xe lăn bon bon chuông bấm kinh coong
Ðang đi em xin ngừng lại gốc soan
Cho em giơ tay em hái hoa đẹp
Thôi em, thôi em ta hãy đi mau
Không ai, không ai chờ đợi bé đâu
Anh nghe như chuông nơi mái trường reo...
Ðón bé ra trường, chiều mưa hoang lạnh
Manh áo tơi chùm cả em, lẫn anh
Thương chiếc xe xanh, nhỏ xinh ướt át
Nhưng ấm trong tim hồi chuông giáo đường
Ðón bé ra trường, chiều mưa xám xịt
Ði giữa hai hàng đèn đêm đứng im
Em bé co ro ngồi ôm tay lái
Anh cũng so vai còng lưng tiến lên.
Nhưng em không quên em nói, em khoe
Hôm nay cô cho mười điểm, thích ghê
Nhưng đôi tai anh, đâu có nghe gì
Thôi em, thôi em khi nước mưa tuôn
Xe đang đi trên đường hẹp đất trơn
Xin em im đi cho anh gắng anh đạp
Xe đi loanh quanh, mưa xuống nhanh nhanh
Chân anh, chân em tràn ngập nước văng
Anh em ca lên cho đỡ run lạnh
Ca lên, ca lên câu hát anh em
Ta thương yêu nhau, đời là cõi tiên
Nay mai xa nhau, kỷ niệm chẳng quên.
Ðưa đón em bằng một xe móp mẹp
Ðưa đón em bằng tình anh với em
Ðưa đón em sao mà vui tha thiết
Ðưa đón em như là đưa người tình
Mai mốt em thành người trong xã hội
Chức lớn sang giầu, nổi danh khắp nơi
Em có đi chơi bằng xe hơi mới
Xin chớ cán xe đạp của anh, bé ơi !
Xin chớ cán xe đạp của anh, bé ơi !
Luân lý của bài ÐƯA BÉ ÐẾN TRƯỜNG nằm trong câu hát chót. Bé ca ÐỐT LÁ TRÊN SÂN sau đây cũng nằm trong không khí nối liền gap generation.
ÐỐT LÁ TRÊN SÂN
(Saigon-1974)
Nếu bé yêu anh, anh mời đến ở
Dưới mái thô sơ, nơi vườn xanh cỏ
Ngày thì chia nhau sách đọc, mới cũ
Ðể chiều còn ra tưới vườn, quét lá
Quét lá trên sân, vun thành đống nhỏ
Bé sẽ cho anh cái quyền nhóm lửa
Mặt trời đã tan, giữa chiều êm gió
Một ngày ra đi với một chiều mơ.
Khói, khói lên nhỏ nhoi
Khói lên nhẹ hơi, khói lên lả lơi
Khói, khói lên đầy vơi
Khói lên tả tơi, khói lên mù khơi
Khói, khói lên đẹp ngời.
Bé có biết không khói mờ sắc huệ
Khói trắng khơi lên kỷ niệm êm nhẹ
Ngày nào xa xôi, cũng nhỏ như bé
Ngày còn mẹ cha, những chiều đốt lá
Khói nhắc cho anh những ngày vui khoẻ
Bóng dáng quê hương, những chàng trai trẻ
Hình ảnh quay tơ, cánh đồng thơm lúa
Nhạc hành quân xa, trên nẻo đường ta.
Khói, khói lên nhỏ nhoi
Khói lên nhẹ hơi, khói lên lả lơi
Khói, khói lên đầy vơi
Khói lên tả tơi, khói lên mù khơi
Khói, khói lên đẹp ngời.
Ðốt lá trên sân, nhớ từng đóm lửa
Bến nước đêm xưa, chuyến đò neo ngủ
Một bài dân ca ấm lòng quê cũ
Ngọt ngào lời ru, mối tình ngàn xưa
Ðốt lá trên sân, khói mờ cay toả
Nước mắt rưng rưng, anh nhiều mắc cở
Ngọn lửa làm anh mắt mờ thương nhớ
Chỉ làm cho em má hồng đẹp thêm.
Khói, khói lên nhỏ nhoi
Khói lên nhẹ hơi, khói lên lả lơi
Khói, khói lên đầy vơi
Khói lên tả tơi, khói lên mù khơi
Khói, khói lên đẹp ngời.
Một loạt những bài bé ca được cho ra đời trong năm 1974, nhưng tiếc thay, nó không có thời gian để phổ biến vì qua 1975 thì cuộc đời của chúng ta đang trôi đều đặn bỗng dưng xụp đổ ! Chúng ta đã mất hết ! Nói gì đến mấy bài hát ra đời đầu năm đó ? May cho tôi là hôm nay còn có cơ hội để nói tới bé ca.
Ngay sau mấy bài rất giản đơn, bé ca được phát triển mạnh trên hình thức. Bài BÉ, CÂY ÐÀN, NGÔI NHÀ XANH, ÐỒI CỎ là một câu chuyện hơi dài, được chia ra nhiều đoạn hát với nhiều tiết tấu. Nó kể chuyện ''... tôi đang đi trong một sáng mùa Xuân có nắng tươi hồng, thì thấy một em bé đang đứng ôm cây đàn bên ngôi nhà trên đồi xanh biếc... Tôi leo lên đồi và bé bắt tôi đánh đàn cho bé nghe. Ðánh đàn xong, bước xuống đồi nhìn lên, tôi bỗng thấy bé rất là lẻ loi... ''
BÉ, CÂY ÐÀN, NGÔI NHÀ XANH, ÐỒI CỎ
(Saigon-1974)
Một sáng mùa Xuân có nắng tươi hồng
Băng qua ngọn đồi chim hót mênh mông
Dưới gót chân anh, ướt mềm ngọn cỏ
Cơn gió ngỡ ngàng về đậu tóc nhung.
Vô tình ngang nhà mầu xanh lá cây
Có đàn bướm vàng chập chờn cánh bay
Thế rồi anh nhìn bên hàng rào cây
Thấy bé ôm đàn dịu dàng mắt ngây.
Có phải bé là những giọt sương trong ?
Ngủ trên bông cỏ, ở giữa cánh đồng
Có phải bé là, là nai mắt ngọc
Tay bé vụng về như tuổi bé không ?
Bé đưa tay ngang vừng trán ngoan hiền
Cười chào anh, trông như chim tên Quyên
Cây đàn thấp hơn mái đầu đôi chút
Anh ngỡ mình lạc vào cảnh thần tiên.
Bé đưa tay, nghiêng đầu bắt anh đàn
Một bài nghe vui như chim ca hoan
Anh chợt thấy xanh ngát trời trong mắt
Trong hạt huyền, nhạc rộn ràng thần tiên.
Chiều chuộng bé thơ, gặp gỡ tình cờ
Anh đàn cho bé tựa cửa nghe
Cho chú chuồn chuồn từ xa bay tới
Với bé, nghe đàn trong nắng vừa lên.
(solo nhạc guitare)
Một sáng mùa Xuân nắng soi trên đồi
Nắng đã lên rồi bên mái nhà vui
Nắng đã lên cao ươm vàng ngọn cỏ
Nắng sẽ tô hồng cuộc đời bé ơi !
Anh đàn xong rồi trả cho bé chơi
Bé cảm ơn bằng nụ cười rất tươi
Vẫy chào anh về, xuống đồi xa xôi
Bé đứng ôm đàn, một mình lẻ loi
Bé đứng ôm đàn, một mình lẻ loi
Bé đứng ôm đàn, một mình lẻ loi.
Bài TRONG TIẾNG ÐÀN CỦA ANH, TRONG TIẾNG CƯỜI CỦA EM là sự bổ xung cho bài BÉ, CÂY ÐÀN, NGÔI NHÀ XANH, ÐỒI CỎ. Kể từ khi tôi hay nói tới tiếng đàn trong những bài hát đầu đời cho tới nay -- nghĩa là mấy chục năm sau -- tôi mới lại có dịp nói tới tiếng đàn trong những bé ca.
TRONG TIẾNG ÐÀN CỦA ANH, TRONG TIẾNG CƯỜI CỦA EM
(Saigon-1974)
EM :
Trong tiếng đàn của anh, em thấy một niềm đau
Em thấy nỗi buồn theo tang tóc nơi quê nghèo
Trong tiếng đàn của anh, em thấy mối âu sầu
Rơi rớt theo giọt châu thương nữ, chốn giang đầu
Qua tiếng đàn của anh, em thấy nhạc Ly Tao
Em thấy như đời sao vun vút, sớm phai mầu
Ðôi khi đàn buồn thương, tức tối với nghẹn ngào
Ðã đứt dây thì sao cho nối được lòng nhau ?
Ôi tiếng đàn của anh, của anh !
ANH :
Trong tiếng cười của em, anh thấy một mầu xanh
Anh thấy khung trời thanh, anh thấy bao tia lành
Trong tiếng cười của em, anh thấy bao ân tình
Cho tái sinh niềm Tin nơi ngón tay bập bềnh
Trong tiếng cười của em, anh thấy tình Mẹ, Cha
Anh thấy đồng bào ta, không thấy đâu hận thù
Trong tiếng cười của em, anh thấy mối giao hoà
Anh thấy như trời xa cũng ghé lại gần ta
Ôi tiếng cười của em, của em !
EM :
Ôi tiếng đàn của anh, xin vẫn chẳng hề quên
Những oái oăm về trên non nước ta ngoan hiền
Ôi tiếng đàn của anh, xin vẫn chứa ưu phiền,
Nhưng cũng xin được vơi, vơi bớt chút oan nghiệt.
ANH :
Ôi tiếng cười của em, xin vẫn cứ cười vang lên
Ôi tiếng cười của em, xin vẫn mãi mãi êm đềm
Ôi tiếng cười của em trong những tiếng anh đàn
Ôi tiếng đàn của anh trong tiếng cười của em
HÁT CHUNG :
Ôi tiếng lòng của ta, của đôi ta !
Từ 1973 bước qua 1975, trong phạm vi bé ca, tôi đi từ đồng dao cổ phục hồi tới những bài nối liền hai thế hệ thiếu niên và thanh niên. Tôi cũng đưa bé ca lên hình thức nhạc kể truyện, nhạc thần tiên nên soạn ra những bài có nhiều đoạn khúc. Trong năm 75, tôi còn soạn được hai bài bé ca nữa.
Bài CON ỐC SÊN VÀ HÒN ÐÁ CUỘI thì đã quên, chỉ còn nhớ bài MỘT CON CHIM NHỎ TRÊN CÀNH YÊU THƯƠNG. Bài này thành ra lớn ca mất rồi !
MỘT CON CHIM NHỎ TRÊN CÀNH YÊU THƯƠNG
(Saigon-1975)
Một con chim nhỏ trên cành yêu thương
Cất tiếng ca đêm Việt Nam vô thường
Nhựa Hoà Bình loang nhành khô héo xuống
Mưa Hoà Bình gột tóc Mẹ sau gương.
Vòm tre lơi lả theo ngọn thùy dương
Nắng đã soi trên Việt Nam mơ màng
Ðồng cỏ xanh lơ đợi chờ cơn gió
Hoa nở đầy miền, bia mộ đường quên.
Vuông lụa trắng, quê nhà thơm hoa bưởi
Lá vườn sau, say trong giấc miên trường
Trưa quê nhà, trầm hương lời Mẹ hát
Tiếng vọng buồn như mưa xoá dòng sông.
Bờ núi cao trùng trùng quanh thơ ấu
Gió chiều lên rạng rỡ môi hồng
Xưa chim nhỏ vào rừng xanh sống
Nay trở về, theo cụm khói bên sông.
Một con chim nhỏ trên trồi cây non
Cất tiếng yêu thương Việt Nam vô vàn
Thảm cỏ mềm cho giọt sương lay lắt
Sông nằm dài, chờ kết bạn trăm năm.
Phạm Duy