17. Trường Ca
- Details
- Written by Phạm Duy
- Hits: 3099
Trường Ca
Tôi đã chủ trương những cuộc lên đường trong âm nhạc... thì còn cuộc lên đường nào thú vị hơn là đường đi vào quê hương với những trường ca ?
Trường Ca CON ÐƯỜNG CÁI QUAN được thai nghén từ 1954, vào lúc các cường quốc vừa chia đôi nước Việt Nam ra thành hai miền Quốc-Cộng với bản Hiệp Ðịnh Geneve. Tôi đang đi học nhạc tại Paris và bằng trường ca này, tôi phản đối sự chia cắt đó. Vào năm 1960, tôi hoàn tất phần còn lại của Trường Ca CON ÐƯỜNG CÁI QUAN.
Trường ca gồm 19 đoản khúc, đại đa số bài nằm trong âm giai ngũ cung và có thêm nhạc thuật chuyển hệ. Nhưng tôi cũng không ngần ngại pha trộn vào trường ca một số bài nằm trong âm giai thất cung Tây Phương.
Trường Ca CON ÐƯỜNG CÁI QUAN
(tặng người bạn đường)
Trường ca CON ÐƯỜNG CÁI QUAN đưa ra một lữ khách đi trên con đường xuyên Việt, đi từ Ải Nam Quan cho tới mũi Cà Mâu, đi từ ngày mới lập quốc cho tới khi đã hoàn thành xứ xở, đi trong lịch sử và lòng dân, đi tới đâu cũng có tiếng dân chúng địa phương ca hát chúc tụng lữ khách đi nối lền được lòng người và đất nước.
Trường ca CON ÐƯỜNG CÁI QUAN gồm có ba phần :
- Phần Thứ Nhất : Từ Miền Bắc, mang tính chất hào hùng của miền quê cha đất tổ.
- Phần Thứ Hai : Qua Miền Trung, với tình thương yêu chan chứa niềm xót xa.
- Phần Thứ Ba : Vào Miền Nam, tỏ sự vui mừng của con người đã cả thắng thiên nhiên để hoàn thành nước Việt.
Phần Thứ Nhất TỪ MIỀN BẮC
Mở đầu là tiếng hát vu vơ của một thôn nữ miền Bắc...
1. ANH ÐI TRÊN ÐƯỜNG CÁI QUAN
Cô Cắt Cỏ:
Hỡi anh đi đường cái quan
Dừng chân đứng lại
Dừng chân đứng lại
Cho em đây than đôi lời
Ði đâu vội mấy anh ơi...
Lữ khách trả lời...
2. TÔI ÐI TỪ ẢI NAM QUAN
Lữ Khách:
Tôi đi từ ải Nam Quan sau vài ngàn năm lẻ
Chia đôi một họ trăm con đã lên đường
Năm mươi người ngược núi rừng
Ðã dựng vòng biên ải
Năm mươi người trẩy theo sông tới khơi chừng
Tôi theo người vượt quan san
Ơi người ơi Ơi người ơi
Vẽ lối mòn gìn giữ quê hương ngăn dường giặc Hán
Tôi chưa về Ải Chi Lăng
Ơi người ơi Ơi người ơi
Dưới chiến bào người thấy băn khoăn thương ai đầu nguồn...
Người còn nhớ thương ai hơn là nàng Tô Thị lúc này đang đứng đợi người ở đầu nguồn. Nhưng người vọng phu lại khuyên người đi đừng có trở về, vì nếu người về thì nàng chẳng thành đá và chẳng còn được người đời thương mến nữa.
3. ÐỒNG ÐĂNG CÓ PHỐ KỲ LỪA
Tô Thị:
Ðồng Ðăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị (ý y a) đứng (a) chờ... đợi (ỳ) ai
Và khuyên người chẳng tái hồi
Cho ngàn năm được (ý y a) sống đời... vọng (a à) phu...
Người lữ khách đi trong miền thượng du. Có dân chúng vùng núi rừng hát tiễn đưa...
4. NGƯỜI VỀ MIỀN XUÔI
Dân thượng du:
Người về miền suôi đem theo tình người miền núi
Nhà sàn lả lơi đứng bên đường hoang vắng soi
Ðưa chân anh qua đồi
Cơm lam đem theo người
Lên cao anh ôm trời
Ðể dòng suối lẻ loi...
Lữ Khách:
Ðường về ruộng dưới ngát hương củi rừng gạo núi
Vượt tầm đèo khơi thấy con đường lúa tươi cười
Ðường về miền suôi biết bao đò bao quán mới
Ðường dài mà vui hỡi người bạn đường nặng vai
Rồi một ngày mai có qua nhịp cầu tả tơi
Nhìn bọt bèo trôi nhớ chăng mầu tóc xanh ngời...
Hát chung:
Ðường ngược đường suôi
Nhớ nhau vì chuyện đầu môi
Tạm biệt một nơi
Thấy nhau ở cuối chân trời...
Người lữ khách về tới vùng trung du. Qua đò ngang, gặp cô lái đò...
5. NÀY NGƯỜI ƠI
Cô lái đò miền trung du:
Này người ơi ghé bến (y) sang sông
Lên đường đi tới bõ công em chèo thuyền
Mừng người đi tìm thấy tình duyên
Con đường đất nước nối liền lòng dân.
Lữ khách:
Sông Thương ơi nước chẩy đôi ba dòng
Anh về Hà Nội một lòng, lòng yêu em
Sông Thương ơi nước đục người đen
Anh về thành phố không quên cô mình.
Lữ khách đã về tới Thủ Ðô miền Bắc...
6. TÔI ÐI TỪ LÚC TRĂNG TƠ
Lữ Khách:
Ra đi từ lúc trăng tơ, trăng một miền hoa cỏ
Trăng lên đầu của ô xa vẫn chưa mờ
Im nghe lời Thủ Ðô chào, ôi lời mừng đông đảo
Ði trong lịch sử dân ta, luống nghẹn ngào.
Lữ khách và dân chúng thủ đô:
Hai bên nhà cửa thân yêu
Ơi người ơi Ơi người ơi
Ðã mấy lần để đám rêu xanh thay mầu gạch ngói
Thăng Long buồn tủi chia phôi
Tháp, Tháp Rùa ơi Tháp, Tháp Rùa ơi
Gió tiễn người về đến quê hương câu ca giọng Hời.
Phần Thứ Hai QUA MIỀN TRUNG
Vào tới Miền Trung, thấy một lũ bé chạy ra đón lữ khách...
7. AI ÐI TRONG GIÓ TRONG SƯƠNG
Lũ trẻ:
Ai đi trong gió trong sương ơ
Phải mau ơ phải mau để mà tới người ơi
Kẻo đường ơi, người ơi còn xa
Kẻo đường ơi, người ơi còn xa...
Và một bà mẹ đang ru con...
8. AI VÔ XỨ HUẾ THÌ VÔ
Bà mẹ:
À á ơ a a à á ơi
Ai vô xứ Huế thì vô
Chớ sợ Truông nhà Hồ, chớ sợ Phá Tam Giang à ơi
À á ơ a a à á ơi
Ngó ra quê cha đường xa sông rộng
Ngó về quê mẹ núi lộng đèo cao
À á ơ a a à á ơi
Nhưng con ơi, con ngú ngủ sâu
Chứ nối lại nhịp cầu
Chứ đã có o ó ư... người đi
À á ơ a a à á ơi.
Qua thôn xóm, gặp lúc ngày mùa, lữ khách nghe thấy tiếng hò giã gạo.
9. AI ÐI TRÊN DẶM ÐƯỜNG TRƯỜNG
Dân làng:
Hò hô hò hò ơi hò
Ai đi trên đường là dặm đường
Ði mô mà vội vã à, cùng là hò khoan
Hố hô hò khoan
Hò hô hò hò ơi hò
Khoan khoan tôi mời là mời bạn
Vui là họp đoàn đêm nay chừ là à nay
Hố hô hò khoan.
Lữ khách:
Năm tê trong lúc sang Xuân
Tôi theo Công Chúa Huyền Trân tôi lên đường
Ðường máu xương đã lắm oán thương
Ðổi sắc hương lấy cõi giang san
Tôi đi theo bước ái tình
Ði cho trăm họ được hòa bình ấm no
Ðèo núi cao nghe gió vi vu
Thổi phấn son bay tới kinh đô.
Dân miền Trung:
Hò hô hò hò ơi hò
Anh đi trên đường là gập ghềnh
Mau mau đi kẻo lỡ a truyện tình nước non
Hố hô hò khoan.
Hò hô hò hò ơi hò
Mau mau đi kẻo là kẻo lỡ
Câu chuyện tình năm xưa là tình à xưa
Hố hô hò khoan.
Lữ khách muốn được như nàng Huyền Trân khi xưa, đi vào phía Nam bằng một tấm lòng, Lữ khách nghe thấy tiếng hát của Công Chúa vẳng lên từ những Tháp Hời...
... Công chúa Huyền Trân muốn nói rằng con đường thiên lý dù sao cũng không dài bằng con đường đi vào lòng người. Nàng mong lữ khách nối tiếp công việc đi vào đất nước và lòng người của nàng khi xưa.
10. NƯỚC NON NGÀN DẶM RA ÐI
Huyền Trân Công Chúa:
Nước non ngàn dặm (à a a) ra đi
Nước non ngàn dặm (à a a ra) đi
Dù đường thiên lý xa vời
Dù tình cố lý chơi vơi
Cũng không dài bằng lòng thương mến người
Bước đi vào lòng (ừ ư ư) muôn dân
Bước đi vào lòng (ừ ư ư) muôn dân
Bằng hồn trinh nữ mơ màng
Bằng tình say đắm ơi chàng
Ước nuôi dần hòa bình trong ái ân
Nhưng ánh Tháp vàng
Cây quế giữa rừng
Chỉ một mùa tang là hương là sắc (ứ) tan
Tàn cả tình yêu
Vì hận còn gieo
Ðất nước cháy theo với ngọn lửa thiêu
Mới hay tình nhẹ (è e e) như tơ
Mới hay tình nhẹ (è e e) như tơ
Mộng ngoài biên giới mơ hồ
Chẳng ngăn được sóng vỡ bờ
Với đêm mờ hồn về trên Tháp ma.
Lữ khách vội vã ra đi, và trong sớm tinh mơ nghe thấy giọng hò của cô gái Huế vẳng lên từ ngôi chùa Thiên Mụ bên sông Hương...
11. GIÓ ÐƯA CÀNH TRÚC LA ÐÀ
Cô gái Huế:
Ớ ơi hò ! Ớ hò ơi
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà điểm sương
Người về chưa ghé sông Hương
Ðã nghe tiếng gọi đôi đường đắng cay
Anh đi mau ơ để nối lại duyên may
Tình xưa là nghĩa cũ anh đắp xây cho thiệt bền
Ớ ơi hò ! Ớ hò ơi
Lữ khách cất tiếng hát qua đèo, vào vùng ven biển...
12. TÔI XA QUÊ NGHÈO RUỘNG NGHÈO
Lữ khách:
Hò hô hò hò ơi hò
Tôi xa quê nghèo là ruộng nghèo
Tôi leo qua cồn cát à, vượt đèo Hải Vân
Hố hô hò khoan.
Hò hô hò hò ơi hò
Tôi trông én liệng là từng đàn
Tôi gọi đàn chim ơi kià là à chim
Hố hô hò khoan.
Dân miền Trung:
Vua Lê dắt lính vô Trung
Anh theo Chúa Nguyễn vượt Cù Mông anh qua đèo
Ðể núi cao ngơ ngác trông theo
Ðễ tháp son thương nhớ trong chiều
Anh đi chân cứng đá mòn
Ði chưa thấy mỏi mà lòng còn say sưa
Biển thắm ru tiếng hát thiên thu
Làn gió xanh theo gót phiêu du.
Lữ khách:
Hò hô hò hò ơi hò
Lênh đênh ven bờ là biển sâu
Hương thơm là thoang thoảng à đất mầu miền Nam
Hố hô hò khoan
Hò hô hò hò ơi hò
Lênh đênh ven bờ là biển giàu
Nghe nhịp cầu đã nối tình là à xưa
Hố hô hò khoan.
Phần Thứ Ba VÀO MIỀN NAM
Lữ khách vào tới miền Nam, nghe tiếng hò của một cô gái...
13. ANH ÐI ÐƯỜNG VẮNG ÐƯỜNG XA
Cô gái miền Nam:
Hò ơ ơ ớ ơ... hò
Bớ anh đi đường vắng đường xa
Dừng chân đứng lại (i ì)
Hò ơ ơ ớ ơ... hò
Nghe em đây ca đôi lời
Chiều về trên cánh Ðồng Nai
Chờ người xây đắp ngày mai...
Và lữ khách mừng rỡ hát khúc hành ca...
14. NHỜ GIÓ ÐƯA VỀ
Lữ khách:
Nhờ gió đưa về, về miền gió chan hòa
Thơm lòng đất phù sa
Trời nắng huy hoàng, trời sưởi ấm con đường
Cho ta vô miền sông nước
Chiến đấu với sình lầy
Với thú dữ ư tràn đầy
Với lũ muỗi ư đặc dầy như đám mây
Chiến đấu với rừng tràm
Ta như ong từng đàn
Lập cuộc đời trên đất rừng hoang
Vào tới xóm dừa, vào vườn chuối la đà
Ôi là mát lòng ta
Bầu vú sữa tròn và mảnh trái thơm ròn
Hương sầu riêng ngọt ngon
Có mái tóc xuề xoà, có khoé mắt thiệt thà
Ðôi môi xinh hàm răng xít xa
Có áo ngắn mặn mà, có tiếng nói đậm đà
Người yên lành như một giấc mơ...
Cô gái miền Nam muốn được đi bên lữ khách trên con đường và trong cuộc đời.
15. ÐI ÐÂU CHO THIẾP THEO CÙNG
Cô gái miền Nam:
Ði đâu cho thiếp theo cùng
Ðói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam
Ví dầu tình có dở dang
Thì cho thiếp gọi đò ngang thiếp về...
Lữ khách:
Tới đây lạ xứ quen người
Trăm bề nhũn nhặn đừng cười tôi nghe
Ví dầu tình bén duyên thề
Thi xin kết bạn đền nghì trúc mai...
Từ biệt miền Bắc với tâm trạng của người chồng Nàng Tô Thị. Vào miền Trung với mối tình của Huyền Trân Công Chúa, nhưng tới miền Nam, lữ khách đã tìm được lương duyên ở cảnh và ở người. Lữ khách kết duyên cùng cô gái. Dân chúng miền Nam hát hò mừng đôi vợ chồng mới.
16. ÐÈN CAO CHÂU ÐỐC GIÓ ÐộC GÒ CÔNG
Dân chúng miền Nam:
Hò lơ hó lơ
Lắng tai nghe tiếng ai đang hò lờ
Hò lơ hó lơ
Ðèn nào cao cho bằng đèn Châu Ðốc
Gió nào độc cho bằng gió Gò Công
Vợ chồng son đã nuôi lòng ước mong
Thuận vợ chồng sẽ cùng tát Biển Ðông
Hò lơ hó lơ
Lắng tai nghe tiếng ai đang hò lờ
Hò lơ hó lơ.
Ðôi vợ chồng son cưỡi sóng Cửu Long Giang về miền Hậu Giang sinh sống.
17. CỬU LONG GIANG và VỀ MIỀN NAM
Ðôi vợ chồng trẻ:
Cửu Long Giang gió về vui trên sóng sông
Uốn quanh như chín con rồng ôm chặt đứa con
Người từ Tiền Giang đi về xa xăm
Cuối con đường say đắm là miền rộng thênh thang
Cửu Long Giang trôi về ôm ấp đất hoang
Thiết tha như gái yêu chồng trong chiều mênh mông
Người về Hậu Giang xây tổ uyên ương
Có cánh đồng lúa chín uốn mình trên sóng sông...
Ðôi vợ chồng trẻ và dân chúng:
Về miền Nam ôi quê hương mới ơi
Về Cần Thơ khơi kinh, khơi nước ngòi
Về Hà Tiên ta tiễn Chúa ra đảo khơi
Về Cà Mâu ta đốt biết bao lửa vui
Về miền Nam ta theo cơn gió đưa
Về miền sông ăn cá nướng thơm ngày mưa
Về đồng dưa ta tắm nắng vui đời ta
Về miền Nam... Về miền Nam
Người về đây trong gió bình an...
Thành lập xong cuộc đời trên đất miền Nam mầu mỡ, họ hát cám ơn...
18. GIÃ ƠN CÁI CỐI CÁI CHẦY và VỀ MIỀN NAM
Ðôi vơ chồng trẻ:
Giã ơn cái cối cái chầy
Ðêm khuya giã gạo, có mầy, có tao
Giã ơn cái nhịp cầu ao
Ðêm khuya vo gạo, có tao có mầy.
Dân chúng:
Về miền Nam đem theo sương gió xưa
Về đồng khô đem cơn mưa rét về
Người về đây thương nhớ lắm con đường xa
Về miền Trung, ra xứ Bắc yêu mẹ cha
Ðường từ xa đem ta đã tới đây
Chùa chiều nay rung chuông trên luống cầy
Người gửi ơn ra bốn phía chân trời mây
Ngẩng đầu lên dâng vút đóa linh hồn say
Ðường về đây... Ðường về đây
Trời về Tây nghe gió cuồng bay...
Lữ khách đã tới cuối con đường xuyên Việt. Tạm dừng chân, người mong con đường cái quan sẽ có ngày hết ranh giới để người được mãi mãi đi trong cuộc đời và trong tình người.
19. ÐƯỜNG ÐI ÐÃ TỚI
Toàn thể nhân dân:
Ðường đi đã tới... Lòng dân đã nối...
Người tạm dừng bước chân vui người ơi
Người mơ ước tới... Ðường tan ranh giới
Ðể người được mãi
Ði trong một duyên tình dài
Con đường thế giới xa xôi
Trong lòng dân chúng nơi nơi...
Thai nghén từ 1954
Bỏ dở dang trong những năm sau
Hoàn tất 1960
Trường Ca CON ÐƯỜNG CÁI QUAN chống đối sự chia cắt đất nước sau Hoà Hội Genève vào năm 1954. Trường Ca MẸ VIỆT NAM ra đời sau đó sẽ là lời kêu gọi đoàn kết giữa những người con của đất nước, trong một giai đoạn nhiễu nhương là khoảng 1963-64, với những cuộc chỉnh lý, xuống đường và với cuộc chiến tranh giữa hai miền đã gia tăng khốc liệt.
Trường Ca MẸ VIỆT NAM
(kính dâng Mẹ, tặng tuổi trẻ nước tôi)
Nếu CON ÐƯỜNG CÁI QUAN là một hành ca ghi lại bước tiến của dân tộc ta trên một sinh lộ nhất quyết không chịu chia cắt thì MẸ VIỆT NAM là một âu ca, ca tụng Mẹ Tổ Quốc và những Mẹ điển hình trong truyền kỳ lịch sử nước nhà, đề tài và cảm hứng nhắm dựa vào tình thương yêu và tính hiếu hoà, tính tình này đã sinh tồn mạnh mẽ trên đất ta và phải được truyền đi trong thế giới tàn nhẫn hiện tại.
Ðây là một trường ca trong đó, lúc trẻ tuổi, mẹ Việt Nam được biểu tượng bằng đất mầu tươi tốt, đa tình, nền tảng của gia đình, ruộng nương, làng nước. Khi đứng tuổi, mẹ hiện thân là núi non sắt đá, trong sự hi sinh ròng rã, vẫn bền bỉ đợi chờ và che chở người chinh phu chưa hết nợ đao binh. Mẹ còn âm thầm sót thương lũ con sông ngòi, có những đứa dại dột, hiếu thắng, phản bội mẹ vì sự tranh giành lẫn nhau, gây oán hận phân chia, làm nát tan lòng mẹ. Vào lúc tuổi già, mẹ trở thành biển cả đại lượng bao dung, kêu gọi và ôm đón đàn con giang hồ, thành công hay thất bại. Nước mắt vui mừng của mẹ lúc gặp con bốc lên trời cao làm mây đầy đặn và ấm áp, bay đi rửa sạch địa cầu bằng ơn mưa móc, nối chặt chu kỳ trường ca MẸ VIỆT NAM.
Trường Ca MẸ VIỆT NAM chia ra bốn phần:
- Phần I. - ÐẤT MẸ
- Phần II.- NÚI MẸ
- Phần III.- SÔNG MẸ
- Phần IV.- BIỂN MẸ
Phần I.- ÐẤT MẸ
1. MẸ TA
Mẹ Việt Nam, không son không phấn
Mẹ Việt Nam, chân lấm tay bùn
Mẹ Việt Nam, không mang nhung gấm
Mẹ Việt Nam, mang tấm nâu sồng.
2. MẸ XINH ÐẸP
Ðôi má tươi hồng, má tươi hồng, với bàn tay trắng
Nhỏ người vai lẳn, vú căng tròn, tròn lưng ong
Mẹ nằm phơi gió trăng
Ôi Mẹ Việt Nam
Nghiêng mắt xanh chải tóc mây ngàn
Mẹ Việt Nam
Bên bờ đại dương
Mẹ duỗi chân dài chờ mưa tuôn
Mẹ Việt Nam
Mẹ mong, mong chồng
Cũng như là ruộng sâu nông
Ruộng cứng hay mềm
Cũng êm đềm đón lưỡi cầy tìm da thơm
Mẹ cười trong gió sương
Ôi Mẹ Việt Nam
Dâng tấm thân nhuộm nắng nâu ròn
Mẹ Việt Nam
Ðây ruộng đồng trinh
Mẹ khát khao mầm, mầm tươi ngon
Mẹ Việt Nam
Trời Ðông ánh dương hồng
Cũng như chiều vàng mênh mông
Có đàn chim én lượn trên đất xinh
Chứa chan tình, là tình mong chờ
Mẹ Việt Nam.
3. MẸ CHỜ MONG
Mẹ chờ mong Ngày trông tháng đợi
Ðợi Thần Trai đội đá vá trời Với hồn Nữ Oa
Mẹ giơ tay đón
Với tình nước non
Mẹ còn chờ mong.
4. LÚA MẸ
Yêu nhau khi lúa chưa mòng
Thương nhau khi nắng khô đồng
Ôm nhau nghe nước mưa ròng
Chẩy vào lòng cập tình nhân
Bên nhau khi lúa xanh rờn
Chia nhau bông chĩu thơm vàng
Ðem nhau ra giữa sân làng
Nhìn đèn trăng kể truyện xưa
Xinh xinh bãi lúa xanh rì
Ngoan như cơn gió đêm hè
Nghe hơi dưới đất vỗ về
Một lời thề nặng tình quê.
Vươn vai lúa nhớn dậy thì
Mưa thu cưới lúa đem về
Nâng niu lúa chín tới kỳ
Kỳ nở hoa, đẹp lòng ta.
5. MẸ ÐÓN CHA VỀ
Mẹ đón cha về, đón cha về
Duyên thề chắp nối
Cuộc đời trôi nổi, vẫn tươi cười vì lòng vui
Ðời nghèo nhưng có đôi.
Ôi Mẹ Việt Nam
Năm tháng lo gạo gánh nuôi chồng, mẹ Việt Nam
Ðêm ngày thầm mong
Lửa bếp thơm nồng tình uyên ương, mẹ Việt Nam
Mẹ yêu, yêu chồng có khi Mẹ là Châu Long
Nợ trả thay chồng vẫn giữ lòng
Trắng như ngần và sạch trong.
Mẹ là tiểu Kính Tâm
Lên chùa giải oan
Ôi sót thương trẻ khóc trong vườn, trẻ con hoang
Ôi Mẹ từ bi
Giọt máu rơi này, Mẹ nhận là con, mẹ Việt Nam.
Việt Nam có anh hùng, mắt nhung và môi son
Giữa mùa Xuân giết giặc
Yêu nước non, hé môi cười
Nụ cười thanh bình
Mẹ Việt Nam.
Phần II.- NÚI MẸ
6. MẸ HỎI
Lính vua ! Lính chúa ! Lính làng !
Trời ơi ! Giết bao nhiêu giặc
Cho chàng, chàng phải đi ?
7. MẸ BỎ CUộC CHƠI
Gió mùa Xuân, Mẹ bâng khuâng hỏi :
Hoa trên đồi, hoa trên đồi sớm tối còn tươi
Giữa ngày xuân mới, giữa hội mùa vui
Sao vắng tiếng cười ?
Sao vắng bóng người ?
Tiếng trống, trống năm xưa, trống đổ, đỏ đêm khuya
Trên trường thành trăng ngả, cho tàn cuộc vui nhỏ
Cho ai tiễn đưa người
Ra đi chốn xa vời, hỡi ai.
Gió hè qua, Mẹ ra con hỏi
Khi trên đồi, khi trên đồi nắng quái chiều hôm
Có phải chàng Trương gốc miền Nam Xương
Xa vắng xóm làng vì cha ở chiến trường
Nắng sẽ sẽ không đi, bóng Mẹ ngả trên đê
In hình người chiến sĩ, cho Mẹ nhìn con trẻ
Con ơi hỡi cha kìa
Mau ra đón cha về với con.
8. MẸ TRONG LÒNG NGƯỜI ÐI
Ðồi cao, cao núi cao
Rừng sâu, sâu rú sâu
Cũng có, có lối leo đường trèo
Ðường treo, treo giữa đèo
Ðường dẫu, dẫu hiểm nghèo
Ðường ta, ta vẫn có lối theo
Ðường lên, lên núi Lam
Ðường sang, sang Thất Sơn
Ðường tới những chiến công ngọn nguồn
Hoành Sơn nghiêng dẫy nằm
Vạn kiếp chốn dung thân
Ðường đưa ta đến với người thương.
Ra đi còn nhớ ngày nao
Nuôi con Mẹ vẫn nguyện cầu
Người sinh ra có nhau
Phải thương nhau mến nhau
Nhưng đã có biết bao phen khổ đau
Giặc xâm lăng nước nhà
Phải cứu lấy đân ta
Thì ta lên núi với Mẹ già
Anh ơi ! Phải lính thì đi
Nơi quê em gìn giữ lời thề
Vườn dâu em đốn sâu
Trẻ thơ khôn lớn mau
Cho chiến sĩ bước theo tiếng Mẹ kêu
Mẹ giơ tay đón chào
Gìn giữ lũ con yêu
Vì yêu, con chiến đấu dài lâu.
9. MẸ TRẢ LỜI
Giữ dân ! Giữ nước ! Giữ làng !
Giữ thân cho Mẹ !
Cho nàng dậy con.
10. MẸ HOÁ ÐÁ
Gió mùa Thu, Mẹ ru con ngủ
Con vẫn chờ bóng cũ người xưa
Bốn nghìn năm qua, bóng về rồi đi
Bóng ngã chiến trường làm phân bón cánh đồng
Tóc núi đã phơi xương, máu nhuộm cả vai non
Ai làm dòng sữa cạn?
Xin mời Mẹ lên ngọn
Nghe tin nước vui mừng
Cho nên Mẹ ứa đôi dòng sữa ngon.
Gió mùa Ðông, Mẹ không thấy mỏi
Ðứng trông về, đứng trông về bốn cõi trời xa
Sót người nông phu chắp từng manh áo
Thương gái gánh về thùng bánh ế cuối ngày
Biết mấy nỗi thương vay, thấy trẻ nhỏ giơ tay
Con ngựa người vất vả, xe nặng nề qua ngõ
Thương thi sĩ hay buồn
Cho nên Mẹ hóa ra hòn núi cao.
Phần III.- SÔNG MẸ
11. MUỐN VỀ QUÊ MẸ
Chiều chiều ra đứng bờ sông
Muốn về quê Mẹ
Muốn về quê Mẹ
Mà không có đò !
12. SÔNG CÒN MẢI MÊ
Khoan hời hò khoan, ơi khoan khoan hò hò khoan
Ai bảo là sông, ơi sông không có đò ngang
Khoan hời hò khoan, ơi khoan khoan hò hò khoan
Ai bảo là sông, ơi sông không chờ người sang
Sông Hồng cuộn sóng lôi cuốn Sông Lô
Sông Ðà, Sông Ðuống trôi xuống Sông Cầu
Nghe Bạch Ðằng Giang chôn bao nhiêu xác quân Tầu
Sông nào cũng muốn đến trước tranh lấy công đầu
Khoan hời hò khoan
Sông còn ngổn ngang cho nên chưa được bình an
Khoan hời hò khoan
Sông còn mải mê cho nên chưa về Mẹ quê
Khoan hời hò khoan Khoan hời hò khoan
13. SÔNG VÙI CHÔN MẸ
Nhớ xưa, nhớ Mẹ, nhớ Mẹ xưa
Mẹ xuống sông rửa nhục anh hùng
Mẹ trôi trên dòng sông Hát
Nước ngược suôi đưa Mẹ đi muôn nơi
Nhớ chăng, nhớ Mẹ, nhớ Mẹ chăng?
Chôn đáy sông mối hận yêu chồng
Chàng Trương có buồn thương khóc
Rước Mẹ lên, nước thiêng sẽ giải oan
Nhớ Mẹ, nhớ Mẹ
Yêu đàn con, thương đàn con
Nên trao thân cho nước ngoan.
Nhớ Mẹ, nhớ Mẹ
Trên trường giang mong đàn con
Sông trôi xuốt đời trong trắng
Hỡi ôi ! Có ngày, có Mẹ vui
Ôm sóng bơi, vớt củi sông dài
Ngờ đâu sông đảo điên say máu
Nước cuộn mau khiến cho Mẹ chìm sâu.
14. SÔNG KHÔNG ÐƯỜNG VỀ
Khoan hời hò khoan, ơi khoan khoan hò hò khoan
Ai bảo là sông, ơi sông không dìm Mẹ oan
Khoan hời hò khoan, ơi khoan khoan hò hò khoan
Ai bảo là sông, ơi sông không đổi mầu luôn
Sông đỏ như máu tranh đấu sông nâu
Sông vàng xanh yếu kêu cứu sông giầu
Sông nhuộm vàng mau chia nhau uốn khúc khoe mầu
Sông rồng lôi kéo lũ rắn đi cắn sông đào
Khoan hời hò khoan
Sông tìm vẻ vang cho nên quên lời Mẹ khuyên
Khoan hời hò khoan
Không tìm tình thương cho nên không đường về tim
Khoan hời hò khoan
Khoan hời hò khoan.
15. NHỮNG DÒNG SÔNG CHIA RẼ
Nước đi là nước không về
Chia đôi dòng nước chia lià dòng sông
Chia đôi bên bờ bến lạnh lùng
Cho Ngưu Lang và Chức Nữ ngại ngùng
Chia đôi dòng sông Thương
Nước bên đục bên trong
Nước ân tình đổi thành ra nước căm hờn
Chia sông Gianh phân tranh mộng đồ vương
Chia con sông Bến Hải buồn thương
Nước yên vui từ nguồn
Bỗng gây nên điều buồn
Dòng lệ tuôn thành sông không có linh hồn
Chia anh em vì quên tiếng gia đình
Chia tay chân và cắt đứt ngang mình
Chia thân hình yêu đương
Cắt da thịt chia xương
Trái tim buồn còn hằn in vết thương lòng
Sông tang thương trôi nghiêng nhịp cầu sương
Cho thê lương điếm cỏ Hiền Lương
Nước sông trôi bềnh bồng
Thiếu bao nhiêu mặn nồng
Vì dòng sông, dòng sông chia rẽ đôi đường
Lũ con lạc lối đường xa
Có con nào nhớ Mẹ ta thì về.
Phần IV.- BIỂN MẸ
16. MẸ TRÙNG DƯƠNG
Sóng vỗ miên man như câu ru êm của Mẹ dịu dàng
Nước biếc mênh mông như đôi tay ôm của Mẹ trùng dương
Mẹ Việt Nam cho quê hương muối trắng
Thêm thơm mâm cơm mặn nồng
Me còn cho con
Luôn luôn tôm to cá lớn tươi ngon đầy thuyền
Mẹ hiền không lên bão tố
Mẹ già không đem nỗi khó
Mẹ là mẹ nhà cho mưa với gió hiền khô
Ngày ngày vươn vai
Ra khơi đón ánh dương soi con tim bồi hồi
Chiều chiều chơi vơi
Không nguôi thương thương nhớ nhớ con trong cuộc đời
Mẹ tìm con trong gió Bắc
Mẹ về phương Nam nắng gắt
Tình nhà mở cửa đem ra góp với bao la
Sóng vỗ êm êm như khuyên con nên trở lại Mẹ hiền
Gió rít thông reo như kêu con mau trở về Mẹ yêu.
17. BIỂN ÐÔNG SÓNG GỢN
Hà à a hơ ơ hờ
Biển là biển Ðông sóng gợn
Hà à a hơ ơ hờ
Biển là biển Ðông sóng gợn
Biển Ðông gợn sóng tư bề
Gọi thuyền viễn xứ quay về Biển Ðông
Hà à a hơ ơ hờ
Hà à a hơ ơ hờ
Sông ra đi từ khi non dại
Từ miền ngoài sông lại Việt Nam
Có từ Hi Mã Lạp Sơn
Cũng về biển Mẹ thành con một nhà
Hà à a hơ ơ hờ
Hà à a hơ ơ hờ
18. THÊNH THANG THUYỀN VỀ
Buồm căng, buồm căng, lộng gió, lộng gió thênh thang
Thênh thang thuyền về
Trên sóng trường giang, thênh thang thuyền về
Thuyền về trên lớp sóng vui, trên sóng vui
Thuyền về trên lớp sóng vui, vui vui vui là vui
Ðàn con về với, với, với biển khơi, khơi Mẹ già
Mẹ già đang đón chờ ta, đang đón ta
Mẹ già đang đón chờ ta, đang đón ta
Có đàn chim én, én, én từ xa về rồi
Quê ta đẹp lắm Mẹ ơi, ơi Mẹ ơi !
Quê ta đẹp lắm Mẹ ơi, ơi Mẹ ơi !
Biển êm sóng lặng, lăng, lắng nước nôi, nôi hiền lành
Về đây xây đắp mối tình, một mối tình
Về đây xây đắp mối tình ôi tình Việt Nam
Yêu nhà yêu nước, nước, nước và thương thương mọi người
Tình tính tang tang tính tình, yêu Mẹ già, thương Mẹ ta
Ðàn con nhớ, nhớ yêu nhau
Ðàn con nhớ, nhớ thương nhau.
19. CHỚP BỂ MƯA NGUỒN
Ðêm qua chớp bể mưa nguồn
Ðể người trong nước hết buồn lại vui
Vui buồn chút lệ rơi
Vui buồn khóc lại cười
Mẹ cười Mẹ bốc thành hơi
Mây từ biển quý lên ngôi trời già
Mây về khắp cõi đời
Mưa rửa lỗi con người.
20. PHÙ SA LỚP LỚP MÂY TRỜI CUỘN BAY
Triều dâng, triều dâng, ngọn sóng, ngọn sóng theo trăng
Theo trăng vào bờ, ôm lớp phù sa, theo trăng vào bờ
Ngọn triều dâng sóng nhấp nhô, sóng nhấp nhô
Ngọn triều dâng sóng nhấp nhô, xa xa xa là xa
Ðồng chua rộng nới, nới, nới thành ra, ra ruộng mềm
Ðền bồi cho máu về tim, lên cõi tim
Ðền bồi cho máu về tim, lên cõi tim
Có đàn cháu bé, bé, bé nhìn chim, chim ngoài trời
Mây bay đẹp lắm Bà ơi, ơi Bà ơi !
Mây bay đẹp lắm Bà ơi, ơi Bà ơi !
Làn mây trắng cuộn, cuộn, cuốn khắp nơi, nơi đợi chờ
Làn mây che nắng bốn mùa, cả bốn mùa
Làn mây che nắng bốn mùa, bốn mùa mộng mơ
Hay là cho nước, nước, nước Mẹ mưa, mưa ngọt bùi
Tình tính tang tang tính tình
Cho đời người thêm đẹp tươi
Vì đã biết, biết yêu nhau
Vì đã biết, biết thương nhau.
21. MẸ VIỆT NAM ƠI
Mẹ Việt Nam ơi ! Mẹ Việt Nam ơi ! (2 lần)
Chúng con đã về khát khao hơi Mẹ
Chúng con xin thề giữ thơm quê Mẹ
Cuộc đời rồi phai tàn sau thế giới
Chỉ còn tình yêu của Mẹ mà thôi
Ôi ! Mẹ Việt Nam ! (2 lần)
22. VIỆT NAM VIỆT NAM
Việt Nam, Việt Nam, nghe tự vào đời
Việt Nam, hai câu nói
Bên vành nôi: Việt Nam, nước tôi
Việt Nam, Việt Nam, tên gọi là người
Việt Nam, hai câu nói
Sau cùng khi lià đời
Việt Nam đây miền xinh tươi
Việt Nam đem vào sông núi
Tự Do, Công Bình, Bác Ái muôn đời
Việt Nam không đòi xương máu
Việt Nam kêu gọi thương nhau
Việt Nam đi xây đắp yên vui dài lâu
Việt Nam trên đường tương lai
Lửa thiêng soi toàn thế giới
Việt Nam ta nguyền tranh đấu cho đời
Tình Yêu đây là khí giới
Tình Thương đem về muôn nơi
Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người
Việt Nam ! Việt Nam !
Việt Nam quê hương đất nước sáng ngời
Việt Nam ! Việt Nam !
Việt Nam muôn đời !
Phạm Duy
Phụ chú:
Bài viết về Con Đường Cái Quan: http://phamduy.com/vi/am-nhac/truong-ca/con-duong-cai-quan
Danh sách Con Đường Cái Quan: http://phamduy.com/vi/theo-the/tag/2-con-duong-cai-quan
Bài viết về Mẹ Việt Nam: http://phamduy.com/vi/am-nhac/truong-ca/me-viet-nam
Danh sách Mẹ Việt Nam: http://phamduy.com/vi/theo-the/tag/8-me-viet-nam