15. Ca Hát Bốn Mùa
- Details
- Written by Phạm Duy
- Hits: 2674
Ca Hát Bốn Mùa
Tình Cảm Thiên Nhiên
Trong khi ràng buộc mình vào với hiện thực xã hội như vậy, tôi cũng đi vào thiên nhiên với những bài như XUÂN THÌ, XUÂN NỒNG... tiếp tục hơi thở của bài HOA XUÂN tôi soạn ra từ năm 1953.
HOA XUÂN
(Saigon-1953)
Xuân vừa về trên bãi cỏ non
Gió xuân đưa lá vàng suôi nguồn
Hoa cười cùng tia nắng vàng son
Lũ ong lên đường cánh tung ròn.
Hoa chẳng yêu lũ bướm lả lơi
Muốn yêu anh vác cầy trên đồi
Hay là yêu chiến sĩ nghìn nơi
Thấy hoa tươi cười bỗng thương đời.
Xuân ! Hoa còn tươi mãi
Hoa vì nhân thế biết xum vầy cuộc vui.
Xuân ! Hoa nở vì ai
Tay nhịp bàn tay cùng đắp xây ngày mai.
Có một chàng thi sĩ miền quê
Ngắt bông hoa biếu người xuân thì
Có một đàn em bé ngoài đê
Hát câu i, tờ đón xuân về.
Những đoàn người trên luống cầy nâu
Thấy hoa xuân phép lạ ra mầu
Bỗng nhủ lòng ra sức cầy sâu
Tiếng ca như thể tiếng kinh cầu.
Hoa bèn yêu bóng dáng cần lao
Bắt tay nhau tránh cuộc cơ cầu
Người cùng mùa đã thoát vực sâu
Sức hoa reo nở lúc Xuân đầu.
Xuân ! Hoa toả hương mới
Nhân quần ân ái đã kêu đòi niềm vui
Xuân ! Hoa là tình tôi
Ðua nở cùng ai, cùng luyến yêu mọi nơi.
Có một bầy thôn nữ nhìn hoa
Chúc cho Xuân vui vẻ thái hoà
Có một vài tóc trắng thầm mơ
Ước cho hoa nở mãi không già.
Bài XUÂN THÌ là sự phát triển đề tài và cảm hứng về một mùa Xuân Thái Hoà đã có trong bài HOA XUÂN.
XUÂN THÌ
(Saigon-1953)
Tình Xuân chớm nở đêm qua
Khi mùa chinh chiến đã lui ra ngoài đời
Ngày Xuân con én đưa thoi
Có người nhớ tới những lời yêu mến nhau.
Xa xa có tiếng kinh cầu
Chiều trên dương thế mang sầu mênh mông
Người đi giữa độ Xuân nồng
Nhìn nhau bỡ ngỡ rưng rưng lòng nhớ thương.
Tình thương nhân thế bao la
Yêu người năm trước (đã) khiến cho ta giận hờn
Và thương cây súng cô đơn
Hoa đào đã nở trên vết mòn chiến xa.
Ðường đi êm quá
Có phải giấc mơ đã thành tiếng thơ
Trời không mưa gió
Mẹ bế con thơ, con bú say sưa.
.........
Tình ra núi Bắc, non Ðông
Duyên về tới chốn Nam sông, Tây rừng
Gọi đàn chim trắng như bông
Tin lành đưa xuống khắp vùng trên nước ta
Êm êm tiếng hát trăng tà
Tình soi trên phím tay ngà gái trinh
Người ôm nhân loại trong mình
Cười tuôn nước mắt cho Xuân tình dấy men.
Bài XUÂN NỒNG là mùa Xuân ở miền Nam, không có mưa phùn, chỉ có bụi, chỉ có nắng. Vậy mà vẫn nên thơ.
XUÂN NỒNG
(Saigon-1956)
Trời xanh xanh quá, sáng soi bên nhà
Hương xuân la đà lọt cánh cửa qua
Ngoài trời tự do, lũ bướm quanh co
Theo đường tơ, ra ngoài nẻo mơ.
Có tiếng guốc kéo vang trên phố vắng
Ðưa tôi ra gặp ngay ánh nắng
Có tiếng hát giáo đường trong gió sớm
Ðưa tôi về cuộc đời đầm ấm.
Một mùa Xuân nóng giữa nơi kinh kỳ
Mưa bay không về, chỉ có bụi xe
Mặt trời phương Nam trong lúc Xuân sang
Yêu người dân, Xuân nồng tình doan.
Nắng khắp phố phường
Và Xuân ngay trông vườn
Hoa cười lên hương
Dừa cao nghe ngóng
Máu Xuân trong lòng
Tràn lan trong gió cong
Yêu một dòng
Dòng nước cuốn mênh mông
Xuân vờn trên sóng
Có cô nàng giặt áo cho chàng
Mặt phơi ngoài nắng...
Trời xanh xanh quá, sáng soi bên nhà
Hương xuân la đà lọt cánh cửa qua
Ngoài trời tự do, lũ bướm quanh co
Theo đường tơ, ra ngoài nẻo mơ.
Có tiếng guốc kéo vang trên phố vắng
Ðưa tôi ra gặp ngay ánh nắng
Có tiếng hát giáo đường trong gió sớm
Ðưa tôi về cuộc đời đầm ấm.
Một mùa Xuân nóng giữa nơi kinh kỳ
Mưa bay không về, chỉ có bụi xe
Mặt trời phương Nam trong lúc Xuân sang
Yêu người dân, Xuân nồng tình doan.
Cũng trong xu hướng ca hát bốn mùa và hoà mình vào với thiên nhiên, tôi soạn một bài hát mùa Thu:
TƠ TÌNH
hay là
TÌNH CA MÙA THU
(Saigon-1956)
Ðêm nay sương mờ bao phủ u ú
Như lòng thương nữ
Nhớ mấy cung đàn
Thương đường tơ
Mơ hiền hoà
Ðêm nay sương mờ bay toả a á
Như hồn câu thơ
Ngát khúc tình ca
Trong mùa Thu.
Có hương gây mùi nhớ
Ngỡ hương là tình duyên trong cõi bao la
Có trăng treo tình gió
Mây quên đường xưa
Hoa Thu nở trong tiếng tơ.
Ðêm Thu yêu kiều, hớn hở ơ ớ
Như lòng trinh nữ
Ðón gió muôn phương
Bay về đây
Hương ngọc ngà
Ðêm Thu mơ màng ru ngủ u ú
Những người yêu Thu
Có những tình tơ trong bài thơ.
Loại ca trữ tình và rất lãng mạn vì có sự tiếp súc với thiên nhiên như thế đó cũng được viết ra luôn luôn trong thời gian này. Từ bài Dạ LAI HƯƠNG cho tới bài CHIỀU VỀ TRÊN SÔNG, cảnh sắc của đêm thơm xứ Huế hay của sông nước miền Nam đều cho tôi những cảm xúc sâu đậm khiến cho tôi yêu cuộc đời này quá, khiến cho tôi yêu loài người hơn lên. Cả hai bài đều có tính cách mộ khúc hay dạ khúc (serenade) cho nên cũng không còn bị tôi trói vào hình thức dân ca Việt Nam nữa. Nó có thể giống như loại nhạc không lời của Âu Châu vậy...
DẠ LAI HƯƠNG
(tặng Thu Vân, Dạ Thảo)
(Huế-1953)
Ðêm thơm như một dòng sữa
Lũ chúng em êm đềm rủ nhau ra trước nhà.
Hiu hiu hương tự ngàn xa, bỗng quay về
Dạt dào trên hè, ngoài trời khuya
Ðường đêm sao yên vui, người đi quen lối
Tình trai nở bốn phương trời.
Ðàn em trong cơ ngơi
Nhờ đêm đưa tới những ai làm ngát hoa đời
Nhẹ bàn chân, hương đêm ơi !
Nhẹ bàn chân, hương đêm ơi !
Lung linh trăng lại về nữa
Cánh gió đưa hương ngả đầu mây phất phơ
Ðêm thơm không phải từ hoa
Mà bởi vì ta thiết tha tình yêu Thái Hoà
Ðời ngon như men say tình lên phơi phới
Ðẹp duyên người sống cho người.
Ðời vui như ong bay, ngọt lên cây trái
Góp chung mật sống lâu dài
Nhịp bàn tay nhân gian ơi !
Nhịp bàn tay nhân gian ơi !
Ðêm đêm trước khi ngủ kỹ
Lũ chúng em ân cần cầu hương lúc tân kỳ
Ðêm thơm thêm một lần nữa
Rồi hẹn nhau thương nhớ...
Bài hát có nhiều tình cảm thiên nhiên nhất là bài:
CHIỀU VỀ TRÊN SÔNG
(Saigon-1956)
Chiều buông trên dòng sông Cửu Long
Như một cơn ước mong ơi chiều
Về đâu, ơi hàng cây gỗ rong
Nghiêng mình trên sóng sông yêu kiều
Buồn tôi không vì sao bỗng dưng
Theo đò ngang quá giang, thương chiều
Bởi vì thương nhiều, nên nhớ Tình Yêu.
Bởi vì đời còn nhiều khi là mơ
Bởi vì đời còn nhiều khi thành thơ
Có khi vui lửng lơ, có khi tuôn sầu u
Bởi vì chiều buồn, chiều về dòng sông
Bởi vì tình đời nào chỉ thù oán
Hãy cất tiếng ca cho đời thêm buồn
Hãy cất tiếng ca cho lòng thôi khô héo.
Chiều buông trên dòng sông cuốn mau
Thương đời thương lẫn nhau trong chiều.
Về đây bọt bèo muôn khắp nơi
Vui buồn cho có đôi, không nhiều
Ngày mai sông về quê mến yêu
Cho trùng dương cũng theo hương chiều
Bể sầu không nhiều, nhưng cũng đủ yêu.
Phạm Duy