3. Nhạc Tình Ðầu Mùa Kháng Chiến
- Details
- Written by Phạm Duy
- Hits: 3145
Trong những năm đi theo thời cuộc để soạn nhạc hùng, tôi cũng không quên soạn nhạc tình. Năm 1942, với bài CÔ HÁI MƠ, đó là một bản ''tình ca ấp úng'', soạn cho một người tình tưởng tượng và không được trả lời. Bài CÂY ÐÀN BỎ QUÊN, soạn trên bãi biển Phan Rang lúc tôi đi theo cuộc Kháng Chiến Nam Bộ, cũng vẫn là thứ tình ca ấp úng, nói lên tâm sự của một chàng nhạc sĩ trẻ, không dám hỏi thẳng người đẹp mà chỉ dám tự hỏi mình, rằng: Người đẹp -- hay người đời -- yêu mình hay chỉ yêu cây đàn mà thôi?
CÂY ÐÀN BỎ QUÊN
(Bờ biển Phan Rang - Kháng Chiến Nam Bộ 1945)
Hôm xưa tôi đến nhà em
Ra về mới nhớ rằng quên cây đàn
Tình tang tính tính tình tang.
Ðêm khuya thao thức mơ màng
Chờ mai tìm đến cô nàng ngây thơ
Tình tang tính tính tình tang.
Hôm sau tôi đến nhà em
Cây đàn nằm đó nhưng em đâu rồi ?
Tình tang tính tính tình tang.
Bông hoa trên phím tươi cười
Người tiên tặng đoá hoa đời xinh xinh
Tình tang tính tính tình tang.
Tôi nâng niu cây đàn, tình tang
Ðem về say đắm, tôi nâng niu hoa tàn
Tình tang tính tính tình tang.
Khi bông hoa úa vàng, tình tang
Lòng tôi vấn vương, nhớ người hay nhớ hương ?
Tình tang tính tính tình tang.
Ðàn ôi ! Thôi cứ lên tiếng than
Hay cứ reo nỗi hoan
Trên đường lên viễn phương
Tang tình tang tính tang.
Người ôi ! Tôi thường hay muốn biết
Với tình hoa thắm thiết
Yêu tôi hay yêu đàn ?
Yêu tôi hay yêu đàn ?
Tình tang tính tính tình tang.
Bài KHỐI TÌNH TRƯƠNG CHI tôi soạn ngay sau đó là cũng chỉ là một bản tình ca ấp úng, câm lặng mà thôi. Nó ra đời cùng lúc với bài TRƯƠNG CHI của Văn Cao. Văn Cao thì nói lên tâm sự của anh Trương Chi. Tôi thì làm công việc kể lại một truyện tình trong đó, hai người tình không nói với nhau một điều gì cả.
KHỐI TÌNH TRƯƠNG CHI
(Huế - 1945)
Ðêm năm xưa khi cung đàn lên tơ
Hoa lá quên giờ tàn
Mây trắng bay tìm đàn
Hồn người thổn thức trong phòng loan
Ðêm năm xưa nghe cung đàn gây mơ
Âu yếm nâng tà quạt
Hôn gió đưa về thuyền
Tưởng người trên sóng ru thần tiên.
Êm êm êm dần lan
Cung Nam Thương mờ vang.
Em yêu ai bờ sông nhớ thương ai trong đàn
Xa xa xa rồi tan
Cung Nam Ai thở than.
Ai thương em lầu buồn mỗi lúc khuya tàn cung
Dứt khúc đàn, lòng em thấy đê mê.
Ôi tiếng đàn, lời không mong ước thề
Ðã thấy tàn đời, không thấy xuân về
Khi tiếng ai hò khoan.
Tương tư một khối u sầu
Ðợi chờ trăng lên để tan hết thương đau
Mi em nước mắt hoen mầu
Tóc chẩy ngàn hàng môi thắm còn đâu.
Ðêm năm xưa tương tư người hò khoan
Ôm ấp bao mộng vàng
Cho tới khi gặp chàng
Thì đành tan vỡ câu chờ mong.
Ðêm năm xưa trên con thuyền lẻ loi
Khi chót yêu người rồi
Xa cách nhau vì đời
Tủi hờn duyên kiếp bao giờ nguôi.
Ðêm năm xưa ôm mối tình dở dang
Chôn đáy sông hồn cầm
Ai chết đêm nguyệt rầm
Nợ tình còn đó chưa trả xong.
Ðêm năm xưa chưa nguôi lòng yêu ai
Duyên kiếp trong cuộc đời
Ðem xuống nơi tuyền đài
Ðể thành ngọc đá mong chờ ai.
Êm êm êm dần trôi
Bao năm qua dần phai
Ai xui nên ngọc kia vấn vương nơi lâu đài
Tay dâng lên một khay
Tim anh Trương Chi là đây
Trong đêm khuya tiệc trà vui bóng gia đình ai.
Rót nước vào, chợt thấy bóng ngư lang
Quanh chén trà, thuyền trôi theo tiếng đàn
Có tiếng người vọng câu hát u buồn
Ai oán câu hò khoan.
Nâng niu một chén âm hồn
Mộng tình trăm năm nằm trong đáy ly gương.
Khi xưa duyên chót phũ phàng
Thiếp trả nợ chàng, nước mắt này dâng
Ðêm năm xưa yêu dấu người xa xăm
Nâng chén trong lầu buồn
Thương nhớ nơi ngàn trùng
Lệ sầu tuôn xuống câu hò khoan.
Ôi duyên xưa ai đã trả cho ai
Cho chén tan thành lời
Ðể thành bài hát ru lòng tôi.
Qua năm 1946, tôi cộng tác với một trong hai phòng trà đầu tiên ở Hà Nội là Quán THIÊN THAI ở phố Hàng Gai, nơi đó tôi ''lăng xê'' một giọng hát mới mẻ tôi đặt tên là Thương Huyền (vì tên thật là Thường). Là người đầu tiên hát Tân Nhạc một cách xuất sắc, Thương Huyền sẽ được chính quyền ban cho cái tên ca sĩ dân tộc. Lúc này tôi sống gần gũi với Văn Cao của thời kỳ SUỐI MƠ, BẾN XUÂN, CHIẾN SĨ HẢI QUÂN... Tôi cũng sống chung với một vũ nữ của HANOI BAR tên là Ðịnh để soạn bản nhạc khiêu vũ nhan đề TÌNH KỸ NỮ. Ðáng lẽ ra, phải gọi bài này là TÌNH KỊ NỮ thì mới đúng với nghề ''cavalière'' tức là nghề ''taxi girl'' của nàng.
TÌNH KỸ NỮ
(Hà Nội - 1946)
Ðêm nay đôi người khách giang hồ
Gặp nhau tình trăng nước
Sánh vai nhịp bước mơ hồ
Kề vai ước xây nhà bên suối
Kề môi ước gây vài đường tơ.
Ðêm nay hương tình bốc mơ màng
Huyền âm buồn lai láng
Thướt tha hình dáng yêu kiều
Bền không hỡi duyên tình kỹ nữ ?
Dài không hỡi cung đàn thờ ơ ?
Ta ôm người đẹp mong manh
Bên nhau mà hồn xa vắng
Ta nâng niu làn dư âm
Của khách năm xưa yêu nàng.
Ðêm nay khi tàn giấc mơ vàng
Ngồi đây sầu ngơ ngác
Ngắm bao tình khách giang hồ
Lòng ta nhớ duyên tình kỹ nữ
Lòng ta nhớ cung đàn mùa xưa.
Một Bài Ca Xã Hội
Ðây là lúc Văn Cao và tôi hay la cà tại các nơi ăn chơi. Sống như loài vạc trong đêm, tôi soạn ra một bài tân nhạc đầu tiên mang tính chất xã hội.
TIẾNG BƯỚC TRÊN ÐƯỜNG KHUYA
(Hà Nội - 1946)
Tiếng chân ngân dài từ từ đi ngoài đêm thâu
Tiếng chân dưới lầu, ôi tàn mộng Bích Câu
Ôi tiếng chân ai mang dài năm tháng
Ôi tiếng chân ai đã tàn tuổi thơ
Có phải đó là bước chân miệt mài của người ăn chơi
Vừa lăn ra khỏi chốn yên hoa
Mang mùi hương úa
Hay đó là người nào đi, khóc cuộc từ ly
Ðêm tối chân tần ngần
Thương bóng ai tàn Xuân
Nhưng tiếng chân sao vẫn còn rên xiết
Nhưng tiếng chân sao vẫn còn tha thiết
Vẫn còn kể lể
Vẫn còn đê mê
Vẫn còn ê chề..
Ôi bước chân nào rầu rầu
Chen tiếng mưa Ngâu
Ôi bước chân sầu
Vọng lời ai oán dân nghèo
Ôi tiếng cơ cầu
Lên với trời cao
Ôi tiếng kêu gào không mầu.
Có phải đó là bước chân ngậm ngùi của người lầm than
Âm thầm trong đêm vang lời ưu phiền . . . . . . . .
Tiếng chân cứ dần từ từ đi vào đêm mưa.
Tiếng chân thẫn thờ đi vào hồn tôi...
Phạm Duy