1. Bước Đầu
- Details
- Written by Phạm Duy
- Hits: 3743
... Tôi bắt đầu đi vào âm nhạc vào năm 1942 với bài thơ CÔ HÁI MƠ của Nguyễn Bính do tôi phổ thành ca khúc. Cũng cần kể thêm một số bài thơ khác của Huy Cận, Xuân Diệu... mà tôi phổ nhạc dở dang và bài CON ÐƯỜNG VUI mà tôi cùng Lê Vy, một thanh niên rất giỏi nhạc ở Hưng Yên, soạn ra vào trước và sau đó...
Bài CÔ HÁI MƠ là một trong những bài ca cải cách sơ khởi của nền Tân Nhạc Việt Nam. Trong những năm 1943-45, tôi có may mắn là người ca sĩ đầu tiên đi khắp mọi nơi ở trong nước để biểu dương một loại nhạc mới mẻ và rất hấp dẫn so với những loại nhạc cổ đang đi vào quên lãng. CÔ HÁI MƠ được phổ biến trong dịp này...
CÔ HÁI MƠ (theo thơ Nguyễn Bính)
Thơ thẩn đường chiều, một khách thơ
Say nhìn xa rặng núi xanh mờ
Khí trời trong sáng và êm ái
Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ.
Hỡi cô con gái hái mơ già!
Cô chửa về ư ? Ðường còn xa
Mà ánh chiều hôm dần sắp tắt
Hay cô ở lại về cùng ta.
Nhà ta ở dưới gốc cây dương
Cách Ðộng Hương Sơn nửa dặm đường
Có suối nước trong tuôn róc rách
Có hoa bên suối ngát đưa hương.
Cô hái mơ ơi ! Không trả lời tôi lấy một lời.
Cứ lặng mà đi, rồi khuất bóng
Rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi.
Bài CÔ HÁI MƠ được tôi trình diễn trên sân khấu lưu động của gánh hát Ðức Huy-Charlot Miều cùng với những bài khác như BUỒN TÀN THU của Văn Cao, CON THUYỀN KHÔNG BẾN của Ðặng Thế Phong, BẢN ÐÀN XUÂN của Lê Thương... Tôi cũng là người đầu tiên hát nhạc cải cách trên Ðài RADIO INDOCHINE vào năm 1944. Những bài hát trên sân khấu và Ðài Phát Thanh lúc đó đều thuộc xu hướng nhạc tình, rất phù hợp với cảm quan của mọi người -- nhất là đám thanh niên -- đang muốn có sự đổi mới trong âm nhạc Việt Nam.
Chương trình của Ðài RADIO INDOCHINE trong một tuần lễ Có 2 mục nhạc cải cách do Phạm Duy trình bày
Một bài báo của Thần Ðiện Tử (Nguyễn Văn Cổn) về tài tử Phạm Duy
Rồi vì nhu cầu của sân khấu, của chương trình radio, tôi cần phải có thêm những bài hát khác với những bài tình cảm ướt át đó, đồng thời cũng để hưởng ứng luôn Một xu hướng mới của các nhạc sĩ trẻ thời bấy giờ, tôi khởi sự soạn nhạc hùng sau khi xu hướng nhạc tình đã được khai thác triệt để trên sân khấu lưu động và trên Ðài Phát Thanh kể trên.
Lúc đó lại là lúc có biến động lớn trên thế giới là cuộc Thế Chiến II. Chế độ thực dân tại Ðông Dương lung lay đến tận gốc khi người Pháp ở thuộc địa này bị Quân Ðội Nhật giải giới. Trong dân chúng đã có nhiều hi vọng giành lại được Ðộc Lập Tự Do. Và lũ nhạc sĩ trẻ chúng tôi, không ai bảo ai, đều soạn ra những bài ca ái quốc.
Khi cuộc Cách Mạng Mùa Thu 1945 nổ ra, nó đã được chúng tôi hỗ trợ một cách mạnh mẽ, bằng những bài ca xưng tụng lịch sử oai hùng của quê hương, tổ quốc, bằng những anh hùng ca và bằng những bài ca Cách Mạng...
Phạm Duy