Thời Kỳ Thành Lập (1938-45) - Xu Hướng Nhạc Yêu Nước - Nhạc Hướng Đạo
- Details
- Written by Phạm Duy
- Hits: 3871
Chúng ta đã thấy rõ sự chuẩn bị và thành hình của nhạc cải cách với xu hướng nhạc tình trong những nhạc phẩm vừa được đem ra để thử thách và có thể nói là đã thành công một phần nào trên cả hai lĩnh vực nội dung và hình thức. Nhưng vì nhạc cải cách Việt Nam được sinh sôi nẩy nở trong một bối cảnh lịch sử rất sinh động cho nên nó cũng mang ngay vết tích của thời đại. Thời đại của những năm cuối cùng của những thập niên 30 bước qua thập niên 40 còn là cái thời mà cuộc Ðại Chiến Thứ Hai đã khởi sự, một mặt thực dân Pháp muốn o bế dân thuộc địa khi chính quốc bị Ðức chiếm đóng, một mặt người Việt Nam muốn lợi dụng cơ hội này để lật đổ chế độ thực dân. Tinh thần ái quốc được nung nấu từ lâu, bây giờ lại được nâng lên rất cao. Tân Nhạc đã đóng góp vào việc đề cao lòng yêu nước của người Việt Nam trong thời đại, bằng một xu hướng khác với xu hướng nhạc tình. Ðó là xu hướng nhạc hùng.
Trải qua gần 100 năm sống dưới ách thực dân, dường như không lúc nào không có những bài thơ, bài ca nung nấu lòng yêu nước và chí quật khởi của người mình trước cảnh bị đô hộ. Tôi có thể nói rằng lòng yêu nước của tôi sau này đã bùng nổ ra khi gặp cuộc Cách Mạng năm 1945, cũng chỉ vì suốt thời thơ ấu, lòng tôi đã được nung nấu bằng bài thơ Tiễn Chân Anh Khóa của Cụ Á Nam Trần Tuấn Khải. Bài thơ được phổ biến mạnh mẽ trong dân chúng Việt Nam vì nó được truyền tụng qua một điệu "ngâm" mà người ta đặt hẳn cho cái tên là điệu anh Khóa.
Trong lĩnh vực âm nhạc, ngoài những bài thơ ngâm như điệu anh Khóa hoặc câu hò Huế sau đây của Thúc Giạ Thị Ưng Bình :
Chiều chiều trước bến Vân Lâu
Ai ngồi ai câu? Ai sầu ai thảm?
Ai thương ai cảm? Ai nhớ ai mong?
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Ðưa câu mái đẩy động lòng nước non. . .
... cũng đã có những cuộc mai phục đây đó để nung nấu tình yêu nước của chúng tôi rồi. Chẳng hạn việc các nhà giáo dùng các điệu hát cổ truyền để kể chuyện lịch sử Việt Nam và dùng điệu Frères Jacques để thức tỉnh người dân bị trị mà tôi đã đề cập trong phần đầu của loạt bài này...
Trong tiến trình của nhạc cải cách, cái mầm mống của xu hướng nhạc hùng là những bài hát hướng đạo (chants scouts). Các huynh trưởng trong Phong Trào Hướng Ðạo Việt Nam như Hoàng Ðạo Thúy, Ngô Bích San... đã lợi dụng sự có mặt hợp pháp của tổ chức hướng đạo để phổ biến những bài ca yêu nước.
Trước tiên, cũng như cái lối soạn bài Ta theo điệu Tây của Huỳnh Thủ Trung tức Tư Chơi, các huynh trưởng nhờ các thi sĩ làm lời ca tiếng Việt cho những bài có sẵn của Pháp. Ví dụ bài La Joie Scoute đã có lời ca tiếng Việt soạn bởi nhà thơ Thế Lữ với nhan đề Trên Ðường Vui :
Anh em ơi cùng nhau bước lên đường
Ta hát bài ca thiên nhiên
Dù mưa gió bão bùng ta cứ tới
Cùng hát lên cho đời sáng tươi
Dù khó nguy chúng ta đừng lui...
Bài Joyeux Aurevoir, bài hát tạm biệt của hướng đạo sinh cũng có lời ca của Thế Lữ, khởi đầu bằng câu :
Vì đâu anh em chúng ta
Giờ đây sắp cùng bùi ngùi xa cách
Cớ sao ta không cầu mong
Rồi đây có ngày còn hòng gặp nhau
Cách xa nhưng ta hằng vui
Vì nay ta biết còn ngày sung sướng
Cách xa nhưng ta hằng mong
Có ngày mình còn gặp nhau.
Mới đầu còn nhờ thi sĩ có cảm tình với Phong Trào Hướng Ðạo soạn lời ca, sau rồi các huynh trưởng tự soạn lấy, chẳng hạn một bài hát kêu gọi đoàn kết của Ngô Bích San, dùng điệu dân ca của Hoa Kỳ là bài Clementine :
Một cây tiêu điều
Hai cây tiêu điều
Trời mưa cuốn, ắt tan tiêu!
Cùng chung góp sức
Trong cuộc sống hùng
Lập chiến công dài với nước non...
Duy Quang, cũng được là sói con đấy !
Những điệu hát hướng đạo của Pháp hay của Anh, Mỹ đâu có chứa đựng tinh thần yêu nước, đâu có phải là những bài xưng tụng các vị anh hùng lập chiến công cùng nước non? Nhưng các huynh trưởng trong tổ chức hướng đạo Việt Nam đã không ngần ngại trong việc làm có tính chất mai phục đó. Một bài hát nhỏ cho sói con mà cũng đã chứa đựng tinh thần yêu nước chống xâm lăng rồi :
Bài Hát Cho Sói Con
Hãy vui tươi cười
Hãy vui múa ca
Hãy vui nghe lời
Hãy vui tiến xa
Và cùng theo gót
Bao dấng anh hùng
Mong sao cho toàn danh sói
Xứng với đất nước Tiên Rồng...
Bài hát khuyên các sói con vui tươi cười, vui múa ca, vui nghe lời, vui tiến xa, nhưng mục đích là phải theo gót bao đấng anh hùng để xứng danh cháu con Tiên Rồng. Ðây là bài ca hướng đạo nhưng cũng là bài ca ái quốc nữa.
Ngay trong năm 1938, khi phong trào Nhạc Cải Cách đang rầm rộ với hàng loạt nhạc phẩm xu hướng tình cảm được ra đời, hai tập nhạc hướng đạo ca cũng đã được phát hành. Ðó là tập Ðời Vui Sướng của Phạm Văn Xung và Tiếng Chim Ca của Lưu Ngọc Văn và Ðào Văn Thiệt, cả hai tập đều là những bài hát ngoại quốc với lời ca tiếng Việt, xưng tụng sự vui sống và cũng đã có sự mai phục tình yêu nước yêu nòi của người Việt Nam ở trong các bài ca hướng đạo đó rồi.
Giống như tiến trình của loại nhạc tình trong những năm thử thách, nhạc hướng đạo sẽ không vay mượn các điệu Tây phương nữa, và sẽ là những bài rút âm hưởng từ các bài hát cải lương của gánh Trần Phềnh, như bài Vui Ca Lên do Linh Mục Thích soạn :
Vui ca lên nào anh em ơi
Hát cho đời thắm tươi
Dầu thấy khó đừng mau chân lui
Ta cứ tiến lên đường.
Dầu sương mưa rơi lòng ta thêm tươi
Chớ bao giờ có quên
Cùng cất tiếng cười vang trong mây
Cho bao người đều vui.
Vui ca lên nào anh em ơi
Chớ đau buồn khóc than
Ðời tươi thắm vì trong sương mai
Vui ca hát vang lừng
Kìa chim trên cây
Kìa ong trên hoa
Bướm tung trời thiết tha
Cùng ham sống và vui quanh năm
Tô thắm tươi đời hoa...
Từ chủ đề vui sống, những bài hát hướng đạo sẽ xoáy vào chủ đề yêu nước với những bài hát xưng tụng các Anh Hùng Xưa :
Anh hùng xưa nhớ hồi là hồi niên thiếu
Dấy binh lấy lau làm cờ
Quên mình là mình giúp nước
Dấn thân khắp nơi nguy nàn
Ngàn thu lừng danh đất nước
Sứ quân khắp nơi kinh hoàng
Tiếng lừng nước Nam...
Bài hát hướng đạo trên đây -- mà có người cho rằng đã do Hoàng Ðạo Thúy soạn (1) -- sẽ vượt ra khỏi lĩnh vực hướng đạo để trở thành một trong những anh hùng ca đầu tiên của Tân nhạc Việt Nam. Bài hát xưng tụng Ðinh Bộ Lĩnh này sẽ kéo theo một số lớn những bài tôi gọi là thanh niên lịch sử ca để từ đó sẽ tiến tới Nhạc Cách Mạng, Nhạc Kháng Chiến.
Nhạc hướng đạo khởi sự từ những bài tương tự như bài Ta theo điệu Tây do Tư Chơi Huỳnh Thủ Trung khởi xướng, hay khởi từ những âm hưởng của điệu cải lương dùng trên sân khấu của gán hát Trần Phềnh Hà Nội, qua tới năm 1939 thì đã có những bài hát hoàn toàn Việt Nam mới.
Những bài này không còn do các hướng đạo sinh soạn ra nữa. Nó là của những người tiên phong trong phong trào âm nhạc cải cách, ngoài những bài có xu hướng nhạc tình cảm thường thường là những bài hát buồn, còn muốn đưa ra những bài hát vui, vô hình trung tạo cho Tân nhạc một xu hướng mới gọi là xu hướng nhạc hùng.
Trước hết, năm 1939 là 1úc Pháp bị thất trận ngay lúc khởi đầu cuộc Thế Chiến Hai. Nước Ðức Quốc xã của Hitler chiếm một phần lớn của nước Pháp, chính phủ bù nhìn của Thống chế Pétain vẫn còn nắm được các nước thuộc địa, bèn đưa ra một phong trào gọi là Phục Hưng, vận động các thanh niên nam nữ ở các thuộc địa tham gia các tổ chức thể thao, hướng đạo... với hi vọng có thể dùng họ để có ngày sẽ giải phóng "mẫu quốc". Một số bài hát của Pháp được tung ra để suy tôn thống chế Pétain như Maréchal, Nous Voilà, hay kêu gọi thanh niên như Debout Jeunesse, Relèvement...
Nhưng tại Việt Nam, giữa lúc tân nhạc đang được thành lập, sự phản ứng của thanh niên đối với thái độ của nhà cầm quyền Pháp là đưa ra những bài hát không phải để xưng tụng ''mẫu quốc'' đang thất trận, mà là để nung nấu lòng yêu nước và chí quật khởi của tuổi trẻ.
Trong giới sinh viên có Hoàng Gia Linh viết bài Việt Nam Bất Diệt, có Lưu Hữu Phước với Tiếng Gọi Sinh Viên... Trong giới nhạc sĩ tài tử có Hoàng Quý viết những bài hát cho các cuộc lửa trại của hướng đạo như Ðêm Trong Rừng, Trên Sông Bạch Ðằng...
Thế là trong tổ chức hướng đạo cũng như trong giới sinh viên học sinh bỗng nổi dậy phong trào hát những bài tân nhạc vui tươi hùng mạnh, và loại nhạc thanh niên, lịch sử ca đã ra dời, vô cùng phong phú, đóng góp rất nhiều vào cuộc Cách Mạng xẩy ra vào mùa Thu năm 1945.
Phạm Duy
-----------------------------------------
(1) Gần đây (mùa Xuân năm 2001) tôi mới biết rõ rằng lời ca bài ANH HÙNG XƯA này là do Lưu Quang Thuận soạn.