Thời Kỳ Thành Lập (1938-45) - Xu Hướng Nhạc Tình Duy Nhiên/Lãng Mạn/Trữ Tình - Nhóm TRICÉA
- Details
- Written by Phạm Duy
- Hits: 3708
Ðồng thời với nhóm MYOSOTIS, ngay từ trước khi Nguyễn Văn Tuyên ra Bắc "hô hào nhạc cải cách", nhóm TRICIA gồm ba kiện tướng Văn Chung, Lê Yên, Dzoãn Mẫn cũng đã có sinh hoạt âm nhạc rồi nhưng chỉ sau khi Nguyễn Văn Tuyên dám đưa ra trước quần chúng hai bài ca thử thách thì mấy chàng nghệ sĩ tài tử của hai nhóm đó cùng với nhiều nhạc sĩ mầm non khác mới đùng đùng nổi dậy và cho ấn loát những bản nhạc hãy còn trinh trắng của mình. Nhất là khi phong trào âm nhạc cải cách vừa ra đời lại được tờ NGÀY NAY làm hậu thuẫn cho việc thành hình của nó. Theo lời nhạc sĩ Vũ Thành là người đã có những sinh hoạt tân nhạc ngay từ lúc sơ khai thì nhà văn Nhất Linh, linh hồn của tờ NGÀY NAY, đã đảm trách việc thổi kèn clarinette trong một ban nhạc tài tử do hai nhóm kể trên phối hợp dể trình diễn vào một ngày mùa Thu năm 1939.
Trong nhóm TRICEA, Văn Chung được coi như người có bài hát được dân chung ưa thích cho nên Thẩm Oánh của nhóm MYOSOTIS đã phê bình trong báo Việt Nhạc số 5 đã dẫn kể : "Nhóm TRICEA chủ trương đi sát quần chúng (ngụ ý là loại nhạc thấp)"... Trong thực tế, nhạc của Văn Chung trong thời gian nay thì cũng không xa nhạc ngũ cung của Thẩm Oánh cho lắm đâu. Cũng là bài hát về thiên nhiên (và về thuyền) như Ðóa Hồng Nhung, Trên Thuyền Hoa, Sóng Vàng, Khúc Ca Ban Chiều... nhưng nhạc Văn Chung có vẻ thiên về nhạc chủ thể (musique tonale). Ngoài mấy bài vừa kể, Văn Chung còn đưa ra một bài mà ông ghi rõ là điệu tango. Ðó là bài Bóng Ai Qua Thềm, được xây dựng với nét nhạc Ré mineur rõ rệt. Bài hát đưa ra hình ảnh dễ thương sót của một thiếu nữ ngồi đan áo cho người tình, hình ảnh này sẽ còn được khai thác mạnh mẽ khi tân nhạc đi vào giai đoạn phát triển:
Những lúc em ngồi xuốt canh khuya bên đèn
Miệt mài cùng một manh áo len
Vắng bóng anh, em chờ mong anh
Cố sức em đan cho thật nhanh
Em đan áo cho xong còn hòng Ðông này
Vắng hình anh em lạnh lùng theo
Xa anh em nhờ manh áo ấy
Khiến em quên lạnh lùng khi ngồi trước đèn...
Nếu ta phân tích bài này dựa trên căn bản của nhạc chủ thể thì chỉ thấy những chuyển cung từ Ré mineur qua Sol mineur, La mineur và Fa majeur chẳng han. Nhưng nếu ta cho rằng bài hát này được thốt lên bởi chàng thanh niên nhạc sĩ còn nặng tình với nhạc ngũ cung, thì ta thấy là vô tình Văn Chung đã sử dụng nhiều hệ thống ngũ cung với hiện tượng chuyển hệ (métabole). Ngoại trừ 4 mesures INTRO, nét nhạc của câu đầu là ngũ cung Ré Fa Sol La Do, có chuyển tí ti ở cuối câu qua ngũ cung Fa Sol Sib Do Ré. Hai mesures đầu của câu thứ hai nằm trong ngũ cung Sol La Do Ré Mi và nửa sau lại quay về ngũ cung Ré Fa Sol La Do.
Tôi không nghĩ là vào lúc đó, Văn Chung đã hệ thống hóa việc sáng tác của anh như tôi vừa kể, nhưng anh (cũng như Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước) đã dung hòa cả hai hệ thống âm giai Âu, Á trong những sáng tác đầu tay của mình. Ðoạn sau của bài Bóng Ai Qua Thềm, này sẽ là nhạc thất cung tây phương thuần túy với cung Do# hiện ra, trói chặt ca khúc vào Ré mineur :
Bóng ai qua thềm
Vừa nhìn thoáng lướt trên nền trời đêm
Ngừng đan, em thấy gió lay mành trúc
Bóng qua êm đềm
Cùng cơn gió êm làm sơ tấm áo len trên lòng em
Lòng em xao xuyến
Muốn nghiêng mình tránh gió qua bên thềm
Rồi thời gian ấy qua
Tấm áo em đan chưa xong mà...
Cứ mỗi khi chiều gió lướt qua bên mình thì lòng em
Thấy sốn sang vì gió nâng áo len lên em kề bên trái tim
Mùa đông sắp đến gió lay mành trúc
Bóng ai qua thềm...
Nếu so sánh với nhạc Thẩm Oánh và Dương Thiệu Tước thì nhạc Văn Chung già dặn như nhạc Thẩm Oánh nhưng không ướt át bằng nhạc Dương Thiệu Tước. Văn Chung, ngay từ lúc còn thanh xuân, với dáng người gầy gò, thấp lùn, chắc chắn không giống công tử bột đa tình con nhà quan Dương Thiệu Tước tí nào cả. Nhạc Văn Chung chân phương, thực thà như con người Văn Chung vậy. Tứ nhạc (inspiration) chỉ đến với Văn Chung bằng những bài thơ hay của thời đại, chẳng hạn thơ của Thế Lữ lúc đó, hay là thơ của Simonov sau này (do Tố Hữu dịch ra lời Việt), bài Ðợi Anh Về. Văn Chung cũng không phải là người gây được một phong trào, nhưng cái công đóng góp vào tiến trình của tân nhạc của anh không phải là ít. Tôi biết Văn Chung đã phổ nhạc một bài thơ của Thế Lữ, bài Hồ Xuân và Thiếu Nữ. Bài này đã được đăng trên báo NGÀY NAY vào năm 1941. Hi vọng có ngày tôi có được bản nhạc trong tay, nay thì hãy ghi lại bài thơ rất đẹp này :
Hồ Xuân và Thiếu Nữ
(Thế Lữ -1941)
Trên mặt hồ in mầu ngọc biếc
Cô em đang bơi một chiếc thuyền non
Lửng lơ như cái chuồn chuồn
Rỡn đuôi trên nước chập chờn ghẹo hoa.
Chân gió nhẹ lướt qua làn sóng
Nắng chiều xuân rung động trên cành
Mấy hàng lau yếu nghiêng mình
Cô em bỗng ngẩn ngơ tình vì đâu ?
Ðặt mái chèo, ngả đầu trên gối
Trong mây chiều phơi phới trên kia
Hỏi xem mây có duyên gì ?
Mà con chim én đi về lửng lơ...
Khởi đầu với những bài hát tình cảm lâng lâng, không buồn lắm, không vui lắm nghĩa là ít tính trữ tình hay tính lãng mạn hơn các nhạc phẩm của bạn bè trong nhóm của mình (như Dzoãn Mẫn chẳng hạn)... Văn Chung sẽ còn tiếp tục soạn nhiều bài trong nhiều thể loại khác nhau cho tới khi ông qua đời trong năm 1984 tại Hà Nội
Lê Yên
Trong nhóm TRICEA, Lê Yên là người có vốn nhạc nhiều hơn các bản đồng hội đồng thuyền. Ông học nhạc từ lúc 14, 15 tuổi và biết kéo violon, violoncelle để tham gia vào các ban nhạc tài tử lúc đó, trình tấu nhạc cổ điển (như một trích đoạn trong Symphonie Inachevée của Schubert chẳng hạn). Sáng tác đầu tay của Lê Yên là những bản Vườn Xuân, Một Ngày Vui... đã được Văn Chung bỏ vốn ra để xuất bản và phát hành.
Sau này Lê Yên mới có cơ hội quay về với nhạc cổ truyền để làm điểm tựa sáng tác, nhưng trong thời gian thành hình của Tân Nhạc, nhạc bản của ông hoàn toàn được cấu tạo như một ca khúc tây phương hiện đại. Ví dụ bài Bẽ Bàng mà ông cộng tác với Văn Chung để soạn ra. Nhạc khúc nghe như một bài ''valse'' của Strauss, rất lưu loát, có đoạn hát, có đoạn dạo nhạc với chuyển cung thông thường : tonique, dominante, sous dominante, relatif, kết thúc với CODA có pha trộn một chút mầu sắc mineure của giọng sous dominante cho cuộc tình duyên của một đôi lứa bẽ bàng thêm phần sót sa. Giản dị, không cầu kỳ như nhạc Dương Thiệu Tước chẳng hạn :
Tình duyên đôi ta bẽ bàng
Ðành để muôn năm lỡ làng
Còn nói ái ân làm chi
Ngày vui xưa qua mất rồi
Lòng thương xưa phai hết rồi
Tình yêu xưa tan mất rồi
Còn oán trách nhau làm chi...
Vì đâu đôi ta bẽ bàng
Vì đâu muôn năm lỡ làng
Thật đáng tiếc thay tình xưa
Vì đâu vui kia hết rồi
Vì đâu thương kia hết rồi
Vì đâu yêu kia xoá rồi
Mà nỡ chóng quên tình xưa...
(Dạo nhạc)
Xin đừng nhắc những lời êm đềm ấy hết rồi
Sao không cùng chung sống trong yêu đương
Từ ngày còn được gần gũi bên nhau
Khiến phút ấy qua mất rồi còn đâu...
Xin đừng nhắc mối tình ban đầu ấy đã đành
Tan theo cùng mây khói trong không gian
Từ ngày nào cùng nhau lỡ nhịp cầu
Mà khiến đến nay khó lòng gặp nhau
Tình đôi ta nay lỡ rồi
Ðành ôm đau thương suốt đời
Buồn tiếc mối duyên từ xưa
Nhìn mây, mây trôi hững hờ
Nhìn trăng, trăng soi lững lờ
Nhìn hoa, hoa phai úa mờ
Âm thầm riêng có bóng ta trong giấc mơ...
Nhạc tình của Lê Yên sẽ luôn luôn theo nhạc pháp tây phương, còn tứ nhạc thì cũng không ra ngoài chủ đề nhạc tình cảm. Nhưng nhạc Lê Yên không thể buồn sâu sắc được vì tính hiếu động của chàng thanh niên nghịch ngợm mang tên Lê Yên. Tôi không được quen biết Lê Yên nhiều, chỉ gặp ông vài lần để hiểu ông là con người rất nhanh nhẹn, rất thông minh, rất bén nhạy, và không phải là người soạn nhạc tình thâm trầm. Sở trường của Lê Yên là nhạc vui, chẳng hạn bài Nghệ Sĩ HànhKhúc soạn theo thể pasodoble và bài Ngựa Phi Ðường Xa mà ban Thăng Long đã coi như bản nhạc dễ khích động khán thính giả nhất, trong do Lê Yên cho ta thấy cái tài soạn Tân Nhạc có tiết điệu nhanh nhẹn, một nhạc tính mà ta ít thấy trong nhạc Việt Nam vào thời đó.
Dzoãn Mẫn
Dzoãn Mẫn mới là người thành công nhất trong nhóm TRICEA. Hồi Tân Nhạc mới được thành lập, ông đã sáng tác được khoảng mười ca khúc rất hay, một số bài còn được lưu truyền tới bây giờ, trong khi nhạc Văn Chung, Lê Yên thì gần như ít được quần chúng biết đến. Trong những bản như Sao Hoa Chóng Tàn, Biệt Ly, Cô Lái Thuyền, Tiếng Hát Ðêm Thụ Một Hình Bóng, Một Buổi Chiều Mơ, Gió Xa Khơi, Nhạc Chiều, Trở Lại Cùng Anh... tối thiểu cũng có ba bài mà trong suốt mấy mươi năm liền, không lúc nào là không được thu thanh vào băng nhạc, phóng thanh trên các đài vô tuyến, hay hát trong phòng trà, các nhà hàng khiêu vũ.
Nhạc Dzoãn Mẫn là nhạc cho guitare hawaienne là cây đàn mà ông nắm rất vững. Dzoãn Mẫn nghiêng hẳn về nhạc thất cung thuần túy. Bài bản của ông, cũng như của các bạn đồng thời, đi theo một cấu phong đã có sẵn : A-B-A rồi CODA để hết. Cũng có khi không có CODA mà chỉ là ba đoạn thông thường kể trên. Sự phát triển giai điệu không bay bướm (như giai điệu Dương Thiệu Tước chẳng hạn) mà có khi chỉ là những chuỗi âm giai phần nhiều là majeurs. Bài Cô Lái Thuyền sau đây là một ví dụ :
Dừng chèo lại đây cô lái thuyền ơi
Dừng chèo lại đây dây phút ngừng trôi
Cho tôi sang đến bến sông xa vắng
Bờ sông xa vắng khách riêng mình tôi...
Nhạc điệu, tiết điệu, lời ca của Dzoãn Mẫn đều rất giản dị nên rất dễ hiểu, dễ nghe, dễ hát. Ca khúc ''gọi đò'' này rất phổ thông trong dân chúng. Ngộ nghĩnh nhất là Dzoãn Mẫn cũng kêu gọi cô lái thuyền cũng như Thẩm Oánh, nhưng nếu trong ca khúc Thẩm Oánh, chưa chắc đã có ai ngưng mái chèo và ghé bến để Thẩm Oánh đỡ phải mong chờ... thì cô lái thuyền và Dzoãn Mẫn lại bốn mắt nhìn nhau, sẽ nói một câu, ta đi tìm chốn ân ái dài lâu, muôn năm hạnh phúc rực rỡ muôn mầu... Không trách bị Thẩm Oánh phê bình là đi rất sát quần chúng! Thế nhưng theo tôi nghĩ, trong buổi đầu của nền Tân Nhạc, chúng ta cần phải đi sát quần chúng. Nếu ta cần những người luôn luôn có đầu óc sáng tạo, ta cũng cần cung cấp cho quần chúng những sáng tác gần gũi với quần chúng dể nuôi dưỡng phong trào.
Bài Cô Lái Thuyền của Dzoãn Mẫn cũng giống như những sáng tác khác của ông và của các bạn đồng đội, thuộc xu hướng nhạc tình cảm, nhưng ông đã bớt đưa thiên nhiên như hoa cỏ, mây trời, sông hồ, trăng sao, mưa nắng... vào nhạc tình của mình. Ðã có đôi chút lãng mạn len vào nhạc Dzoãn Mẫn và nhạc tình lãng mạn sẽ còn càng ngày càng được những nhạc sĩ đồng thời như Ðặng Thế Phong, Lê Thương, Văn Cao đưa lên rất cao lên không trung và đưa vào rất sâu trong lòng người mộ điệu. Lãng mạn tính trong ca khúc Dzoãn Mẫn nổi nhẹ lên trong bài Biệt Ly, vì đã có lá heo may len lén thổi vào ca khúc rồi :
Biệt ly! Nhớ nhung từ đây
Chiếc lá rơi theo heo may, người về có hay
Biệt ly! Sóng trên dòng sông
Ôi còi tầu như xé đôi lòng
Và mây trôi, nước trôi
Ngày tháng trôi cùng lướt trôi
Mấy phút bên nhau rồi thôi
Ðến nay bóng em mờ khuất
Người về u buồn khắp trời
Người ra đi với ngàn nhớ thương
Mấy phút bên em rồi thôi
Dáng em sống trong hồn tôi
Xa cách xa, ta tìm đâu ngày vui...
Biệt ly! Ước bao đường tơ
Réo rắt trong muôn hương mơ
Thành sầu tiễn dưa
Biệt ly! Ước mong hoàng hôn
Êm đềm về ru ấm tâm hồn
Người yêu đương cách xa đành sống vui cùng gió sương
Nét nhạc hoàn toàn tây phương nhưng khéo xếp đoạn, khởi sự bằng các nốt trầm rồi bay vút lên nốt cao nhất (anacrouse) để sẽ trở về câu nhạc chủ đạo lúc đầu. Bài Biệt Ly được hát dài dài trong suốt nửa thế kỷ nay.
Dzoãn Mẫn có mặt một cách rất rạng rỡ trong thời kỳ thành hình của tân nhạc với một số tác phẩm để đời. Chúng ta sẽ gặp lại ông trong những thời kỳ sau.
Phạm Duy