Thời Kỳ Ði Tìm Nhạc Ngữ Mới (đầu thập niên 30)
- Details
- Written by Phạm Duy
- Hits: 4032
Vào đầu thập niên 30, tại Hà Nội, trẻ em cũng như người lớn gần như không có cái thú nghe hát hay biểu diễn ca hát. Ca nhạc cổ truyền như Hát Trống Quân, Hát Quan Họ... hoàn toàn vắng mặt tại các thành phố. Ngay cả trong các vùng thôn quê là nơi xuất xứ của các loại dân ca đó, người dân Việt Nam sống dưới chế độ thực dân Pháp cũng không còn hết lòng ca hát trong các vụ hát hội, hát đám nữa.
Trẻ em muốn nghe hát thì chỉ có thể nghe Hát Xẩm của người mù hát dạo trên phố xá. Người lớn thích nghe hát thì đi coi Hát Chèo Văn Minh tại rạp Sán Nhiên Ðài hay Hát Tuồng Cải Lương tại rạp Quảng Lạc. Hoặc đi nghe hát cô đầu, tức là đi nghe Hát Ả Ðào. Cũng có thể nghe thêm Ca Huế mà cô Nhơn hát trên đĩa nhựa 78 vòng của máy hát chạy bằng lò so. Lúc đó, đối với người dân Hà Nội, những bài Nam Ai, Nam Bình... được ưa thích vì là của lạ, hãng BÉKA của người Pháp cho phát hành khá nhiều dĩa Ca Huế...
Bài hát hiếm hoi như vậy cho nên trong phạm vi hát chơi, người lớn chỉ có vài điệu cổ để hát. Ví dụ một bài về tình yêu, hát trên điệu Bình Bán :
Tôi chờ cô tối qua
Suốt canh chầy chẳng thấy cô ra.
Chờ bấy lâu mới biết cô là
Cô là người tôi thường hay ước mơ...
Hay là đi coi hát Cải Lương, thuộc lòng một bài hát khen ngợi, hát theo điệu Hành Vân :
Là hội ca cầm
Chúc cậu mợ giầu sang
Giầu sang giầu sang phú quý
Trên ô tô dưới thời ca nô
Nằm giường lèo đắp chăn nệm gấm
Ði giầy Gia Ðịnh ngồi ghế phụng loan
Cậu bịt răng vàng
Trên đầu cậu xịt dầu thơm, dầu thơm...
Như vậy là trong những năm đầu của thập niên 30, vì chưa có ai dám nghĩ đến chuyện sáng tác ca khúc mới (với cả nhạc điệu với lời ca), ca nhạc Việt Nam là dăm ba điệu nhạc đã quen biết được hát lên với lời ca mới.
Một số điệu Tầu đã được Việt Nam hoá và được dùng trên sân khấu cải lương, bây giờ cũng có lời ca mới để dân chúng hát chơi, như bài hát tán gái bằng điệu Mãi Tạp Hóa :
Mình ơi có đi bờ hồ
Cùng ta chén kem kẹo dừa...
(Hồi đó, kéo nhau đi ăn kem ở bờ hồ Hoàn Kiếm là một cái thú của người Hà Nội)
Cứ đi, đi mình nhé
Trong túi có vài Rồng Xanh...
(nghĩa là tờ giấy bạc có vẽ hình con rồng xanh)
Cũng có cả một bài hát chế diễu người Hoa Kiều, hát theo điệu quảng (tức là điệu Tầu Quảng Ðông), trong giới âm nhạc gọi là Bài Tạ :
Bên Tầu ngộ ở bên Tầu
Bên Tầu ngộ mới qua đây
Qua Nam Việt bán buôn làm giầu
Mới đến ngộ có cái đòn gánh
Mới đến ngộ bán chè khô
Chè lỗ ngộ bán mì khô (*)
Bán không được kéo nhau về Tầu...
Lúc bấy giờ có một số nhà giáo, có lẽ cũng muốn bắt chước người xưa (như Lê Ngô Cát, Phạm Ðình Toái đã dùng thi ca để viết cuốn Ðại Nam Quốc Sử Diễễn Ca) cho phổ biến một số bài hát với lời ca kể truyện tích trong lịch sử Việt Nam, hát theo nhạc điệu cổ truyền. Chẳng hạn một bài hát yêu nước theo điệu Cổ Bản :
Dân số 25 triệu
Nòi giống da vàng (ứ)
Chi Hồng Bàng
Dòng họ Hùng Vương (ứ ư)
Phi thường
Về thời hồng hoang...
Soạn lời ca mới hát trên điệu cổ để kể truyện lịch sử, và để nung nấu tinh thần yêu nước, lúc đó các nhà giáo còn làm chuyện đáng kể hơn nữa là dùng một điệu hát Việt Nam đang thịnh hành là điệu Hành Vân để dạy học trò với lời ca bằng tiếng Pháp :
Mes chers enfants
Mes chers enfants
Vous êtes des jeunes gens
Il faut travailler,
Et n'oubliez pas
Que le temps passe vite...
Lúc đó cũng có một bài ca yêu nước hát theo điệu Bình Bán mà có người cho là do nhà cách mạng Nguyễn Thái Học soạn :
Ta là dân nước Nam
Giống Lạc Hồng nay đã lầm than
Phải làm sao giết quân tham tàn
Giết loài thực dân lòng ta mới an...
Tóm tắt lại, trong thời gian sống dưới chế độ thực dân, lũ thiếu nhi hay thiếu niên chúng tôi, cũng như những người lớn, đã chỉ làm một công việc rất dễ dãi là :
* hoặc dùng nhạc điệu cổ Việt Nam để soạn lời ca mới, có khi là lời ca tiếng Pháp, với mục đích khêu gợi tinh thần yêu nước;
* hoặc dùng những nhạc điệu Tầu đã được Việt Nam hoá để soạn những bài hát chơi.
Sự chắp vá này chỉ nói lên nhu cầu có cái mới trong ca hát và chỉ được coi như đang trong giai đoạn sửa soạn để có một loại ca nhạc nào đó, khác với nhạc cổ truyền, nhạc dân ca đã có từ lâu và đang suy tàn.
Phạm Duy
(*) hay là ''sê cố'', một thứ nước vỏ chanh đông thành đá mà trẻ con thích ăn.