PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400

Chương 11

Hồi Ký — Thời Hải Ngoại
Biển mở đường đi
Biển lấp đường về...
thơ Bắc Phong


Đối với người Việt, biển có nhiều huyền thoại hơn đất, núi hay rừng, kể từ huyền sử qua dã sử tới lịch sử. Những huyền thoại như :

  • Biển là bước đường cùng của An Dương Vương, sau khi nghe lời biển mới biết con gái Mị Châu, ngồi sau lưng ngựa rắc lông ngỗng để người tình Trọng Thủy tìm được mình và đem lại cái chết của Phụ Vương...

  • Biển chứng kiến cuộc tình không phân chia giai cấp của Công Chúa Tiên Dung và người nghèo Chử Đồng Tử...

  • Biển là bạn hiền an ủi An Tiêm trong lưu đầy nơi đảo khơi...

  • Biển là cõi tình của Trần Khắc Chân khi kéo quân vào Chiêm cứu Huyền Trân ra khỏi giàn hoả thiêu rồi hai người kéo buồm ra khơi, hai năm sau mới trở về đất liền...

  • Biển là võ khí của Đức Trần Hưng Đạo, là đường phục quốc của Hoàng Đế Gia Long...

  • Biển là nỗi buồn Nguyễn Du lúc chiều hôm trong Truyện Kiều, là lòng Mẹ bao la của Y Vân, là Mẹ Trùng Dương của Phạm Duy, là nỗi nhớ nhung (Biển Nhớ ) của Trịnh Công Sơn trong âm nhạc...

Gần đây nhất, biển trở thành lẽ sống của người đi tìm tự do nhưng biển cũng là mồ chôn của hàng chục vạn sinh linh. Thi sĩ Viên Linh gọi biển là Thủy Mộ Quan qua một tập thơ dài. Tôi phổ nhạc nhiều đoạn trong tập thơ này...



Trên huyết hải, thuyền trôi về một chiếc
Chiều bầm đen, trời rực rỡ đau thương
Thân chìm xuống băng tuyền giờ tận biệt
Sóng bạc đầu hối hả phủ trùng dương...
. . . . . . . .
Thấp thoáng trần gian mịt mù bóng đảo
Trôi về Tây, về Bắc, về Đông
Trôi về đâu bốn bề thủy thảo
Về đâu kiếp đắm với thân trầm...


Viên Linh, Phạm Duy - Đêm Thủy Mộ Quan, Westminster, 1984

Đôi uyên ương Lê Uyên Phương gọi Biển là Kẻ Phán Xét Cuối Cùng...



... Im lặng
Hoàn toàn im lặng
Chỉ còn lại bầu trời
những vì sao
nước biển đen ngòm
và tiếng thở dài câm lặng
Không một tiếng nói
Không một lời đối thoại
Chỉ có sự thất vọng
và bóng tối hoàn toàn...
. . . . . . .
Biển đã đem đến sự sống
Biển đã đem đến sự chết

Bằng ý nghĩ của con người
Chúng ta đã phán xét chúng ta
Biển chính là kể phán xét chúng ta...
(Lê Uyên Phuơng)

Còn tôi thì đã có một bài Hát Cho Người Vượt Biển trong đó biển là sự sống...

Này đoàn người đi tìm tự do
Muốn tìm người, thật là khó.
. . . . . . . . . . .
Lạy Trời Phật, cúi đầu mà coi
Bé ngây thơ trong bão tơi bời
Lạy Trời Phật, xin nhìn ngoài khơi
Ông bà lão nghiến răng cầm lái
Và còn lạy xin Ngài Thần Biển
Đoái thương đôi trẻ mới se duyên
Lạy loài người, tôi lạy tổ tiên
Hãy cho tôi thấy đất liền...

Nhưng Diệu Văn, một thi sĩ tị nạn ở Hạ Uy Di lại nhìn Biển Đông là một biển máu. Tôi đưa bài thơ về sự chết của thi sĩ Diệu Văn vào một ca khúc :

Ra biển chiều nay thấy mầu máu đỏ
Máu đỏ bầu trời, máu đỏ chân mây
Gió rên siết như ngàn lời uất hận
Sóng gầm gừ giận dữ cát tung bay.
Ra biển mà coi xác người trôi dạt
Xác của người già, xác của em thơ
Xác trôi quanh, tóc nhoà theo sóng cuộn
Hố mắt đen ngòm, bầy cá đùa chơi.
Ra biển chiều nay thấy người hấp hối
Ngồi ôm nhau, nhịn đói đã bao ngày
Chiếc thuyền con chồng chềnh theo ngọn sóng
Đi về đâu trời bão tố đêm nay ?

Qua bài thơ Biển Máu dữ dội này, thi sĩ cho ta thấy chính trị tuyệt vời, tôn giáo cao siêu đến đâu cũng không ngăn được cảnh thống khổ của Việt Nam hôm nay và cho mọi người thấy những gì đã biến biển Thái Bình thành ra biển máu :

Một lũ điên cuồng mang mầu chủ nghĩa
Khổng giáo tam tài, phong kiến vua tôi
Lão vô vi, Phật luân hồi, Chúa bác ái
Đong mãi không đầy một chén cơm vơi.
Ra biển chiều nay thấy mầu máu đỏ
Máu của chị và máu của anh em
Tư bản đến : bom đạn và thuốc độc
Cộng Sản vào : xác ngập Thái Bình Dương

Thi sĩ cũng không quên kết tội những hải tặc gây bao tội ác ở giữa biển và những dân tộc ở vùng biển Đông xua đuổi người vượt biển không cho vào bờ :

Ra biển mà coi lũ người ác nghiệt
Xua đuổi thuyền bè, cướp của hãm hiếp
Máu lương dân sẽ oà trong giấc mộng
Dân chúng quanh vùng miền nước Biển Đông.

Dù có lúc không đỏ như máu, biển xanh bao la bây giờ là sự chia cách não nùng giữa những đôi vợ chồng son. Qua một bài hát buồn nhan đề Ở Bên Nhà Em Không Còn Đứng Đợi Chờ Anh, tôi nói tới cảnh thân yêu ngày trước ở một tổ ấm nào đó tại miền Nam Việt, chiều chiều người vợ ra đứng đầu ngõ đợi chồng... Đi làm về, chồng âu yếm hôn lên mắt vợ, rồi sau ngày 30-4, chồng vượt biên qua Mỹ, vợ kẹt lại ở nhà. Người chồng ra biển rộng, gọi tên người vợ thân yêu :

Ở bên nhà em không còn đứng đợi, chờ, mong
Đợi anh về, anh hôn vào mắt nàng mầu nhung
Ở bên nhà em đi lao động
Ở bên này anh ra biển rộng, gọi trùng dương
Trùng dương nào đã chia lìa đôi vợ chồng son
Trùng dương còn thêm cắt rời cha mẹ và con (1)

Trùng dương được tôi biện hộ : chế độ mới là nguyên nhân của sự chia cách :

Trùng dương nào hay chế độ nào
Đẩy con người vô kiếp nghẹn ngào, kiếp xa nhau.
Nhớ đôi tay em, xưa xinh như mộng
Tay vuốt tóc chồng, tay nựng con thơ
Nhớ đôi môi em, ôi đôi môi mọng
Ca hát cho đời thêm sắc thêm hương
Ở bên nhà đôi tay ngà em vục bùn đen
Ở bên nhà đôi môi mềm thú vạn tội oan
Ở bên này sống với ác mộng
Từng đêm ngày anh ra biển rộng khóc thương em

Bài Ở Bên Nhà... này được phát thanh trên Đài VOA trong năm 1978, sau đó ông Lê Văn, người phụ trách chương trình Nhạc Hải Ngoại nhận được bức thư cám ơn của một thiếu phụ ở Cần Thơ vì bài hát nói lên cảnh ngộ của bà. Cũng như thế, vào tháng chạp năm1991, tôi nhận được lá thư của một người bạn văn, mở đầu bằng câu : ''Tôi ngồi viết thư cho anh trong khi bầy chim đang hót trong phòng...'' Thế là nhạc phẩm Bầy Chim Bỏ Xứ của tôi đã được ba Đài VOA, BBC và RFI... cho mượn không gian để bầy chim tự do đã vỗ cánh bay về.

Tiếp tục soạn những bài ca xây dựng huyền thoại biển, sau bài Ở Bên Nhà Em Không Còn Đứng Đợi Chờ Anh, tôi có bài Lấp Biển Vá Trời :

Chúa đã phán rằng có được niềm Tin
Thì mình có thể vá được trời xanh
Xê dịch núi rừng, lấp cạn trùng dương
Anh có nghe chăng
Anh có nghe chăng lời em khấn nguyện ?

Sau cảnh chồng ra biển gọi vợ tới cảnh vợ ở ngoài nước muốn làm phép lạ -- lấp biển vá trời -- để cứu chồng ra khỏi trại cải tạo rồi vượt biển tới bến bờ tự do.

Tôi đã từng nói tới sự trao tình giữa nghệ sĩ với thiên nhiên (sentiment de la nature). Tôi không dám ''khoe'' rằng nỗi buồn trong nhạc của tôi lúc này đạt tới rung động trùng dương (sentiment océanique) nhưng trong hoàn cảnh được ra chốn trời cao biển rộng và trước những nghịch cảnh vô cùng đớn đau, tình cảm của tôi không còn kích thước của lũy tre xanh, con đê nhỏ, cánh đồng xinh xinh nữa. Đã mang tâm sự của con dạ tràng (lấp biển Đông) rồi, tôi còn muốn phóng tình cảm lên tới vũ trụ (sentiment cosmique) nghĩa là muốn theo gót bà Nữ Oa (đội đá vá trời) qua bài hát này. Tất cả không ngoài ước muốn cùng con người Việt Nam của thế kỷ, với nhiều phép lạ, chống lại định mệnh ngặt nghèo.

Bài Lấp Biển Vá Trời này muốn có ngày rung được Trời Đất, để người chồng thoát được ngục thất, bay được lên trời, hay vượt biển khơi đến bên người vợ, gần nhau suốt đời. Vào lúc này, trong những bài hát của người lưu vong, tôi luôn luôn dựa vào Niềm Tin và Hi Vọng :

Nếu vẫn khó lòng vá được trời xanh
Phận hèn không thể lấp cạn đại dương
Xin được sống còn, giữ vẹn lòng son
Xin mãi yêu thương
Xin mãi yêu thương người nơi cuối đường.
Chúa sẽ thương tình vá lại hồn em
Bằng niềm Tin để lấp biển sầu thương.
Sống được trong đời, hi vọng còn nuôi
Nuôi mãi tin yêu,
Nuôi mãi tin yêu, gửi nơi cuối trời.
Còn niềm Tin mãi nơi ta
Thì rồi sẽ nối duyên xưa...

Biển và nạn hải tặc còn bắt tôi phải nói lên và chống lại số phận hẩm hiu của người phụ nữ Việt Nam đương thời. Bài Lời Người Thiếu Phụ Việt Nam đưa ra hình ảnh một phụ nữ, chồng chết ở trại tập trung, cha mẹ chết ở vùng kinh tế mới... Nàng bế con ra khơi, không may gặp hải tặc. Chúng hãm hiếp nàng và ném con nàng xuống biển. Hỏi tại sao người phụ nữ này không tự tử chết ? Bà trả lời :

Xin đừng hỏi tôi vì sao tôi còn sống ?
Vì sao tôi còn mong ? Vì sao tôi còn ngóng ?
Xin đừng hỏi tôi vì sao tôi mất chồng ?
Vì sao tôi mất con ? Mẹ Cha, tôi mất luôn.
Xin đừng hỏi tôi, khổ đau đã triền miên
Mà sao tôi chẳng điên ? Mà sao tôi chẳng chết ?
Lũ giặc Biển Đông làm thân tôi ố nhục
Làm con tôi chết trôi, chỉ còn tôi sống sót thôi !
Chồng tôi đã chết nơi trại tập trung
Mẹ Cha tôi chết ở vùng kinh tế
Tôi đã ra đi, ôm đứa con thơ
Trong chuyến ra khơi nửa giấc đêm mưa.
Hi vọng tìm được cuộc đời tự do
Nào ngờ bọn người ích kỷ đuổi xua
Thuyền nhân ốm đói, giặc chờ ngoài khơi
Chỉ một mình tôi sống thôi, để lên tiếng gọi...

Vâng ! Người thiếu phụ Việt Nam này không thể chết được vì : Tôi còn phải sống để treo cao nợ máu, người Đông Dương khổ đau vì âm mưu đổi tráo... Tôi còn phải sống để khóc chồng khóc con, khóc cha khóc mẹ... Nhưng nếu tôi có buồn vì quê hương nát tan, lòng tôi chưa thể yếu hèn được :

Tôi còn phải sống để nuôi sâu thù oán
Kẻ gây nên lầm than, người vô tâm tàn nhẫn
Tôi còn phải sống để mang ơn những ai
Mở tay ôm những người
Nạn nhân trên cõi đời.

Kết luận : người thiếu phụ Việt Nam ở trong hoàn cảnh đáng lẽ phải chết này cần phải sống để cho thế giới phải lưu tâm tới số phận của nước Việt Nam.

Trên đường đi tìm tự do, biết bao nhiêu thiếu nữ, thiếu phụ trở thành nạn nhân của hải tặc. Để xoa dịu vết thương của những người xấu số, tôi có bài Giải Thoát Cho Em :

Giải thoát cho em, cá chậu chim lồng
Con chim Lạc Hồng bay đi mịt mùng
Con cá Tiên Rồng vượt sóng muôn trùng
Em đi tìm sống.
Giải thoát cho em, gánh nặng u buồn
Trên vai mỏi mòn, trong tim tủi hờn
Kiếp sống ngỡ ngàng, cay đắng trên đường
Xa cách quê hương...

Bài hát muốn giải thoát muôn vàn oan khiên, những tai nạn dọc đường, cho rằng người bị hãm hại là người thục nữ không may gặp phải hùm beo ác thú hay bị con chó cắn càn. Bài hát muốn giải thoát những nàng Kiều của thời đại, dù là kiếp bèo nổi trôi nhưng hồn thì chói lói, người con gái Việt Nam là cỏ núi, dù giông tố dập vùi nhưng vẫn mãi mãi xanh tươi...

Giải thoát cho em, ác mộng qua rồi
Dâng em cuộc đời, dâng em tình người
Tay đón tay mời, cuộc sống tơi bời
Cùng nhau vun sới
Giải thoát cho nhau, nối chặt tâm tình
Không ai hiểu mình hơn ta và mình
Những nỗi oan tình và những hận sầu
Giải thoát cho nhau.

Muốn vượt định mệnh ngặt nghèo của mình thì lòng phải sâu như biển, cao như núi, rộng như các thành phố Âu Mỹ. Và khi được sống với cả ba thứ đó mới thấy biển hoang vu, núi cô đơn, thành phố vắng lặng như thế nào ?

Tôi soạn một bài hát nhan đề Như Là Lòng Tôi, cho rằng biển có nhức nhối, núi có buốt giá, thành phố có nặng nề đến đâu đi nữa thì cũng chỉ như là lòng tôi mà thôi :

Chiều nay ra đứng bên bờ đại dương
Biển âm u, vắng ngắt
Biển bao la một mầu tím ngát muộn phiền
Biển mênh mang niềm nhớ tiếc
Biển run lên từng đợt sóng biếc, ngỡ ngàng
Rủ nhau tới chết bên bờ biển hoang
Mặt trời cũng chết trong lòng biển sâu
Biển thương đau mấy kiếp
Biển đơn côi, biển còn nối tiếp cuộc sầu
Biển mông lung gào với gió
Biển hung hăng và làm bão tố nghiêng trời
Biển khơi nhức nhối như là lòng tôi.

Điệp Khúc là lời van xin :

Hãy lấp kín lại trùng dương
Cho tôi thôi buồn đại dương
Tái sinh làm con suối vắng...
Cho tôi xin là dòng sông
Nơi quê hương sạch và trong
Uốn quanh ngoài cánh đồng...

Đứng trước biển lòng tôi buồn như vậy... Còn nếu khi lên núi, thì :

Bình minh lên núi, tuyết phủ đầy vai
Vùi thân trong buốt giá
Nằm chơ vơ một hàng núi đá chập chùng
Rừng xanh xao và chết cóng
Trời không cao và trời vắng bóng mây ngời
Mặt hồ băng kín như là lòng tôi.
Rồi đi xuống phố không một người quen
Nhà xi măng cốt sắt
Mọc chênh vênh và làm khuất mắt người tình.
Đường tuy đông mà quá trống
Ngày đi qua chỉ là những bóng không lời
Đời nghe xa vắng như là lòng tôi !

Điệp Khúc này vẫn là một lời van xin :

... Hãy quét tuyết sạch mùa Đông
Cho non cao khỏi lạnh băng
Hãy về gặp nhau trên đất khách...
Ta ôm nhau mà hỏi han
Ta gây lại tình thương
Sẽ thấy vui ở cuối đường.

Kết luận, bài ca vẫn hướng về sự tích cực :

Biển xanh, núi biếc hay vỉa hè kia
Rồi đây thắm thiết như là lòng ta !

Thấy tôi rất chú ý tới phụ nữ, Nguyễn Ngọc Bích viết trong bài TỰA của nhạc tập THẤM THOÁT MƯỜI NĂM do Hội Văn Hóa Việt Nam Tại Bắc Mỹ, Tủ Sách Cành Nam và Tạp Chí Xác Định ở Washington DC ấn hành vào năm 1985 :

"Nét nổi bật của nhạc Phạm Duy trong lúc này là thế đứng và nhất là thân phận của người đàn bà, của phụ nữ Việt Nam. Nguyễn Du viết : Đau đớn thay phận đàn bà và đau đớn như thế nào, ghê gớm như thế nào, có lẽ chưa bút nào tả siết. Phạm Duy đã thử qua nhạc của anh..."

Thân phận của người thiếu phụ được tôi chú ý có lẽ vì tôi luôn luôn bị huyền thoại Mẹ ám ảnh. Tôi còn lưu tâm tới người thiếu nữ Việt Nam trên đường tị nạn. Do đó có bài :

Người con gái Việt rời xa tổ quốc
Nàng như cánh đào trước gió phất phơ
Hoặc như chiếc thuyền lửng lơ ngoài sông nước
Hay phận liễu bồ trôi dạt phương xa
Người con gái Việt phải xa tổ quốc
Nàng vẫn giữ lòng son sắt như xưa.
Dòng Tiên giống Rồng, Nàng mang tình yêu nước
Mang cả linh hồn nữ kiệt Trưng Vương.

Tôi xưng tụng người thiếu nữ với gia tài là Công, Dung, Ngôn, Hạnh. Bao năm ly loạn làm quê hương tơi bời mà người con gái Việt không hề đổi thay thì bây giờ...

... người con gái Việt ngày xa lìa nước
Dù vắng bóng chồng hay vẫn bên nhau
Dù đang sống cùng tự do nhiều hơn trước
Tinh thần gái Việt giữ gìn cho lâu.

Tôi mong rằng, dù phải chung đụng với văn hoá của các nước Âu Mỹ, xin các em vẫn giữ lòng trong trắng như hoa, đã thờ cha, kính mẹ lại thờ luôn tình yêu nước và giữ đạo yêu chồng, xây dựng con thơ. Rồi bởi vì xã hội Hoa Kỳ là sự tự do quá trớn nên ngay từ lúc này tôi mong mỏi người con gái Việt Nam đi tị nạn ở Âu Mỹ gìn giữ hộ tôi nguyên vẹn cả tinh thần lẫn thân thể qua bài Xin Em Giữ Dùm Anh :

Trong đôi mắt em, anh nhìn thấy mặt trời xa
Nắng quê Cha, bốn nghìn năm rôi đời ta
Nắng êm vui từng đón anh vào đời
Đi theo cuộc tình thăm thẳm xa vời
Em có đôi môi thơm mùi cốm vàng ngày xuân
Môi ngọt ngào như ngụm sữa Mẹ, hiền ngoan
Miếng môi ngon từng vướng dăm giọt lệ
Cho anh hôn vào, vui buồn mải mê.

Nhớ ngày mới khởi sự sáng tác, sự nguyên vẹn hình hài nằm trong cái chết. Bây giờ nó là sự sống :

Ôi đôi tay ! Như sóng Biển Đông say
Hay gió rừng lay trên dẫy núi miền Tây
Đôi tay tròn, nếu được em ẵm ôm
Anh rồi sẽ chôn biết bao nhiêu tủi hờn
Ôi đôi chân, em mang đi đằng đẵng
Những dặm đường trường, trên con đường cái quan
Đôi chân son, chân ngát hương Saigon,
Đôi chân u buồn, đôi chân vượt trùng dương.

Xưng tụng môi mắt, tay chân của người con gái Việt Nam, tôi còn muốn bơi trong làn tóc của em, những làn tóc xanh như nước sông bồng bềnh của quê mình. Tôi muốn em gìn giữ hộ tôi một góc quê bàng hoàng đã in trong tâm hồn và trong thân thể nở nang của em :

Xin em giữ dùm anh mắt rực lửa hồn
Em soi sáng hộ anh Đại Lộ Hoàng Hôn
Xin em giữ hộ anh môi mềm lời nguyện
Ru anh chết một đêm, tuyết phủ mộ êm
Em hãy giữ hộ anh tay ngà nhỏ ngọn năm nhánh.
Anh say giấc ngàn thu, hơi Mẹ còn nồng mộng mơ
Em đi tới ngày mai, chân dài vượt vạn nẻo đời
Anh nơi suối vàng vui, ngỡ mình miệt mài chẳng ngơi.
Xin em giữ dùm anh, người con gái đồng trinh.

Theo gót Nguyễn Du, nói tới thân phận đớn đau của người đàn bà, sau những lời ca của thiếu phụ Việt Nam khi gặp cảnh thủy ngục đại dương, tôi có thêm bài Trả Lại Chồng Tôi ghi lại hình ảnh điển hình nhất của thời đại là người đàn bà ở trong địa ngục quê hương :

Trả lại chồng tôi, chồng của tôi
Trả lại người yêu qúy của tôi
Bao năm chinh chiến đã xa vời
Hoà Bình về nơi quê hương rồi
Mà người chồng tôi vẫn bặt hơi
Hình dạng người yêu vẫn bặt khơi.

Người thiếu phụ Việt Nam có chồng bị bắt giam ở trại cải tạo, cất tiếng hỏi :

Cũng là anh em hai miền ruột thịt
Mà sao nỡ bắt đem đầy xa ?
Cũng là con dân máu đỏ da vàng
Mà sao nỡ giết nhau, hại nhau, gây thương đau ?
. . . . . . . . .
Trả lại chồng tôi, chồng của tôi
Trả lại quyền dân sống thảnh thơi
Cho quê hương ấm no yên lành
Trả lại thương yêu cho gia đình
Trả lại Việt Nam những tình thiêng
Của triệu đàn con giống Rồng Tiên.

Sau ngày 30-4-75, những bà vợ quân nhân công chức của chính quyền quốc gia là những nhân vật oanh liệt nhất của thời đại khốn khổ này. Biết bao nhiêu phụ nữ Việt Nam, dù phải sống khổ nhục dưới chế độ mới, vẫn tận tụy nuôi con sau khi chồng bị bắt. Rồi lặn lội đi thăm nuôi chồng ở những nơi rừng sâu núi thẳm. Sau thời gian tù đầy dài như thiên thu, chồng vừa được thả về là có sẵn bãi, sẵn thuyền để đưa chồng vượt biên.

Lũ nhạc sĩ chúng tôi cứ luôn luôn thích xưng tụng người Mẹ. Bây giờ trong cơn quốc nạn của Việt Nam, tôi thấy người vợ mới thật là quả cảm, tinh khôn, bền chí, nhẫn nại, trung thành, chân chính.

Nói thêm về huyền thoại biển...

.... Hơn các nước lân cận như Ai Lao, Cao Miên, Thái Lan, Miến Điện... với biển cả mênh mông từ biển Bắc tới biển Nam (gọi chung là biển Đông), nước ta mở ra với thế giới để đón nhận hay để tung đi muôn phương. Chỉ có điều buồn là sau cuộc Nam Tiến, tiền nhân chưa có dịp đưa nước Đại Việt ra biển thì nước ta bị bế môn toả cảng do lỗi lầm của một triều đại (Tự Đức) hẹp hòi, do nạn ngoại xâm dài gần một thế kỷ, do cuộc kháng chiến, nội chiến 50 năm và do sự mù quáng của một chính quyền, chỉ mới he hé ''mở cửa'' cho tiền đô-la đi vào Việt Nam với người về thăm quê hương mà chưa hề ''cởi trói''cho quốc gia và dân tộc.

Trong việc xưng tụng quê hương, tổ quốc, tôi đã có lần đả động tới biển ở nước mình. Qua bài Mẹ Trùng Dương (trong trường ca Mẹ Việt Nam), biển được tôi coi là nơi luôn luôn cung cấp cá lớn thơm tho đầy thuyền, nếu biết khai thác kỹ thì ngành thủy sản là một nguồn lợi kinh tế rất lớn lao, ngoài lúa gạo xuất cảng. Qua bài Mừng Xuân, tôi nói tới vàng đen tức là dầu lửa, thì ở dưới thềm lục địa của nước ta (rộng khoảng 1 triệu 300 ngàn km2), cứ cắm mũi khoan thăm dò là gặp ngay dầu khí.

Thi sĩ Bắc Phong ở Gia Nã Đại cho rằng biển mở đường đi biển lấp đường về. Nhưng vì anh cũng nói biển hẹn tương lai nên tôi ước mong biển Đông mau mau thoát ra khỏi huyền thoại về sự chết để vĩnh viễn là Mẹ Việt Nam vĩ đại với nguồn sinh lực dồi dào nuôi nấng lũ con, một ngày nào, giống như trong câu ca :

Lũ con lạc lối đường xa
Có con nào nhớ Mẹ ta thì về...

Nhân đây, xin nói thêm tới tác dụng của các chương trình tiếng Việt tại những Đài VOA, BBC và Đài Úc...(2) Đó là mối liên lạc độc nhất và hiệu quả nhất giữa nghệ sĩ ở ngoài nước và dân chúng ở trong nước. Chính quyền có thể kiểm soát chặt chẽ thư từ, sách báo nhưng bất lực trước làn sóng âm thanh. Trong suốt hai chục năm qua, tôi không bỏ lỡ một cơ hội nào để được phỏng vấn bởi các đài phát thanh vừa kể.

Tôi mang ơn các vị phụ trách chương trình tiếng Việt của các đài đó. Vì ở cách xa nhau năm châu bốn bể, sự truyền thông giữa người Việt ở hải ngoại rất khó khăn, đồng hương có thể không biết rõ những sinh hoạt của tôi, nhưng ở trong nước, qua các Đài phát thanh VOA, BBC... đồng bào theo rõi tôi trong bất cứ một bài hát nào của bất cứ một xu hướng nào.


Phạm Duy


(1) Vì nghĩ tới hoàn cảnh gia đình mình nên tôi có câu hát này.
(2) Sẽ có thêm Đài RFI (Radio internationale Francaise) của Pháp.