Chương 4
- Details
- Written by Phạm Duy
- Hits: 4865
Hồi Ký — Thời Hải Ngoại
Trèo lên quán giốc, ngồi gốc cây đa
Ai sui ối a cho ta đi hát...?
Dân Ca Cổ Việt Nam
Khởi sự đi hát tại Đài TV địa phương
Tới lúc này, có thể nói rằng vợ chồng Jon và Joyce Carle giúp tôi đứng dậy. Dù đã khởi sự hồi sinh sau khi liên lạc được với các con, rồi làm nghề bán băng và sách dạy nhạc để có tiền gửi về Saigon (tính cho tới tháng 4-76, tôi gửi cho các con được khá nhiều tiền, quà và thuốc men) nhưng tôi chưa đích thực sung mãn.
Tôi vẫn còn phải uống thuốc trừ lao và bị thuốc làm mệt. Vết thương trong phổi luôn luôn khiến tôi khạc ra máu. Thỉnh thoảng (nhất là khi thư Saigon tới chậm) tôi mất tinh thần (depressed). Tôi mất ngủ thường xuyên. Những khi mót tiểu vào quá nửa đêm, ngại không muốn từ phòng ngủ/garage ở sau nhà đi vòng qua bếp vào phòng tắm, bèn (xin lỗi) vạch quần đứng đái ở sân cỏ. Nhìn xa nhìn gần thấy đèn đường, đèn chợ sáng trưng, gió biển thổi tới, có tiếng nhạc đâu đây, có tiếng phi cơ bay ngang... thấy đời đẹp quá, tôi muốn gào lên :
-- Trời ơi ! Sao tôi khổ đến thế này ?
Sự xuống giốc trong tôi còn được thể hiện ra bằng sự bất lực trong tình dục. Đã mất gần hết, tưởng rằng còn cái này, ai ngờ mất nốt! Sẽ còn lâu lắm dục tính mới trở lại trong tôi để tôi lại mê gái và thèm gái như xưa.
Vợ chồng Carle giúp tôi đứng dậy nghĩa là trước tiên họ giới thiệu tôi và Thái Hiền đi hát tại vài ba nơi ở chung quanh Fort Walton Beach.
Đi hát tại vùng lân cận Fort Walton Beach là Niceville và Montgomery...
Rồi họ vận động ráo riết Lực Lượng Đặc Nhiệm Tị Nạn trả tiền cho vợ chồng tôi và Thái Hiền đi hát giải trí cho dân tị nạn ở các trại chưa đóng cửa, như Fort Chaffee, Indiantown Gap. Đề nghị này được Bộ HEW chấp thuận ngay. Tôi được lĩnh một ngân khoản lớn là tiền lương và tiền mua sắm một hệ thống phát thanh rất to, rất nặng. Đã quá 50 tuổi rồi mà vợ chồng tôi vẫn phải khiêng đồ đi hát như ban nhạc trẻ.
Mùa hè 1976, chúng tôi đi lên đường lưu diễn, kéo Khánh Ly đi theo cho chương trình thêm xôm tụ. Chưa bao giờ tôi có một đêm ca diễn với thính giả đông đảo như tại Fort Chaffee này. Mấy ngàn người hãy còn ở trong trại, chưa phải lo tới đời sống hằng ngày, chỉ ngồi nhớ nhà, nhớ nước, nay được nghe bài hát quê hương thì họ vỗ tay vang trời. Tôi khoái trá, bèn phun ra một bài tục ca khiến cả hội trường cười vang như sấm sét. Người Mỹ nhốn nháo nhờ người Việt cắt nghĩa tùm lum.
Hát tại trại Chaffee
Gặp các bạn cũ như T.T. Thích Giác Đức, Trần Văn Ân... ở trại tị nạn, ai cũng có vẻ cảm thương cho cảnh ngộ bị kẹt con và sự đi hát miễn cưỡng của tôi. Họ không biết rằng khi tôi được đi hát lại, được tiếp tục ra mắt quần chúng, được khán giả vỗ tay hoan nghênh... thì tôi sẽ vượt thắng số mệnh khắt khe cho mà coi.
Thế là sau khi đi hát ở trại tị nạn, tôi đã có đủ tự tin (nhất là có đầy đủ dụng cụ âm thanh) để tiếp tục hành nghề hát rong. Tôi liên lạc với Steve Addiss, Bill Crofut, James Durst... để cùng họ đi hát tại nhiều đô thị. Chúng tôi hát ở những coffee house, ở các trường Đại Học, tại các hội quán Rotary Club, Kiwani Club v.v... dù tiền thù lao chẳng là bao nhiêu nhưng tôi rất vui vì đó là những lợi tức (income) đầu tiên của tôi trong cuộc đời mới này.
Hát tại coffee house với James Durst...
Tôi cũng học thêm được cách tổ chức đi hát (booking show) tại Hoa Kỳ để bù đắp thêm vào những kinh nghiệm mà tôi đã có khi làm việc này với gánh Đức Huy ngày xửa ngày xưa.
Rồi tới khi không còn cơ hội hát thường xuyên với các bạn Mỹ kể trên nữa thì tôi liên lạc với các cơ quan đang lo cho người tị nạn như Lutheran Service, USCC, YMCA để booking show cho ban tam ca gia đình Phạm Duy. Tôi vẽ bảng hiệu cho ban The Pham Duy Family Singers, in chương trình, soạn thêm bài bản cho vào nhạc mục.
Chương trình ca diễn song ngữ mang tên A Gift We Share/Món Quà Chung Hưởng hay là Songs For A New Land/Hát Trên Đất Mới gồm một số bài ca Việt-Mỹ (tôi gọi là vietnamerican songs) như Full Moon Fair Song (Hát Hội Trăng Rằm), The Wind On The Bridge (Qua Cầu Gió Bay), The Rosey Years (Tuổi Hồng), Little Boy ! Catch A Cricket ! (Bé Bắt Dế), Young Girl With Skin Like Gold (Người Con Gái Việt Nam Da Vàng), One Day, One Life (Một Ngày Một Đời), God Bless America (Chúa Ban Phước Lành), Việt Nam Việt Nam v.v...
Chương trình này được ngay sự bảo trợ của Ron Luce trong tổ chức YMCA (anh này không có họ hàng với Don Luce của phong trào phản chiến) và chúng tôi đã tới hát ở nhiều nơi trên đất Mỹ... như tại các trường Đại Học ở Illinois, South Dakota, New Jersey, New York, Virginia, North Carolina và Georgia v.v...
Diễn tại Wichita
Đài televison địa phương
Đi diễn tại Trường Đại Học Georgia...
Đã đến lúc chúng tôi phải làm một tờ brochure với ảnh đẹp để quảng cáo...Ảnh do Ron Luce thuê nhiếp ảnh gia Mỹ chụp.
Vấn đề Việt Nam vẫn còn nóng bỏng, tuổi già, tuổi trẻ Hoa Kỳ đều cảm động khi được nghe những bài hát mang nhiều tâm sự người tị nạn.
Vinh dự nhất là buổi trình diễn tại Oliver College (Michigan) trong ngày kỷ niệm 200 năm thành lập Mỹ Quốc. Trường Đại Học này tổ chức một đại hội ba ngày mang tên EXPRESS AMERICA, có sự tham gia của nhiều nhóm diễn giả, văn sĩ, nghệ sỹ Mỹ dưới sự chủ toạ của bà Tổng Thống Carter. Là đại diện lớp người di dân mới nhất, sự góp mặt của chúng tôi vào chương trình này rất có ý nghĩa.
Express America
Giấy giới thiệu của White House...
Sau đó, Toà Bạch Ốc cũng ủng hộ tôi qua tờ chương trình của buổi diễn ở Dothan (Alabama) trong đó có thư giới thiệu The Pham Duy Family của cố vấn Tổng Thống là Hamilton Jordan. Tới buổi diễn tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ dưới sự chủ toạ của bà giám đốc Task Force Julia Taft, vô tình chúng tôi trở thành một phái đoàn ngoại giao (!) của nước Việt Nam Hải Ngoại.
Tại Bộ Ngoại Giao
Các tổ chức tôn giáo cũng mời chúng tôi tới hát trong phạm vi của những community concerts nghĩa là hát cho cộng đồng của họ nghe. Chúng tôi cũng tham dự vài Đại Nhạc Hội Dân Ca (festival) ở Petersburg (New York) và ở Deerfield (Illinois).
Các nghệ sĩ dân ca ở Petersburg ra sân bay đón...
Hội Dân Ca Deerfield, Illinois...
Diễn tại Dothan, Alabama
Đi tới bất cứ nơi nào, chúng tôi cũng được mời xuất hiện tại các Đài Truyền Hình địa phương. Và thường thường chúng tôi được sống vài ngày trong những khách sạn rất đắt tiền, như Hotel Hilton chẳng hạn. Sống tại khách sạn cực kỳ lộng lẫy này, tôi tưởng mình là triệu phú !
Cũng có khi được mời tới ở chung với người Mỹ và được coi như bạn thân ngay, dù mới quen nhau. Người Mỹ với tính tình cởi mở, thích kể chuyện tâm sự, coi người nghe như bác sĩ chuyên về phân tâm học vậy. Họ cũng thích tổ chức tiếp tân, do đó chúng tôi được giao thiệp với đủ mọi giới, từ chính trị gia tới văn nghệ sĩ, từ giới thượng lưu tới giới trung lưu và có dịp hiểu biết thêm về con người, cảnh vật và cuộc sống ở nước Hoa Kỳ rộng lớn này. Nói chung, cảnh vật ở đây quả là vĩ đại, con người thật là hào phóng, cuộc sống rất là dễ dàng. Nếu có ngày nào được trở thành công dân nước này, tôi cũng sẽ chẳng có một tí ti mặc cảm nào cả...
Những buổi hát cho người Mỹ nghe rất thành công làm tôi vững dạ. Tôi tính tới chuyện đi hát cho người Việt nghe.
Phạm Duy