Chương 2
- Details
- Written by Phạm Duy
- Hits: 4546
Như bông bay qua miền Louisiana
Như cam đong đưa miền Florida...
Hát Trên Đường Tạm Dung
Trại Eglin - Florida
Tôi chọn đi Florida thì dù tầu bay hạ cánh xuống phi cảng quân sự ở gần trại tị nạn Eglin vào giữa đêm khuya, tôi cũng gặp ngay mặt trời rồi. Ngẫu nhiên, hôm nay chúng tôi tới tạm cư ở một nơi đã được người Mỹ gọi là tiểu bang nắng (Sunshine State), dù về sau, khi ''mu'' (move) về miền California, tôi thấy nắng ở tiểu bang vàng (Golden State) (1) này mới đáng gọi là nắng.
Trại Eglin, với hàng trăm lều vải nằm giữa một khu rừng thấp, là nơi tạm trú của dăm bẩy ngàn người tị nạn Đông Dương. Đây đó có dựng thêm những căn nhà gỗ nhỏ dùng làm phòng hành chánh, phòng khám sức khoẻ, bếp và phòng ăn, lớp học và phòng chơi của con nít v.v... Giải quyết vấn đề tiêu hoá của vài ngàn cái dạ dầy là những cầu tiêu cá nhân đặt ở nhiều nơi.
Gia đình tôi ở chung lều với gia đình bà thông gia, vợ chồng Minh Phúc và mấy gia đình khác. Mỗi người có một cái giường vải nhà binh để ngồi chơi hay nằm ngủ. Lều dựng giữa khu rừng đất cát, mái vải không ngăn được mặt trời hay sương đêm nên ban ngày chúng tôi bị nóng đổ mồ hôi, ban đêm lạnh buốt xương sống.
Trong những ngày đầu tiên ở trại, cũng như mọi người, gia đình tôi phải suốt ngày xếp hàng đi khám sức khoẻ (khám phá ra vi trùng bệnh lao đã tái sinh trong tôi), xếp hàng đi làm giấy tờ căn cước (giấy ai nai ti fo = I-94), xếp hàng đi lĩnh quần áo, xếp hàng đi ăn sáng, ăn chiều... Người Việt Nam xưa nay là vua giành chỗ, bây giờ ở nhà hay chạy ra ngoại quốc cũng đều khởi sự đi vào lối sống xếp hàng cả ngày rồi. Tôi bận lùa lũ con nhỏ vào đội ngũ xếp hàng nên tạm quên được nỗi buồn.
Cũng là X.H.C.N (xếp hàng cả ngày) đấy...
Đêm về là lúc tôi chịu cực hình. Một nỗi buồn khổng lồ xâm chiếm tôi, buồn này không có tên vì là nhiều nỗi buồn chồng chất lên nhau. Buồn nhất là bốn con bị kẹt lại. Thêm sự buồn tủi của kẻ bị xua đuổi, phải chạy trốn. Buồn vì bỗng thấy cuộc đời chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Còn có thêm một buồn lo cho tương lai. Làm gì để sống ? Đi hát để nuôi thân à ? Hát cái gì ? Hát cho ai nghe đây? Còn đâu hứng khởi để hát nữa ? Và nếu không đi hát, 55 tuổi rồi, tôi đâu còn thời gian và sức khoẻ để học hay làm nghề khác ???
Không ngủ được, vén lều nhìn ra ngoài, tôi thấy đêm rừng tị nạn Florida 1975 không giống đêm rừng kháng chiến Đất Đỏ 1945. Khi xưa, ánh trăng đỏ như máu làm rạo rực lòng tôi. Bây giờ, ánh trăng xanh nhợt nhạt làm cho nỗi buồn của tôi càng thêm tê tái... Sự buồn tủi còn tăng thêm khi tôi chứng kiến, vào cuối tuần, cảnh người Mỹ rầm rập vào trại ra trại để bảo lãnh người tị nạn vì lòng nhân đạo hay tới trại để nhìn người Á Đông vì tính tò mò. Vấn đề tị nạn Đông Dương đang nóng bỏng, phóng viên báo chí, truyền hình tới tấp vào trại làm phóng sự. Tôi được phỏng vấn và thốt ra một câu buồn bã :
-- Tôi sinh ra để hát về nước tôi ! Nước tôi đâu rồi ?
Một số lớn báo trong toàn quốc đăng ảnh tôi ngồi trước lều tị nạn với bộ mặt thảm thiết, hai tay ôm đàn guitare (của Minh Phúc cho mượn) với bài báo rất lâm ly mang những tít lớn : I Sing About My Country, Where's My Country Now ?, Folksinger Has No Country, Vietnamese Singer Laments Loss...
Tin về tôi, trên báo Mỹ toàn quốc (nationwide)...
Cũng nhờ những bài báo này, khi xuất trại và tới ở nhà sponsor (người bảo lãnh), vợ chồng tôi và Thái Hiền được mời lên New York để ra mắt trong chương trình truyền hình TOMORROW của Tom Snyder (2).
Sau vài ngày hoàn tất các vấn đề khám sức khoẻ, chụp ảnh, lăn dấu tay để làm hồ sơ nhập cảnh, một ngày dài như thiên thu của tôi là buổi sáng xếp hàng đi tắm rồi đi ăn. Buổi trưa xếp hàng đi lĩnh chăn hay lĩnh quần áo nhà thờ (3). Buổi chiều lại xếp hàng đi ăn, rồi có khi ra ngồi trên bãi cỏ coi ciné ngoài trời hay nghe ban nhạc của học sinh High School trong thành phố Fort Walton Beach (cách xa trại 17 cây số) tới biểu diễn. Ông giáo sư âm nhạc của trường này đọc báo nên biết tôi là nhạc sĩ bèn tới lều xin tôi chép cho bài The Rain On The Leaves để ban nhạc học sinh trình bày. Đưa bài hát cho ông ta, tôi cũng chẳng thấy thích thú gì...
Trại Eglin, The Rain On The Leaves, tác giả, ban nhạc học sinh...
Tại nơi giải trí chung này, nhìn những đôi uyên ương ôm nhau coi phim tình hay thấy những gia đình có đầy đủ vợ chồng con cái ngồi quấn quýt bên nhau nghe nhạc Mỹ... tôi tủi thân vô cùng.
Tủi thân mà vẫn phải hát...
Đối với nhiều người, quả rằng đời sống trong trại Eglin rất là vui. Ít khi hàng ngàn người Việt sống chung với nhau một cách vô tư như thế này. Họ không phải làm gì, được nuôi ăn, được khám và chữa bệnh, được giải trí. Nhưng đối với tôi, những ngày này thật là vô vị. Với những người cũng trong hoàn cảnh ly tán như gia đình tôi, chắc cũng vậy thôi !
Vũ Thành
Gặp nhạc sĩ Vũ Thành, mặt mày ủ rũ vì con gái và chàng rể bị kẹt lại ở Việt Nam, chúng tôi không còn nói những chuyện vui đùa thấp lè tè hay những chuyện nghệ thuật cao siêu như những ngày gặp nhau trên Đài Phát Thanh Saigon nữa. Chúng tôi nở ra những nụ cười mếu máo mỗi khi gặp nhau trong hàng ngũ đi ăn. Một buổi chiều, cùng Vũ Thành âm thầm đứng trong đám đông nghe ban nhạc học sinh tới trổ tài và an ủi dân tị nạn, chỉ một lát sau, nhạc sĩ hàng đầu của Việt Nam bỏ về lều, thốt ra lời cay đắng :
-- Suốt đời mình, không bao giờ có trong tay một ban nhạc với đầy đủ nhạc cụ như lũ nhoắt con học sinh tỉnh nhỏ kia !
Gặp ông chủ đất của căn nhà Phú Nhuận tôi mua lại năm xưa, thất thểu đi một mình trong trại vì chỉ có đủ số vàng để mua một chỗ trên chiếc thuyền đánh cá ở Phước Hải... Tôi cũng gặp những người quen khác như cựu chuẩn tướng Phan Hoà Hiệp (anh của nhà văn quân đội Phan Nhật Nam) thường chơi bàn bi điện với tôi ở nhà hàng La Pagode ngày nào. Gặp một người có dính líu tới chính biến 1963 mà tôi cũng không tò mò hỏi chuyện đi bắt Tổng Thống và về cái chết của ông Diệm, ông Nhu... Gặp anh bạn cũ Đỗ Xuân Hợp, chúng tôi chỉ ngượng ngùng nhìn nhau chứ không còn chuyện nổ như pháo ran nữa...
Có một số người không lâm vào hoàn cảnh gia đình ly tán như tôi hay Vũ Thành mà vẫn phải nhìn người đồng trại với cặp mắt không được tự nhiên. Đó là những quan to hay xếp lớn, khi còn tại chức, thét ra lửa mửa ra khói, nay qua tới trại, gặp người cấp dưới thì họ rụt rè, e ngại. Đời sống trong trại quá nhàn rỗi, mọi người hay tụ tập ở phòng ăn để bàn bạc về thời thế, lính trơn nay ngồi chung với Tướng Tá, không khỏi có ít nhiều mặc cảm ở đôi bên. Tôi không được chứng kiến nhiều cảnh ân oán giang hồ ngoài chuyện một ông Cảnh Sát Trưởng vừa ngu vừa hách xì xằng nên bị ăn đòn tôi sẽ kể trong đoạn sau.
Những ngày ở trong trại Eglin này, tôi còn bị cắt đứt hẳn với thế giới bên ngoài. Tôi không có người thân thích hay người quen biết ở Hợp Chủng Quốc để ra phòng điện thoại gọi collect (người nghe trả tiền) cho ai cả. Lại càng không thể nào gửi thư hay nhận thư của các con... Tuy nhiên, sống trong cơn đau khổ mù loà, tôi vẫn còn minh mẫn để thấy vài điều mới lạ đối với những ai vừa đi ra từ một quốc gia bị điên đảo, băng hoại trong chiến tranh và hận thù, qua vài ba chuyện ở đây...
Trại tị nạn vẫn còn chuyện tìm thân nhân qua hệ thống loa. Một hôm, với giọng nói hách dịch, một cựu Cảnh Sát trưởng nhắn tin qua hệ thống loa:
-- A lô a lô, tôi là Trung Tá Cảnh Sát ở Quận X trước đây, hiện đang ở lều số Z, nhắn tin cùng thân nhân là Y.
Chắc ông này lúc còn tại chức đã gây nhiều tội ác nên trong đám dân tị nạn có một số người cựu dân đen ở quận cũ vác gậy tới hỏi thăm sức khoẻ. Vừa mới được ăn tí đòn thù thì MP (Military Police) Mỹ xông tới bảo vệ, không phải vì nhà nước Hoa Kỳ chủ trương che chở tội ác mà vì ở một xã hội văn minh không ai có thể làm gì mà không qua luật pháp.
Tiền nong cũng được bảo vệ như sinh mạng. Những người mang theo vàng bạc, kim cương hay tiền dollar dù đó là tiền tham nhũng, nếu khai với nhà chức trách thì được xe hộ tống đưa ra thành phố để gửi vào nhà băng. Một chủ gia đình ngư phủ mang theo khoảng gần trăm ngàn đôn (tiền chở người ra khơi), vốn là gốc bình dân ngay thẳng (hay nhát gan) nên khai báo ngay. Các vua tham nhũng của chúng ta kín đáo hơn, đóng kịch rất giỏi. Vậy mà ông Trời có mắt (dù nhiều khi ông bất công vì ông mắc bệnh cận thị) nên có chuyện của thiên trả điạ là bà vợ của một ông Đại Tá (nổi tiếng tham nhũng) ở cạnh lều tôi, sau khi xếp hàng đi ăn cơm trở về thì mấy chục lạng vàng giấu rất kỹ đã không cánh mà bay đi rồi !
Nói thêm về chuyện tiền bạc thì có một số người mang theo được khá nhiều tiền Việt, nghĩ rằng tiền này hết giá trị nên đốt đi. Ai dè vài ngày sau, xe hơi bọc sắt (nhà băng lưu động) lù lù tiến vào trại. Thì ra người tị nạn được phép đổi tiền Việt Nam ra dollar Mỹ. Đó, thấy không, ở nước Cờ Hoa này, đồng tiền, con người rất được tôn trọng. Kể cả súc vật nữa... Điều này rồi sẽ gây nên nhiều rắc rối cho những người Đông Dương được gọi là di tản buồn nhưng chưa bỏ được tính ghiền thịt chó.
Không phải tới bây giờ Hoa Kỳ mới có vấn đề di dân khẩn cấp như thế này. Trong dĩ vãng đã có những trường hợp người Đông Âu, người Cuba đi tị nạn Cộng Sản ở Hoa Kỳ. Nhưng trước kia, những hội đoàn (tôn giáo) hay tư nhân đứng ra tổ chức việc đón nhận, nuôi dưỡng, hướng dẫn người tị nạn. Bây giờ, để giải quyết vấn đề di dân của hơn 100,000 người, chính phủ thành lập hẳn một Lực Lượng Đặc Nhiệm (Task Force) với Bà Giám Đốc là Julia Taft, con gái một Thượng Nghị Sĩ nổi danh, tổ chức này nằm trong Bộ Y Tế-Giáo Dục-Xã Hội (Health-Education-Welfare, viết tắt là HEW). Do đó, việc đón nhận người tị nạn Đông Dương vào đất Mỹ rất có quy củ. Việc nuôi dưỡng, nhất là việc hướng dẫn người tị nạn hội nhập vào xã hội Mỹ được khởi sự từ khi chúng tôi còn ở trong trại. Một đồng xu không dính túi mà chúng tôi được khuyến khích đi dự lớp học dạy lái xe ! Tưởng là vô ích, nên có người không thèm đi học. Ra khỏi trại mới thấy ở nước Mỹ không có xe hơi coi như què cẳng. Họ phải lập tức học lái xe ngay.
Hướng dẫn người Đông Dương hội nhập nhanh chóng vào đời sống Mỹ quốc không gì hơn là cho ở chung với người Mỹ. Do đó có giải pháp bảo lãnh (sponsor). Sống trong nhà của người Mỹ là học hỏi từng giờ từng phút công việc hằng ngày, như cách xử dụng bếp gas hay bếp điện, máy giặt, máy sấy, tủ lạnh. Rồi tới việc đi chợ rồi dùng giấy gói thực phẩm làm gói đựng rác, đi ra Bưu Điện, đi vào ngân hàng, đi xin học cho con cái. Đó là chưa kể học về lưu thông trong thành phố hay ngoài xa lộ. Lẽ dĩ nhiên đó là cách hướng dẫn người Đông Dương thuộc giới bình dân, đối với những người sống suốt đời ở Saigon, thành thật mà nói, chúng tôi tới ở với sponsor thì dạy cho người Mỹ nhiều điều, chuyện này sẽ nói trong chương sau.
Sau hơn mười ngày ở trong trại, khi có vợ chồng cựu Trung Tá Không Quân là Jon và Joyce Carle (đã từng ở Việt Nam vài ba năm và quen biết tôi qua mấy người bạn chung) tới thăm và ngỏ ý mời về ở gia đình họ trong thành phố Fort Walton Beach thì tôi nhận lời ngay. Chúng tôi đã quá ngán cuộc sống nửa vời ở trong lều vải của trại Eglin này rồi...
Một buổi sáng tháng năm, chia tay với Minh Xuân, Minh Phúc, Vũ Thành và vài người quen, gia đình họ Phạm gồm hai vợ chồng và một nửa trong số con cái lên xe camion đi vào thực tế Hoa Kỳ. Gia đình bà thông gia cũng theo chân chúng tôi vào sống trong thành phố bờ biển nhỏ bé này.
Ngày ra trại...
Phạm Duy
(1) Tiểu bang này là nơi người Mỹ trong thế kỷ trước đổ xô về để tìm vàng.
(2) Buổi phát hình này khiến cho một thiếu phụ Mỹ ở Wisconsin cảm động và gửi tặng gia đình tôi 200$.
(3) Nhà thờ quyên quần áo, chăn nệm của người Mỹ để phát cho dân tị nạn.