Chương 22
- Details
- Written by Phạm Duy
- Hits: 3579
Em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời mai mốt anh về...
KỶ VẬT CHO EM
Ra chiến trường...
Tưởng bước vào đạo ca (1971) là tôi có thể dứt điểm loạt bài ca phản kháng (protest songs) khởi sự từ tâm ca (1966), vậy mà tôi vẫn tung ra nhạc tập THƯƠNG CA CHIẾN TRƯỜNG với những bài soạn sau Tết Mậu Thân và một số bài mới, soạn ra vì nhu cầu của nhà xuất bản, hãng sản xuất băng nhạc và phòng trà. Nói cho đúng tâm ca và tâm phẫn ca chỉ được phổ biến trong giới sinh viên học sinh vì những bài ca thiên về chính trị và bị coi như quốc cấm này -- cũng giống như một số bài của Trịnh Công Sơn -- không được giấy phép kiểm duyệt thu thanh trong băng nhạc thương mại, ngoại trừ bài Giọt Mưa Trên Lá. Có người còn cho rằng nhét tâm ca vào băng nhạc là dung tục hoá bài ca tâm thức đi. Ai theo dõi âm nhạc ở miền Nam thì biết rẵng với tâm phẫn ca, tôi vạch mặt bọn cường đạo quốc tế đạo diễn vở bi hài kịch. Tố cáo sự nhân danh chủ nghĩa để giết hại nhau. Nói lên nghịch cảnh của hai người lính và kể chuyện hai anh cán bộ thù nghịch phải chui xuống gầm giường của bà mẹ Phù Sa. Bởi vì tôi không phải là gỗ đá, trước cái chết của người lính trẻ, tôi tuyên bố Trời Phật Thánh Thần đều bất lực. Những tiếng nói về thân phận con người như vậy cũng có người khác nói lên, nhất là những thanh niên đang phục vụ trong Quân Đội. Một hôm tôi đọc được một bài thơ ngắn nhan đề Trả Lời Một Câu Hỏi của một người lính chiến tên Linh Phương, đăng trong góc nhỏ của một báo hằng ngày. Tôi bèn thêm lời, thêm ý để phổ nhạc thành bài Kỷ Vật Cho Em :
Em hỏi anh ! Em hỏi anh ! Bao giờ trở lại ?
Xin trả lời ! Xin trả lời ! Mai mốt anh về...
Anh trở về, có thể bằng chiến thắng Pleime,
Hay Đức Cơ, Đồng Xoài, Bình Giã.
Anh trở về ! Anh trở về, hàng cây nghiêng ngả,
Anh trở về có khi là hòm gỗ cài hoa.
Anh trở về trên chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn mầu tang trắng...
Tôi hát bài này trước tiên tại phòng trà RITZ của Jo Marcel với ban nhạc Dreamers rồi hầu hết các ca sĩ, từ Thái Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly qua Thanh Lan, Nhật Trường đều thu thanh vào băng nhạc. Bài hát trở thành một hiện tượng lớn của thời đó. Ở phòng trà, khi ca sĩ hát bài đó lên, bao giờ cũng có sự náo động nơi khán thính giả. Nếu là thường dân thì phản ứng cũng vừa phải, nhưng vì hồi đó dân nhà binh ở bốn Vùng Chiến Thuật về Saigon là đi phòng trà và khi trong đám thính giả có một sĩ quan đi nghỉ phép hay một thương phế binh là có sự phản ứng ghê hồn nơi người nghe. Có thể nói bài này gây một không khí phản chiến, nhưng có một cái gì cao hơn chính trị. Nó nói đến định mạng của con người Việt Nam mà ai cũng phải chấp nhận :
Anh trở về, đây kỷ vật, viên đạn đồng đen
Em sang sông cho làm kỷ niệm
Anh trở về ! Anh trở về trên đôi nạng gỗ
Anh trở về, bại tướng cụt chân
Em ngại ngùng dạo phố mùa Xuân
Bên người yêu tật nguyền chai đá...
Nếu nói về tiến trình soạn nhạc của tôi, với bài Kỷ Vật Cho Em, đây là lần thứ ba tôi nói tới người thương binh. Lần thứ nhất vào năm 1947, tôi xưng tụng một nhân vật điển hình của thời đại qua bài dân ca Nhớ Người Thương Binh. Với tất cả tin tưởng vào kháng chiến, tôi nhắc tới một thứ anh hùng dân tộc mà cả nước phải mang ơn : Người về có nhớ thương binh ? Anh hi sinh một cánh tay và vì lúc đó, ở trong nước, người dân chưa thấy mình là nạn nhân của chiến tranh nên ai cũng thương người cụt tay. Do đó mà người xa gửi đến quà xa. Người thương binh cũng thấy đẹp lòng tôi lắm ai ơi !
Một thập niên qua đi, tưởng rằng Hội Nghị Genève 1954 mang tới hoà bình nên tôi lại nói tới nhân vật thương binh với bài Ngày Trở Về. Vẫn nói rất đậm đà về anh, nhưng bây giờ anh chỉ có con trâu cầy và người vợ mới cưới để cưu mang mình. Anh chống nạng cầy bừa và anh có con trâu xanh hết lòng giúp đỡ. Anh lấy được vợ hiền lành để cố gắng sống đời hoà bình. Bài này đưa ra thêm một nạn nhân của chiến tranh nữa là mẹ của anh, đôi mắt đã loà vì quá đợi chờ.
Hơn một thập niên nữa lại trôi qua. Từ trận Ấp Bắc tới trận Tết Mậu Thân, chiến tranh giữa hai miền lên tới mức độ kịch liệt nhất. Tôi đọc bài thơ Trả Lời Một Câu Hỏi tôi hiểu được tác giả nhà binh mang tên Linh Phương đã biết hai bài hát về thương binh trước đây của tôi, nên anh ta đưa ra hình ảnh người thương binh thời nay, trong ngày trở về, có thể cũng giống chàng về nay đã cụt tay hay anh nông phu chống nạng cầy bừa, hoặc có thể là hòm gỗ cài hoa hay bại tướng cụt chân...
Phổ nhạc bài thơ có chủ đề thương binh, tôi làm nốt công việc tạo ra những bộ ba (triptyque) như trước đây với Em Bé Quê, Bà Mẹ Quê, Vợ Chồng Quê hay với dự phóng bộ ba Con Đường Cái Quan, Mẹ Việt Nam, Trường Ca Trường Sơn -- Trường Ca này đã được thay thế bằng Bầy Chim Bỏ Xứ . Tôi muốn nói ra đây một điều cần nói, là : bài Kỷ Vật Cho Em tích cực chứ không hẳn là bài ca phản chiến hay định mạng. Nếu ta biết rằng miền Bắc xua quân đi trên con đường xương trắng Trường Sơn không có ngày về, vì bắt bộ đội xâm trên tay -- hay nhét trong đầu, cũng thế câu sinh Bắc tử Nam thì tối thiểu trong bài Kỷ Vật Cho Em, khi em hỏi anh bao giờ trở lại, em hỏi đi hỏi lại luôn luôn anh trả lời em mai mốt anh về. Anh còn tặng em viên đạn đồng đen nếu em bỏ anh sang sông, lấy chồng khác. Có nhân bản trong bài hát đấy chứ. Còn thêm một sự kiện : Kỷ Vật Cho Em vẫn là điều phải có trong nghiệp ca nhân của tôi. Trước đây tôi ca ngợi Vệ Quốc Quân kháng chiến nhưng tôi không quên nói đến khổ đau của người mẹ mất con ở Huyện Gio Linh. Quý vị nào luận về tôi trong giai đoạn này thì đừng quên qua bài thơ Mầu Tím Hoa Sim -- mà sau này tôi phổ nhạc với tên Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà -- thi sĩ Hữu Loan cũng nói tới đau thương của người lính trong kháng chiến, tưởng rằng không có ngày trở về với người yêu thì, oan nghiệt thay nhưng không chết người trai chiến sĩ, mà chết người em nhỏ hậu phương... Chứ không riêng chỉ có tôi mới nói tới cái bi trong kháng chiến !
Và bây giờ, sau khi xưng tụng người chiến sĩ Cộng Hoà với bài Huyền Sử Ca Một Người Mang Tên Quốc và loạt bài soạn cho Cục Quân Huấn trước đó, hay tổ khúc Chiến Ca Mùa Hè sau này chẳng hạn, thì tôi vẫn phải nói tới mặt trái của cái hùng là cái bi. Chỉ nên đặt vấn đề khi tôi bóp méo sự thật, dung tục hoá hay cường điệu hoá sáng tác mà thôi ! Kỷ Vật Cho Em là một sự thật tôi phải nói lên. Nếu ai ngăn tôi không cho tôi nói tới mặt trái của huy chương tôi cũng sẽ có phản ứng như khi bị Việt Minh không cho nói lên sự đau khổ của nhân dân.
Ngoài nhiều bài thơ trực tiếp nói về thân phận của người thanh niên trong quân ngũ mà bài Trả Lời Một Câu Hỏi là một ví dụ, tôi còn được đọc những bài thơ gián tiếp mong ước hoà bình như bài Khi Tôi Về của một sĩ quan tâm lý chiến Kim Tuấn, và được hân hạnh phổ nhạc bài đó cho Thái Thanh hát hằng đêm ở Phòng Trà QUEEN BEE :
Khi tôi về, con chim câu nằm trong tổ ấm
Dây thép gai đã hết rào quanh đồn phòng ngự
Và người lính đã trở về cày đám ruộng xưa.
Khi tôi về, con diều bay, đùa bay trong gió
Chốn quê nhà trên thảm cỏ xanh
Có lũ trẻ để bụng lòi rốn đen cười thanh bình...
Vâng ! Khi tôi về, có con trâu rung mõ xa xôi như trong giấc mộng. Khi tôi về, mẹ già vừa tóc bạc, đôi mắt nhìn xa xôi, mẹ tôi ngóng tương lai và quên hết ưu phiền. Con cò lại bay trên đồng ruộng xanh. Tre già bảo nhau cúi đầu trầm ngâm cùng mùi khói lam quen thuộc ! Đúng như vậy ! Khi tôi về, tôi đi thăm bờ sông thuở nhỏ, tôi sẽ buồn vì chuyện ngày xưa, tôi sẽ khóc vì chuyện quê hương bao lần đau khổ, bao lần cay đắng. Quê hương tôi là ở đó, tôi lớn lên bằng lời ru, bằng tình thương, bằng hờn căm và bằng tủi hờn...
Khi tôi về ! Con chim ca lời ca tình ái
Lũ thiếu nhi Đã hát mừng cho đời thịnh trị
Dù còn yếu cũng nhoài mình vồ lấy tình yêu...
Cái quan trọng nhất là tôi tìm lại được thằng tôi, sau khi tôi đã mất tôi trong cuộc chiến này :
Khi tôi về ! Khi tôi về ! Cuộc đời suôi chẩy
Bóng trăng xưa soi trên lối mòn,
Có rừng cây ấm vì nhiều thương nhớ,
Có người yêu cũ nằm chờ bên gối
Và khi thức dậy tôi tìm thấy tôi !
Từ trận Ấp Bắc, qua trận Tết Mậu Thân tới Mùa Hè Đỏ Lửa vào năm 1972, tôi thấy ai cũng nhìn nước Việt Nam trong khoảng mười năm qua như một thứ chiến trường tồi tệ và trong bối cảnh bi đát này, tôi cho in nhạc tập THƯƠNG CA CHIẾN TRƯỜNG khi có yêu cầu của nhà xuất bản HIện Đại.
Nhà báo kiêm thi sĩ Ngô Đình Vận cũng có chung một ý nghĩ về quê hương như tôi cho nên đã gửi cho tôi hai bài thơ để phổ nhạc. Đó là những bài Tình Khúc Trên Chiến Trường Tồi Tệ, Thầm Gọi Tên Nhau Trên Chiến Trường Tồi Tệ. Những bài này đã được Duy Quang, Thanh Lan, Anh Ngọc thu vào băng nhạc và hát trên Đài Phát Thanh. Bài Tình Khúc Trên Chiến Trường Tồi Tệ xưng tụng tình yêu đôi lứa :
Gửi tới em ! Gửi tới em ! Gửi tới em !
Một hạt mưa lẻ loi trong đêm tối, mưa bay dài.
Gửi tới em ! Gửi tới em ! Gửi tới em !
Một giọt mưa, hạt nước mắt hiếm hoi trong đời này !
. . . . . .
Gửi tới em ! Gửi tới em ! Gửi tới em !
Những gì còn sống sót trên đời như hơi ấm tuyệt vời
Ta ôm em và tan loãng trong không gian lưu đầy
. . . . . . . .
Em có nghe xào xạc, tiếng lá bay xào xạc,
Tiếng gió đêm buồn buồn
Lang thang trên muôn vàn đỉnh cây,
Hạnh phúc nào không tả tơi đắng cay ?
Bài Thầm Gọi Tên Nhau Trên Chiến Trường Tồi Tệ xưng tụng tình đồng đội :
Thầm gọi tên mày !
Thầm gọi tên tao !
Thầm gọi tên nó !
Những thằng tốt đen trong cuộc đời,
Những thằng lính non hay già rồi.
Gọi tên mày ! Gọi tên tao ! Gọi tên nó !
Gọi tên nhau, tên nhau !
Thầm gọi tên mày !
Thằng bạn của tao !
Mày vừa ngã xuống
Chiến trường núi cao nơi địa đầu
Thung lũng sâu nơi Hạ Lào
Gọi tên mày ! Gọi tên tao ! Gọi tên nó !
Gọi tên nhau, suốt đời !
Nhưng nếu cần phải đánh giá từng bài trong nhạc tập THƯƠNG CA CHIÉN TRƯỜNG, bài thơ Tưởng Như Còn Người Yêu của Lê Thị Ý do tôi phổ nhạc vào năm 71 phải là bài ca não nùng nhất, đau thương nhất, chua xót nhất. Bài này mô tả cảnh người goá phụ đi lĩnh xác người chồng chết trận, được gửi về từ nơi chiến điạ :
Ngày mai đi nhận xác chồng
Say đi để thấy mình không là mình
Ngày mai đi nhận xác anh
Cuồng si thuở ấy, hiển linh bây giờ !
Cao nguyên hoang lạnh ơ hờ
Như môi goá phụ nhạt mờ vết son
Tình ta không thể vuông tròn
Say đi mà tưởng như còn người yêu.
. . . . . . .
Em không nhìn được xác chàng
Anh lên lon giữa hai hàng nến trong.
Mùi hương cứ tưởng hơi chồng
Ôm mồ cứ tưởng ôm vòng người yêu !
Đang soạn thêm những thương ca chiến trường để cho các ca sĩ thu thanh vào băng nhạc và để hát tại các phòng trà thì xẩy ra vụ mùa hè đỏ lửa năm 1972. Tôi cùng vài bạn nghệ sĩ như Duyên Anh, Nhật Trường đi ra Huế, Quảng Trị để tham quan chiến trường. Tôi tạm quên những bài hát cho chiến trường tồi tệ để sáng tác những bài ca tích cực hơn như : Điệp Khúc Trần Thế Vinh, Vùng Trời Mang Tên Ta, Lên Trời, Trong Bão Cát Mưa Rừng soạn cho Không Lực Việt Nam... Tôi cũng đem một bài thơ của Phạm Văn Bình, thi sĩ trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, để làm thành bài hát nhan đề Mười Hai Tháng Anh Đi.
Rồi tôi phổ những bài thơ của Phạm Lê Phan, một thi sĩ làm việc tại Đài Phát Thanh Quân Đội, thành một Liên Khúc gồm 16 chiến ca nhan đề Chiến Ca Mùa Hè... Điệp Khúc Trần Thế Vinh đi sau bài Huyền Sử Ca Một Người Mang Tên Quốc nên không được đón tiếp nồng hậu cho lắm. Trong bài này, tôi nói đến người quả phụ nhiều hơn là nói đến con người hùng mà trần thế phải quang vinh :
Này mặt trời nhỏ bé phương Nam
Mặt trời từng sưởi ấm cô đơn
Cho ta bay ngang qua lửa đạn
Cho quê hương yên vui ngày loạn
Này mặt trời hãy khóc đi thôi
Vì người tình của nắng lên ngôi
Con chim xanh bao la tình người
Thành vị thần : TRẦN THẾ VINH ơi !
Này Thần Đất giữ dùm thân tôi
Ngăn xâm lăng dưới đất trên trời
Này Thần Gió giữ hồn cho tôi
Xin dâng cho Tổ Quốc muôn đời
Này người tình yêu dấu không tên
Phận đàn bà cuộc chiến trao duyên
Quân xâm lăng gây nên sự tình
Không ai mang khăn tang một mình
Này người tình hãy nín đau thương
Vì người dù xa vắng giai nhân
Nhưng quê hương ta thêm thần tượng :
Một người hùng trần thế vinh quang...
Bài Mười Hai Tháng Anh Đi soạn theo thơ của Phạm Văn Bình thì nói tới hành trình trong 12 tháng của một chiến sĩ trong Thủy Quân Lục Chiến :
Tháng giêng xuôi quân ra Huế
Cố đô hoang vu điêu tàn
Bãi học chiều, em vắng bóng
Tóc thề đã quấn khăn tang.
Tháng hai về trấn ven đô
Chong mắt hoả châu, giữ cầu.
Gió thoảng vào hơi rượu mạnh
Qua làn sương ánh đèn mầu...
Tháng ba, tháng tư thì :
Ba lô lên vai tới miền Tây Đô
Quê hương em xanh, xanh rợp bóng dừa...
. . .Tháng năm theo vì sao biếc
Hoa phượng nở quanh sân trường...
...Tháng sáu anh vẫn miệt mài
Hành quân chưa về thăm em...
...Tháng bẩy mưa ngâu, nước mùa bay mau
Ô hay ta sao trong lòng rưng sầu...
...Tất cả bầu trời thơ ấu
Ai làm tháng tám cằn khô...
... Tháng chín ta về Cửu Long
... Cuối năm mùa Đông đan áo
Cuối năm trời đã lạnh rồi.
Thiên hạ thì may áo cưới
Ta thì hẹn tới năm sau...
Thế là tuy đôi chân của tôi đang bị trói lại trong thành thị, tâm hồn tôi lại được theo anh lính Thủy Quân Lục Chiến đi giang hồ một phen qua bài hát này.
Rồi khi cởi trói đôi chân, cùng với Duyên Anh, Nhật Trường ngồi trên xe thiết giáp M113 đi ra chiến tuyến, tôi có cảm hứng để đi vào một công trình khá lớn là Liên khúc Chiến Ca Mùa Hè 72, phổ thơ của Phạm Lê Phan với những đoản khúc như Qua Cầu Ái Tử, Bên Giòng Thạch Hãn, Lời Dặn Dò, Suối Trăng Hờn, Đêm Hội Máu, Một Tình Thiêng, Đêm Hội Pháo, Bất Khuất, Đưa Mẹ Về Trị-Thiên Yêu Dấu, Đưa Mẹ Về Sữa Trắng Rừng Xanh, Mặc Niệm, Xin Tha Thứ... Bản trường thi của Phạm Lê Phan có nhiều đoạn rất sắt máu nhưng lại có đoạn kết rất nhân bản :
Xin một lúc mặc niệm
Cho triệu người đã chết
Chết trong lòng cuộc chiến
Xin một phút bồi hồi
Cho những người tinh khôn
Cho những đứa dại khờ
Xin cúi đầu thật thấp
Xin âm thầm được khóc
Những oan hồn bè bạn
Những oan hồn kẻ thù
Cùng đi thăm mộ tối
Từng làn hương mờ khói
Xin cho phủ mầu cờ
Rồi khấn nguyện chung một lời :
Là người Việt Nam là xin tha thứ
Tha thứ cho nhau tha thứ cho đời.
Tủi hờn cùng chung, cùng chung kiêu hãnh
Chung kiếp gian nan, chung kiếp u buồn.
Cùng một mẹ cha, chung lời chung tiếng
Xâu xé tan hoang hai mươi năm ròng.
Xin thổi kèn lên, tiếng kèn u uất
Xin đốt nén nhang, đốt nến hai hàng
Việt Nam hãy khóc khóc cho thật nhiều !
Hai thi sĩ quân đội Phạm Lê Phan, Phạm Văn Bình mà tôi mang ơn vì đã cho tôi hai bài thơ hay để phổ nhạc, cả hai đều là thanh niên của thời đại, do định mệnh mà trở thành quân nhân, đi vào cuộc chiến với tâm hồn ướt át và tấm lòng đầy nhân bản như vậy... than ôi, sau ngày 30 tháng 4, 1975, được đi cải tạo rồi hoặc thành xác chết chôn trong nấm mồ chung của ngụy quân, ngụy quyền (!), hoặc âm thầm biến vào đám đông tiện dân có nợ máu với Cách Mạng (!) Nếu còn sống, liệu các anh có còn đủ tấm lòng Việt Nam để tha thứ như đã nói trong bài hát không ?
Phạm Duy