Chương 15
- Details
- Written by Phạm Duy
- Hits: 3553
Mà nghe quê hương mình quá nặng nề.
Thảm thương bên kia, kia đời nước
Buồn vương bên đây, đây đời Quốc.
Dẹp nỗi oan, thì tìm đường gai góc mà đi...
MỘT NGƯỜI MANG TÊN QUỐC
Hát bài ''Trả lại tôi tuổi trẻ ...''
Sau vụ lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, tuổi trẻ ở miền Nam tỏ ra có ý thức về chính trị nhưng họ không được võ trang bằng văn nghệ vì trong hơn một năm trời, chính quyền thay đổi như chong chóng cho nên không chính phủ nào có đủ thời gian để đưa ra một kế hoạch hun đúc tinh thần thanh niên.
Tới thời Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương của Nguyễn Cao Kỳ thì Bộ Thanh Niên mới để ý tới sinh hoạt của sinh viên, nhất là trong phạm vi ca hát. Hoàng Ngọc Tuệ là thành viên của ban TRẦM CA, vì cũng có thời cộng tác với Bộ Thanh Niên, bèn đem ban hợp ca vào hoạt động trong một thời gian ngắn. Rồi anh Tuệ đứng tên xin phép thành lập một tổ chức gọi là PHONG TRÀO DU CA. Phong trào này có những khoá huấn luyện du ca viên để đi phổ biến những bài thanh niên lịch sử ca, hướng đạo ca đã có trước đây. Ngoài những bài đó, phong trào còn đem luôn những bài tâm ca, trầm ca, thanh ca tác động (1) vào chương trình dạy thanh niên ca hát. Điều đáng nói là các toán du ca không hề là công cụ tuyên truyền cho chế độ. Đa số những bài hát của phong trào du ca là những bài hát nói tới thân phận tuổi trẻ thời đó. Tôi đóng góp vào phong trào troubadour này với bài Trả Lại Tôi Tuổi Trẻ :
Trả lại tôi là tuổi trẻ mênh mông
Chúng mình như lúa reo trên ruộng đồng
Dù mưa tuôn, dù bão cuốn
Bông lúa vàng cuồn cuộn gió vươn lên
Dù bom rơi, dù súng tới
Bông lúa ngời vượt lửa khói lên ngôi
Trả lại tôi là tuổi trẻ yên vui
Dẫu rằng đang chiến tranh hay hoà rồi...
Thanh niên thời nào cũng bị các lực lượng chính trị đẩy vào việc đấu tranh, nhất là trong những năm vừa qua. Bài hát đòi trả lại những gì vốn thuộc về tuổi trẻ nghĩa là : tuổi trẻ vô tư, tuổi trẻ say mê, tuổi trẻ nên thơ, tuổi trẻ bao dung, tuổi trẻ tin yêu...
...Trả lại tôi là tuổi trẻ hôm nay
Chúng mình như đoá sen trong bùn lầy
Việt Nam đây, đầy rắc rối
Nhưng vẫn còn nhiều hình dáng vui tươi
Việt Nam ơi ! Còn tiếng nói
Yêu giống nòi đặt Tổ Quốc lên vai.
Trả lại tôi là thần tượng tôi đây
Chúng mình xin khắc sâu trong dạ này...
Ngoài phần huấn luyện và đi hát, Phong Trào DU CA còn có một tổ chức gọi là XƯỞNG DU CA để thúc đẩy công việc sáng tác. Những nhạc sĩ ở ngoài phong trào như Trịnh Công Sơn và Tôn Thất Lập đã có thời kỳ tới sinh hoạt tại xưởng du ca này.
Tôi vẫn tự coi mình không ở phe nào khi soạn tâm ca hay bài hát du ca. Tâm ca số 3 Ngồi Gần Nhau còn mời mọi người trong mọi phe vào ngồi gần nhau :
Ngồi gần người từ bi, bên lũ giết người kia.
Ngồi gần loài dun dế, hay ác thú hùm beo
Mình vào ngồi đây với nhau...
. . . . . . . . .
Ngồi gần ngồi gần hơn, đôi mắt đôi mi lạ lùng
Ngồi gần ngồi gần hơn, đôi má đôi môi làm quen
Vào ngồi làm một đôi, trong tiếng than trong nụ cười
Vào ngồi làm đỏ đen cho đời...
Ngồi gần loài ma quái
Nghe tiếng nói lả lơi
Ngồi gần tình thương yêu
Nghe rõ tiếng bụt kêu
Gần người hùng trong trắng
Hay lũ cướp của công
Ngồi thở dài hay ước mong...
Bài tâm ca này nói rằng : muốn thật sự ngồi lại gần nhau thì người từ bi cũng phải ngồi chung với kẻ sát nhân, ông bụt cũng phải ngồi cạnh loài ma quái... Tất cả chúng ta vào ngồi chung trong một thế giới không xấu, tốt, buồn, vui, không mới toanh nhưng cũng không rách nát tả tơi.
Tuy tôi không phải là một nhân viên trong phong trào DU CA nhưng sự kiện tâm ca được hát trong một phong trào đã có chút liên hệ với Bộ Thanh Niên khiến cho tôi bị phe bên kia coi là đối lập. Một bài báo của ông Lý Chánh Trung đăng trên tập san Bách Khoa cho rằng tâm ca là ảo tưởng vì tiếng hát to (trong tâm ca số 2) không thể nào to hơn tiếng súng nổ bên bờ ruộng già. Ông Nguyễn Văn Trung thì cho tâm ca là mê hoặc vì không thay thế được tư tưởng chính trị để dẫn tới một tranh đấu chính trị. (2)
Hai bài báo đó kéo theo một bài viết của Thượng Toạ Thích Mãn Giác cũng đăng trong Bách Khoa với tựa đề Lần Đầu Tiên Tôi Thấy Ông Lão Tử Lầm... Vị tu sĩ cho rằng Lão Đam lầm vì chống sự hiện hữu của lễ nhạc và tác dụng của nó. Đối với tâm ca, ông nói : trước hết, tác giả chỉ phản ảnh cái đau thương vì chiến tranh của dân tộc và làm cho thiên hạ cảm động. Thứ đến không phải bỏ nhạc đi thì con người mới trở về với cái lẽ đắc thất hay lẽ vô vi của Lão Giáo. Có thể âm nhạc là rất cần để tác dụng tới một cuộc chiến tranh nồi da sáo thịt nhưng âm nhạc cũng rất cần để hướng con người về bản thể trạm tịch thường hằng.
Thượng Toạ Thích Nhất Hạnh thì mở đầu cuốn sách NÓI VỚI TUỔI HAI MƯƠI bằng những cảm tưởng rất tốt đẹp khi nghe tâm ca số 5 Để Lại Cho Em, cho rằng sự thành thật với nhau và sự thương yêu nhau giữa những người Việt ở hai thế hệ (hay ở hai phe, hai miền) trong giai đoạn bị kẹt cứng của lịch sử này là con đường đi tìm lối thoát cho nhau. Có một điều làm tôi rất cảm động là, qua những bài viết của các quý vị kể trên, dù ý kiến có khác nhau nhưng các ngài đều tự nhận là đã khóc khi nghe tâm ca.
Trong thời gian tôi soạn tâm ca, tôi có bạn già như hoạ sĩ Tạ Tỵ hay bạn trẻ như nhạc sĩ Viết Chung, đã từ lâu hoặc mới nhập ngũ, được điều động qua phụ trách phần văn nghệ trong QUÂN ĐỘI hay trong tổ chức XÂY DỰNG NÔNG THÔN nên tôi có dịp soạn cho họ một số bài hát. Tạ Tỵ lúc này là Trưởng Đoàn Văn Nghệ trong Cục Tâm Lý Chiến. Tôi được anh dành cho một bàn giấy để tới sinh hoạt với anh và các đoàn viên như Lữ Liên, Lê Đô, Trịnh Toàn...
Ngoài ra, tôi còn cộng tác với Trung Tá Hoàng Đạo Thế Kiệt (có họ hàng với Hoàng Đạo Thúy, người sáng lập Hướng Đạo Việt Nam) của Cục Chính Huấn trong chiến dịch trong sạch hoá quân ngũ. Tôi soạn những bài vận động thanh niên đi quân dịch như Một Hai Ba Chúng Ta Đi Lính Cả Làng và tạo không khí lành mạnh trong quân đội như Thi Đua Biện Luận, Tứ Đại Công Khai, Mừng Ngày Sinh Chiến Hữu, Anh Hùng Trong Trắng, Chiến Sĩ Gương Mẫu...
... Đây là lúc tôi sống với người lính Cộng Hoà tại những làng quê trù mật hay hẻo lánh trong miền Tiền Giang, Hậu Giang, giống như khi tôi sống tam cùng (cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm) với Vệ Quốc Quân trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Tôi lại được ngửi mùi gian khổ của người thanh niên trong cuộc sống ăn bờ nằm bụi luôn luôn bị cái chết đe doạ.
Trong khi tôi xung phong đi phục vụ cho Quân Đội như vậy, xẩy ra chuyện phi công Phạm Phú Quốc của miền Nam bị hi sinh trên không phận Bắc Việt. Lúc đó cũng là lúc hình ảnh anh hùng, thần tượng, mẫu người lý tưởng đã bị mai một trong tâm khảm của con người Việt Nam. Tôi bèn soạn bài Huyền Sử Ca Một Người Mang Tên Quốc để ghi lại trong lòng chúng ta, nếu chưa phải là thần tượng thì cũng là hình ảnh một người anh hùng. Trong ngành nhạc, hình thức ballade là một thứ chant épique, có thể là truyện ca hay là anh hùng ca. Tôi dùng chữ huyền sử ca cho nó có vẻ huyền bí.
Bài Huyền Sử Ca Một Người Mang Tên Quốc ra đời vào năm 65 này sẽ kéo theo một số bài hát của các nhạc sĩ khác nói tới các vị anh hùng trong Quân Đội ở Miền Nam như Người Ở Lại Charlie, Anh Không Chết Đâu Em (Trần Thiện Thanh) v.v... :
Ngày xưa khi anh vừa khóc vào đời
Mẹ yêu theo gương người trước chọn lời
Đặt tên cho anh, anh là Quốc
Đặt tên cho anh, anh là nước
Đặt tên cho người, đặt tình yêu nước vào nôi...
Đã lâu lắm rồi, bây giờ tôi mới có cơ hội để xưng tụng một người trai chết cho quê hương đất nước. Tuy nhiên, tôi không muốn chỉ làm một công việc có tính chất tuyên truyền thuần túy, tuân theo chỉ thị như một văn công. Tôi chỉ mượn chuyện anh Phạm Phú Quốc để khóc bất cứ một người Việt Nam nào trong thời đại, sinh ra đã phải khoác lên mình cái số phận làm người hùng, trong khi có thể anh Quốc -- cũng như một số thanh niên nào đó -- chỉ ước mong được làm người hiền mà thôi.
Vì số phận phải làm anh hùng cho nên : Từ anh lên cao, anh là nắng, là trăng hay sao, anh nhìn xuống, nhìn nước non nhà đẹp xinh như gấm như hoa... anh vẫn phải đánh bom như thường. Cho nên, khi ngạo nghễ, anh chắp cánh thênh thang, bình minh lên chiếm không gian thì khi hoàng hôn về, lòng anh lại chan chứa tình thương. Một chiều nao anh đi làm kiếp người hùng, anh về quê (3) rồi than ôi, anh phải rụng cánh đại bàng, anh đi về nước, anh đi về đất làm cho bụi vàng bay khắp không gian... Anh chết và biến thành vừng Thái Dương để soi sáng nước Việt Nam (4) :
Anh Quốc ơi ! Từ nay trong gió xa khơi
Từ nay trong đám mây trôi
Có hồn anh trong cõi lòng tôi
Anh Quốc ơi ! Nghìn thu anh nhớ tới tôi
Thì xin cho Thái Dương soi
Nước Việt Nam sáng rọi muôn đời...
Đến với XÂY DỰNG NÔNG THÔN, tôi được tới sinh hoạt tại Trung Tâm Vũng Tầu. Và được phát cho bộ quần áo mầu đen để đi hát rong. Những bài hát tôi soạn cho tổ chức này chú trọng tới việc đề cao người nông dân : Tay Súng Tay Cầy, Cùng Nhau Xây Ấp Mới, Ai Về Thôn Ấp Mà Coi, Hát Hay Không Bằng Hay Hát, Khoác Áo Mầu Đen, Bát Cơm Bát Mồ Hôi Bát Máu...
Bài Nông Thôn Quật Khởi mở đầu bằng những câu hát nói lên số phận người nông dân Việt Nam trong thời này, chỉ có một cổ mà phải đeo tới hai tròng :
Đã bao năm nhân dân ta đau khổ vô cùng
Đã bao năm mang trên vai hai kẻ thù chung
Bọn cường hào ác bá nó dùng bạo quyền áp bức
Làm người dân lầm than sống trong nhục nhằn...
Bài Hát Hay Không Bằng Hay Hát là cái đuôi của bài Hát Với Tôi. Tâm ca số 10 Hát Với Tôi là để cho sinh viên, học sinh thị thành hát. Hát Hay Không Bằng Hay Hát là để cho cán bộ và nông dân hát. Đầu đề cũng như câu hát chính của bài này trở thành một thứ phương ngôn của thời đại :
Hát hay không bằng hay hát !
Hát hay không bằng hay hát !
Hát luôn luôn, Hát luôn luôn !
Hát những lời xây dựng nông thôn.
(vỗ tay : Bốp bốp bốp bốp bốp bốp)
Hát hay không bằng hay hát !
Hát hay không bằng hay hát !
Hát liên hoan ! Hát vang vang !
Hát đông đông ! Hát cộng đồng !
(vỗ tay : Bốp bốp bốp bốp bốp bốp)
Hát cho ông già em bé
Hát cho ông già em bé
Gái thôn quê, với trai quê
Chúng ta đừng nghi ngại nhau chi.
(vỗ tay : Bốp bốp bốp bốp bốp bốp)
Hát cho dân làng luôn nhớ
Hát cho dân làng luôn nhớ
Hát dân quân, hát vinh quang
Hát nông thôn, hát tự cường
(vỗ tay : Bốp bốp bốp bốp bốp bốp)
Trong số bài soạn cho XÂY DỰNG NÔNG THÔN, tôi thích bài Khoác Áo Mầu Đen bởi vì hồi đó tôi hay mặc áo bà ba đen để đi hát du ca :
Khoác áo mầu đen mặc mầu dân tộc
Chiếc áo mầu đen nhuộm mầu đấu tranh
Mầu đen mầu tối ám, vùng lên để chiến thắng
Dẹp tan mầu son, mầu phấn điếm đàng...
Bài Bát Cơm, Bát Mồ Hôi, Bát Máu nói tới món nợ của người thị thành đối với nông dân :
Hai bữa no đầy, một ngày cơm nước
Bát cơm vàng, ôi bát cơm vàng
Mình ăn được là nhờ ai ?
Nhờ ai nuôi sống đời tôi ?
Với bao nhiêu máu đổ
Với bao nhiêu máu đổ
Cùng mồ hôi trên ruộng đồng...
Ăn bát cơm rồi, một đời ghi nhớ
Chớ nghi ngờ, xin chớ nghi ngờ
Mình mắc nợ người dân
Người dân ra sức ngày đêm
Nắng mưa ôi vất vả
Nắng mưa ôi vất vả
Để làm nên cơm gạo này...
Với những bài tâm ca, tôi tỏ thái độ của một nghệ sĩ trước cảnh sống tha hoá của người Việt Nam trong một cuộc chiến tranh tương tàn. Với những bài hát cho PHONG TRÀO DU CA, cho QUÂN ĐỘI và cho tổ chức XÂY DỰNG NÔNG THÔN, tôi tự nguyện làm bổn phận của một công dân đang sống trong một miền mà mọi người vừa phải xây dựng đất nước, vừa phải chống đỡ một cuộc tấn công đến từ miền ngoài. Với lập trường chính trị của những nhà lãnh đạo miền Bắc, những người thiên Cộng ở miền Nam có thể cho tôi là tay sai của ngụy quyền (!) nhưng thực ra, qua những bài hát tâm ca, du ca, quân đội ca và xây dựng nông thôn ca này, tôi chỉ có một mục đích là phục vụ tuổi trẻ, dù đó là thanh niên nơi thành thị, thanh niên mặc quân phục hay thanh niên lam lũ nơi đồng quê, tất cả đều là đối tượng duy nhất của tôi vào lúc đó.
Tôi không hề suy tôn một lãnh tụ, một đảng phái hay một chế độ nào cả. Dòng nhạc trong tôi trào dâng như một giòng sông... Trôi tới đây và vào lúc này là khúc sông của thanh niên nam nữ Việt Nam trong một thời để yêu và một thời để chết khác thường... Yêu trong chiến tranh và chết trong chiến đấu...
Phạm Duy
(1) Phải sau những danh từ 'tâm ca' của cuối 64 qua 65, 'trầm ca' của cuối 65 qua 66 và 'thanh ca tác động' của giữa năm 66 thì đến cuối năm 66, danh từ 'du ca' mới ra đời cùng với phong trào của Hoàng Ngọc Tuệ.
(2) Hai ông Trung (mà không trung lập) này đều có vẻ thiên vị vì không hề đả động tới một bài hát cũng có chung một ý niệm với tâm ca Tiếng Hát To là bài Tiếng Hát Át Tiếng Bom của phe miền Bắc.
(3) Nhiều người hiểu lầm chữ về quê khi cho nó ý nghĩa về chốn chết trong khi anh Quốc người Bắc mà bắt buộc phải đánh bom miền quê của mình.
(4) Sau này tôi được tin riêng (chưa kiểm chứng) là anh Phạm Phú Quốc chưa chết ! Nếu đúng như vậy thì thật là điều đáng mừng cho gia đình và những người thân thích của anh.