Chương 10
- Details
- Written by Phạm Duy
- Hits: 4796
Cụ già châm điếu ngon trên sàn
Kể truyện Cao Nguyên xưa, véo von...
MÙA XUÂN TRÊN BUÔN
1955, đi Cao Nguyên, sưu tầm Nhạc Thượng...
Tôi đã có dịp nói tới sự phân công ngầm giữa các chính quyền quốc gia và văn nghệ sĩ tự do ở miền Nam trong phạm vi văn hoá : chính quyền làm công việc thông tin tuyên truyền, tư nhân làm công việc phát huy văn học nghệ thuật.
Trong thời gian mấy năm đầu của chính phủ Ngô Đình Diệm, với tinh thần hứng khởi của dân chúng trước những công trình xây dựng của Nhà Nước, phải công nhận là có một sự tưng bừng trong các hoạt động văn nghệ. Ngoài những tổ chức giúp đỡ cho sự phát triển của của văn nghệ tư nhân lẫn văn nghệ chính phủ như Văn Hoá Vụ, Đài Phát Thanh... Nhà Nước cho thành lập những trường đào tạo nhạc sĩ và hoạ sĩ là Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Trường Mỹ Thuật, không những ở Saigon mà còn ở những thành phố lớn khác nữa. Như đã nói ở trên, nếu chính phủ không giúp đỡ ngành nhạc một cách tích cực hơn thì trong ngành hoạ, sự thành lập các trường Mỹ Thuật và những cuộc Triển Lãm mùa Xuân do chính quyền tổ chức khiến cho khá nhiều hoạ sĩ trẻ có tài xuất hiện bên cạnh các hoạ sư đàn anh.
Chính quyền cũng đặt phần quan trọng vào điện ảnh, một ngành rất lợi hại trong việc thông tin đại chúng. Một mặt Nhà Nước khuyến khích các hãng sản xuất phim tư nhân như Đông Phương của Đỗ Bá Thế, Tân Việt của Bùi Diễm, ALPHA của Thái Thúc Nha (làm phim chống Cộng). Mặt khác, Trung Tâm Điện Ảnh được xây dựng ở đường Thi Sách để đào tạo các chuyên viên. Vì mê điện ảnh từ nhỏ, bây giờ được Giám Đốc Trần Văn Bửu (mà tôi quen hồi còn du học ở Paris) mời cộng tác, tôi vào làm việc với Trung Tâm trong 10 năm, khởi đầu là người viết truyện phim rồi leo dần tới địa vị Phó Giám Đốc.
Những hoạt động của Nhà Nước qua các cơ sở vừa kể cộng với những hoạt động chung của đông đảo văn nghệ sĩ Bắc Kỳ di cư và gốc địa phương làm cho bộ mặt văn học nghệ thuật miền Nam trong thời kỳ thịnh trị của nhà Ngô là một thứ trăm hoa đua nở thực sự. Văn học phát triển mạnh nhờ số người đọc tăng lên dữ dội. Trước đây, độc giả miền Nam là đối tượng khá lớn của nền văn học đến từ phương Bắc. Sau chuyến di cư của gần một triệu người, miền Nam chật chội những cây viết đã nổi danh hay sắp nổi danh. Con số độc giả đến từ hai miền ngoài cộng với số độc giả địa phương làm cho số người ưa đọc sách báo ở miền Nam nhân lên thành ba. Từ thời tiền chiến cho tới lúc này, nền văn học cận đại thường đi qua ngả báo chí trước khi xuất hiện bằng ấn phẩm. Hoặc nó mang tính chất canh cải phong hoá và thẩm quan của nhóm TỰ LỰC VĂN ĐOÀN. Hoặc đó là thứ văn học xã hội của nhóm TÂN DÂN.
Rồi có dòng thơ mới rất lãng mạn ra đời và phát triển mau lẹ ở bất cứ nhóm nào. Trong âm nhạc và kịch nghệ, có phong trào cải cách, cải lương. Thời Cách Mạng và Kháng Chiến, một dòng văn học nghệ thuật mang tính chất hiện thực xã hội xuất hiện. Sau 1954, những người từ chiến khu trở về như Nguyễn Văn Xuân, Đỗ Tấn, Võ Phiến -- trụ trì ở Huế -- thành lập một nhóm văn nghệ chủ trương hiện thực mới. Từ Hà Nội vào Saigon, Phạm Việt Tuyền, Hiếu Chân, Như Phong, Mặc Thu... qua báo TỰ DO, chủ trương văn hoá phương Nam đối đầu với văn hoá phương Bắc. Nhóm SÁNG TẠO với Mai Thảo, coi mình là văn hoá vượt vĩ tuyến thì phải vượt luôn những xu hướng họ cho là không thuộc về hôm nay. Họ muốn khai tử nền văn nghệ tiền chiến, muốn phá vỡ văn học tả chân, lãng mạn, khái niệm hay luận đề của văn nghệ hôm qua. Nhóm QUAN ĐIỂM với Nghiêm Xuân Hồng, Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ... xuất hiện không qua ngả báo chí, với những tác phẩm nặng về chính trị, vì muốn chống lại văn chương miền Bắc nên đề cao giai cấp tiểu tư sản. Nhà văn kiêm chính trị gia Nhất Linh, linh hồn của TỰ LỰC VĂN ĐOÀN, bây giờ xuống núi để gây dựng nhóm VĂN HOÁ NGÀY NAY.
Trong mọi xu hướng của văn học nghệ thuật miền Nam vào lúc của chính quyền lẫn tư nhân đều hoạt động tưng bừng như thế, có phong trào về nguồn. Rất có thể vì miền Nam đã khởi sự có sự hiện diện của người Mỹ và vì phong trào dịch thuật quá mạnh, ai cũng muốn quay về với tình tự dân tộc mà riêng trong ngành nhạc, tôi là người khởi sự đưa ra từ 1952.
Đây cũng là lúc tôi nhận thấy thanh thiếu niên thời đó không biết gì về dân nhạc Việt Nam (dân ca cổ truyền hay cải tiến). Tôi thực hiện tại hai đài phát thanh QUỐC GIA (đài Saigon) và TỰ DO (đài Voice of Freedom) những chương trình nhan đề DÂN CA DẪN GIẢI. Tôi mời thính giả nghe mục Gia Tài Âm Nhạc (musical heritage) với các bài bản chọn lọc kèm lời bình luận của tôi. Muốn có tài liệu phát thanh, tôi đi Cao Nguyên để thu thanh nhạc Thượng, đi Phan Rang thu thanh nhạc Chàm, đi Huế thu thanh nhạc Triều tức nhạc cung đình (musique de Cour), đi Cần Thơ, Bến Tre... thu thanh các giọng Hò miền Nam. Đó là chưa kể đi tìm đồng bào di cư gốc Nghệ An, Hà Tĩnh để thu thanh Hát Giặm.
Rồi tôi chọn một số bài dân ca cổ truyền để phóng tác thành những bài dân ca phục hồi theo kiểu bình cũ rượu mới như hồi đi kháng chiến. Tôi không ngần ngại thêm lời, thêm nét nhạc vào những bài dân ca cổ. Những bài dân ca miền suôi nằm trong các thể hát vặt, hát ví, hát quan họ, hát chèo, hát ả đào khi xưa như Lý Cây Đa, Qua Cầu Gió Bay, Cây Trúc Xinh, Chuốc Rượu, Se Chỉ Luồn Kim, Trấn Thủ Lưu Đồn... được tôi phục hồi và hiện đại hoá.
Phục hồi có hai cách. Một là giữ nguyên điệu cũ nhưng thêm lời ca phù hợp. Hai là phải tạo lời ca mới. Chẳng hạn khi xưa, trong bài ca xưng tụng cô gái miền quê, có câu hát Trúc xinh trúc mọc bờ ao, chi Hai xinh, chị Hai đứng chỗ nào cũng xinh... thì bây giờ, vì chị Hai đã vào Saigon rồi, ta nên có lời ca phù hợp :
Trúc xinh trúc mọc cạnh buy-in đinh
Chi Hai xinh, chị Hai đứng trông tình lắm thay...
Tôi cũng soạn thêm lời ca mới cho bài Lý Che Hường. Câu :
Trồng hường phải khéo che hường
Nắng che mưa đậy cho hường trổ bông...
...bây giờ có thêm hai câu hát :
Trồng hường giở nón che hường
Nhớ em không quản bước đường, đường xa.
Trồng hường giở nón che hường
Ngắt bông hoa đẹp tặng cho nường đẹp hơn...
Bài Hái Hoa, nguyên văn chỉ có một đoạn :
Hỡi bạn đường ta
Hái hoa cho khéo
Hoa nào heo héo
Thì hái bỏ đi
Chớ để làm chi
Ứ ư ư ừ hoa tàn...
... Tôi soạn thêm 3 đoạn nữa :
Gió thổi từ xa
Cánh hoa phơi phới
Yêu làn hương mới
Chẳng nỡ bẻ hoa
Gió thổi từ xa, ứ ư ư ừ hoa cười...
Bướm đẹp vờn hoa
Bướm mơn đôi má
Hoa nào thương nhớ
Thì chóng già nua
Bướm chỉ nhởn nhơ
Ứ ư ư ừ hoa sầu...
Lũ trẻ đùa hoa
Ngắt hoa không tiếc
Hoa còn trinh tiết
Còn thiếu tình duyên
Chờ để vườn tiên
Ứ ư ư ừ hoang tàn...
Sau khi Việt Nam Cộng Hoà được nhiều quốc gia trên thế giới công nhận, có nhiều vụ trao đổi văn hoá giữa nước ta và các nước bạn. Cùng với các bạn nghệ sĩ khác, tôi được cử đi Phi Luật Tân, Nhật Bản, Thái Lan để giới thiệu văn nghệ Việt Nam. Và với ít nhiều kinh nghiệm bang giao, tôi thường có mặt trong những buổi đón tiếp các phái đoàn văn nghệ nước ngoài, ví dụ đoàn vũ trống của Đại Hàn, đoàn MORAL REARMEMENT của Mỹ...
Khi một số nhạc sĩ dân ca Hoa Kỳ tới Việt Nam để trình diễn, tôi luôn luôn là người được cơ quan văn hoá của Nhà Nước hoặc được Toà Đại Sứ Mỹ nhờ tiếp đón và hướng dẫn các sứ giả âm nhạc đó. Tôi lợi dụng những cuộc tiếp xúc như vậy để trao đổi tài liệu với các nhạc sĩ Mỹ. Do đó một số bài dân ca phục hồi được các bạn nhạc sĩ Mỹ soạn lời ca Anh ngữ khiến cho về sau, khi gia đình tôi di cư qua Mỹ, chúng tôi có sẵn một số dân ca Việt Nam để hát cho dân chúng Hoa Kỳ nghe như Full Moon Fair Song, The Wind On The Bridge, The Pretty Bamboo Tree, Don't Pick The Flower When It's Blooming v.v... Kể của bài dân ca kháng chiến Nhớ Người Thương Binh của tôi cũng có lời ca Anh Ngữ với đầu đề The Wounded Soldier (do Steve Addiss soạn) :
One day, one day in the afternoon
There's a girl on the land
With sheaves of rice on her hand...
Đôi song ca Pham Duy/Addiss
Đi thu thanh nhạc Thượng tại Cao Nguyên để làm tài liệu cho chương trình radio kể trên, tôi khám phá ra một âm giai ngũ cung có bán-cung : DO MI FA SOL SI DO. Rồi khi sưu tập được một câu ca dao miền Nam :
Nước chẩy bon bon
Con vượn ôm con
Lên non hái trái
Anh cảm thương nàng
Cô gái mồ côi...
...Tôi soạn một bài dân ca có âm hưởng Tây Nguyên với ngũ cung kể trên :
Mưa nhỏ mênh mang
Con nhện trong hang
Tơ giăng bối rối
Em cảm thương chàng
Lạc lối đường đi.
Gió thổi vang vang
Con quạ kêu than
Thâu đêm suốt sáng
Ta cảm thương người
Mang nặng hờn oan.
Nắng đổ nghiêng nghiêng
Con dế vô duyên
Không lên tiếng hát
Ta cảm thương người
Phai nhạt tuổi xanh
Hỡi người người ôi.
Ta mở tay đầy
Mau trở về đây...
Khi tôi chủ trương về nguồn trong âm nhạc như vậy, tôi đang làm việc tại Trung Tâm Điện Ảnh thuộc bộ Thông Tin. Tôi được giao cho công tác thực hiện những cuốn phim tài liệu về nghệ thuật ca diễn ở Việt Nam như Các Điệu Múa Chàm, Hát Bộ Bình Định, Chiếc Nón Bài Thơ, Y Phục Phụ Nữ, Đời Người QuaTiếng Hát v.v.... Tôi lợi dụng công tác quay phim để làm công việc sưu tầm và phục hồi nhạc cổ truyền. Sau khi đi nhiều nơi tại vùng đồng bằng miền Trung, tôi lên Cao Nguyên để thu hình và phục hồi dân ca miền núi.
Trước kia, tôi có dịp may được sống ở những vùng thượng du miền Bắc, được đắm mình vào không khí âm u và huyền bí trên nương chiều, được bơi lội trong dòng suối rừng tươi vui và hùng dũng. Bây giờ, tôi như con ngựa hồng phi thân trên những đồi cỏ bập bềnh và thăm thẳm trên cao nguyên Trung Phần. Quê hương ta đẹp quá. Tại sao ta phải bỏ quê hương ra đi ? Vào những năm 60 này, đã có nhiều người phải xa quê hương rồi đó. Tại Dalat, nơi đồng bào vùng Sơn La, Lai Châu tới định cư, tôi quay phim những màn Vũ Xoè và tôi soạn lời Việt cho một bài dân ca Thái, đặt tên là Ngày Mùa. Tôi lại có những thi tứ của những ngày ở Việt Bắc :
Ngày mùa lúa tốt tươi
Chim ơi, lũ chim trời
Tung cánh về đây coi
Lúa chín vàng trên đồi,
Nàng về nàng quẩy trên vai
Lúa thơm của ta ơi...
Dân ca của các sắc tộc Jarai, Bahnar, Rhađê, H'rê, Kuà... là nhạc bộ lạc (musique tribale) còn rơi rớt từ thời tiền sử, với cung bực đơn sơ và giai điệu âm u của thời hồng hoang. Tôi muốn hiện đại hoá nó, nghĩa là cho nó một nội dung mới. Với tinh thần của một cán bộ Thông Tin, tôi nhắn nhủ người Thượng không nên đốt rừng làm rẫy rồi bỏ rẫy ra đi :
Chiêng trống cồng mừng anh trên rẫy
Xuống đồi xuống nương đi cầy.
Ôi rừng ơi Núi ơi
Ôi thác suối ơi
Rừng ơi Núi ơi...
Tang tính tình đàn tre dây nứa
Chúc mừng các anh đi bừa
Ôi ruộng ơi Đất ơi
Ôi thóc lúa ơi
Ruộng ơi Đất ơi...
Không đốt rừng làm đau hoa lá
Sót lòng cái cây kơ-nìa.
Ôi rừng yêu mến ơi
Ôi gỗ qúy ơi
Rừng yêu mến ơi...
Truyền thuyết Một Mẹ Trăm Con cũng có trong vài bộ tộc miền núi. Tôi dùng chủ đề đó và một điệu dân ca Bahnar để gây tình đoàn kết giữa người Kinh, người Thượng :
Anh em ta cùng mẹ cha
Nhớ truyện cũ trong tích xưa
Khi thế gian còn mù mờ
Xưa khi xưa mẹ đẻ ra
Trăm cái trứng, sinh lũ con
Trăm đứa con cùng một dòng...
Năm mươi con vượt đồi non
Phá rừng núi, khai rẫy nương
Xây đắp buôn, lập nhà sàn
Năm mươi con dọc Trường Sơn
Đi xứ Bắc, đi xứ Nam
Xây núi sông, lập ruộng đồng..
Những ngày ở Cao Nguyên, tôi được nghe nhạc gồng và càng thấy thú vị khi được đi sâu vào gia tài âm nhạc vô cùng phong phú của nước ta. Tôi vui mừng và muốn được khua chiêng, đập cồng cùng với đồng bào miền núi :
Khua chiêng lên, đập cồng lên
Tiếng cồng đánh, qua mái tranh qua mái tre vào rừng già
Cho con Hua, khỉ già Hua
Cho ma quái, cho lũ nai ngơ ngác say vì nhạc gồng...
Yêu cảnh vật và con người miền núi, tôi soạn những câu hát xưng tụng cô sơn nữ. Ở Việt Bắc, cô nàng về để suối tương tư chỉ khoả thân khi đi tắm. Ở Cao Nguyên này, lúc nào sơn nữ cũng hở vú :
Này cô gái xinh
Như đoá hoa tình
Dệt vải một mình
Ngực tròn rung rinh.
Này cô gái ngoan
Như lúa trên ngàn
Đập gạo ngoài sàn
Bụng nhỏ lưng thon.
Tôi muốn cùng cô :
Vui sống trên đời
Đàn gẩy về trời
Gồng chạy ra khơi...
Xa quê hương đã hơn 15 năm, ngồi viết những trang Hồi Ký này, tôi bỗng nhớ đàn chim rừng già trong bài hát cũ :
Nhiều rãy làm mùa
Ruộng mới tốt lúa
Bên thác reo vi vu.
Đàn chim rừng già
Bỏ vách núi đá
Thương nhớ người tìm về...
Đàn chim rừng già có thương nhớ tôi chăng ? Tôi đang ngồi ở Thị Trấn Giữa Đàng để nhớ thương người Cao Nguyên vô kể :
Kìa chàng trai bước vui trên đời
Vào đồi nương thăm bông lúa tươi.
. . . . . . . .
Kìa nàng sơn nữ bên suối ngàn
Gội đầu thơm ca vui véo von...
. . . . . .
Kìa là em bé ngoan chăn bò
Thả diều theo tiếng sáo vi vu...
. . . . . .
Ngọn lửa thui miếng ngon chín ròn
Rượu cần thơm, chung quanh cháu, con.
Cụ già châm điếu ngon trên sàn
Kể truyện Cao Nguyên xưa, véo von...
Phạm Duy