Chương 15
- Details
- Written by Phạm Duy
- Hits: 3561
Suối ơi
Bên rừng Thu vắng
Dòng nước trôi lững lờ ngoài nắng...
Văn Cao
Lính Pháp nhẩy dù xuống Khu Việt Bắc
Trên lộ trình từ Lào Kai xuống Yên Bái, Tuyên Quang rồi rẽ sang Đại Từ, Thái Nguyên đi ngược lên Bắc Kạn, chúng tôi bắt đầu nếm mùi gian khổ của đường rừng với những dốc cao, suối lớn. Đường mòn ẩm ướt nhiều khi chui ra từ rừng rậm rồi đi ven theo những bờ vực thẳm. Sợ nhất là bị vắt cắn. Buồn nhất là đường vắng vẻ đến rợn người. Bắt đầu làm quen với thần sốt rét nhưng vào lúc đó chúng tôi còn dự trữ được khá nhiều những viên thuốc ký ninh (quinine). Tuy vậy, vào những buổi chiều dừng chân đóng trại bên bờ suối -- thực ra trại chỉ là một cái giường bằng cành cây trong một cái lều tranh hay cỏ -- tôi cũng tìm thấy hạnh phúc khi ngồi trên những phiến đá lớn, nhìn ngọn nước rừng ào ạt chẩy suôi, lòng tôi cũng rào rạt chẩy theo...
... Khi tới Bắc Kạn thì quả rằng Bắc Kạn vui thật. Gặp lại nhiều bạn cũ đang làm việc trong các cơ quan của Chính Phủ Kháng Chiến đặt ở trong rừng. Nhân viên ngày ngày ra thị xã Bắc Kạn để ăn chơi theo kiểu tạch-tạch-sè -- tức là tiểu tư sản -- nghĩa là vào tiệm sách, vào hàng bán tạp hoá, vào quán ăn, quán cà phê, quán nước. Có luôn cả một thứ phòng trà dã chiến để cho tôi tới hát nữa. Tài tình nhất là nếu muốn hút thuốc phiện, cũng có sẵn một vài nơi có bàn đèn. Ngoài cái thú được sống lại đời sống thị dân có đèn điện và nước máy, tôi được mời tới thăm một cái trại giam lỏng người Pháp ở cách thành phố độ dăm bẩy cây số. Trại này có những ngôi nhà rộng, rất có vệ sinh, không có hàng rào bằng tre hay giây thép gai. Một thứ nhà tù không có chấn song. Nhìn những cô đầm thật hay đầm lai đẹp như tiên rong chơi bên một dòng suối rất êm đềm giống như dòng suối trong bài Suối Mơ trước đây. Thèm trả thù dân tộc quá, nhưng ông bạn Trưởng Trại có hàm râu quai nón tên là Lương không cho. Lối cư sử đối với những người Pháp bị giữ này cũng có vẻ rất là nhân đạo.
Tại Bắc Kạn, tôi vẫn tiếp tục soạn ra ba loại ca kháng chiến của tôi. Dân ca thì có thêm Người Lính Bên Tê soạn cho chiến dịch địch vận. Ngay từ năm 1947 này, tôi đã đưa cái ý niệm bên ni, bên tê rồi :
Bên tê là phía sầu u.
Có người dân Việt
Gục đầu trên đất tù.
Bên ni là phía tự do...
. . . . . . . . . .
Anh ơi. Quay súng lại đây.
Máu người dân Việt còn cần cho luống cầy.
Tôi mong từng phút từng giây
Sống chẳng oán thù, để chờ anh tới đây.
Thanh niên ca thì có bài Đường Về Quê :
Một đoàn người đi miên man trên đường gian nan
In hình qua mây núi xanh lơ bát ngát...
Bài này cũng có chung một cảm hứng với những bài nhạc nói lên sự kiện cả nước ra đi, ví dụ những bài Đoàn Lữ Nhạc của Đỗ Nhuận, Nhạc Đường Xa của anh tôi là Phạm Duy Nhượng. Đường về quê hương đẹp lắm chứ, khi...
... đoàn người đi trong đêm qua rừng âm u
Người lạnh lùng nghe mưa thu trên từng ba lô...
Quân Ca thì có Việt Bắc, Thiếu Sinh Quân. Tôi thích bài Việt Bắc lắm vì trong đó có những câu kết rất hiên ngang và tin tưởng :
Rừng còn mịt mùng
Đang chờ loài giặc đến
Núi rừng chập chùng lên
Sẽ là mồ thực dân.
Tôi còn soạn bài Quân Y Ca vì có dịp làm quen với hai chị em cô Hà và cô Lan, em gái của Cục Trưởng Quân Y Vũ Văn Cẩn :
Đoàn Quân Y
Tươi cười ra đi...
Tôi lại gặp anh Nguyễn Xuân Khoát ở tỉnh Bắc Kạn này. Gầy gò hơn trước, chân đi đôi giầy to tổ bố. Tôi rất mê những bài anh mới viết ra như Tiếng Chuông Nhà Thờ, đối với tôi lúc đó là một bài poème symphonique vĩ đại. Bài Gọi Nghé của anh đẹp như một bức tranh sơn cước. Tôi rất thích những câu hát a be nghé ơi của anh, nghe như tiếng gọi của đồi nương ban chiều. Sau này khi viết bản Nương Chiều, tôi nghĩ rất nhiều tới tiếng hát gọi nghé của anh Khoát. Cùng với Ngọc Bích tôi còn tới Trường Thiếu Sinh Quân để sinh hoạt với Đỗ Nhuận và Lưu Hữu Phước. Mấy ông Cách Mạng thứ thiệt này sẽ ít khi rời khỏi Trung Ương ở An Toàn Khu để ra đi như tôi.
Bỗng gặp một người mà tôi quen biết từ khi tôi còn đi theo gánh hát Cải Lương ở trong Nam. Tên là Vũ Văn Thiết. Đã từng làm việc với một hãng buôn Nhật Bản là ATAKA trước và sau thời Nhật đảo chính. Rồi đi theo Cách Mạng làm Chính Trị Viên ở Khu VIII trong Nam Bộ. Cùng lúc tôi ở trong Nam trở về Bắc, nó cũng từ Khu VIII đi ra, hai thằng gặp nhau ở Quảng Ngãi. Kháng chiến toàn quốc xẩy ra thì nó làm việc tại Bộ Canh Nông ở Tuyên Quang. Khi gặp tôi ở Bắc Kạn thì Vũ Văn Thiết đã đổi sang làm Giám Đốc của Vụ Ngoại Thương. Nó thấy tôi là vội kéo đi ăn rồi xong bữa ăn, nó đưa tôi tới một nơi có bàn đèn thuốc phiện để hai thằng nằm hút. Giữa những điếu thuốc, nó tâm sự với tôi về một chuyện không may xẩy ra cho nó. Vì nó muốn giúp cho vợ một người bạn, tặng người này một số bông sợi nên đang bị kết án là bán đồ của Chính Phủ. Chưa biết lúc nào Công An sẽ tới bắt nó. Nó có vẻ dinh tê đến nơi rồi. Quả nhiên hôm sau thấy nó biến mất. Vào ngày mùng 7 của tháng 10 năm 47, tôi đang đi công tác ở một địa điểm cách xa thị xã 10 cây số thì được tin Quân Pháp nhẩy dù xuống Bắc Kạn.
Đây là một chiến dịch lớn nhất từ khi xẩy ra cuộc chiến tranh Việt- Pháp, với 12.000 quân Pháp tấn công vào vùng Việt Bắc với mục đích tiêu diệt chủ lực quân của Việt Minh và bắt sống toàn thể nhân viên Chính Phủ. Một đoàn quân dùng đường số 4, từ Lạng Sơn đánh lên Cao Bằng. Một đoàn quân khác, với những tầu chiến nhẹ, đi trên ngược dòng Sông Lô, đánh bọc từ Việt Trì lên Tuyên Quang. Riêng ở Bắc Kạn thì vì muốn bắt trọn bộ phận đầu não của kháng chiến nên Pháp đã dùng lính nhẩy dù.
Về sau tôi mới biết là Vũ Văn Thiết đã có mặt trong đám lính nhẩy dù này. Ngay sau đêm nằm chơi với tôi, nó vào thành và được Pháp trọng dụng. Rồi nó được Pháp cho nhẩy dù xuống Bắc Kạn cùng với toán quân. Với một vụ tấn công bất ngờ như vậy, thế mà quân Pháp đã không thành công trong việc bắt các lãnh tụ Việt Minh mà chỉ giải thoát được hai trại giam là nơi giam giữ những người quốc gia và nơi giam lỏng những Pháp kiều. Anh trại phó đã bị giết ngay khi lính Pháp tới chiếm trại này.
Ngoài Bộ Trưởng Nguyễn Văn Tố không may bị bắt, tất cả các nhân viên Chính Phủ Kháng Chiến chạy thoát. Chủ lực quân của Việt Minh lọt vào giữa gọng kìm của hai đoàn quân Pháp vừa chống cự, vừa rút lui khỏi vòng vây. Hơn thế nữa, tại bến Bình Ca, Vệ Quốc Đoàn phối hợp với dân quân du kích, bắn vào các tầu chở lính Pháp ở trên Sông Lô, cầm chân không cho tiến tới hoặc rút lui. Pháp phải cho phi cơ tới oanh kích mạnh mẽ, tàn quân mới rút được về suôi. Kế hoạch của Tướng Salan không thành công như ý muốn. Đối với Việt Minh thì đây là những chiến thắng đầu tiên của kháng chiến.
Từ ngày khởi đầu cuộc kháng chiến toàn quốc, đây là lần đầu tiên Pháp tung ra một chiến dịch lớn nhất vì có tới 12.000 quân . Nhưng chiến dịch được đặt tên là LÉA của Tướng Salan này thất bại hoàn toàn vì mục tiêu thứ nhất là bắt gọn Chính Phủ Kháng Chiến bằng quân nhẩy dù tại Bắc Kạn thì mục tiêu đó không đạt được.
Mục tiêu thứ hai là tiêu diệt chủ lực quân của Việt Minh thì trong cánh quân miền Tây, những đoàn tầu chở lính Pháp bị đánh dài dài trong suốt 18 cây số từ bến Bình Ca cho tới Đoan Hùng. Sau đó, tôi được phái qua miền Sông Lô để lấy cảm hứng sáng tác và khi biết trận chiến ở đó đã xẩy ra ra sao tôi mới thấy rằng không có cách nào mà Pháp có thể thắng Việt Minh được. Trong gọng kìm phía Tây này, những lính Pháp được đưa từ Tuyên Quang tới Đoan Hùng bằng đường thủy trên những chiếc tầu đổ bộ gọi là L.S.T. (chứ không phải là trên những chiến thuyền có loại súng nặng). Quân đội kháng chiến đào hố sẵn ở hai bên bờ sông và nằm chờ những chiếc tầu chở 'địch quân tới. Hồi đó trong Quân Đội Việt Minh làm gì có Pháo Binh với những loại súng thần công tối tân của Nga hay Mỹ ? Lúc đó chỉ có hai khẩu 75 ly lấy được của Pháp từ hồi Cách Mạng thành công. Khi mấy chiếc tầu L.S.T. chở lính Pháp chạy tới bến Bình Ca thì người lính Vệ Quốc Quân nằm chực sẵn ở trên bờ, chỉ cách tầu địch có khoảng 15 thước, nhắm bắn mục tiêu bằng cách nhìn qua lỗ súng rồi lắp đạn vào, giật giây nổ. Lúc đó có ai biết tính toạ độ hay cự ly ra sao đâu ? Ở mỗi một ổ phục kích, chỉ cần bắn 1 hay 2 quả đạn vào 1 hay 2 chiếc tầu đổ bộ, thế là đủ thắng trận rồi. Bắn xong là khiêng súng chạy lên chạy xuống dọc theo con sông để rồi lại nằm ở từng khúc sông, lắp đạn bắn vào những chiếc tầu khác hoặc để giáp trận với những toán quân địch đã leo được lên bờ. Một tiểu đoàn Vệ Quốc Quân gần như nhịn ăn, nhịn uống, nhịn ngủ, đánh giặc ba bốn ngày đêm không ngưng nghỉ, trong đoàn quân không có một ai sợ chết, và rất lạ lùng là cũng không một ai bị hi sinh cả. Chỉ có một anh bị thương xoàng ở chân mà thôi.
Nói về cả một chiến dịch thì những thắng lợi Sông Lô chỉ mới là những chiến công cục bộ bởi vì trong lúc khởi đầu của chiến dịch LÉA, gọng kìm lớn ở miền Đông là Bắc Kạn và Lạng Sơn vẫn còn rất mạnh. Nhưng tinh thần của đoàn quân Pháp ở gọng kìm Tuyên Quang xuống tới đất đen trong khi tinh thần của Vệ Quốc Quân và của toàn dân lên vùn vụt nhờ ở những chiến thắng tại sông Lô này. Những người phục vụ cho Cục Chính Trị như chúng tôi được khuyến khích để làm cho Chiến Thắng Sông Lô trở thành một chiến công vô cùng rực rỡ. Bây giờ nếu có ai tò mò -- như tôi -- đi tìm đọc những cuốn quân sử của Pháp viết về chiến tranh Đông Dương, sẽ chẳng thấy một dòng chữ nào cho cái được gọi là Trận Sông Lô này cả. Nhưng trong chúng tôi lập tức có ngay những tuyệt phẩm như bài Lô Giang của Lương Ngọc, bài này duyên dáng, mặn mà, giống như nét mặt của tác giả -- một nhạc sĩ Tây lai -- xuất thân từ Khiêu Vũ Trường và đã từng chiến đấu trong Trung Đoàn Thủ Đô :
Lô Giang
Dòng nước trong xanh
Có nhà mái xinh bên đồi núi cao.
Lô Giang
Dòng nước êm du
Ánh vàng vút cao khi trời cười vui...
. . . . . . . . . . .
Bao phen súng thần công vang
Pháp kia kinh hoàng trốn xuống đáy sông làm ngầu nước trong...
Bài Trường Ca Sông Lô của Văn Cao là một tác phẩm vĩ đại. Thằng bạn này vẫn là một kẻ khai phá. Nó là cha đẻ của loại Trường Ca. Về hình thức, bài của nó chẳng thua gì bất cứ một tuyệt phẩm nào của loại nhạc cổ điển Tây Phương. Nét nhạc của trường ca rất mạnh khoẻ, rất tươi sáng. Nhịp điệu vô cùng phong phú với những chuyển đoạn rất tài tình. Bài này đánh dấu sự trưởng thành của Tân Nhạc, mở đầu bằng một câu nhạc vô địch về dài hơi :
Sông Lô
Sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u
Thu ru bến sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một mầu khói thu.
Sông Lô
Sóng ngàn kháng chiến cháy bờ lau thưa đã tàn thôn trang
Ai qua bến nắng hồng lặng nhìn mầu nước sông Lô xưa...
Bài Du Kích Sông Thao của Đỗ Nhuận có tất cả khối nặng của nét nhạc và của tiết điệu. Nó nặng nề và oai nghiêm giống như khuôn người của Đỗ Nhuận :
Hồng Hà
Mênh mông trôi cát tới chân làng quê
Dưới sông nhiều bến ai về có thấy đồng mía nương chè
Với những tình thắm trên làng quê...
Hồng Hà
Chơi vơi dòng nước trên nguồn về khơi
Sông Thao ngoài bến Việt Trì có những chàng áo nâu về
Say mê dòng nước ôi tràn trề...
Đó là chưa kể những bài như Bến Bình Ca của Nguyễn Đình Phúc, Tiếng Hát Trên Sông Lô của tôi, mỗi bài đều có những đặc điểm riêng về nhạc thuật nhưng đều chung nhau nói lên một cách hùng hồn sự tự hào của dân tộc trong chiến thắng đầu tiên của kháng chiến này. Tất cả những bản nhạc vừa kể trên cộng với những bức hoạ, những bài thơ, những truyện ngắn về chiến thắng này làm nức lòng toàn dân và toàn quân trong vùng kháng chiến, đang ở trong tình trạng bi quan và chủ bại vì cuộc tấn công rất mạnh mẽ của Pháp. Gọng kìm phía Đông của Pháp trong chiến dịch LÉA này cũng bị thua liểng xiểng. Trên đường số 4, đoàn quân Pháp bị phục kích và bị tiêu diệt ở những địa điểm như Bông Lau, Đông Khê, Thất Khê... Ngọc Bích và tôi đều soạn những bài hát cho chiến thắng này. Tôi còn nhớ một đoạn lời ca của bài Bông Lau :
Bông Lau, Bông Lau rừng xanh pha máu
Hương thơm sơn khê toàn dân nhớ đến
Khi quân ta tiến ra như phong ba oán thù
Và quân Pháp một đi không về...
. . . . . . .
Đoàn quân hát vang từ miền chiến chinh về
Thân hiên ngang, nhuộm đầy máu me...
Một vài đoạn của vài bài quân ca khác mà tôi đã quên, thì có người còn nhớ và ghi lại :
Một ngày mai cánh tay ta
Vụt đầu rơi máu tuôn ra
Rững cây núi dỏ như sắc cờ...
Thế là tôi và Ngọc Bích được sống thực sự trong không khí chiến tranh khi bị lọt vào khu vực nhẩy dù trong một chiến dịch lớn nhất từ trước tới nay. Tôi có may mắn là ở xa Bắc Kạn 10 cây số cho nên chẳng mất mát gì, nhưng thằng Ngọc Bích thì ở ngay gần thị xã cho nên mất mẹ nó cái ba lô và cây đàn. May không bị lính Pháp chộp được hay tặng cho một viên đạn. Chạy thoát khỏi cuộc nhẩy dù của lính Pháp này rồi, Ngọc Bích và tôi gặp nhau ở Đại Từ. Tỉnh Bắc Kạn đã trở thành một nơi nguy hiểm, hai thằng bèn rủ nhau đi tìm cảm hứng trên một nẻo đường khác.
Chúng tôi xuống Thái Nguyên để trợ lực cho một đoàn văn nghệ nhỏ của anh tôi là Phạm Duy Nhượng, tác giả bài Nhạc Đường Xa, một bài hát rất phổ biến tại Việt Bắc thời đó. Anh Nhượng là giáo viên của tỉnh này và bây giờ được Tỉnh Ủy giao cho điều khiển một ban văn nghệ. Nhân viên toàn là học sinh của thầy Nhượng. Nhân ông Trường Chinh có mặt tại đây, ban văn nghệ được lệnh tổ chức một đêm trình diễn cho ông ta coi. Sau buổi diễn có bữa cơm thân mật. Tôi ngồi cạnh Trường Chinh, thấy ông ta có lòng bàn tay đỏ như son. Giống như bàn tay của Trần Trọng Kim.
Tôi không muốn ở lâu tại Thái Nguyên. Vì trước đây tôi được phái lên phụ giúp trông coi một cái Ấp nhỏ ở Lan Giới thuộc Nhã Nam (Yên Thế-Bắc Giang) bây giờ tôi nóng lòng muốn trở lại nơi đó...
Phạm Duy