Chương 10
- Details
- Written by Phạm Duy
- Hits: 4025
... hoa lá quên giờ tàn
Hồn người thổn thức trong phòng loan...
KHỐI TÌNH TRƯƠNG CHI
Bùi Công Kỳ và tác giả, Quán Nghệ Sĩ, Huế 1946
Trong khi tôi thích hoạt động hơn là suy nghĩ cho nên xung phong vào Nam để kháng chiến thì phong trào mở phòng trà ở miền ngoài vẫn tiếp tục bành trướng. Trên đường trở ra Hà Nội, tôi dừng chân tại Huế...
... Ở đây bây giờ có nhà hàng Tam Tinh là nơi mướn ca sĩ tới hát giúp vui như nữ ca sĩ sông Hương tên là Tuyết, về sau mang tên là Ngọc Cẩm. Có thêm anh chị Quốc Thuận mở ra một phòng trà rất đẹp do hoạ sĩ Phạm Đăng Trí trang trí, lấy tên là Quán Nghệ Sĩ. Tôi được mời tới hát tại cả hai nơi này, nhưng tôi chọn Quán Nghệ Sĩ vì tại quán này tôi có thêm Bùi Công Kỳ để hát chung cho vui. Bùi Công Kỳ là người Nam Định, bạn thân của Đặng Thế Phong. Nó nói nó soạn lời ca cho bài Giọt Mưa Thu, một điều mà tôi vẫn chưa tin là đúng hoàn toàn, vì Đặng Thế Phong chết đã từ lâu, làm sao mà mình kiểm chứng được ? Tôi rất yêu nó vì nó có một lối sống bất cần đời, lúc nào cũng say sưa nhưng không nát rượu. Nó có một giọng hát rất trầm và khi nó hát, nó biểu diễn bài hát như một kịch sĩ chứ không đứng hát lười biếng như một số ca sĩ khác.
Về tới Huế kỳ này, tôi có một thời gian vừa đủ để nghỉ ngơi ở bên dòng Hương Giang sau những ngày tháng gian lao ở Chiến Khu Bà Rịa- Vũng Tầu, nhất là để cho tôi gặp gỡ một cuộc tình và soạn ra bài Khối Tình Trương Chi. Một người con gái có vẻ như một công chúa Mỵ Nương hay một tiểu thư lá ngọc cành vàng đang sống ở trong một dinh thự rất đẹp trên con đường lên Nam Giao đã giúp tôi cảm hứng để thay thế anh Trương Chi, hát lên cho hồn người phải thổn thức trong phòng loan...
Trở lại Huế lần này cũng còn là cơ hội để tôi gặp lại thi sĩ Lưu Trọng Lư và phổ nhạc bài thơ bất hủ của anh là bài Tiếng Thu. Lúc đó, dù đã được Cách Mạng chiếu cố, nhà thơ rất lãng mạn này vẫn còn ngơ ngác như con nai vàng mà tôi gặp ở Tourane trong thuở tôi đang đi hát rong. Còn nhớ hoài một người tình Tầu lai mà anh ''tặng'' tôi lúc đó như tặng một cái... bánh ngọt. Trong kỳ tới Huế này, tôi được mời tới nhà anh Lư để nghe vợ anh -- hồi đó là chị Mừng -- đánh đàn tranh.
Trong thời gian ca hát tại Quán Nghệ Sĩ, hằng ngày chúng tôi cũng phải giao thiệp với những người làm cách mạng cực đoan như Tố Hữu, Hải Triều, Nguyễn Chí Thanh... cho nên đêm đêm chúng tôi thường trình bày nhạc hùng nhiều hơn là nhạc tình. Tôi chuyên môn hát Gươm Tráng Sĩ, Chiến Sĩ Vô Danh hay Xuất Quân. Bùi Công Kỳ hát bài Quật Khởi, thơ của Phan Bội Châu do Nguyễn Xuân Khoát phổ nhạc. Với giọng hát ồ ồ của nó đi đôi với tiếng đàn piano loạn xạ của tôi, bài hát này đã được mọi người hoan nghênh :
Sống tranh đấu mà không sờn lao khổ
Chết anh hùng mà không khuất phục ai...
Bài hát sẽ được phổ biến rất mạnh mẽ trong dân chúng, nhất là trong giai đoạn toàn quốc kháng chiến sau này với lời hát nhại :
Sống ăn sắn mà không thèm ăn phở
Chết trong rừng mà không có nệm bông.
Quán Nghệ Sĩ thỉnh thoảng có thêm vài ba ca sĩ tài tử tới hát chơi, ví dụ Kiều Miên. Đó một cô gái Huế rất xinh, hát rất hay và đặc biệt là tính tình rất cởi mở, khác hẳn với người con gái Huế trầm lặng của muôn thuở. Kiều Miên là lý do để cho tôi viết ra trên 20 trang giấy những ý niệm của tôi về cuộc đời, một cuộc đời dài hơn ba vạn sáu ngàn ngày mà chúng ta phải sống. Gần đây, từ Saigon, Kiều Miên gửi ra cho tôi một đoạn viết mà tôi đã tặng Nàng hồi đó. Đọc lại những câu ''triết lý'' rẻ tiền tôi đã viết ra ở Huế vào năm 1946, tôi thấy lúc đó tuy tôi mới ngoài 20 tuổi mà tôi đã có những ý nghĩ của một ông già. Lại còn làm thơ nữa :
Gió mưa trút xuống Hương Giang
Lòng ta dừng lại trên đàng ruổi rong.
Ra đi lưu lại chút lòng
Mong chờ có cuộc trùng phùng mai sau.
Có lẽ cũng tại vì Huế đang đi vào mùa mưa và tôi thì luôn luôn phải đệm đàn cho Kiều Miên hát bài Giọt Mưa Thu của Đặng Thế Phong tại Quán Nghệ Sĩ. Dù Kiều Miên có nhí nhảnh và hoạt bát đến đâu thì cái vạn cổ sầu của người nhạc sĩ mệnh yểu này, cộng với những giọt mưa thu của Huế cũng đã bao phủ tâm hồn của tôi.
Sau khi sống một số ngày tháng dữ dằn ở chiến khu Nam Bộ, trong thời gian ở Huế này, tôi thu mình trong cái vỏ cứng của nghệ sĩ, nhưng cái không khí cả nước ra đường thì vẫn còn hừng hực ở nơi cố đô này. Có những buổi chiều tôi được mời tới hát ở Đài Phát Thanh cùng với các ca sĩ khác, những ống loa treo ở trước cửa Đài lôi kéo dân chúng tới đông như kiến cỏ ở hai bên bờ Hương Giang vì dân chúng đã thấy tinh thần của họ luôn luôn được nung nấu qua những bài ca Cách Mạng.
Ở Huế một thời gian, sau khi khán thính giả đã bắt đầu chán mình và mình cũng đã bắt đầu chán khán thính giả, tôi trở ra Hà Nội vào khoảng cuối tháng 10 năm 1946.
Phạm Duy