Chương 8
- Details
- Written by Phạm Duy
- Hits: 5421
Hội ca cầm chúc cậu mợ được giầu sang
Giầu sang phú quý, trên ô tô dưới thời ca nô
Nằm giường lèo đắp chăn nệm gấm
Đi giầy Gia Định, ngồi ghế phụng loan
Cậu bịt răng vàng, trên đầu mợ xịt dầu thơm dầu thơm
Điệu Hành Vân
Ca sĩ Josephine Baker
Bên cạnh những truyền thống lâu đời -- có cái bị tiêu vong, có cái còn tồn tại -- và trong tất cả những cái mới vừa tới với thời đại... cái hay nhất đối với tôi là sự chuyển mình của âm nhạc Việt Nam từ Cổ Nhạc qua Tân Nhạc.
Vào những năm đầu của thập niên 30, tôi mới là cậu bé đang bước vào tuổi lên mười. Không như những thiếu nhi, thiếu niên trong các thập niên sau này, sẽ có hàng chục hay hàng trăm bài hát cho tuổi của các em, lúc đó, tôi không có tới dăm ba bài ca để hát một mình, hát chung với bạn bè hay là hát biểu diễn cho ai nghe cả.
Âm nhạc cổ truyền như Hát Trống Quân, Hát Cò Lả, Hát Quan Họ... hoàn toàn vắng mặt tại các thành phố. Ngay cả trong các vùng thôn quê là nơi xuất xứ của các loại dân ca đó, người dân Việt Nam sống dưới chế độ thực dân Pháp cũng không còn hết lòng ca hát trong các vụ hát hội, hát đám nữa. Những điệu dân ca mà tôi được nghe họa hoằn trong những ngày lễ, như lễ 14 Juillet do người Pháp tổ chức tại chính quốc và tại các thuộc địa để ăn mừng ngày phá ngục Bastille chẳng hạn... là loại hát xẩm, hát trên viả hè hay trên bãi đất trống trước cửa nhà tôi.
Nguyễn Đình Nghị
Nếu tôi có được nuôi dưỡng thêm bằng âm nhạc vào lúc đó thì cũng chỉ là đi coi Hát Chèo Văn Minh của cụ tai rạp Sán Nhiên Đài hay coi Tuồng Cải Lương của Trần Phềnh (hơi khác với Cải Lương Nam Kỳ) tại rạp Quảng Lạc. Hoặc là nghe những bài Ca Huế của bà Ấm Chung là người mẹ tôi nuôi ở trong nhà để dạy cho hai chị tôi đánh đàn tranh.
Cũng còn là những bản Hát Bộ Miền Trung của một ông lái buôn nước mắm, mỗi khi từ Nghệ An chở nước mắm ra bán tại ngoài Bắc thì đến ngủ ở nhà tôi và được mẹ tôi coi như em nuôi, tôi phải gọi là Cậu. Cậu Xuân hay đùa nghịch này là người dạy cho tôi cái tính hài hước. Hơn thế nữa, đây là lúc tôi hay bịa ra những chuyện hát tuồng, vẽ mặt bôi râu, căng một cái màn đỏ ở trên giường rồi đứng làm trò cho cả gia đình coi.
Ngoài loại nhạc Việt Nam cổ truyền ra, tôi cũng được nghe nhạc Pháp với loai ca khúc thịnh hành (chanson à la mode), nghe thì thích đấy, nhưng chưa lấy gì làm say mê cho lắm. Cậu bé lên mười ở trong một thành phố Việt Nam, vào những năm 1931,1932... nếu muốn có cái gì mới để hát thì không có thể làm khác hơn là bắt chước người lớn hát những bài như :
Tôi chờ cô tối qua
Suốt canh chầy chẳng thấy cô ra.
Chờ bấy lâu mới biết cô là
Cô là người tôi hằng mơ mến yêu...
Đó là một điệu hát cổ mà ai cũng biết : điệu Bình Bán, bây giờ được dùng để làm bài hát ve gái.
Trong những năm đầu của thập niên 30, vì chưa có ai dám nghĩ đến chuyện sáng tác ca khúc mới với cả nhạc điệu với lời ca cho nên người ta chỉ dám dùng các điệu đã quen biết để làm lời ca mới phù hợp với nhu cầu của mình. Một số điệu Tầu đã từng được thu dụng trên sân khấu Việt Nam cũng được người ta soạn lời ca mới để hát chơi. Hát tán gái bằng điệu Mãi Tạp Hoá :
Mình ơi có đi bờ hồ
Cùng ta chén kem kẹo dừa
Cứ đi, cứ đi mình nhé
Trong túi có vài Rồng Xanh
(Rồng Xanh là giấy bạc 5 đồng có hình con rồng)
Mình ơi ! Tôi xin một điều
Cùng nhau thề thót cũng liều
Xin mình chớ nên từ chối
Đôi chúng mình có thiếu cái chi...
Hồi đó, kéo nhau đi ăn kem ở bờ hồ Hoàn Kiếm là một cái thú cho mọi lứa tuổi, Trẻ con chỉ được ăn kem thường, nhưng người lớn thường ra đây để được ăn ''kem sờ'', nghĩa là vừa ăn kem vừa sờ mó các cô bưng kem vừa trẻ, vừa đẹp.
Các điệu Tầu được dùng để làm những bài hát mới và cũng để chế diễu Hoa Kiều luôn. Đó là mấy câu hát theo điệu Bài Tạ :
Bên Tầu ngộ ở bên Tầu
Bên Tầu ngộ mới qua đây
Qua Nam Việt bán buôn làm giầu
Mới đến ngộ có cái đòn gánh
Mới đến ngộ bán chè khô
Chè lỗ ngộ bán mì khô
Bán không được kéo nhau về Tầu...
Tuy nhiên, điệu nhạc Tầu hay điệu nhạc Việt Nam cổ truyền, vốn nằm trong nét nhạc ngũ cung (pentatonic) quá quen thuộc, dẫu có hát lên với lời ca mới, vẫn chưa thoả mãn được nhu cầu cần thay đổi một không khí âm nhạc của tuổi trẻ hồi đầu thập niên 30. Cái mới lúc đó, đối với chúng tôi là những bài hát Tây Phương, được phổ biến tại Việt Nam dưới hình thức đĩa hát loại 78 tours, hoặc được phô diễn trên màn ảnh chiếu phim nói (cinéma parlant).
Tóm tắt lại, trong thời gian sống dưới chế độ thực dân Pháp, lũ thiếu nhi hay thiếu niên chúng tôi, cũng như một số những người lớn, đã chỉ làm một công việc rất dễ dãi là : hoặc dùng nhạc điệu cổ Việt Nam để soạn lời ca mới, có khi là lời ca tiếng Pháp, với mục đích khêu gợi tinh thần yêu nước; hoặc dùng những nhạc điệu Tầu để soạn những bài hát chơi. Sự chắp vá này chỉ nói lên nhu cầu có cái mới trong ca hát và chỉ được coi như đang trong giai đoạn sửa soạn để có một loại ca nhạc nào đó, khác với nhạc cổ truyền, nhạc dân ca đã có từ lâu và đang suy tàn.
Người đầu tiên biết sử dụng điệu hát Tây và phổ biến trong công chúng Việt Nam là nghệ sĩ Huỳnh Thủ Trung tức Tư Chơi. Ông là người sáng tạo ra hình thức tiểu ca kịch (opérette) theo kiểu Âu Tây mà ông đặt tên là ''hoạt kê hài hước'' (opérette comique) trên sân khấu các đoàn hát Cải Lương TRẦN ĐẮT và PHƯỚC CƯƠNG vào khoảng 1933-1934.
Sân khấu Cải Lương lúc đó đã có hai loại tuồng gọi là Tuồng Tầu với tích truyện cổ, diễn viên mặc quần áo giống như các nhân vật của sân khấu Trung Quốc và Tuồng Tây với tích truyện tân thời diễn viên mặc quốc phục và âu phục. Tuồng Cải Lương có phần âm nhạc thoát thai từ loại Nhạc Tài Tử đặc biệt của miền Nam với giàn nhạc đệm là các thứ nhạc cụ dân tộc, có thêm một giàn nhạc Tây Phương ở dưới đất, giữa quan khách và sân khấu, diễn tấu những bài bản Tây Phương trước giờ mở màn hay vào giờ nghỉ (entracte).
Ngay từ khi xẩy ra Thế Chiến I, một bài hát rất phổ thông trong binh lính Pháp là bài Madelon cũng đã được giới Cải Lương Nam Kỳ thu dụng để toàn ban ra hát chào khán giả, lẽ dĩ nhiên là hát với tiếng Việt : Xin chào đồng bào và xin chúc quý quan an vui...
Trên sân khấu các đoàn TRẦN ĐẮT và PHƯỚC CƯƠNG, ngoài việc soạn ra những tích tuồng mới phản ảnh xã hội Việt Nam vào lúc đó, phần nhiều là hài kịch nghệ sĩ Tư Chơi còn muốn cải cách cả phần âm nhạc. Ông không muốn dùng các bài bản có tính chất cổ truyền trong opérette của ông nữa. Nhạc Tây Phương qua những bài hát theo thời (chansons à la mode) đã bắt đầu thịnh hành trong xã hội đô thị Việt Nam. Những bài hát Pháp như J'ai Deux Amours, Ma Tonkiki Ma Tonkinoise đã được nhiều người biết đến. Bài J'ai Deux Amours do nữ ca sĩ Mỹ đen Joséphine Baker hát :
J'ai deux amours
Mon pays et Paris
Par eux toujours
Mon coeur est ravi...
Nghệ sĩ Năm Châu
Bài này làm cho những thanh niên thèm đã từng đi Tây như tôi, lại càng thèm biết thủ đô Paris hơn nữa. Nhưng nó được nghệ sĩ Tư Chơi đưa ngay lên sân khấu với lời ca của nghệ sĩ Nguyễn Thành Châu tức Năm Châu, nội dung xã hội :
Buồn thay nghề hát
Trong xứ ta nhiều gương xấu
Tìm bạn đồng tâm
Đâu thấy ai ? Nào đâu ?
Lập tức báo PHONG HOÁ có câu hát giễu cợt theo điệu J'ai Deux Amours đó :
Giò này giò nóng
Ai muốn mua thì xin cứ
Bỏ một hào ra
Ai muốn mua, thì mua...
Một xu hướng đi tìm không khí mới cho âm nhạc Việt Nam đã thực sự ra đời khi nghệ sĩ Tư Chơi khẳng định đường lối soạn nhạc của ông. Ông soạn một số bài hát mà ông gọi đích danh là bài ta theo điệu Tây. Hoặc ông dùng nguyên vẹn những điệu Tây, chẳng hạn điệu Hoài Tình của ông, rất phổ biến trong giới Cải Lương, có thể khởi sự từ bài Tabou, bài này, theo tôi, cũng còn là bài đẻ ra nhiều bản đầu tay của một số mầm non nhạc sĩ vào hồi Tân Nhạc mới được thành lập.
Cùng một lúc với việc anh Tư Chơi tung ra trên sân khấu loại hát anh gọi là bài ta theo điệu Tây, thì trong giới yêu nhạc, với đa số là nam nữ trong tuổi thanh xuân, cũng có phong trào chuyển ngữ các bài hát Tây do các ca sĩ thời thượng như Tino Rossi, Rina Ketty, Albert Préjean, Georges Milton... hát vào đĩa hát 78 tours.
Các nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trẻ, đẹp, hát hay như Ái Liên, Kim Thoa, lại được hãng BéKa, một chi nhánh của hãng Pathé bên Pháp mướn để thu thanh các bài ta theo điệu Tây vào dĩa hát. Suốt mấy năm liền, từ 1935 cho tới 1938, rất nhiều các bài hát của Pháp như Marinella, C'est À Capri, Tant Qu'il Y Aura Des Étoiles, Un Jour Loin De Toi, Celle Que J'aime Éperdument, Les Gars De La Marine, L'oncle De Pékin, Guitare D'amour, Créola, Signorina, Colombella... và của Mỹ như Good Bye Hawaii, South Of The Border... đã được phổ biến mạnh mẽ với lời ca tiếng Việt, soạn bởi một nhà báo trẻ tên là Mai Lâm.
Trong mấy chục bài ta theo điệu Tây của hồi giữa thập niên 30, tôi chỉ còn nhớ lõm bõm vài bài, chẳng hạn bài hát theo điệu C'est À Capri :
C'est à Capri que je l'ai rencontrée
Je fus charmé encore plus que surpris.
De mille fleurs elle était entourée
Au milieu d'un jardin de Capri
Tout comme dans un poème
Me voyant elle me sourit
Je lui ai dit : je vous aime.
C'était au pays de Capri.
. . . . . . . . . . . . .
Ngày đua xe hoa năm đã qua bao tình sâu xa
Còn như in sâu trong trí tôi bao ngày vui qua.
Người mà tôi yêu, tôi đắm say, tôi hằng mơ
Đến với tôi, trong ngày vui, trong hội hoa.
Ngày nay anh tới đây, đợi chờ nắng
Mà sao em nỡ sao, em biệt bóng ?
Lòng anh ôi chứa chan mối tình ái
Lời thề nguyền non nước em đành sai...
Vào đầu thập niên 30, mỗi lần các gánh hát Cải Lương ở trong Nam ra Bắc trình diễn thì các minh tinh như các đào Năm Phỉ, Phùng Há, Kim Thoa các kép Năm Châu, Bẩy Nhiêu, Tư Chơi ngụ tại Hotel Đồng Lợi (?) ở đường Bờ Hồ, ngay gần nhà tôi. Tôi tò mò tới đứng ngoài cửa khách sạn, ngó qua cửa kính nhòm vào phòng ăn, thấy sao họ có thể đẹp đẽ sang trọng như người ngoại quốc thế kia ? Tôi không thể ngờ rằng có ngày tôi đứng chung trên một sân khấu với Tư Chơi hay Năm Châu tại Saigon trong thời gian trước và sau cuộc Cách Mạng-Kháng Chiến.
Làm sao mà chúng tôi không thích những bài ta theo điệu Tây cho được ? Trước hết, những bài mà tôi vừa dẫn kể ở trên, không những rất hay về ý nghĩa (lúc đó chúng tôi cũng đã giỏi tiếng Pháp lắm rồi) lại còn được những giọng hát ngọt lịm của Tino Rossi, lanh lảnh của Rina Ketty, hài hước của Georges Milton hay bình dị của Albert Préjean... làm tăng giá trị. Rồi bây giờ lại còn được Mai Lâm soạn những lời ca rất phù hợp với tuổi mơ mộng của chúng tôi. Đã có những hội ''Ái Tino'' được thành lập. Một thanh niên có giọng hát tốt, sau này là một nhạc sĩ được nhiều người biết tới, nhạc sĩ Canh Thân, bắt đầu cuộc đời ca hát của anh bằng cái tên Tino Thân.
Tino Rossi, thần tượng của thanh niên Hà Nội 1930
Hồi đó, tuổi trẻ Việt Nam có những ngày rất vui khi có tổ chức chợ phiên (kermesse) và những cuộc diễn hành xe hoa (corseau fleuri). Những đôi lứa yêu nhau là nhờ ở những ngày đua xe hoa với bao tình sâu xa... như lời ca của bài C'est À Capri kể trên. Trai gái gặp nhau ở chợ phiên hay tại cuộc thi xe hoa là ném confetti vào mặt nhau. Có anh đùa nhả, ném cả bụi đường vào mặt người đẹp rồi được nghe chửi thậm tệ. Trong chợ phiên, tôi được coi cuộc thi đánh yoyo, một trò chơi hiện nay vẫn còn thịnh hành ở Hoa Kỳ. Tôi còn nhớ tên tay vô địch yoyo ở Hà Nội lúc đó là Kính tức Kính ''què''.
Bà thân sinh ra ca sĩ Khánh Ly Hoa hậu Hà Nội 1930
Cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở Việt Nam đã diễn ra trong lần tổ chức kermesse ở Ấu Trĩ Viên và người được giải là một thiếu nữ nổi tiếng của Hà Thành, với bộ y phục người Thái làm tăng thêm vẻ đẹp của thân hình kiều diễm. Đó là nữ cầu thủ trong đội hockey mà tôi đã nói ở Chương Bẩy và là bà thân sinh của ca sĩ Khánh Ly sau này. Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam tên là Tân, người mà chúng tôi thèm rỏ dãi khi đi bơi và nhìn thấy thân hình của hoa hậu trong bộ đồ tắm không hở hang như bây giờ ở hồ Quảng Bá lúc đó là nơi gặp gỡ của những thanh niên nam nữ Hà Nội, mệnh danh là những ''tài hoa son trẻ'' của thời đại.
Nói tiếp về những bài ta theo điệu Tây trong những năm 30, tôi thấy đủ mọi loại ca khúc thịnh hành của Pháp được hát lên với lời Việt :
CRÉOLA
Phút mơ màng ! Gần bên em khác chi Thiên Đàng
Và Trời sao chứa muôn kho tàng
Đôi mắt em bừng sáng chào Xuân sang.
UN JOUR LOIN DE TOI
Un jour loin de toi est un jour sans bonheur
dịch là :
Một ngày xa mặt em là một ngày anh buồn tênh.
hay là :
Xa em trong một khắc, tầy ba thu đau xa cách.
Ngoài những bài mơ mộng một cách rất ngây thơ như vậy, cũng có những bài vui và hơi tục tĩu :
CELLE QUE J'AIME ÉPERDUMENT
Trông thấy có, có cô con gái
Đi qua phố vén chân lên đái...
Tục tĩu hạng nhất là một bài ta theo điệu tây hát với nhạc điệu của Les Trois Petits Cochons, bài hát nòng cốt trong một cuốn phim hoạt họa đầu tiên của Walt Disney :
LES TROIS PETIT COCHONS
Il y avait trois petits cochons
A la queue en tire bouchon
Qui lorsqu'on parlait du méchant loup
Ne s'affolaient pas du tout...
Lời Việt rất tục :
Có ba nàng tè bằng cái nong
Cái lông tè ngoằn ngoèo uốn cong
Ai nói đến cái sợi lông tè
Thì ba nàng vùng vằng khiếp kinh...
Thành công nhất tại Bắc Hà trong việc phổ biến những bài ta theo điệu tây là cô Ái Liên, người có giọng hát trong như tiếng hạc bay qua. Đĩa hát BéKa thu giọng cô hát với phần nhạc đệm của Charles Thu (tức nhạc sĩ Võ Đức Thu). Cùng với chồng là Hà Quang Định, cô thành lập một đoàn Cải Lương ở Hải Phòng. Có Canh Thân tức Tino Thân, cậu của Ái Liên hát Tân Nhạc. Cùng với tôi, Tino Thân là người đầu tiên hát nhạc cải cách trên sân khấu.
Đại gia đình Hà Quang Định/Ái Liên
Trong làng nghệ sĩ Cải Lương Bắc Hà, các cô Ái Liên và Kim Chung là những người có gia đình êm ấm. Ngược lại, người chị của Ái Liên là Lan Phương -- cũng là nghệ sĩ sân khấu -- gặp nhiều điều không may trong đời tình ái. Lan Phương lấy phải một anh chồng thuộc hạng du đãng tên Móng (anh này cũng có thời sống chung với một nghệ sĩ khác là Bích Hợp) và thường bị anh ta đánh đập một cách dã man.
Kim Xuân, Lan Phương, Ái Liên, Kim Chung
Tôi là người đem tới cho nàng một chút an ủi khi tôi bước vào thế giới Cải Lương và sau khi nàng không còn ở chung với người bạn trai thứ hai tên Lý. Lan Phương có đôi mắt xanh thẫm lúc nào cũng như long lanh giọt lệ, ngay cả lúc đang nở một nụ cười như hoa giữa đôi má lúm đồng tiền. Trong số các bà mà tôi hân hạnh gặp, nàng là người độc nhất muốn tìm vui trong men rượu, có lẽ để quên đi những sầu muộn chăng ? Về sau Lan Phương tìm được hạnh phúc bên cạnh một phóng viên nhiếp ảnh.
Phạm Duy