Chương 6
- Details
- Written by Phạm Duy
- Hits: 5057
Bà tú từ bi
Ta ở bờ bể ...
QUỐC VĂN GIÁO KHOA THƯ
Tay cầm mũ nồi - Lớp Nhất - Trường Amiral Courbet tức Trường Nguyễn Du, tức Trường Hàng Vôi (1935)
Tôi học vỡ lòng ở trường Hàng Thùng. Rồi học Tiểu Học ở trường Hàng Vôi (1), trường nào cũng chỉ cách nhà tôi khoảng 200 thước. Mỗi sáng được mẹ cho hai xu để ăn bánh mì chấm dấm.
Chúng tôi là thế hệ đầu tiên đi vào nhà trường không phải với cái bút lông ở trong tay như thế hệ cha ông, mà là với ngòi viết bằng sắt có tên hiệu Mallart. Việc học đánh vần cũng chưa có tí gì là thi vị như vào thời có phong trào Bình Dân Học Vụ sau này. Lúc đó là : A Bê Xê dắt dê đi ỉa... Đó chỉ là lối học chữ mà học trò mất dạy như tôi đã học được ở lũ bạn lếu láo. Thực ra, lối dạy trẻ em tập đọc của Nha Học Chính Đông Pháp cũng nên thơ lắm. Bài tập đọc thứ 15 của lớp Đồng Ấu với những câu ba ba, lá to, tủ bé, bí bỏ bị, bê bú bò... đã giúp chúng tôi soạn ra những tác phẩm như bà ba bán bánh bèo bên bãi bể bị bắt bỏ bóp ba bốn buổi...
Chữ quốc ngữ đã rất thông dụng khắp nơi trong nước nhưng trong gia đình tôi, chữ nho vẫn còn được coi là thiêng liêng. Hễ thấy dưới đất có tờ giấy nào in hay viết những mẩu chữ của Thánh Hiền thì mọi người phải trịnh trọng cúi xuống nhặt lên. Rồi cũng không được vứt giấy có chữ nho đó vào sọt rác mà phải đốt đi.
Ở trường Hàng Vôi, trong những năm học các lớp đồng ấu (cours enfantin) lớp dự bị (préparatoire) và hai lớp sơ đẳng (cours moyen I và II), tôi học dốt lắm. Trong các thầy, sợ nhất là thầy Quỳnh -- chúng tôi gọi là Quỳnh Cóc -- rất dữ, rất ác. Thằng nào mắc lỗi là bị quỳ lết, nghĩa là phải lết đi lết lại trong lớp bằng hai đầu gối. Có lần tôi bị toét hai đầu gối, hai ba tuần lễ sau vết thương mới lành. Thầy Quỳnh Cóc mà ở bên Mỹ bây giờ thì sẽ bị sô si an uốc kơ báo cáo và đi tù bằng thích.
Năm tôi 13 tuổi và lên được lớp nhất (cours supérieur) thì tôi được coi như một trong những học trò giỏi nhất lớp. Tôi xuất sắc trong môn récitation francaise với bài Après La Bataille của Victor Hugo, khi diễn tả bằng cử chỉ và giọng đọc một bài thơ vừa hùng hồn, vừa đầy tính nhân đạo.
Victor Hugo kể truyện người cha của thi sĩ, có nụ cười êm ái (au sourire si doux), sau một cuộc chiến, cưỡi ngựa đi quan sát chiến trường. Thấy một người lính địch bị thương nặng, nằm rên và kêu khát nước, vị tướng ra lệnh đem nước uống tới cho kẻ thất trận. Ai ngờ người lính đó rút súng bắn ông, nhưng vì con ngưạ lồng lên nên ông không trúng đạn. Ông tướng kìm cương ngựa lại, cất tiếng nói :
- Cứ cho nó uống nước đi ! Donne lui tout de même à boire !
Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ ơn thầy Quỳ ở lớp Nhất trường Hàng Vôi, với lối khuyến khích học trò đọc những bài thơ có diễn tả như vậy, thầy đã làm cho khả năng biểu diễn trong tôi được khêu gợi rồi phát triển không ngừng.
Vào tuổi 13, 14 mà hiểu biết được cái hay, cái đẹp của văn chương Pháp qua những bài thơ của Victor Hugo, André Chenier, Alfred de Vigny... cũng là một điều tốt. Nhưng không hẳn phần hồn của thế hệ chúng tôi đã chỉ được nuôi dưỡng bằng nền văn hoá của Pháp mà thôi. Chất liệu cần thiết cho sự hình thành con tim và khối óc của chúng tôi lúc vừa bước vào cái ngưỡng cửa của xã hội là nhà trường, đó là cái mà nhà văn Sơn Nam nhắc tới trong mẩu truyện ngắn nhan đề Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư trong cuốn HƯƠNG RỪNG CÀ MÂU.
Đúng như vậy, trong bốn năm học tiểu học, những bài học trong các cuốn LUÂN LÝ GIÁO KHOA THƯ, QUỐC VĂN GIÁO KHOA THƯ do Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đỗ Thận và Đặng Đình Phúc soạn ra cho Nha Học Chánh Đông Pháp... đã khắc ghi một cách rất sâu đậm vào tâm hồn hãy còn non nớt và trinh bạch của chúng tôi, những đức độ của con người Việt Nam, không phải là của con người ở thành thị đang sửa soạn mất gốc, mà là của con người ở nông thôn, (tôi nhấn mạnh) con người muôn thuở, con người căn bản của một nước, dù đó là một nước đang trong thời kỳ Pháp Thuộc.
Sau bốn năm tiểu học này, chúng tôi đã hấp thụ được những gì gọi là cao nhã, lễ nghĩa, nhân hậu trong con người Việt Nam. Chúng tôi được hiểu biết những cái gọi là tình huynh đệ, tính đùm bọc, sự trong sạch, niềm tương trợ, lòng cao cả, sự cương nghị, niềm đại lượng, tính khoan hồng... đã sống động như thế nào trong con người, trong cuộc sống và trong lịch sử Việt Nam. Qua những bài học rất ngắn ngủi, có thể khoanh tay đọc ê a ở trong lớp rồi về nhà là quên đi, nhưng không ngờ nó vào nằm sâu trong lòng và sẽ không bao giờ bước ra khỏi tâm hồn của chúng tôi.
Tuy nhiên, khi rời ghế nhà trường để bước chân vào đời, than ôi, tôi thấy con người Việt Nam xử sự với nhau không giống những bài học luân lý mà tôi học được khi còn thơ. Những lúc đó, tôi phải gồng mình lên, nhớ lại bài học cũ. Và nghĩ rằng đả phá xã hội nông thôn để thay thế bằng một xã hội thị thành chưa chắc là điều đúng.
Ngoài những điều hay tôi hấp thụ được nơi nhà trường, tôi còn cho rằng tâm hồn của lớp thiếu nhi chúng tôi hồi đó đã được nuôi dưỡng bằng những bài ca ái quốc. Thời ấu thơ của lứa tuổi chúng tôi còn là thời ấu thơ của những đứa bé sống trong một nước bị trị. Dù muốn hay không, chúng tôi sinh ra đã có ẩn ức của người dân nô lệ mà cha mẹ cấy vào bào thai. Chúng tôi chưa có ai dạy cho mình biết là phải yêu nước và chống Tây ra sao nhưng chắc chắn chúng tôi vừa ghét Tây, vừa sợ Tây, luôn luôn bị ám ảnh bởi câu đe doạ của những bà mẹ Việt Nam thời đó :
- Mày không ngoan, tao gọi ông Tây đến bắt đi bây giờ.
Hoặc bởi câu châm ngôn do chính mình soạn ra :
- Ông Tây bắt được hỏi nhà mày đâu ?
Ghét Tây, sợ Tây nhưng chúng tôi cũng luôn luôn được người lớn dạy cho những bài học yêu nước qua những câu hát có tính cách tuyên truyền hoặc qua những hành động cách mạng cụ thể.
Thời đó, như tôi đã nói, trẻ thơ Việt Nam sống ở Hà Nội không có nhiều bài hát như các nhi đồng trong những thập niên sau này. Chúng tôi chỉ có dăm ba câu ca lếu láo như :
Tôi chờ cô tối qua
Suốt canh chầy chẳng thấy cô ra...
hay là :
Mình ơi có đi bờ hồ
Cùng tôi chén kem kẹo dừa...
...hát theo điệu cổ truyền. Tuổi thơ nào và ở đâu mà chẳng thích ca hát ? Do đó một số nhà giáo bèn bắt chước người xưa (như Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái đã dùng thi ca để viết cuốn Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca) cho phổ biến một số bài hát với lời ca kể lại truyện tích trong lịch sử Việt Nam. Tôi còn nhớ một bài về dòng giống Lạc Hồng, hát theo điệu Cổ Bản :
Dân số 25 triệu
Nòi giống da vàng (ứ)
Chi Hồng Bàng
Dòng họ Hùng Vương (ứ ư)
Phi thường
Về thời hồng hoang...
Soạn lời ca mới để hát trên điệu cổ, kể truyện lịch sử hay truyện dã sử, cốt ý nhồi cái phi thường của dòng giống Việt Nam vào đầu lũ trẻ, lúc đó các nhà giáo còn làm một chuyện cũng khá ngộ nghĩnh là dùng một điệu hát Việt Nam đang thịnh hành là điệu Hành Vân, để dạy học trò với lời ca bằng tiếng Pháp :
Mes chers enfants
Mes chers enfants
Vous êtes des jeunes gens
Travaillez
Et rappelez vous
Que le temps qui passe
Marche vite...
Các vị đó còn dùng một điệu hát bình dân của Pháp để soạn lời ca yêu nước, đánh thức người dân đang ngủ vùi dưới chế độ thực dân với một đoản khúc hát trên điệu Frère Jacques của Pháp :
Hời hợi đồng bào
Hời hợi đồng bào
Tỉnh dạy mau
Tỉnh dạy mau
Nước ta đã mất rồi
Nước ta đã mất rồi
Mau tỉnh mau
Mau tỉnh mau...
Thật là hay ! Vì ý nghĩa của bài Frère Jacques của người Pháp cũng là một lời kêu gọi, thức tỉnh :
Frère Jacques
Frère Jacques
Dormez vous
Dormez vous
Sonnez les matines
Sonnez les matines
Ding dang dong
Ding dang dong
Nhưng nếu phải tìm hiểu xem trong thời đó có bài hát nào đã ảnh hưởng rất sâu vào tâm hồn non dại của tôi thì đó là bài thơ được ngâm lên nhan đề Tiễn Chân Anh Khoá của thi sĩ Á Nam Trần Tuấn Khải. Đây là một bài thơ ngâm, nói tới chuyện người thanh niên Việt Nam bị cưỡng bách lên đường tòng chinh qua Pháp để che chở ''mẫu quốc'' chống lại ''Đức tặc'' trong cuộc Thế Chiến Thứ Nhất. Bài này được các bà mẹ Việt Nam thời đó rất thích, do đó chúng tôi luôn luôn được nghe mẹ mình hoặc được nghe chị mình ngâm nga :
Anh Khoá ơi
Em tiễn chân anh ra tận bến tầu...
Bài thơ ngâm này là lời than thở của một người vợ lính nhưng thực sự nó nói tới cảnh khổ của lớp đồ nho, một tầng lớp khá cao trong xã hội Việt Nam lúc đó vì được coi như lớp người đại diện cho đại đa số dân chúng là giai cấp nông dân. Họ bất lực trước hoàn cảnh nước mất vào tay thực dân :
Anh Khoá ơi
Em nghĩ thương anh cũng bậc anh hào
Ngang trời dọc đất anh nào có chịu thua ai ?
Chỉ tiếc thay anh sinh chẳng gặp thời
Để tang bồng nặng gánh, anh ngậm ngùi bước ra đi...
Hoặc là anh Khoá ra đi, nhưng anh đi đâu ? Hoặc là anh bịt mắt, bịt tai, bịt mồm trước sự bất lực đó :
Anh Khoá ơi
Em cảm thương anh, em lại giận cho Trời
Bức tranh vân cẩu, tấn trò đời bày xoá như không
Anh thà như ai câm điếc cho xong
Bưng tai nhắm mắt ôm lấy miếng đỉnh chung nó cũng hư đời...
Và cuối cùng, vẫn mơ có ngày xoay lại điạ cầu :
Anh Khoá ơi
Thôi kể bao nhiêu lại động mối quan hoài
Gan vàng dạ sắt có đất trời soi xét cho nhau
Em chỉ nhờ anh xoay lại quả địa cầu
Cho non nước khỏi u sầu với lúc mưa râm...
Người Pháp đã tìm mọi cách để cấm lưu hành bài thơ này. Có thể vì thế mà ai cũng thích bài Anh Khoá. Giản dị là như vậy. Tôi luôn luôn được mẹ và chị rót bài Anh Khoá này vào tai, tuy trong lòng thì thương xót Anh Khoá nhưng trong đầu thì lại mơ màng tới chuyện được đáp tầu đi Tây như Anh Khoá. Cuốn ĐÔNG KINH NGHĨA THỤC của Nguyễn Hiến Lê cũng cho biết bài hát Anh Khóa được viết ra trong thời gian Nghĩa Thục chủ trương việc soạn những bài ca ái quốc.
Ngoài những bài hát tình cảm trở thành bài hát tuyên truyền như thế, còn có những hành động cách mạng làm cho tôi bị rung động. Đông Kinh Nghĩa Thục là một tổ chức cách mạng công khai đã bị tan rã sau khi vụ đầu độc quan binh Pháp ở Hà Nội bị thất bại vào năm 1908. Từ đó trở đi, người ta thấy rằng muốn lật đổ Pháp thì phải dùng bạo động và phải tổ chức những ''hội kín''. Ngày cụ Phan Chu Trinh từ Pháp trở về nước rồi qua đời tại Saigon vào năm 1926 và lễ truy điệu nhà ái quốc này được tổ chức rất long trọng ở trên toàn quốc kéo theo những cuộc bãi khoá của sinh viên thì Pháp ra tay đàn áp. Sinh viên cao đẳng thương mại Nguyễn Thái Học đã bị đuổi ra khỏi nhà trường.
Các đảng phái cánh mạng ở ngoài nước và ở trong nước đã hoặc bắt đầu thành hình như :
-- Đảng Tân Việt Cách Mệnh do Tôn Quang Phiệt lãnh đạo có xu hướng cách mạng vô sản, nhen nhóm ở Bắc Trung Kỳ;
-- Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội do Nguyễn Ái Quốc thành lập ở Quảng Châu, Trung Hoa là tiền thân của Đảng Cộng Sản bây giờ cũng đã loáng thoáng tuyên truyền ở quốc nội;
-- Việt Nam Quốc Dân Đảng thành lập ngày 25-12-1927 với Đảng Trưởng là Nguyễn Thái Học, Phó Đảng Trưởng là Nguyễn Khắc Nhu.
Vào lúc tôi lên 10, tức là khoảng năm 1930, tôi còn quá nhỏ bé để có thể biết đến những hoạt động cách mạng xa vời của Cường Để, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Hải Thần hay Nguyễn Ái Quốc... nhưng tôi lại được nhìn thấy tận mắt một hành động của Việt Nam Quốc Dân Đảng trong vụ ám sát một người tên là Giáo Du ở ngay trước cổng trường Amiral Courbet (Nguyễn Du) là nơi tôi đi học. Giáo Du đồng loã với con là Đội Dương, người dắt mật thám Tây về bao vây làng Võng La để định bắt các lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng. Do đó, Giáo Du đã bị bắn chết ở trước cửa căn nhà đối diện với trường tiểu học của tôi và trước mắt tôi.
Đây cũng là lúc Việt Nam Quốc Dân Đảng cho phổ biến một bài ca Cách Mạng mà về sau này, có người nói với tôi là do chính Nguyễn Thái Học soạn ra, hát theo điệu Bình Bán :
Ta là dân nước Nam
Giống Lạc Hồng nay đã lầm than
Phải làm sao giết quân tham tàn
Thì lòng ta rồi sẽ mới an.
Nghĩ câu nước mất nhà tan
Sáu mươi năm làm dân nô lệ
Cảnh tình này rất tệ
. . . . . . . .
Phải làm sao giết quân tham tàn
Thì lòng ta rồi sẽ mới an...
Tiếp tới là vụ Yên Báy với kết quả là các vị anh hùng trong Việt Nam Quốc Dân Đảng bị đưa lên đoạn đầu đài. Lúc đó, tôi không cần phải được ai giáo dục để cho tôi hiểu được thế nào là cách mạng nhưng tôi đã cảm thấy ngay là nếu muốn độc lập tự do (thu gọn trong hai chữ đánh Tây) thì phải làm như Nguyễn Thái Học và các đồng chí của Ông.
Tôi bị rung động vì sự hi sinh tính mạng của bản thân các vị anh hùng đó ở ngay trên đất nước chứ không phải vì những huyền thoại về những nhà cách mạng xa vời. Đối với thằng bé con như tôi lúc đó, câu nói không thành công cũng thành nhân của Nguyễn Thái Học mang nhiều ý nghĩa hơn bốn chữ ''bôn ba hải ngoại'' rất lãng mạn mà sau này tôi vẫn thường đọc thấy hoặc nghe thấy khi người ta nói về những người làm chính trị khác.
Tôi được mục kích hành động của người anh hùng bằng xương bằng thịt chứ không phải chỉ nhìn những giấc mơ của anh hùng trong sử liệu, trong tiểu thuyết hay trong tranh vẽ. Tôi thấy ảnh của Nguyễn Thái Học và các đồng chí mà thực dân cho đăng trên mặt báo mà tim tôi thắt lại, cũng giống như mỗi khi tôi được coi những bưu ảnh có hình đầu lâu các vị anh hùng Yên Thế. Có thể hình ảnh những đầu lâu này ám ảnh tôi để rồi sẽ hiện ra trong vài bài hát của tôi sau này.
Người Pháp muốn khủng bố dân chúng nên đã cho phổ biến những hình ảnh ghê rợn đó nhưng ngược lại những hình ảnh đó chỉ làm cho người Việt Nam căm thù họ hơn lên. Dù còn bé, tôi cũng biết thù ghét người con nuôi của Cụ Đề Thám đã dắt tay sai của Pháp là Lê Hoan tới bắt Cụ cũng như tôi đã biết khinh bỉ những vị quan lại như ông tuần phủ họ Cung đã giúp kẻ thù trong việc bắt giết những anh hùng trong Việt Nam Quốc Dân Đảng.
Phạm Duy
______________________
(1) Có thể vì ghét Pháp hay để cho tiện nói cho nên mọi người không gọi tên Pháp của các trường học. Người ta dùng tên phố để gọi tên trường. Trường Amiral Courbet gọi là trường Hàng Vôi, trường Jean Dupuis gọi là trường Bờ Sông, trường Henry Russier gọi là trường Hàng Than...