Lau Lách Thì Buồn
- Details
- Written by Đỗ Trung Quân
- Hits: 4032
1.
Rong ca năm 2000 Phạm Duy viết “ hẹn em nhé…năm hai ngàn sẽ hai bên cửa hé cho ta trở về…” Ông không viết cho có , “ tay chơi Hippie già “ một thời đã xa quyết liệt bằng mọi cách thực hiện còn đường trở về với tâm thức của chiếc lá vàng úa cần rơi rụng về cội. Bằng cách nào thì đấy là cách của riêng ông một người đi qua bao nhiêu dâu bể khi ấy cũng xấp xỉ 90 tuổi.
16, 17 tuổi tôi thường ra vào khu cư xá Chu Mạnh Trinh nơi Phạm Duy và gia đình của ông cư ngụ cùng nhiều nhà văn tên tuổi khác của Sài Gòn . Duyên Anh , Nguyễn Mạnh Côn vv… Đi qua nhà ông nhìn vào nơi cứ như là xứ sở thần tiên của một nhân vật thần kỳ sinh ra những đứa con thần thoại, một ban nhạc làm mưa làm gió thập niên 70 . Họ là những người trẻ tuổi xem như cùng trang lứa tôi . Tôi ra vào khu cư xá này bởi có một nhiệm vụ… mẹ giao ôm chồng băng tape – Akai thu âm những ca khúc mới nhất ,những album nước ngoài lẫn Việt Nam mà quán cà phê nho nhỏ của nhà chưa có hay đã cũ cần thu lại. Nơi thu nhạc cũng của một nhạc sĩ danh tiếng, tác giả của “ Hoa soan bên thềm cũ , Chiếc là cuối cùng …” nhạc sị Tuấn Khanh.Thu không chọn bài giá khác , thu chọn từng bài giá khác.
Nhưng cũng lạ , tôi thuộc “ Tiếng nước tôi bốn ngàn năm ròng rã buồn vui…khóc cười theo mệnh nước nổi trôi …” trước khi thuộc “ Con đường tình ta đi, Trả lại em yêu, Nghìn trùng xa cách …” của Phạm Duy . Đấy là câu chuyện thập niên 70 của thế kỷ trước.
Thập niên 2000 của thế kỷ sau có nhưng tối điện thoại bàn reo vang, con trai 10 tuổi alo ! và “ Bố ! có anh nào tên Phạm Duy gọi bố nè ! “. Tôi suýt sặc cười , cái anh ấy bố mày phải gọi bằng bác đấy. Thời điểm khi ấy “ hai bên chưa cửa hé ..” cho ông trở về , cũng không rõ lý do gì ông được biết những nhân vật ở Việt Nam có khuynh hướng ủng hộ sự trở về của ông trong ấy có tôi. Ông liên lạc chỉ để thăm hỏi “ Anh khỏe không ? tôi đang giới thiệu Trường ca Hàn Mặc Tử và Kiều ca ở Nhật .” Những cuộc điện thoại không thường xuyên nhưng cũng không mất tích cho đến ngày Phạm Duy chính thức trở về.
Thật sự năm 2000 Phạm Duy đã có mặt tại Sài Gòn , ông về như cuộc thăm dò ban đầu . Ông dành thời gian trở về thăm Hà Nội phần đời ấu thơ và tuổi trẻ của mình. Khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời , chỉ sau đó vài tuần Phạm Duy cũng có mặt tại tư gia Trịnh Công Sơn thắp hương tiễn biệt . Quay về Mỹ, Phạm Duy kiên nhẫn chờ đợi vấn đề của ông được chấp thuận. Tháng 5 – 2007 ông chính thức trở về Việt Nam , cùng năm ấy ngày 5-1 2007 đêm nhạc “ Phạm Duy – Ngày Trở Về “ lần đầu tiên chính thức ra mắt khan giả , bạn bè tại Hotel Sofitel Sài Gòn . Đêm nhạc ngoài những gương mặt bạn bè thân thiết của ông còn có sự hiện diện của ông bà Thủ tướng Võ Văn Kiệt như khách mời đặc biệt. Những năm còn lại cuối đời , tuy bệnh tật, tuổi cao Phạm Duy vẫn ôm ấp dự định cho cuốn hồi ký số 5 của mình trên một trang blog mang tên ông – hồi ký của những năm tháng trở về.
2. Lạng Sơn 2006
Xe đến Hữu Nghị Quan đã quá trưa , nắng còn chói chang . Cột mốc số 0 khi ấy đã lui sâu về phía VN 300 mét. Một rắc rối nhỏ , muốn quay phim ở cột số không phải có giấy phép của chính quyền Lạng Sơn . Hôm ấy cũng là ngày cuối tuần , đoàn làm phim sẽ phải ở lại thêm vài ngày để đầu tuần xin giấy phép. Chưa có phương kế nào, mọi người xuống xe ,kẻ hút thuốc , người vươn vai văn vẹo sau hành trình dài. Phạm Duy cũng thong thả tản bộ im lặng nhìn cảnh quan nơi ông từng viết Trường ca Con đường cái quan khi chỉ xấp xỉ ngũ tuần. Chú bộ đội cửa khẩu bỗng “ ơ ! chú nhà thơ ! “ thật bất ngờ, anh nhận ra tôi , có lẽ đôi lần từ truyền hình. Trong tích tắc , nút thắt giấy phép đã có cách mở , tôi xáp vào bắt tay trò chuyện vui vẻ với chàng trung úy trẻ tuổi và chỉ ông già tóc trắng phau gần đấy “ em biết ai không ? “ “ không ạ ! chắc Việt kiều nhỉ ! “ tôi bịa ông Việt kiều ấy đi cùng tôi , hàng chục năm trở về chỉ có nguyện vọng được chụp ảnh, quay ít phim trước Hữu Nghị Quan và cột mốc số không là mãn nguyện về với ông bà nhưng chúng tôi chưa có giấy phép . “ không sao ! cháu đồng ý cho quay ! chú ký tên vào cuốn sổ này cho con gái cháu nhé ! “ lần đầu tiên bỗng thấy chữ ký mình đáng đồng tiền bát gạo quá . Ký tắp lự , khuyến mại thêm cho chú bộ đội biên phòng của khẩu vài pô ảnh với mình tha hồ khoe con gái.
Đạo diễn Đinh Anh Dũng và đoàn hớn hở bày máy quay , đạo cụ . Phạm Duy áo vải nâu , chân dép tổ ong bắt đầu “ diễn xuất “ tôi cũng bồi hồi chạm tay vào cột mốc số không trên bản đồ thiên lý của việt nam rồi chợt nảy ra một ý …
…Luồn qua những lùm cây hướng qua phía “ bạn “ để “ Vũ qua bắc hải “ một phát. Cứ ngỡ chỉ một mình ta “ vẽ rồng vẽ rắn “ nhưng qua khỏi lùm bụi đã thấy một…hàng dài đồng đội .
Lạ nhỉ ! người Việt nào đến đây ý tưởng cũng giống nhau đến lạ.
Nó đã sâu trong tiềm thức thì phải ?
3. Chiều...
Con đèo Sài Hồ chập chùng đồi núi, thung sâu.
Xe dừng lại đỉnh đèo cho mình nhảy xuống hút thuốc. Nắng chiều trên đèo quả nhiên không giống nắng chiều đồng bằng. Những sườn núi sáng rực bên cạnh cái vạt núi nắng không rọi tới thẫm một màu riêng. Mái nhà sàn người Tày nhả khói êm đềm. Bóng áo chàm lùa bầy trâu đủng đỉnh qua đèo, xuống con đường dẫn về thung lũng, tiếng mõ trâu lốc cốc. Cha mẹ ơi! Cái bài hát hơn nửa thế kỷ trước đây này, nó đang trước mắt... “Chiều ơi! Lúc chiều về rợp bóng nương khoai... trâu bò về giục mõ xa xôi... ới chiều!...”
Ông nhạc sĩ già “tay chơi” mọi thời đại, áo bà ba nâu ngồi trầm ngâm cách đó không xa trên một tảng đá nhỏ mép vực. Phạm Duy đấy. Lúc này trông “tay chơi” hiền lành, hiền triết, dễ thương hơn hẳn lúc gặp trong mấy cái hội chợ phù hoa Sài Gòn. Thì ra dưới thung sâu có con suối nhỏ vươn qua bãi cát mềm, mấy bóng áo chàm vài cô gái vác mai, cuốc từ nương khoai ra, đang lom khom rửa chân, rửa mặt. Một bản Tày gần đấy, có con đường mòn che chắn bằng những vạt liếp tre cho hoa cải vàng tựa vào, viền suốt lối vào bản... “Chiều ơi! Mái nhà sàn thở khói âm u... cô nàng về để suối tương tư... ới chiều!...” A! Chiều nay ta biết vì sao “cô nàng về để suối tương tư...” rồi. Phạm duy đã giải thích bằng khóe miệng một thoáng cười ranh mãnh “ anh hiểu chưa , Con suối trong nhìn ngược lên thấy tất tật khi các cô Tày vén xống váy rửa chân những đôi chân, cặp đùi rất trắng...
Giời ôi ! nếu ta là suối ta cũng về nhà tương tư thập tử nhất sinh là cái chắc!
Chiều ở vùng cao thanh bình không chịu nổi. Mọi chuyển động đều thong thả, chậm như đoạn phim chiếu chậm. Nắng loang trên sườn núi cũng chậm, khói bếp nhà sàn như không chuyển động, mùi phân trâu ngai ngái trên đường lẫn vào mùi hoa dại trắng li ti bên bờ vực. Đẹp và buồn. Nhưng vừa mới có “ý định buồn” thì lại suýt bật ra cười khi trong đầu nảy một câu vè không rõ của ai “Bên đường ông lão đi cày / là con ông lão ngày xưa đi bừa / bên đường ông lão đi bừa / là cháu (chắt) ông lão ngày xưa đi cày...” Hơn nửa thế kỷ của “Nương chiều” rồi mà cảnh vật, con người vẫn... y nguyên, không thay đổi. Vậy thì cười-buồn nhé!
Nhạc sĩ già “ tay chơi” hẳn đã nhìn thấy cái mép “suýt cười” vừa thoáng qua gương mặt một gã trẻ mặt mũi vêu vao , tiều tụy nhìn bắt chán khi gã bước vào xe.
Xe chạy, một mảnh trăng non còn rất nhạt phía xa vì nắng chiều chưa tắt hẳn bên sườn núi... “Chiều ơi! Lúc chiều về mọc ánh trăng tơ... cho ngày mùa bài hát nên thơ ... ới chiều!...”
Ca khúc thì hay.
Lau lách bên đèo vùng cao Đông Bắc thì buồn lắm...
Đỗ Trung Quân
(Lạng Sơn 2006)
ảnh Phong Quang & Lê Quang Châu
Nguồn: Trang facebook của Đỗ Trung Quân