Vĩnh biệt người “yêu tiếng nước tôi”!
- Details
- Written by Mi An
- Hits: 4641
(Phunu Today)- Ngày hôm qua 27/1, trên các báo và mạng xã hội tràn ngập lời tiếc thương nhạc sĩ Phạm Duy- một cây đại thụ của âm nhạc Việt Nam. Ông ra đi mà chưa kịp đón mùa xuân cuối cùng của đời mình, gắng một chút nữa thôi, là ông đã chạm vào nó.
Trên mạng xã hội, tôi ấn tượng nhất với lời chia sẻ của nữ đạo diễn Đoàn Minh Phượng- đạo diễn của “Hạt mưa rơi bao lâu”, tác giả của “Và khi tro bụi”: “Tiếc thương nhạc sĩ Phạm Duy, các bạn đừng R.I.P Phạm Duy, ông yêu tiếng Việt lắm”. Ấn tượng bởi sự chia sẻ tinh tế và chân thành của chị, người Việt mình, nhất là người trẻ, thường rất nhanh nhạy trong học tập nước ngoài, khi có người ra đi, người ta hay viết R.I.P (viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Rest in Peace” nghĩa là “yên nghỉ trong an bình”), đặt những con chữ xa lạ ấy cạnh sự ra đi của ông, thấy cứ chông chênh làm sao.
Cả đời Phạm Duy đã viết nhạc cho người Việt Nam, viết cho những đứa bé lên ba “Ông trăng xuống chơi”, viết cho em bé quê “Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ/Ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau, và miệng hát nghêu ngao/ Nằm đồi non gió mát Cất tiếng theo tiếng lúa đang reo/Em đánh vần thật mau”. Viết cho cô gái mới lớn bước chân vào tuổi yêu “Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ/Ôm nghiêng tập vở, tóc dài tà áo vờn bay/Em đi dịu dàng, bờ vai em nhỏ/Chim non lề đường, nằm im dấu mỏ...”. Viết cho chàng trai buồn vì một cuộc tình đã vội chia xa: “Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo/Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi!”.
Phạm Duy viết cho đất nước mà ông yêu đau đáu, đã từng “Khóc cười theo vận nước nổi trôi, nước ơi” bao nhiêu bản nhạc đã trở thành gia sản, nào là “Tình ca”, “Con đường cái quan”, “Mùa đông chiến sĩ”, “Tình hoài hương”, “Mẹ Việt Nam”... Ông cũng là một trong số ít các nhạc sĩ, không bao giờ vì nể phe phái chính trị nào, chỉ luôn dùng âm nhạc để nói lên một thứ tiếng duy nhất, đó là “tiếng nước tôi”.
Thật thiêng liêng lạ kỳ cái cụm từ “tiếng nước tôi” trong âm nhạc Phạm Duy, phải là người yêu đến thiết tha từng âm sắc mượt mà của tiếng dân tộc, từng thanh âm trong ngũ cung của ba miền Bắc Trung Nam thì mới viết được những bản nhạc chỉ một vài nét nhạc tấu lên là đã thấy thân thương như điệu hò điệu lý.
Vì “tiếng nước tôi” mà thêm yêu thương dân tộc mình, “yêu bác nông phu, đội sương nắng bên bờ ruộng sâu, nhớ mẹ quê chỉ biết cần lao, những trẻ quê bạn với đàn trâu, bé ơi”. Lời ca ấy cất lên, ai mà không xúc động, ai mà muốn cầm súng để phá nát khung cảnh yên bình thần tiên ấy của đất nước quê hương mình?
Trong kho tàng đồ sộ của mình, Phạm Duy đã phân chia thành nhiều ngăn, mà ngăn nào, ông cũng có các tác phẩm đặc sắc, từ trường ca, rong ca, Đạo ca, Thiền ca, tâm ca, tâm phẫn ca, tục ca... đều có những tác phẩm để đời đầy nét duyên dáng và thanh tao. Trong thế giới ấy, Phạm Duy có một cõi riêng của mình, ở đó, ông là ông hoàng đầy quyền lực, song cũng chính là một đứa trẻ ngồi hát nghêu ngao.
Phạm Duy cuối cùng đã hoàn thành tâm nguyện được trở về quê hương, để làm một chiếc lá rụng về cội khi nhắm mắt xuôi tay, nhưng không hiểu sao, từ trong sâu thẳm tâm can, tôi vẫn nghĩ giờ phút sau cùng, ông đã mơ được trở về Hà Nội. Về với con phố Hàng Cót nơi ông sinh ra, nơi ông được hưởng cái gien phóng khoáng, mê thích sự cách tân của cha ông- nhà văn Phạm Duy Tốn.
Năm 2005, Phạm Duy lần đầu trở về Hà Nội sau nhiều thập kỷ chia cách, ông đã đi một vòng quanh hồ Hoàn Kiếm, đã lần vào từng con ngõ nhỏ để tìm lại những người bạn gắn bó một thời như Giáo sư Lê Văn Lan, đã tưới một chai rượu lên mộ nhạc sĩ Văn Cao thay cho một lời tao ngộ. Ông đã mang chất hào hoa của Hà thành theo mình vào âm nhạc, ra với thế giới và cuối cùng lại lặng lẽ trở về.
Tôi tâm đắc với ý kiến của Tiến sĩ người Mỹ Eric Henry của trường Đại học North Carolina, ông đã viết trong một tiểu luận khá dài về nhạc sĩ Phạm Duy: “Nhiều năm nay, cả hai phía từng tham dự cuộc chiến tranh Việt Nam ngày xưa đều đã có những sự dịch chuyển để tiến lại gần nhau hơn. Sự chuyển hoá từ cả hai phía có vẻ chỉ là những thay đổi cỏn con, ngẫu nhiên, và cá nhân, như thể những hạt cát ngoài bờ biển, hoặc như những chiếc lá vàng mùa thu, nhưng không còn hồ nghi gì nữa về những kết quả chung cuộc. Khi nào cả hai phía cùng hoà giải với nhau thì họ sẽ thấy Phạm Duy đón họ ở đấy, vì ông đã thấy trước từ lâu rồi là sẽ có một ngày như thế”.
Phạm Duy, hơn ai hết, đã nhìn thấy trước ở dân tộc này một tinh thần hòa giải mênh mông như biển, những tị hiềm, hằn thù rồi sẽ bị xóa nhòa như dấu chân mờ in trên mặt cát sa mạc. Ông được dân tộc này sinh ra, đã thừa hưởng những tinh túy của văn hóa phương Đông và thẩm thấu văn minh phương Tây, ông biết sẽ không thể có con đường nào khác ngoài con đường xích lại gần nhau trong tình yêu quê hương xứ sở.
Yêu nhạc Phạm Duy, người Việt Nam yêu đất nước mình hơn, yêu những sáng mai thanh bình, những chiều hè gió mát, những đêm trăng thanh, yêu từng con đê, từng giọt sương trên cỏ, thương những bác nông phu trên đồng, vui với tiếng cười trong vắt của bầy trẻ thơ... Một tình yêu vùa giản dị vừa thanh cao như cảm nhận của nhà nghiên cứu nhạc Georges-Étienne Gauthier: “Sở dĩ cái tiếng “Việt Nam” có thể gợi nơi tôi một chút ý tưởng hoà bình và đẹp đẽ, nhân ái và từ thiện, sở dĩ trải qua nhiều tháng nhiều năm, tôi đã có thể yêu mến nước Việt Nam ít ra cũng như yêu mến chính nước tôi, sở dĩ như thế trước hết và trên hết là chính nhờ Phạm Duy".
Tuổi đời đã ngừng lại trên thể xác ông nhưng với một nhạc sĩ vĩ đại như Phạm Duy, tuổi trời chưa bao giờ ngừng lại, những gì ông đã cống hiến cho dân tộc này, cho đất nước này đã được tình yêu âm nhạc của triệu triệu người dân ghi nhận xứng đáng. Xin ông hãy nhẹ bước vào một cuộc rong chơi mới, với hành trang mang theo là câu hát như một lời tuyên ngôn nồng nàn: “Tôi yêu tiếng nước tôi”.
Mi An
Nguồn: http://phunutoday.vn/xi-nhan/trai-hay-phai/201301/Vinh-biet-nguoi-yeu-tieng-nuoc-toi-2210163/