Nhân Ðọc ''Mẹ Việt Nam'' của Phạm Duy
- Details
- Written by Tam Ích
- Hits: 3191
Nhạc và Thơ - Nhạc Trong Thơ
Nhạc Tính và Dân Tộc Tính Trong Thi Ca Việt Nam
(đăng trong THIỆN MỸ, số 20, ngày 3-4-65)
(Bài này viết để kính tặng hương hồn Mẹ tôi, một bà mẹ đã sống
trong đau thương, đã chết trong đau thương trên đất ''Mẹ Việt Nam'').
Xưa kia, gần hết khoảng giữa tiền bán thế kỷ hai mươi, dân tộc Việt Nam - nói cho đúng là thanh thiếu niên tiểu tư sản - phải ''thưởng thức'' nhiều bài ca gọi là ''ca cải cách'' do những nữ ca sĩ như cô Ái Liên hát, nghe thật... như bị mắng vào thính giác. Cũng may là chuyện gì rồi cũng có ngày chấm dứt : năm 1946 là năm tổng khởi nghĩa mà cũng là năm dân tộc Việt Nam khâm liệm những ''hoang thai'' của âm thanh ấy - và đồng thời đi tìm một nền thi ca dân tộc cho chính mình. Thật không may, có một số hoang thai văn hóa chết đi thì lại có một hoang thai văn hóa khác ra đời: tại chỗ này, cái năm 1946 khai sinh ra một bài quốc ca bắt đầu bằng mấy câu:
Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên...
Làm đau đớn thính giác thiên hạ một phen nữa. Thật quả tình, tôi không... giận gì cái chính quyền đã làm việc ấy, tôi chỉ ngạc nhiên cho cái người nào đề nghị lấy những câu thơ như vậy làm... quốc ca mà thôi. Rồi việc ấy cũng... qua đi, chỉ để lại dư âm kỷ niệm... mệt ơi là mệt. Ðặt vấn đề lên bình diện dân tộc với tất cả kích thước bề rộng và bề sâu của nó, thì sau thời đó, trí thức Việt Nam tại đây hãy hạn chế tại đất miền Nam này vẫn cầu nguyện cho có một nền thi ca dân tộc.
Năm 1952 là năm một số anh em chúng tôi được phóng thích sau khi bị tù quản thúc mỗi người mỗi nơi và mỗi người mấy năm trời, trở về Saigon, đi nghe âm nhạc và thi ca trong những buổi nhạc hội tân nhạc, bỗng nhiên - nói bỗng nhiên vì chúng tôi ở tù cũng như ở trong cái hũ thì còn nghe biết gì - bỗng nhiên tôi được nghe nhiều ca sĩ ca một số bài ca rất dân tộc tính cả lời và nhạc - của Phạm Duy. Tôi mừng quá, tự mình nói với chính mình: đây rồi thi ca dân tộc đây rồi, một kỷ nguyên mới bắt đầu từ đây chăng ? Lòng nghĩ vậy và lòng cầu nguyện. Nói cầu nguyện là bắt chước đấy: trước thế chiến thứ hai, tại Hà Nội, nhà văn Trương Tửu đã viết một bài nhan đề là: Tôi Thắp Hương Cầu Nguyện Cho Có Một Nền Văn Học Mới - ý Trương Tửu muốn nói là Trương Tửu mong cho có một nền văn chương mới để thay nền văn chương mà anh cho là phản ảnh của giai cấp trưởng giả, đài các nhảm, sa đọa và thụ động, gồm có những ông tham bà huyện và những ông đốc bà phán... là văn chương Tự Lực Văn Ðoàn...
Chăng riêng gì tôi cầu nguyện - trí thức giới và văn nghệ giới gọi là có một mẩu thiện chí - một mẩu thôi - cũng mong cho có một nền thi ca dân tộc. Tôi bắt đầu bằng tìm đọc nhạc và lời của Phạm Duy. Và tôi có một ý tưởng sau này mà tôi có thời gian để thử thách, để kiểm soát - nói nôm na là để coi có thực không, có thực không hay chỉ là một thứ hứng bị dồn ép của thính giác và của đòi hỏi của thông minh: là Phạm Duy là một nhà soạn nhạc và lời của nền thi ca dân tộc. Xin thú thật là tôi chẳng hiểu gì về ''văn phạm'' của âm thanh, nghĩa là của nhạc cả: tôi đang dùng thính giác để nghe nhạc Phạm Duy, để thẩm... âm, cũng như tất cả những người không biết làm nhạc nhưng biết nghe nhạc - biết là hay dở, biết là ủy mị hay hùng tráng... biết là nhạc của con cháu Rồng và Tiên hay nhạc của một thổ dân xa xôi lắm lắm nào... và dùng cái mẩu thông minh nhỏ của mình cộng với tất cả những thành tố của thẩm mỹ quan trọng cá nhân mình, để thẩm lời - tức là thơ Duy, nếu là thơ. Vì ca là gì, nếu không phải là thơ phối hợp với nhạc.
Nhưng trước hết, dân tộc tính là gì đã ? Vấn đề dân tộc tính cũng rắc tối lắm đấy !
Dân Tộc Tính
Dân tộc tính là một thực thể rất phức tạp gồm có cả một vạn thành tố trừu tượng: trong thời gian - tức là sử dân tộc: trong không gian - tức là trên mọi nẻo đường đất nước ''Mẹ Việt Nam'' nuôi dưỡng ''đứa con'' dân tộc ra đời, trưởng thành, lớn lên, có mặt giữa... thiên hạ, với thiên hạ, cùng thiên hạ ngồi giường cao chiếu cả... biết ăn, biết nói, biết dơ tay đòi ăn nói... cho ra hồn...
Rất có thể là nó cụ thể và dầy như một khối: thính giác nghe ngay, thị giác thấy ngay, vị giác nếm được, thị hiếu đón được... Rất có thể là nó chỉ là một tiềm thể có dung tích lớn: nó ẩn, vô hình, trừu tượng - giác thứ sáu, thứ bảy, thứ tám nhận nó, kể cả ngộ nó - chữ này tôi dùng ép - không cần có sự can thiệp của lý trí và của thông minh. Dân tộc tính gồm các phần tình, tính, cảm, hòa hợp và tổng hợp trong cái lớp có bề dầy và bề sâu ở chỗ kín đáo nhất của tâm hồn toàn thể dân tộc, sinh sinh hóa hóa trong cái khung cảnh là cơ thể của mỗi cá nhân, của tất cả cá nhân biến và chuyển trong bề rộng và bề dài của kích thước thiên nhiên - đương biến dịch dưới tác dụng của thời tiết và của một ngàn lẻ một trường hợp của trời cao đất dầy... Mô tả dân tính không được, vì văn chương loài người là một chuyện hữu hạn; hình dung dân tộc tính không xong, vì loài người thiếu lợi khí để hình dung cái vô tượng vô biên, biến thể biến thái không bao giờ ngưng...
Nhưng thực ra lúc nào nó cũng có, cũng hiện hữu, và giúp thiên hạ phân biệt được một dân tộc này - dân tộc Việt Nam - với bất kỳ một dân tộc nào khác. Chẳng hạn như ở phương diện âm nhạc, mới nghe đã biết ngay là nhạc của dân tộc nào: nhạc Nhật Bổn thì xa xăm, dài, trầm, đượm một mẫu oán thương và nhớ những thời anh dũng xa xưa..., nhạc Tàu Trung Hoa Dân Quốc thì là lạ, giữa dối và thực, hình dung cái réo rắt thê lương phản ảnh một tiềm năng không trung thành với chính mình - đương ở giữa sức phong phú của nhạc bờ Ðịa Trung Hải dư âm của cổ nhạc cổ La Hy đương len vào và tinh thần cố định ngàn đời của Á Ðông xa xôi, gia tài bê tha ủy mị của những triều vua chúa no ấm quá rồi cũng khóc than... một cách lãng mạn... cho hợp thời trang...; nhạc Ấn Ðộ dài lê thê ai oán, lên cao xuống thấp, trầm nặng nề thể hiện cái bất công muôn thuở của trời đất, đi ngay vào lòng người, nghe nhiều rớt nước mắt - hình dung cái đói rách của nhân sinh và sự khô khan của trời cao đất dầy lạnh lùng trước cái xác xơ của con người thấy sức người có hạn... còn nhạc Việt của chúng ta thì đó: sa mạc của đất Bắc có hương vị thanh bình ấm áp đượm một mẫu oán thương gần gũi, người vui tưởng vui vui, còn người buồn cũng ấm ức...; Nam Ai của đất Huế thì dài và não lòng, gợi nhớ thương, gây than tiếc, buồn đến lạnh lùng, xa xôi - thỏa mãn những thính giác đơn côi nhất...; còn vọng cổ của xứ Nam chuốc cái đau thương, thương thương và thương, nhớ lắm lắm, nhớ cái đã mất không còn về... thiếu hình bóng siêu hình để nương thân...
Tôi chưa từng thấy văn nghệ nào tả nổi dân tộc tính: nhưng thực ra, dân tộc tính Việt Nam làm bằng nhớ thương nhiều nhớ thương, làm bằng oán thương trời đất xa xa, làm bằng tình bằng ý hướng về vô cùng và hướng thượng - nhất là hướng thượng - làm bằng chí hiên ngang của con số hai mươi lăm triệu có mặt trong sử, tranh đấu với mình với người, chỉ nhìn đăm đăm vào mặt trời như hoa hướng dương...
Dân Tộc Tính Và Dân Tộc Tính
Nhưng có dân tộc tính và dân tộc tính: có thứ tịnh có thứ động, có thành tố phải giữ, có thành tố phải loại... Ðôi khi phải ''giải phẫu'' một nền văn hóa để loại đi một số thành tố đã ''hôi hám'' đôi khi phải truyền vào ''cơ thể'' của dân tộc những ''sinh tố'' mới. Nói một cách khác: giải phẫu văn hóa hay truyền sinh tố mới phải là nhiệm vụ lịch sử của người văn nghệ sĩ - trường hợp tôi đương nói đây là nhạc sĩ thi sĩ, là người làm thi ca dân tộc. Nhạc sĩ phải tạo ra một ngôn ngữ âm thanh (langage musical) mới - mỗi nghệ thuật có một ngôn ngữ riêng : nào tiếng nói của màu sắc, nào tiếng nói của kiến trúc, nào tiếng nói của ngôn ngữ coi như là những dấu hiệu, vì văn tự là gì nếu không phải là những dâu hiệu v.v.. trong khung cảnh nghệ thuật thời gian (arts de l'espace)...
Phải có cho dân tộc một ngôn ngữ nhạc và thơ (langage musical et poétique) mới để gây một luồng sinh khí mới cho dân tộc - đồng thời dựng cái ngôn ngữ mới ấy trên ''bối cảnh'' dân tộc tính. Và, cũng như dược sư hóa sư phối hợp đơn chất và phức chất trên những phương thức thích nghi để tạo ra những đơn vị đem sự sống và trưởng thành cho cơ thể con người, nhà soạn nhạc và người làm thơ cần phải tạo một phương diện dân tộc tính - và muốn thế, không thể đi ra ngoài những nguyên tắc ''văn phạm'' ấy... - vì vậy, mà là một thực thể động, cần tiến hóa để sống còn và để mới, với thiên hạ, nghĩa là dân tộc tính, trong đó có nhạc tính và thi tính nếu có thể nói vậy cũng phải hiện đại hóa - để dùng một danh từ Thích Nhất Hạnh.
Nhạc gia và thi gia hay nhạc sĩ làm thi ca - tạo ra những giá trị (valeurs musicales et poétiques) mới. Những giá trị mới là những thực thể : kết quả của những ''đám cưới'' giữa ''mới'' và ''cũ'', giữa truyền thống và hiện đại, giữa gần và xa - xa nghĩa là chẳng hạn từ Âu Mỹ tới... Ðiều cần yếu là thông minh biết tìm, chọn, lựa, giữ sao cho trúng, bỏ sao cho vừa, hóa hợp sao cho gọn cho cân xứng - việc làm đòi hỏi ''nghệ thuật'' và ''kỹ thuật'' của một người dược sư thêm bớt chất : chất tốt kia dư quá mà còn có thể đưa cơ thể đi... nhà thương, huống là chất xấu !...
Và ở đây, một vấn đề quan trọng vào bực nhất - được đặt ra : sự tương quan giữa nhạc - thi sĩ và sự tiến hóa của dân tộc. Nói một cách khác : sự sáng tạo giá trị thi ca mới - về phía nhạc thi sĩ làm thi ca dân tộc; sự thưởng thức và ''tiêu hóa'' sinh tố văn nghệ - vì phía dân tộc. Về phía dân tộc thì thưởng thức chất văn nghệ lành mạnh thì cơ thể lành mạnh, ''thưởng thức'' chất văn nghệ có chất độc ... thì cơ thể đi bệnh viện. Còn về phía nhà sáng tạo thi ca thì sứ mạng văn nghệ bỏ bình diện cá nhân để mang kích thước xã hội và lịch sử... Hay thì cũng là cái hay trên cái... ''thang'' lịch sử, mà dở thì cái hại cũng là cái hại trên cái thang lịch sử... Và cả số phận tinh thần và tình cảm của cả một dân tộc phụ thuộc và vướng vào đấy - một phần lớn.
Một cá nhân dân tộc nào cũng mang trong người một mẩu dân tộc tính của dân tộc họ, làm cho họ sẽ đón những giá trị nào hợp với tâm hồn họ - kể cả những giá trị rất mới từ văn nghệ Âu Mỹ tới để thêm dung tích và kích thước cho văn nghệ dân tộc nói chung : dân tộc tính - xin nhớ cho nguyên tắc này - còn làm bằng thói quen của thính giác, thị giác... và bằng ''cưỡng hôn'' nữa kia đấy ! Lấy nhau rồi mới thương yêu nhau như tổ tiên chúng ta ngày xưa ấy thế mà lại vững đời đời, ấm áp ngàn đời; những giá trị thi ca từ bốn phương tám hướng tới... ''kết hôn'' với mình... đôi khi lại làm nhạc đệm hùng tráng cho cả một cuộc tranh đấu nào đó của dân tộc - ''khai sinh'' cho thành công. Nói một cách khác, những giá trị mới mà thích nghi thúc đẩy sự tiến hóa - kể cả sự vượt bực, và tạo cho dân tộc một sinh khí mới. Mới mà hợp - xin nói lại - chứ không phải mới mà tâm hồn từ chối những hóa chất ngược với sự thích nghi, uống vào mửa ra... Ði ngược lẽ thích nghi, đi ngược chiều tiến hóa - hay là tạo ra những giá trị ủy mị vuốt ve thị hiếu một thời của chị Năm gánh nước đương ứa nước mắt vì thương yêu ngang trái, hay chỉ hình dung hơn cái tính của một dân tộc xa xôi nào khác, khác lịch sử địa dư, khác... tính tình, tình cảm... khác cả đến màu da... tức là gây sự ly khai giữa văn nghệ sĩ và dân tộc. Có ly khai là có đổ vỡ : nhất là đổ vỡ chung theo chiều thời gian cũng như chiều không gian của cả một dân tộc - mà chính văn nghệ sĩ là thủ phạm...
Một Người Trong Vài Ba Người
Có một người trong một số rất ít - xin nói lại : rất ít - đã và đương làm cái việc mà văn hóa Việt Nam đương chờ đợi : Phạm Duy, người ta chỉ biết có nhạc Duy mà không biết có thơ Duy. Mà cũng phải : Duy làm nhạc hay nên thơ Duy chìm đi trong nhạc. Và người ta cũng lười : người ta chỉ nhớ nhạc mà dễ quên lời tức là thơ. Lỡ ra lời có dở cũng đã có nhạc lôi đi và ''thăng hoa'' dùm cho lời - huống gì ờ đây lời hay thì lời lại hòa vào nhạc như một : thiên hạ lại càng dễ quên lời Duy, tức là thơ Duy lắm.
Riêng tôi là người thưởng thức thơ, đọc thơ, tôi đọc thơ, tôi đã chịu khó tìm đọc thơ Duy - lời trong bản nhạc - từ mười năm nay, nhất là để kiểm soát một ý tưởng về Duy - như tôi đã nói ở đoạn trên - coi có thật Duy là người làm nhạc hay mà thơ tức là lời cũng hay không, hay cái hay trong lời đó chỉ là kết quả những giây phút dồn ép trong chốc lát văn nghệ tính của một cá nhân văn nghệ... mà thôi - hiện ra đó, rồi biến đi đó... Nếu lời bản nhạc là thơ thực, thì nhà soạn nhạc vừa là nhạc sĩ vừa là thi nhân. Trong trường hợp này hiếm lắm : nhưng mười năm xưa, tôi đã lờ mờ nghĩ Phạm Duy là con người văn nghệ ấy. Tuy nhiên, tôi đã ngờ vực chính mình; nếu quả tình có một đấng cao vun vút thường phú bẩm cho con người một thực thể trừu tượng là cái tài giúp cho văn nghệ sĩ nói chung ngoại hiện thẩm quyền văn nghệ của mình và để lại cho người đương thời và người mai sau những văn nghệ phẩm cũng... cho, nhưng có cho cũng cho có chừng thôi - nếu không phải là phải cần kiệm tinh hoa của trời đất !
Tôi đã can đảm chờ : thật tôi đã không lầm như thế, thơ Duy trong nhạc Duy còn đầy tinh thần dân tộc. Nếu muốn không lầm ta thử đọc thêm Mẹ Việt Nam mới ra đời - xin nói lại : đọc thêm. Hình như Nguyễn Văn Cẩn cũng đã mê thơ Duy, thích hai câu ở đâu đó của Duy :
Ðường về cõi Tiên xa vời
Nhạc trời đứt dây tơ rồi...
Và bản trường ca Mẹ Việt Nam có những câu :
Nhỏ người vai lẳn
Vú căng tròn
Tròn lưng ong
Mẹ nằm phơi gió trăng
. . . . . .
Tiếng trống trống năm xưa
Trống đổ đổ đêm khuya
Trên trường thành trăng ngả
Cho tàn cuộc vui nhỏ
Cho ai tiễn đưa người
. . . . .
Hoành sơn nghiêng giẫy nằm
Vạn kiếp chốn dung thân
Ðường đưa ta đến với người thương
. . . . . .
Sông đỏ như máu
Tranh đấu sông nâu
Sông vàng xanh yếu
Kêu cứu sông giầu
Sông nhuộm vàng mau
Chia nhau uốn khúc khoe màu
Sông rồng lôi kéo
Lũ rắn đi cắn sông đào...
Nhất là những câu đó -- không thể nào tôi không đọc hai ba lần : thơ cũ hay thơ mới, thơ mới hay thơ tự do, thơ ngắn hay thơ dài, không phải là vấn đề, vấn đề là vấn đề thơ hay : vậy thôi. Miễn hay là được. Và là thơ dân tộc - nói một cách khác : thơ đầy dân tộc tính... Thơ dân tộc là gì ? Thơ dân tộc là thơ của chính dân tộc mình, hình dung những đặc tính của dân tộc mình có những sắc thái riêng : có một nếp sống ngàn ngàn đời của cơ thể, có một nếp sống ngàn ngàn đời của suy tư và của tình cảm, có một lối một hướng và dù có một ngàn lẻ một... nẻo tự do của tâm hồn thì cũng là những nẻo của một khung cảnh năm năm núi cao sông lớn, của những đêm tháng ngày dài vô tận : nào hình bóng Dương Lễ Lưu Bình hình dung tính người với người... nào chân dung nàng Châu Long ngàn năm với tấm lòng trung trinh trong trắng của phái yếu, nào hình bóng của Chức Nữ Ngưu Lang, con Tấm con Cám... lấp đầy những khoảng trống rỗng của tâm hồn tìm hướng vui cho sầu muộn của những tấm thân đầu tắt mặt tối chân lấm tay bùn cần quên sự nặng nề của thân phận... Nào tinh hoa của tâm hồn tranh đấu thiếu tự do, đương đòi tự do và giành tự do, đã đổ bao nhiêu vũng máu và nước mắt vì nó, sinh tử vì nó... cho nó... Thơ dân tộc là thơ của người Việt Nam đọc lên rồi thấy rằng mình là người Việt Nam - Không vướng bề sâu bề dầy văn hóa của những dân tộc từ xa xôi tới, khác màu da, khác nếp sống... văn hóa lai lai dại dại thúc đẩy con người dân tộc theo một ''văn phạm'' mũ rộng vành và giầy mũi nhọn... để ăn ở, để nghĩ... để xử thế với mình với người. Con người sống được là nhờ đất nước mình -- chứ chẳng thể nhờ màu mỡ đất nước ngoài; nhờ khí thiêng nước non mình chứ chẳng nhờ ''dân tộc tính'' của một dân tộc... nào... khác, một buổi sáng nào đó. Phạm Duy nói đúng : đất nước là mẹ Việt Nam và những ngàn năm truyền thống...
Sông tang thương
Trôi nghiêng nhịp cầu sương
Cho thê lương
Ðiếm cỏ Hiền Lương
Nước sông trôi
Bềnh bồng
Thiếu bao nhiêu
Mặn nồng
Vì dòng sông
Dòng sông chia rẽ đôi đường...
Mà dù cho có đem giá trị (valeurs poétiques) thơ Âu Mỹ vào thơ dân tộc thì cũng phải vận dụng hết cái khéo của người biết chế hóa cân nhắc... đo lường dung tích và kích thước cho thích nghi... Không có vấn đề loại thơ, thể thơ... câu dài hay ngắn, câu ít hay nhiều : chỉ có vấn đề thơ hay hay thơ dở mà thôi. Hay là được. Cần hay mà thôi. Người làm thơ phải có thính giác của người làm nhạc : thính giác của người làm nhạc không phải chỉ để nghe hay chỉ tổng hợp mọi âm thanh trong trời đất như Strauss một sớm ngồi nghe tất cả âm thanh của tinh sương trên sương trên nước Danube -- mà là để rút âm thanh và nhạc tính - nhất là nhạc tính -- từ ngôn ngữ... tinh hoa của nhạc tính thuần túy phải nhờ ở thông minh sáng tạo (intelligence créatrice) của người làm thơ và làm nhạc, vọng lên và hòa hợp với nhau trong văn mạch (contexte) -- thỏa mãn thính giác và đòi hỏi của thông minh người đọc thơ, người nghe nhạc.
Cửa động
Ðầu non
Ðường lối cũ
Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi...
của Tản Ðà không gồm có những đơn vị từ ngữ riêng biệt không tương quan gì với văn mạch, mà là một toàn diện giai âm -- người làm thơ là Tản Ðà phải hóa chất ngôn ngữ trong ''phòng thí nghiệm''ấy đã được hóa hợp theo những định lệ riêng của phép sáng tạo. Phạm Duy cũng đã làm thơ dân tộc theo những nguyên tắc sáng tạo của mọi chốn và của ngàn đời. Nhất là người làm nhạc ở Duy đã giúp người làm thơ ở Duy rất nhiều.
Ngày ngày vươn vai ra khơi
Ðón ánh dương soi
Con tim bồi hồi
Chiều chiều chơi vơi không nguôi
Thương thương nhớ nhớ con trong cuộc đời
Mẹ tìm con trong gió bắc
Mẹ về phương nam nắng gắt
Tình nhà mở cửa đem ra góp với bao la...
Vốn tinh thần là vốn âm thanh -- vốn âm thanh cùng với vốn thơ -- người với cảnh, cảnh với hình bóng nhân sinh -- tất cả là cái vốn dân tộc tính cố hữu ngàn năm ngàn thuở -- lời cùng với nhạc, nhạc cùng với thơ : có nhạc tính, có thi tính, thi tiết, nhịp thơ dài và ngắn, rất dài, rất ngắn, dồn dập, khi khoan khi mau, không vội vàng... Người Việt Nam có với núi sông cỏ cây từ Lạc Long Quân và bà Âu Cơ -- người Việt Nam có một vốn dân tộc tính -- cái vốn ấy phần lớn nhất, phần đẹp nhất, phần thương nhất yêu nhiều... kết lại trong tình người mẹ : riêng là một người mẹ, chung là Mẹ Việt Nam -- và lần lần mượn vốn người từ bốn phương xa, tám hướng xa, bên kia những đại dương tới... để gây phong phú... cho chính mình. Từ lâu lắm, tôi hay đọc thơ Jacques Prévert của nước Pháp và vẫn thường ao ước hiểu coi cái hay của Prévert từ đâu mà tới - ừ cho có hay là hay cái dân tộc Pháp, còn có hay với anh với tôi, với họ, với hàng xóm láng giềng nơi Ðakao Bà Chiểu... nầy cũng chỉ là hay lỏng, hay tạm, hay vờ... Nói một cách khác : hay mượn... Ôi thì hay thật nhưng hay bên kia Ðại Tây Dương... Ngày nay, tôi đọc bao nhiêu lời của nhạc Phạm Duy trong khuôn khổ dân tộc tính dân tộc Việt Nam, bỗng tôi ''ngộ'' ra rằng thơ Prévert hay với dân tộc Pháp là thế, là tại thế, vì thế.... nhờ thế đấy : dân tộc tính Pháp vun vút và ngùn ngụt trong thơ Prévert, tiềm ẩn trong thơ Prévert, chứa trong thi ngữ (langue poétique) của Prévert... À, ra thế ! Còn Phạm Duy làm thơ dân tộc hay với chúng tôi là vậy, là vậy... À, ra vậy !
Tình tính tang
Tang tính tình
Yêu mẹ già
Thương mẹ ta
Ðàn con nhớ
Nhớ yêu nhau
Ðàn con nhớ
Nhớ thương nhau
. . . .
Ngọn sóng ngọn sóng theo trăng
Theo trăng vào bờ
Ôm lớp phù sa
Theo trăng vào bờ
Ngọn triều dâng sóng nhấp nhô
Sóng nhấp nhô
. . . . .
Việt Nam không đòi xương máu
Việt Nam kêu gọi thương nhau
Việt Nam đi xây đắp yên vui dài lâu
. . . . .
Tình thương đem về muôn nơi
Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người.
Người làm nhạc, lỡ ra lời không... hay thì đã có nhạc để vớt và ''thăng hoa'', và cái dở của lời chìm đi trong âm thanh ngắn dài và trầm bổng... Vạn nhất mà ca sĩ có kích thước thì người làm lời dù có sống sượng cũng được... và người làm lời -- cho có chẳng là thơ -- cũng chìm đi trong người làm nhạc : một mình nhạc hay là đủ. Còn đã có nhạc cho thơ; nhạc cùng thơ, mà nếu thơ lại có nhạc tính, êm đáng lúc êm; dịu dàng đáng lúc dịu dàng, mau đúng, đẹp đúng... thì trường hợp này gần như là một trường hợp ngoại lệ. Ở đây, nhạc sĩ và thi nhân không ''giết'' hay ''ám sát'' lẫn nhau -- trái lại, cùng với nhau nhất trí... và hòa vào nhau. Ðó là điểm đặc biệt. Và văn nghệ giới và văn nghệ sử chỉ cần hệ thống hóa nhạc và thơ của Duy và của một số ít nhà văn nghệ khác nữa trong giới thi ca là chúng ta có thể có một nền thi ca dân tộc. Có lẽ nó chưa có kích thước mà lịch sử đương mong đợi -- nhưng những người đương thời và những người đời sau -- sắp tới hay mai sau xa xa nữa -- sẽ liên tục sáng tác... sẽ thêm bề rộng, bề sâu, bề dầy, kể cả bề cao sẽ cao thêm cho đến cao vút -- cho thi ca dân tộc, cho văn hóa dân tộc...
Hệ Thống Hoá,
Tương Lai Chung
Và... Trách Nhiệm... ?
Luôn tiện nói chuyện Duy và chuyện một số rất ít người làm thi ca dân tộc -- là chuyện riêng, xin phép nói một chuyện chung. Nói hệ thống hóa thi ca dân tộc -- như tôi vừa mới nói -- là vì có hệ thống hóa, những nghệ phẩm thi ca dân tộc mới thành một phong trào có nhất trí, mới thành khối, trong không gian cũng như trong thời gian -- đi vào bề rộng và bề sâu của tâm hồn dân tộc. Nếu văn nghệ phẩm thi ca của những cá nhân văn nghệ lẻ loi ra đời lẻ loi bơ vơ nay một bài mai một bài, gặp chăng hay chờ, nay có mai không, nay có rất nhiều mai có chẳng nhiều -- văn nghệ phẩm như con mồ côi... không có hệ thống liên tục không thành khối, thì rồi : dân tộc không có thi ca của dân tộc, dân tộc chẳng có tính - hay cái tình nó sứt nó mẻ -, mà thiên tài lớn hay nhỏ, cũng chìm đi không phát sinh, mà có phát sinh cũng chẳng trưởng thành. Chúng ta đương chứng kiến một cảnh thiệt thòi cho văn hóa : văn nghệ sĩ không đủ điều kiện sinh hoạt vật chất, tinh thần và trí thức... để tiến hóa, để tạo nhất trí và liên tục cho nghệ phẩm của mình - của cá nhân văn nghệ riêng hay cả giới văn nghệ chung thì cũng vậy, của giới thi ca cũng như các giới thi, họa, kịch, điện ảnh... Văn nghệ giới nói chung muốn phụng sự dân tộc phải có điều kiện nuôi dưỡng cho tài họ nẩy nở, phong phú... cho họ sáng tác liên tục. Thiếu họ sẽ lẻ loi, họ sẽ tự mình trốn vào chính mình (repli sur soi) và trau dồi một thứ kiêu hãnh cô đơn... Nếu vậy, nếu lịch sử dân tộc thiệt thòi, ai phải ra vành móng ngựa của dân tộc, trách nhiệm lịch sử ở ai ? Xin nói ngay là ở bản thân người sáng tạo thì ít -- mà ở số người cầm giềng mối quốc gia thì nhiều. Nếu những người cầm giềng mối dân tộc chỉ nuôi những mặc cảm quyền thế... nếu ai cũng duy kỷ, nếu ai cũng nghĩ chuyện dân tộc ngày nay chỉ là chuyện phù du... nông nỗi này tình thế này làm gì có tượng đồng bia đá cho ai mà lo kia chứ và (après moi le déluge)... chẳng có ai chịu trách nhiệm và tổ chức lại -- cho thi ca dân tộc cũng như cho văn nghệ toàn diện, tức là cho văn hóa dân tộc... thì thật là tội nghiệp cho cái dân tộc lúc nào cũng tự xưng là có những bốn ngàn năm văn hóa kia. Nếu văn hóa dân tộc so với thiên hạ có rách rưới, nếu lịch sử chung có đi theo quĩ đạo của nó và đi tràn lên trên nhân sinh Việt Nam như sóng trên bãi... thì cũng đáng kiếp lắm rồi ! Việc gì cứ mỗi lúc mỗi lúc lại dùng một số danh từ, đọc một mớ văn chương thính giác và thông minh của thiên hạ phải chịu đựng mãi... hoặc nếu có than thở thì lại cũng chỉ thổn thức ra một mớ nước mắt không có màu không có vị... Còn thì giờ để hệ thống hóa cái đã và tạo thêm cái còn thiếu đấy ! Chống được Cộng mà rồi bức tranh văn hóa chung của dân tộc đẹp thì ít mà rời rạc, xấu thì nhiều mà nghênh ngang u-u dài-dại, man man rờ rợ, lòe loẹt diêm dúa như son phấn và màu sắc me tây... thì hãnh diện nỗi gì, hãnh diện với ai kia mới được chứ hở trời !
Tam Ích
Báo THIỆN MỸ, số 20 ngày 3-4-65
--------------------------------------------------------------------
* Tam Ích, tên thật là Lê Nguyên Tiệp (còn có thêm bút hiệu Trúc Lâm), quê xã Ngọc Ðường, phủ Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá, con cụ Lê Nguyên Phong, cử nhân Hán học. Ông dạy học, viết báo, soạn nhiều tiểu luận, phê bình văn và viết về triết học.
Ngày 5-1-1972, ông tự tử tại nhà riêng số 563/74 đường Phan Ðình Phùng, Saigon, thọ 57 tuổi.
Các tác phẩm đã xuất bản :
- Nghệ Thuật và nhân sinh (nxb Chân Trời Mới, 1951)
- Dialogue (viết bằng Pháp văn)
- Chứng ngôn (dịch)
- Guernica (dịch)
- Sartre và Heidegger trên thảm sinh
- Ý văn (khảo luận)