Phạm Duy: Mai Sau Dù Có Bao Giờ
- Details
- Written by Ngô Văn Nam
- Hits: 4133
Một vài câu Kiều để khẽ ngâm trong những khi tâm hồn cao hứng, có lẽ là lối tiêu khiển kín đáo của đông đảo dân ta kể từ khi tác phẩm của Nguyễn Du ra đời, đó là chưa kể đến Bói Kiều, Ru Kiều, tán tỉnh, châm chọc nhau cũng bằng Kiều. Bài Ðoạn Trường của Nguyễn Du là một di sản không thể nào phai trong ký ức dân tộc.
Những thập niên gần đây, do ảnh hưởng của Tây Phương, thơ ca ào ạt biến dạng, giải trí âm nhạc ra đời dần dần lấn át vai trò của những câu vè câu đối, những điệu hò lơi lả. Phạm Duy đã có mặt ngay sau buổi giao thời này, để trở thành người tiền phong của tân nhạc Việt Nam.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn luôn luôn tìm thấy từ nhạc tính mới mẻ và sáng tạo của ông tràn đầy những đường nét trữ tình dân tộc; ẩn hay hiện, cố tình hay tự nhiên, dầu ở trạng thái nào, nhạc ông luôn duyên dáng, để lại âm hưởng sâu đậm trong lòng người. Và có thể nói rằng 50 năm trở lại đây, thay vì một vài câu Kiều, đã bắt đầu những thế hệ hát lên từ đồng lúa, nương dâu, bưng biền hay biển cả những câu ca phần nhiều do Phạm Duy sáng tác. Nhạc ông lần hồi mà nhanh chóng tạo nên kỷ niệm cho rất đông đôi lứa, cho hầu hết con người, từ vị trí của một hiện tượng tài năng đặc biệt lúc đầu đời, ông đã trở thành biểu tượng sáng chói cho nền tân nhạc nửa thế kỷ vừa qua. Nêu lên ví dụ của Nguyễn Du, người viết không có ý định so sánh, chỉ muốn nhấn mạnh rằng tác phẩm nào gần gũi và vinh danh được tình tự dân tộc mới hằng sống và bất hủ.
Phạm Duy còn là người đã bền bỉ với nghệ thuật trong một giai đoạn đầy biến động của đất nước. Ông may mắn chăng? Chỉ có chính Phạm Duy mới đủ thẩm quyền trả lời. Nhưng chắc chắn nhất, được nghe nhạc ông là một hạnh phúc. Bởi những rung động có được từ tác phẩm, chẳng phải tìm kiếm xa xôi, vẫn luôn luôn phảng phất một chân dung nào đó của thời đại, hoặc ít ra đó là đề tài đang gây chấn động trong dư luận. Trên mọi hướng sáng tác, ông có mặt, xung kích, và làm nên những tác phẩm điển hình. Cũng có khi, thoát lách ra khỏi hấp lực của cuộc đời, chỉ thuần túy bằng cảm tính, nhạc ông vẫn tạo nên cảm thông và sự chia sẻ ''hữu tình'' nào đó với thính giả. Phạm Duy gần với người nghe, khóc cười theo vận nước nổi trôi có lẽ còn do tính chất khốc liệt của thời đại. Một khi mà tâm hồn ít được dịp trống trải, thảnh thơi lâu dài để ngập sâu trong những ảo tưởng, huyền hoặc như sự tha hóa của nghệ thuật Tây Phương. Con người luôn phải đối diện với thực tế, người nghệ sĩ cũng phải từ chân đứng của cuộc đời để tạo những thăng hoa qua tác phẩm. Ðạn bom hầm hố, tham tàn, vô minh... dồn dập trên đất nước điêu linh, có lẽ là lý do để ông đã không đủ thời giờ cho những bài giao hưởng diễn tả ý tứ được bay bổng hơn.
Bây giờ là lúc Phạm Duy trầm mình, lội ngược về những xa xưa của dân tộc, của đời ông, không phải bằng ''tay đàn chân nải'' nữa, nhưng mà trên đôi cánh điện tử. Lại là một cuộc mạo hiểm, so ra cũng chẳng khác lắm khi ông soạn Con Ðường Cái Quan vào cuối thập niên 50, nghĩa là bằng nhạc lý Tây, diễn tình ý Ta. Dường như lúc nào ông cũng chơi bạo, chơi trội, có thể gọi là một ''độc cô cầu bại'' trên con đường dân nhạc Việt Nam 50 năm vừa qua.
Tin ông đến Ðông Kinh làm nên một cơn sốt, một Phạm Duy fever hâm hấp trong lòng người mộ điệu. Mũ dạ đen God Father, dáng đi nhanh nhẹn, ăn to nói lớn, trà xanh, cá sống, vài chầu tẩm quất, ông phấn chấn thấy rõ khi được ghé lại Nhật Bản lần thứ bẩy. Ấn tượng đầu tiên được ghi nhận là tính Phóng Dật, Dật chứ không Ðãng. Một cốc nước, cành hoa, cơn ngủ gật của hành khách trên xe điện, hoặc góc phố im lặng đi qua đủ trở thành đề tài suy nghiệm cho tâm hồn phong phú và mẫn cảm của ông. ''Tôi làm nhạc như mình hít thở, cần gì phải bậm môi nghiến lợi''. Ðây có lẽ là chìa khóa mở ra kho tàng sáng tác đồ sộ của Phạm Duy. Sáng nào ông cũng vậy, ông dậy sớm, luyện múa cho buổi trình diễn. Không quen, có người sẽ cho là huê dạng.
Nhưng nghĩ lại, buổi nhạc thoại không có phần ''đệm'' đó, sự truyền đạt chắc chắn sẽ sút giảm. Qua đó chúng ta cũng thấy rằng trong triết lý sống ''Dịch'', ông sẵn sàng cởi bỏ tất cả, nhưng với tác phẩm, ông hết lòng nâng niu. Từ văn, đến nhạc ít khi ông hằn học, chỉ thỉnh thoảng thì: ''ÐM mày là ba thằng tướng cướp'' còn không, rất mực trong sáng và chân thành. Ðêm 21 tháng Tư tại hội trường Minemachi, với số lượng thính giả chọn lọc, sau lời giới thiệu của nhà báo Từ Ân, Phạm Duy bước ra tươi cười, tự nhiên, trước khi vào chủ đề, ông nhấn mạnh: ''Nhạc tôi còn là bài học cho những người lãnh đạo đất nước''. Nghe ông nói, người ta không khỏi liên tưởng đến buổi suy tàn của cái thuở ru với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây, để sau đó phải ôm đầu khóc hận trong một nền văn nghệ lấy cán bút làm đòn xoay chế độ; thời đại hôm nay, khi bóng tối bạo lực đã lui bước trước bình minh dân chủ, hơn ai hết Phạm Duy vẫn còn đó thâm tím, kiên gan để gióng giả báo lên lời dẫn nhập đầu tiên cho sứ mệnh cảm hóa của nghệ thuật.
Xin được bỏ qua trong bài viết này những chi tiết tổ chức đêm 21 tháng Tư, cũng như nội dung có tính phân tách lược truyện của Trường Ca Con Ðường Cái Quan và Tổ Khúc Bầy Chim Bỏ Xứ, chỉ muốn ghi lại đây những cảm nghĩ đã lấn lướt trong lòng người viết khi nghe hai tác phẩm này vào dịp tác giả ghé bến Phù Tang.
Con Ðường Cái Quan được Phạm Duy nuôi ý từ năm 1954, sau vài năm bỏ dở, viết xong vào 1960. Bằng những nét nhạc dân ca ba miền, gói trong lời nhạc có tính tự thuật tả chân của một lữ khách, muốn đi suốt con đường Xuyên Việt hầu kêu gọi lòng người trước khi thống nhất đất nước. Trường Ca có thể được diễn tả bằng ca khúc riêng lẻ hoặc toàn bài. Công phu hơn thì trở thành nhạc cảnh hoặc nhạc kịch theo ý của tác giả lúc ấy.
Ba mươi năm sau, chất nhạc tươi khỏe của một Phạm Duy từ thập niên 50 được trau chuốt lại lần nữa qua nghệ thuật hòa âm phối khí không kém phần sung mãn của Duy Cường. Với sự trợ giúp ruột thịt và quí báu này, tác phẩm được dựng lại không lời để nói lên vạn lời một cách dễ dàng và đồng điệu hơn. Dĩ nhiên sẽ không tránh khỏi thiếu sót trong tính chất đặc thù về âm sắc của những nhạc khí được chọn và nhất là sự ''vĩ đại'' thường thấy của một giàn symphony. Ðể bù lại, phần phối khí rất kỹ càng, bám sát nhạc đề bên cạnh lối hòa âm mạch lạc những uyển chuyển đã giúp cho trí tưởng của người nghe được xa hơn, ''ngược dòng lịch sử'' được sâu hơn. Ðối với người Việt Nam, thử thách này của Phạm Duy được coi là thành công. Người nghe có thể tìm thấy từ ''trường khúc'' đó nhiều đoạn nhạc rất thân thiết và quen thuộc. Giọng ru thuở nhỏ, câu hò trên sông, đêm trăng giã gạo... từ đó mà nhìn thấu được kỷ niệm. Một đoạn nhạc, qua bao đổi đời, thủy chung vẫn là hiện thân của mỗi vùng đất quê hương.
Ông Doãn Quốc Sỹ trong BA SINH HƯƠNG LỬA có chương nói về ''Tiếng hát từ lòng đất'' rất cảm động đến nỗi mà Võ Ðình, bạn ông, đọc đến đó phải gấp sách lại, cả đêm không ngủ. Một lần nữa, Phạm Duy lại cho ta cảm giác cả đêm không ngủ đó khi nhạc ông gợi nhớ rưng rưng. Người ta có thể nhân danh chủ nghĩa, nhân danh lý tưởng để tương tàn, phân hóa, nhưng có gì khác nhau đâu khi tất cả đều rung động bởi một câu ca dao ru con Ðồng Ðăng có phố Kỳ Lừa, đều man man cảm hoài cho lòng dạ ra đi của nàng Huyền Trân đời Trần: mộng ngoài biên giới mơ hồ, chẳng ngăn được sóng vỡ bờ, và cũng chẳng có một bác nông phu mình đồng da sắt, vài ngàn năm đứng trên đất nghèo nào lại không nặng nợ ân tình với những chày, những cối làm nên xóm làng, sự nghiệp.
Chính quyền Hà Nội sợ phổ biến nhạc Phạm Duy là vì vậy, bởi nghe rồi, hết căm thù, hết giai cấp, Ðảng tiêu tan thành trì, lấy gì mà sống sót. Nếu nói Con Ðường Cái Quan là Trường Ca khơi dậy tình tự dân tộc thì Tổ Khúc Bầy Chim Bỏ Xứ là tác phẩm mang nhiều thông điệp mà Phạm Duy muốn nhắn gửi trên khắp dương gian. Thai nghén từ tháng 4/75, cuộc lữ được tiên tri và chuyển kiếp vào những cánh chim, Sau 15 năm lưu lạc, tác phẩm hoàn thành khi tường ô nhục đã tan tành và chốn quê hương, xuân cũng mon men, ông làm mọi người xúc động khi tâm sự rằng: Nghệ sĩ là phải biết nói lên, 50 năm làm âm nhạc, trong rồi ngoài quê hương nghiêng ngửa, đã bao lần ông thốt lên những hỷ nộ ái ố của lòng mình với muôn vàn khách đồng điệu. Vinh quang có, ngộ nhận có: ông bằng lòng với tất cả để chỉ đánh đổi lấy: một duyên kiếp hát rong. Ðã có lúc tưởng như sụm xuống, tiêu tùng trong tâm thức lưu đày cùng cực: Ta đứng đâu đây, đàn mốc trên tay. Nghe đất lung lay, đàn đứt tung dây.
Giờ đây, tại một địa danh tuy vẫn còn xa quê hương: Nghệ sĩ là phải biết nói lên, 72 tuổi, ông vẫn đầy đủ phong vận để dong ruổi cùng nghệ thuật và con người. Tôi hát cho vũ trụ đong đưa, vũ trụ đong đưa, tôi hát cho vũ trụ đứng lại, khi cuồng dật, cao hứng là vậy. Còn khi sáng tác, cho một tổ khúc 18 bài: mười năm viết, năm năm thu thanh, tẩn mẩn đếm lại tên tuổi của các loài chim từ bé đến lớn, hiền có dữ có, thật có, huyền sử có, cho tái sinh từ tro tàn để ''hoàn mỹ âm dương''. Tổ khúc có bố cục chặt chẽ với ba phần: Mở, Thân và Kết Luận rằng: Ðể thấy giang sơn không là riêng rẽ - của lũ chim nào là chốn vui chung. Xong kết luận cho cuộc đời, Phạm Duy kết luận cho chính mình. Ðoạn cuối bài 18, tương phản với động tính của toàn tổ khúc, xuất thần với ý nhạc rất Nguyễn Chí Thiện mà cũng rất Tô Ðông Pha: Chim Quyên về đậu ở thôn Ðoài - trong phận mình ở cõi tử sinh - buồn với vui bằng tâm hồn chân chính - bầu trời này hay thế giới mông mênh - thì cũng chỉ ca một bản Xuân Tình - ở chốn trần gian hoặc ở vô hình...
Nghe như một đồng vọng từ Quê Hương tỏa lên Vô Lượng đó thôi còn biên giới. Người nghệ sĩ sống sót trở về chèo thuyền trên bến. Bờ nào cũng là Bát Nhã. Ðể người được mãi, đi trong một duyên tình dài. Ba mươi năm trước, Phạm Duy đã kết thúc Con Ðường Cái Quan bằng câu hát như thế. Bây giờ vẫn vậy: còn nhiều phen hát tình yêu.
Chúng ta sung sướng vì ''nhan sắc'' và khí độ của Phạm Duy vẫn còn đó, mặc bao uy hiếp của thời gian. Có tình yêu là có ông, có ta, gắn bó. Mai sau dù có bao giờ... 200 năm sau, vẫn còn rất nhiều người nhớ Thúy Kiều mà thương khóc Tố Như, thì huống chi chỉ mười mấy năm xa xứ. Tác phẩm của Phạm Duy chưa được công khai. Sáu mươi lăm triệu người trong kia còn bị cấm. Nhưng đêm đêm, đó đây, tràn ngập trong và ngoài quê hương, bằng vạn lối giao tình, nhạc ông được hát lên, vời vợi, góp phần vào cuộc chuyển mình sẽ đến của đất nước.
Năm trước, khi nhạc sĩ Phạm Ðình Chương tạ thế, ký giả Bê Tê (Bùi Bảo Trúc) đã làm mọi người xót xa khi nghĩ đến món nợ to lớn đối với tác giả bài hát Ly Rượu Mừng. Nếu thêm một Phạm Duy nữa, thôi chẳng còn ai trả nổi.
toridomo mo
ne itteruru ka
yogo no umi
Chim đã ngủ, biển nước chìm vào lặng im... Thơ haiku của Lộ Thông vô tình làm nhói lên niềm lữ, một đồng nghĩa với nỗi cô đơn của người nghệ sĩ sau khi sinh xong tác phẩm. Chim đã ngủ, chim đã ngủ... lữ khách... chợt nghĩ đến mình, đến bạn bè, đến hết thẩy những lứa đời lận đận; trong nỗi thương cảm không tên dâng lên nghèn nghẹn đó mới thấy ấm áp và quí báu làm sao câu kết cao vút của một bài ca: còn nhiều phen hát tình yêu.
Viết tặng những anh chị em đã thâu đêm suốt sáng để tổ chức ngày Quốc Khánh.
Trần Văn Nam
Tokyo - 1993