PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400

16. Tiếp Tục Ði - Tiếp Tục Yêu - Tiếp Tục Hành Ca

Một Đời Nhìn Lại - Ngàn Lời Ca
Tiếp Tục Ði - Tiếp Tục Yêu - Tiếp Tục Hành Ca



Trong thời gian soạn nhạc tình, không phải chỉ có tình yêu và sự đau khổ được thể hiện trong ca khúc, cái chết cũng được nói tới. Nhưng tôi vẫn còn nhớ tới con đường trong tâm tưởng mà tôi đã đi theo trong những năm đầu của thập niên 50. Lúc này tôi chưa bỏ được người tình nhưng tôi cũng không bỏ được con đường của mình. Vả lại bài MỘT BÀN TAY cũng đã vừa được viết ra và nói về cuộc đời nhiều hơn là nói về cuộc tình. Bên cạnh những bài nói về Tình Yêu, Sự Ðau Khổ và Cái Chết, tôi soạn thêm những bài hát tâm linh.

Bài LỮ HÀNH trước đây là một tuyên ngôn: ta đi trên dương gian, trong thanh xuân, đi trong thiên nhiên và nhân gian, đi cả trong thời gian, bao giờ ta cũng phải bước nhanh vượt chân đời... Bây giờ tôi soạn bài XUÂN HÀNH. Ðó là sự trả lời câu hỏi muôn đời: qui es tu? d'où viens-tu? où vas-tu? Tôi cho rằng: Người từ lòng người đi ra rồi sẽ trở về lòng người. Người vừa là người, vừa là thần thánh và ma quỷ, biết thương yêu dai và cũng biết hận thù dài, rất là đắm say... Nhưng trong khoảnh sống ngắn ngủi này, người phải biết nhìn toàn đời trong từng chớp mắt, phải biết vui biết buồn ngay trong một cơn tim đập, tim ngưng...

XUÂN HÀNH
(Saigon-1959)

Người là ai ? Từ đâu đến ?
Và người ơi, người sẽ bước chân về nơi nao ?
Người vì sao mà chớm nở ?
Rồi sớm tối, cánh hoa tươi tơi bời theo với những lá úa ?
Người là chi ? Là cơn gió ?
Là cát trắng hay bụi xanh lơ ?
Người từ xưa, thuyền theo lái về bến cũ ?
Người lên xe đi từ hư vô qua hư vô ?
Ta ra đi từ lòng người, với tiếng khóc và nụ cười
Thương yêu dai, hận thù dài, nuôi đắm say
Trưa hôm qua còn là người
Ðêm hôm nay thành vị thần hay lũ ma lẻ loi
Mỗi chớp mắt nhìn toàn đời, nuốt thế giới vào lòng rồi
Muôn năm vui ở nửa vời câu hát đôi
Nghe con tim chạy miệt mài, khi tim ngơi nhịp từng hồi
Buồn nghìn đời len giữa cơn đập vui.
Người là TA, một mùa Xuân toả ánh nắng mai
Bước lên đời mang một duyên tình duyên mới
Người là TA, đường nhân ái còn đi mãi mãi
Hết bước Xuân, TA gọi nhau về trong NGƯỜI.

Sau đó, bài NHỮNG BÀN CHÂN là sự tiếp tục của bài MỘT BÀN TAY và là sự phát triển ý niệm lên đường tôi từng nuôi dưỡng. Tôi xưng tụng những bước chân đi khai phá đất hoang, đi phá trại giam, đi nối liền hai cõi tử sinh.

NHỮNG BÀN CHÂN
(Saigon-1961)

Những bàn chân, trên ruộng cằn
Dưới nắng hè lửa thiêu đất khan
Vỡ đồi nương, cho máu đào rơi thắm cỏ hoang
Dù chông gai không sờn chân
Về biển khô hay lên rừng thiêng
Ôi bước chân, những bước chân khai phá triền miên
Những bàn chân trên đồng lầy
Trong nước lạnh mùa Ðông đắng cay
Ấm lòng thay, những lúa gầy đứng giữa trời mây
Bàn chân đi trong chiều nay, bàn chân mai chưa nghỉ ngơi
Ôi bước chân, những bước chân xây đắp ngày mai.
Bước, bước, bước chân nghìn trùng
Ði, đi, đi chân người hùng
Ðường mịt mùng, bàn chân còn giong ruổi, ruổi giong.

Những bàn chân trên sa trường
Những bước buồn đạp trên máu xương
Vẫn hoài mong cho đất vàng hoa nở nhiều hơn
Vì tự do chân còn vươn, đời còn mang bao lầm than
Ôi những bước chân, những bước chân đi phá trại giam.
Những bước chân trong hoà bình
Mang những lời yêu, trong gió xanh
Bước hiền minh đi nối liền hai cõi tử sinh.
Bàn chân êm trên đường quen, từ sông Mê qua bụi quên
Ôi bước chân, những bước chân đi tới đường tiên.
Bước, bước, bước chân nghìn trùng
Ði, đi, đi chân người hùng
Ðường mịt mùng, bàn chân còn giong ruổi, ruổi giong.

Cũng trong dòng nhạc soạn cho cuộc đời trong đó tôi có người tình, tôi soạn bài XUÂN CA, lần này không phải là hành khúc hay âu ca mà là dân ca phát triển. Trong bài này, tôi muốn nói mùa Xuân của tôi đã có ngay trong đêm tân hôn của cha mẹ tôi, Xuân như mặt trời nổ trong lòng mẹ, rồi từ đó, tôi ra đời, góp chung câu gào thiết tha cho mùa Xuân vĩnh cửu. Nếu tôi chết đi, xin cho tôi được tái sinh nhiều lần để tôi tiếp tục đi mãi trong mùa Xuân. Bài XUÂN CA được soạn theo ngũ cung Việt Nam.

XUÂN CA
(Saigon-1961)

Xuân trong tôi đã khơi trong một đêm vui
Một đêm, một đêm gối chăn phòng the đón cha mẹ về
Xuân âm u, lắt leo trong nguồn suối mơ
Bừng reo rồi theo nắng lên từ cha chói chan lòng mẹ.
Xuân ơi Xuân ! Xuân ới Xuân ơi ! (2 lần)

Xuân tôi ra, góp chung câu gào thiết tha
Là xinh, là tươi có Xuân thuở xưa ước mơ hiền hoà.
Xuân xanh lơ, hắt hiu trong trời nắng mưa
Vườn Xuân là Xuân có hoa ngày mai hát Xuân thật dài.
Xuân ơi Xuân ! Xuân ới Xuân ơi ! (2 lần)

Xuân tôi sang bến yêu tôi tìm gió trăng
Tình Xuân là Xuân có khi mừng vơi, có khi sầu đầy
Xuân yêu đương, muốn căng lên nhựa sống ngon
Tìm em, gặp em đón Xuân nghìn năm bão Xuân ngập lòng.
Xuân ơi Xuân ! Xuân ới Xuân ơi ! (2 lần)

Xuân lên cao, chót Xuân buông nhìn xuống sâu
Hồn Xuân, hồn thiêng ngút lên từ lâu cõi Xuân còn dài
Xuân trong ta đã muôn ngàn lần đã qua
Mặc cho, mặc bao những cơn buồn thương những cơn giận hờn.
Xuân ơi Xuân ! Xuân ới Xuân ơi ! (2 lần)
Xuân tôi ơi ! Sức Xuân tôi còn khát khao
Dù nay, dù mai cũng như mọi ai chết trong địa cầu
Xuân muôn năm, có ta Xuân còn hơi Xuân
Thì xin, thì Xuân hãy cho tình nhân sống thêm vài lần.
Xuân ơi Xuân ! Xuân ới Xuân ơi ! (2 lần)

Tiếp tục bài XUÂN CA BÀI CA SAO, rút ra từ câu ca dao:

Sao tua chín cái nằm kề
Thương em từ thuở mẹ về với cha...

Người Việt Nam khi xưa đã cho cả thời gian xa lắc lẫn không gian vô tận vào trong một câu thơ tình lục bát. Tình yêu thật là vô tận bởi vì nhìn vào tinh tú vô biên để thương yêu một người từ thuở chưa có người đó. Tôi thêm lời vào câu ca dao để soạn thành BÀI CA SAO, nói lên tình yêu đối với đối tượng của tôi lúc bấy giờ. Bài này mang âm hưởng dân ca.

BÀI CA SAO
(Saigon-1961)

Sao tua chín cái ối a nằm kề
Thương em từ thuở mẹ về là về với cha
Sao vua sáu cái nằm xa
Thương em từ thuở người ra ối a người vào
Sao mơ sáu cái ối a nằm chầu
Sao Khuê mấy cái ối a nằm đâu ?

Sao Khuê chín cái ối a nằm dài
Thương em từ thuở tình ngoài, tình ngoài nghĩa trong
Sao măng năm cái ối a nằm ngang
Thương em từ thuở mẹ mang ối a đầy lòng
Sao vươn dăm cái ối a nằm tròn
Sao tư bốn cái ối a nằm vuông.

Sao đôi hai cái ối a nằm chồng
Thương em từ thuở mẹ bồng là bồng mát tay
Sao hoa ba cái ối a nằm soay
Thương em từ thuở được vay ối a nụ cười
Sao băng bay vút ối a vào đời
Sao sa rơi xuống ối a lòng vui.

Sao băng ngã xuống ối a gầm trời
Thương em từ thuở mẹ ngồi, mẹ ngồi nghĩ xa
Sao sa, sa xuống ối a vườn hoa
Thương em từ thuở người ta ối a lại gần
Sao hôm lấp lánh ối a đầu làng
Sao mai lấp lánh ối a đầu thôn.

Sao hôm le lói ối a đầu hè
Thương em từ thuở em về là về với ai
Sao mai le lói ối a ngọn cây
Thương em từ thuở về xây ối a tình người
Sao Vân xa tít ối a đầu trời
Sao quanh cao ngất ối a ngoài khơi.

Sao Vân muôn cái ối a mịt mùng
Thương em từ thuở nghìn trùng, nghìn trùng cách chia
Sao quanh theo gót ối a người đi
Thương em chỉ có trời khuya ối a nhìn về
Sao ơi, sao hỡi ối a buồn chi ?

BÀI CA SAO rồi thì phải có BÀI CA TRĂNG. Bài này cũng muốn là một bài ca tình tứ. Tôi muốn nói rằng khi trăng còn non nớt thì cho trăng đi chơi ngoài đồng vắng. Khi trăng lớn dần sẽ cho vào vườn chanh. Tới lúc trăng tròn trĩnh thì cho trăng vào giường ngủ với tôi. Rồi khi trăng già thì trăng sẽ khuất bóng. Một cuộc ra đi của trăng, chẳng khác gì cuộc lên đường của khách lữ hành vậy.

BÀI CA TRĂNG
(Saigon-1961)

Trăng ơi, trăng ới kìa là trăng ơi !
Trăng lá trai trong chiều vơi (láy)
Lưỡi trăng treo đầu trời, đầu trời
Ngoài đồng hoang vắng rơi (láy)
Trăng ơi, trăng ới tình còn nhỏ nhoi
Theo gió đưa trăng về khơi (láy)

Trăng ơi, trăng ới kìa là trăng xanh !
Trăng sáng soi trong vườn chanh (láy)
Sáng luôn trong vườn đào, vườn đào
Kìa là soi trắng đêm (láy)
Trăng ơi, trăng ới mặn nồng tình duyên
Trăng thức lâu trên giường êm (láy)

Trăng ơi, trăng ới kìa là trăng đêm !
Trăng đến khuya thăm người quen (láy)
Gối chăn đã lạnh mềm, lạnh mềm
Người về trong cõi duyên (láy)
Trăng ơi, trăng ới tình già bình yên
Trăng khuất mau sau màn đêm (láy)


Tiếp Tục Tình Ca

Từ 1956 cho tới 1962, tuy vẫn soạn nhạc tình, nhưng không bao giờ tôi có đủ lời ca và tấm lòng để nói lên tất cả những hoan lạc, khổ đau của những cuộc tình. Cho nên tôi phải vay mượn tiếng lòng của những người khác, bằng cách phổ nhạc rất nhiều bài thơ tình bất hủ, lúc trước là của Lưu Trọng Lư (HOA RỤNG VEN SÔNG, VẦN THƠ SẦU RỤNG, THÚ ÐAU THƯƠNG...), Huy Cận (NGẬM NGÙI), Xuân Diệu (CHIỀU), Hàn Mặc Tử (TÌNH QUÊ), Bích Khê (TỲ BÀ), Ðỗ Qúy Toàn (MUÀ XUÂN YÊU EM), Cung Trầm Tưởng (MÙA THU PARIS, TIỄN EM, CHIỀU ÐÔNG, BÊN NI BÊN NỚ, lúc sau là của Phạm Thiên Thư (NGÀY XƯA HOÀNG THỊ, EM LỄ CHÙA NÀY...), Phạm Văn Bình CHUYỆN TÌNH BUỒN) v.v...

Trước và sau đợt tình khúc tìm nhau, dìu nhau, kiếp nào có yêu nhau, đừng xa nhau... tôi còn soạn thêm dăm ba bài hát trước khi chúng tôi xa nhau. Trước hết là bài CHO NHAU. Trong bài này tôi muốn được dâng cho người yêu tất cả, không thiếu một thứ gì, chỉ xin giữ lại một điều: đó là sự tự do cho nhau.

CHO NHAU
(Saigon-1957)

Cho nhau chẳng tiếc gì nhau
Cho nhau gửi đã từ lâu
Cho nhau cho lúc sơ sinh ngày đầu
Cho những hoa niên nhịp cầu
Ðưa tuổi thơ đến về đâu ?
Cho nhau nào có gì đâu !
Cho nhau dù có là bao
Cho nhau cho phút yêu đương lần đầu
Cho rất luôn luôn cuộc sầu
Cho tình cho cả niềm đau.
Cho nhau làn tóc làn tơ
Cho nhau cả mắt trời cho
Cho nhau tiếng khóc hay câu vui đùa
Cho chiếc nôi cho nấm mồ
Cho rồi xin lại tự do.

Cho nhau ngòi bút cùn trơ
Cho nhau đàn đứt đường tơ
Cho nhau cho những câu thơ tàn mùa
Cho nốt đêm mơ về già
Cho cả nhan sắc Nàng Thơ.
Cho nhau tình nghĩa đỏ đen
Cho nhau thù oán hờn ghen
Cho nhau, xin nhớ cho nhau bạc tiền
Cho cõi âm ty một miền
Cho rồi cho cả đời tiên.
Cho nhau này dãy Trường Sơn
Cho nhau cả bốn trùng dương
Quê hương xin vẫn cho nhau như thường
Cho dứt tay chia đôi đường
Cho rồi, xin chẳng còn vương !

Ðây là một bài hát nữa trong loại nhạc tình của tôi thời đó, bài NGÀY EM HAI MƯƠI TUỔI. Về sau, bài này trở thành bài nữ ca số 10.

NGÀY EM HAI MƯƠI TUỔI
(Saigon-1961)

Ngày em hai mươi tuổi
Tay cắt mái tóc thề
Giã từ niềm vui nhé
Buồn ơi ! Hãy chào mi !
Ngày em hai mươi tuổi
Chưa biết nhớ nhung gì
Trên nụ cười mới hé
Niềm thương đã tràn mi.
Ôi ! Ðã thoáng qua tuổi thơ
Khi suốt đêm hồn ngơ
Nghe trái tim ngủ mơ
Ôi ! Khi ánh trăng thẩn thơ
Ru giấc mơ hiền khô
Môi tiết trinh nở hoa.
Ôi ! Bỗng sáng nay đàn chim
Bay tới thương dùm em
Thương sót hoa tàn đêm
Ôi ! Nghe gió reo ngoài hiên
Mưa sẽ rơi triền miên
Sẽ hết chuyện thần tiên.
Ngày em hai mươi tuổi
Tay níu chân cuộc đời
Cho ngừng lời giăng giối
Thời gian cũng đừng trôi.
Ngày em hai mươi tuổi
Mới chớm biết yêu người
Ðã buồn vì duyên mới
Rồi đây sẽ nhạt phai.

Nhạc tình của tôi trong thời gian này còn có thêm bài TÔI ÐANG MƠ GIẤC MỘNG DÀI, phỏng theo lời thơ của người bạn gái, soạn ra để riêng tặng tôi.

TÔI ÐANG MƠ GIẤC MỘNG DÀI
(Saigon-1967)

Tôi đang mơ giấc mộng dài.
Ðừng lay tôi nhé cuộc đời chung quanh.
Tôi đang nhìn thấy mầu xanh
Ở trên cây cành trôi xuống thân mình.
Tôi đang nhìn thấy mầu hồng
Ở khắp nẻo đường nhẹ thấm vào hồn.
Từ bình minh tươi mát
Về hoàng hôn thơm ngát
Làn gió đưa hương trời
Vào chứa chan lòng tôi.
Tôi nghe từ cõi đời vui
Vượt qua đêm dài lên tới sao trời.
Tôi nghe từ cõi lòng người
Lời nói bồi hồi tìm kiếm ngọt bùi.
Và nhìn thấy trong tim
Tình yêu, nở những con chim tuyệt vời.
Ðừng lay tôi nhé cuộc đời
Tôi còn trẻ dại cho tôi mơ mòng !



Phạm Duy