Phạm Duy Khiêm 1908-1974
- Details
- Written by Thụy Khuê
- Hits: 2721
5/12/2003
Trong số rất ít nhà văn gốc Việt viết tiếng Pháp, hai khuôn mặt nổi trội: Phạm Duy Khiêm và Nguyễn Tiến Lãng. Cả hai đều sinh trưởng trong những năm đầu thế kỷ XX và đã sống qua hai giai đoạn lịch sử: thời nước Việt còn bị trị, mang tên An Nam, xuất phát từ An Nam đô hộ phủ, do vua Cao Tông nhà Đường đặt cho nước ta từ năm 679 dưới ách đô hộ của nhà Đường. Người Pháp dùng lại tên An Nam là muốn xác định dấu ấn nô lệ trên cái tên nước, đồng thời họ gọi người Việt là annamite, một cách hạ thấp nhân phẩm kẻ bị trị thêm một lần nữa. Giai đoạn thứ nhì, nước Việt độc lập, lấy lại tên cũ Việt Nam do vua Gia Long đặt sau khi thống nhất đất nước. Và người Việt trong tiếng Pháp trở thành vietnamien, một danh từ bình đẳng hơn. Với chữ vietnamien, dân Việt mất dấu ấn đô hộ, trở thành một dân tộc bình thường như tất cả các dân tộc khác. Tựu trung, hai thời kỳ lịch sử có thể tóm gọn lại trong hai chữ: An Nam - Việt Nam, annamite và vietnamien.