Thời Kỳ Ði Tìm Nhạc Ngữ Mới (đầu thập niên 30)
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 4084
Vào đầu thập niên 30, tại Hà Nội, trẻ em cũng như người lớn gần như không có cái thú nghe hát hay biểu diễn ca hát. Ca nhạc cổ truyền như Hát Trống Quân, Hát Quan Họ... hoàn toàn vắng mặt tại các thành phố. Ngay cả trong các vùng thôn quê là nơi xuất xứ của các loại dân ca đó, người dân Việt Nam sống dưới chế độ thực dân Pháp cũng không còn hết lòng ca hát trong các vụ hát hội, hát đám nữa.
Trẻ em muốn nghe hát thì chỉ có thể nghe Hát Xẩm của người mù hát dạo trên phố xá. Người lớn thích nghe hát thì đi coi Hát Chèo Văn Minh tại rạp Sán Nhiên Ðài hay Hát Tuồng Cải Lương tại rạp Quảng Lạc. Hoặc đi nghe hát cô đầu, tức là đi nghe Hát Ả Ðào. Cũng có thể nghe thêm Ca Huế mà cô Nhơn hát trên đĩa nhựa 78 vòng của máy hát chạy bằng lò so. Lúc đó, đối với người dân Hà Nội, những bài Nam Ai, Nam Bình... được ưa thích vì là của lạ, hãng BÉKA của người Pháp cho phát hành khá nhiều dĩa Ca Huế...
Bài hát hiếm hoi như vậy cho nên trong phạm vi hát chơi, người lớn chỉ có vài điệu cổ để hát. Ví dụ một bài về tình yêu, hát trên điệu Bình Bán :
Tôi chờ cô tối qua
Suốt canh chầy chẳng thấy cô ra.
Chờ bấy lâu mới biết cô là
Cô là người tôi thường hay ước mơ...