Viết về "Vỉa Hè Ca"
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 4157
Sức mấy mà buồn niềm vui ở ta đến.
Sức mấy mà buồn phải vui để sống còn...
(SỨC MẤY MÀ BUỒN)
Trong suốt một đời, tôi chỉ muốn được nói thật nhiều về đất nước và con người Việt Nam. Khi thì nói với ngôn ngữ ngợi ca và tả thực hay hiện thực như trong nhạc kháng chiến. Khi thì nói một cách trừu tượng, siêu hình với trường ca. Tâm ca thì dùng hẳn trực ngôn và khi thấy nói như vậy mà chưa thấy đủ thì có tâm phẫn ca đi theo...
Nhưng nếu những bài ca kháng chiến mang ngôn ngữ của cả bình dân (nhất là nông dân) lẫn trí thức thì những loại ca sau đó như trường ca, tâm ca, tâm phẫn ca nhắm vào giới có học nghĩa là thanh niên, sinh viên thị thành. Tôi lại còn nhận thấy trường ca, tâm ca đứng đắn quá, nói cách khác, nó cũng có thể là bài ca đạo đức giả hay mị dân, là điều tôi sợ nhất trong đời ! Tôi bèn phá tung những huyền thoại đó bằng cách xuống vỉa hè.
Ngôn ngữ vỉa hè Saigon lúc đó là gì ? Là Sức mấy mà buồn, Bỏ đi Tám, Ô Kê Salem... Cũng chẳng cứ gì anh phu xe, chị bán hàng rong, chú bé đánh giầy, người lính Cộng Hoà -- lính mà em -- mới chế ra những danh từ của thời đại. Ngay Tổng Thống, Phó Tổng Thống, Tướng, Tá, nhà văn, nhà thơ... ai cũng đều nói : sức mấy, sức voi, ô kê, chịu chơi, Tết Congo... Do đó tôi cũng cởi áo trang nghiêm để khoác áo bình dân. Tôi soạn vỉa hè ca số 1, Sức Mấy Mà Buồn :
Sức mấy mà buồn ! Buồn Giao Chỉ không lớn !
Sức mấy mà buồn ! Chịu chơi cả với buồn...
... với mục đích dùng ngôn ngữ của vỉa hè thành phố Saigon để nói những gì tôi đã nói qua tâm ca. Theo tôi, tinh thần sức mấy là một cái gì rất Việt Nam. Đó là phản ứng muôn đời của người mình trước định mạng. Nó là niềm tự tin, sự coi thường khó khăn. Sức Mấy Mà Buồn, trong thực tế nói triết lý đó lên một cách rất bình thường, không dung tục hoá hay cường điệu hóa chút nào cả ! Vỉa hè ca này nói cái gì ? Nó nói trong ái tình :
Tôi buồn vì nó đã bỏ tôi !
Tôi buồn vì nó đã đi rồi !
Tôi buồn nhưng nó vẫn thảnh thơi
Tôi buồn một lúc sẽ tức cười !
Ơ ! Sức mấy mà buồn...
Đối với những cái buồn viển vông như :
Tôi buồn vì tích hát, chuyện phim.
Tôi buồn vì những cái hão huyền.
Tôi buồn không có cớ là (tôi) điên.
Không buồn lại rước lấy cái phiền !
Hơ ! Sức mấy mà buồn...
Còn cái buồn lớn của người Việt Nam hiện nay là gì ? Là chiến tranh phải không ? Cho nên :
Tôi buồn vì đấm đá mọi nơi.
Tôi buồn vì chém giết tơi bời.
Tôi buồn vì đất nước tả tơi...
Vỉa hè ca bèn mượn lời của nhà văn Vũ Trọng Phụng :
Biết rồi ! Khổ lắm ! Cứ nói hoài !
Cái tinh thần sức mấy đã có sẵn trong người Việt Nam cho nên tác giả chỉ kết luận dùm :
Không buồn thì đã có làm sao ?
Không buồn là sẽ hết đau đầu !
Không buồn đi đấu hót cùng nhau.
Yêu đời bằng bất cứ giá nào !
Và câu nói cuối cùng của tác giả là gì ? Là :
Sức mấy mà buồn, cười lên để tranh đấu !
Sức mấy mà buồn vượt ra khỏi cái sầu !
Sức mấy mà buồn niềm vui ở ta đến.
Sức mấy mà buồn phải vui để sống còn !
Lúc tôi soạn vỉa hè ca là lúc quân đội ngoại quốc đổ bộ ào ạt vào Việt Nam, trước sự xâm nhập của nền văn minh vật chất, một số người mình quả thực có chạy theo lối sống Âu Mỹ ! Sự ham muốn những gì quá tầm tay của mình, chẳng hạn già như tôi mà còn mê gái sẽ bị gái nguýt cho một cái ''Xí ! Già mà ham'' ! Trong xã hội Việt Nam hồi đó, nếu ta ngăn được cái lối nghèo mà ham ở mọi địa hạt, ta sẽ tránh được cảnh ô kê salem rất lem nhem đó. Tôi soạn bài Nghèo Mà Không Ham với mục đích này :
Nghèo mình nghèo mà mình không ham
Xin cô em đừng nên quá đáng
Nghèo mình nghèo mà mình không ham
Xin anh Hai đừng nên láng cháng
Chớ khoe giầu là chớ có khoe giầu
Chớ khoe sang là chớ có khoe sang
Nghèo mình nghèo mà mình không ham
Xin bà con đừng nên vội mừng...
. . . . . . . . . .
Nghèo mình nghèo là nghèo cho vui
Không lên voi mình không xuống chó
Nghèo mình nghèo của mình không to
Tuy không ''beau'' mình không xí quá (1)
Sống cho đẹp là mình sống cho đẹp
Chết cho oai là mình chết cho oai
Nghèo mình nghèo là nghèo chơi chơi
Chưa thực ai thực ai là nghèo...
Bây giờ mới có dịp để nhìn kỹ vào vỉa hè ca. Té ra nó là luân lý ca ! ! !
Hai bài ca vui đùa này được in ra và bán rất chạy. Nhưng lập tức có sự phê bình gay gắt đến từ nhiều phía. Tôi định soạn thêm bài Ô Kê Salem, Ô Kê Nước Mắm thì cụt hứng ! Nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn chưa chịu thua...
Phạm Duy (trích Hồi Ký 3)