Nói Về Rong Ca
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 6010
Vào năm 1988, cuộc đời đã đẩy đưa tôi tới sống tại Thị Trấn Giữa Đàng USA đúng 12 năm rồi.
Sau hai năm ngồi thanh toán 10 năm sáng tác ở hải ngoại để in ra nhạc tập Thấm Thoát Mười Năm và ngồi thu xếp lại cái gọi là sự nghiệp – từ 1942 cho tới nay sấp sỉ là -- 500 hay 700 ca khúc để in ra tập Ngàn Lời Ca... tôi nhìn ra cuộc đời đã có nhiều thay đổi.
Tôi nhìn vào bản thân mình, nhờ có sự tổng kết cái gọi là sự nghiệp. tôi thấy rằng nếu tôi đã có loại nhạc hứng khởi của thời kháng chiến hứng khởi và oai hùng. Nếu có thêm nhạc xưng tụng quê hương dân tộc ngọt ngào và hàn gắn của thời Việt Nam bị phân chia hai miền... thì tôi cũng có những bài ca ai oán, uất hận hay những bài hát ảo ảnh quê hương trong hơn 10 năm sống đời di cư mê sảng, lưu vong tủi nhục. Trước những biến chuyển của lịch sử, nếu tôi còn muốn tiếp tục làm người hát rong thì từ nay trở đi tôi phải làm cái gì khác.
Lúc này, nhìn vào thế giới, đối với tôi, cuộc chiến tranh lạnh đã sắp tàn, tôi biết trước rằng Nga Sô sẽ phải thay đổi, tôi đoán già đoán non là Việt Nam cũng sẽ phải đổi thay.
Còn nhìn vào người Việt hải ngoại, tôi thấy nhạc Việt Nam, dù là loại nhạc đứng đắn với đề tài quê hương vang bóng một thời hay quê hương một thời đau khổ... chỉ còn làm cho một số ít người rung động. Trong đa số người bỏ nước ra đi, sau 10 năm bị cắt đứt với quê cũ hay sống rời rạc nơi quê mới, mối dây liên lạc giữa người ra đi và đất nước, giữa đồng hương với nhau không còn chặt chẽ như xưa nữa.
Nhạc quê hương dân tộc soạn ra ở hải ngoại giống như chuyện khôi hài của một anh hề. Đã nhiều lúc tôi chua sót trong lòng khi tiếp bạn bè hay khách lạ, trong câu chuyện tầm phơ hay thân tình ở hải ngoại, có ai đó thốt ra bốn chữ tình nghĩa lưu vong, thì đối với tôi, dù thấy nó là vô nghĩa đấy nhưng nó lại thật nhiều ý nghĩa !
Như đã nói ở một chương trước, nghề phát hành băng nhạc hiện giờ nằm trong tay những ông hay bà chủ nhân chỉ chú trọng đến thương mại hơn là văn hóa, văn nghệ. Nhạc được phổ biến mạnh mẽ ở hải ngoại đã mất dần tính chất quốc gia, dân tộc để chỉ còn là nhạc lai căng, nhạc kích động. Âm nhạc không đánh vào con tim hay khối óc nữa mà chỉ đánh vào bản năng, vào thú tính của con người.
Tôi còn thấy rõ ràng là thế hệ thứ hai (second generation) -- đặc biệt là ở Hoa Kỳ -- tức là lớp tuổi hai mươi, coi nhạc Việt là một sản phẩm văn hoá rất xa lạ. Chúng không như các bậc cha mẹ để có ít nhiều kỷ niệm êm đềm hay xót xa về nước Việt Nam cả. Và ngay cả cha mẹ chúng cũng còn muốn quên dĩ vãng nữa là...
Tôi đã nói : trước những biến chuyển của lịch sử, nếu tôi còn muốn tiếp tục làm người hát rong thì từ nay trở đi tôi phải làm cái gì khác. Làm cái gì bây giờ ? ? ?
Thế rồi trong vài chuyến đi chơi ở Cựu Kim Sơn vào đầu năm 1988, tôi bỗng nhìn thấy chỉ còn 12 năm nữa là tới thế kỷ thứ 21. Tôi bèn nghĩ ngay tới việc soạn ra những bài hát cho năm 2000. Chọn đề tài này, tôi không còn chạy theo cái nhất thời mà đi tìm cái vĩnh cửu. Dù rằng trước đây những xu hướng trở về nội tâm cũng đã ló ra trong những bài hát soạn cho ngoại vật. Từ nay trở đi, đối với tôi, có lẽ tôi phải bỏ quên các loại nhạc tình cảm và nhạc xã hội để đi tới nhạc tâm linh.
Tôi lại làm công việc soạn đủ 10 bài cho một thứ chương khúc nữa, bây giờ được gọi là Mười Bài Rong Ca với đầu đề Người Tình Già Trên Đầu Non hay là Hát Cho Năm 2000.
Người Tình Già Trên Đầu Non
Hẹn Em Năm 2000
Mẹ Năm 2000
Mộ Phần Thế Kỷ
Ngụ Ngôn Mùa Xuân
Nắng Chiều Rực Rỡ
Bài Hát Nghìn Thu
Trăng Già
Ngựa Hồng
Rong Khúc
Phạm Duy