Phạm Duy, Nắng Chiều Rực Rỡ
- Chi tiết
- Lê Uyên Phương
- Lượt xem: 7571
(Tạp Ghi - báo NGƯỜI VIỆT, 1988)
Như tiếng chuông vọng đến từ hư vô. Như những tia chớp sáng ngời trong đêm tối. Như những tia nắng ấm đầu tiên của một ngày trong mùa Ðông giá lạnh. Như những tia nắng chiều rực rỡ của một ngày đầy vui buồn của kiếp sống. Âm nhạc Phạm Duy đã đến trong mỗi cuộc đời Việt Nam như không khí trong bầu khí quyển của ca dao, tục ngữ, của truyện Kiều, của Cung Oán Ngâm Khúc, của Chinh Phụ Ngâm, của ngôn ngữ, của âm thanh, của cảm xúc Việt Nam. Trong đáy lòng của mỗi người Việt Nam, từ đã từng là một thiếu niên trong thời kháng chiến hay đến hôm nay là một thanh niên ở cuối thế kỷ 20, đều mang một dấu vết nào đó còn sót lại của bầu dưỡng khí đã nuôi lớn tâm hồn họ trong gần nửa thế kỷ này.
Người ta có thể tưởng tượng mọi điều, nhưng không một ai có thể đặt giả thiết là họ đã ngừng thở một lúc nào đó trong quá khứ. Âm nhạc của Phạm Duy cũng vậy, người ta không thể giả thiết rằng một người Việt Nam nào đã chưa từng nghe một bài hát nào của Phạm Duy trong suốt cuộc đời của họ. Một ca khúc khi được tiếp thu bởi não bộ, ngừng một lúc ở con tim của một người rồi tuôn ra từ chiếc lưỡi của người đó thì dù muốn dù không, anh ta cũng bị nhiễm bởi chính ca khúc đó rồi. Nói như thế để thấy cái chỗ thực sự của Phạm Duy trong mỗi tâm hồn Việt Nam.
Bao giờ nghe những ca khúc mới của Phạm Duy, tôi cũng vô cùng xúc động và cảm khoái. Xúc động bởi cái tình hàm chứa trong đó và cảm khoái bởi sự sáng tạo bừng lên từ đó. Lần này khi nghe tập rong ca ''Người tình già trên đầu non'', không những tôi đã xúc động, đã cảm khoái mà còn cảm nhận được trong sâu thẳm của tâm hồn tôi một ước muốn được chia xẻ với nhạc sĩ Phạm Duy, chia xẻ niềm mơ ước được bước ra khỏi chính bản ngã của mình để hòa nhập vào một vũ trụ chưa từng thấy, kể cả trong trí não của con người -- một thế giới chưa biết từ cái đã biết, một thế giới chưa có từ cái đã có.
Hát cho năm 2,000 hay hát cho năm 20,000 không có sự khác biệt nào từ bản chất, nó có sự cách biệt về thời gian, nhưng thời gian thực sự không bao giờ đủ, cũng không bao giờ thiếu để bước từ cái không đến cái có, từ cái đúng đến cái sai, từ cái đã biết rồi đến cái chưa từng biết.
Những bài rong ca của Phạm Duy, mở ra cho người nghe những con đường không phải ở trên mặt đất, chúng rất gần với những con đường trong trí não con người nhưng chúng còn gần hơn với những con đường bên kia của trí não đó. Phạm Duy rong ca về những con đường, ông không rong ca trên những con đường đó, và đó chính là điều tôi muốn được chia xẻ cùng ông. Sự trói buộc của thòi gian và không gian trong kiếp người làm bung lên trong tác phẩm nghệ thuật những ảo giác về một thế giới không biên cương, một thiên đường, một niết bàn, một Tây Phương Cực Lạc... nhưng thế giới không biên cương đó thực sự không ở ngoài mặt đất của chúng ta, sự trói buộc của thời gian là sản phẩm của tư tưởng con người, chính cái muốn đóng khung đời sống của chúng ta lại, chính cái yêu, cái ghét, cái sai, cái đúng tạo những giới hạn cho đời sống của chúng ta. Khi một người phá vỡ đựơc bản ngã của hắn thì thế giới giới hạn không còn nữa, lúc đó hắn thực sự rong ca trên mọi điều của kiếp sống, lúc đó là nghìn thu, lúc đó là nắng chiều rực rỡ, lúc đó là ngựa hồng vượt qua trôn kim, lúc đó là Phạm Duy ''Người tình già trên đồi non...''
Âm nhạc, nghệ thuật không bao giờ có tuổi, cũng chẳng có hình tướng và Phạm Duy là người thể hiện điều đó rõ ràng nhất, ông đã ở trong cái ước muốn của một cô bé 13 tuổi, ông đã hòa nhập với nỗi lòng của người cô phụ, ông đã ở trong tinh thần của một chiến sĩ... quãng đường ông đã đi qua, quả thật vô cùng nhộn nhịp, bên cạnh ông luôn có những kẻ đồng hành, ông cất tiếng hát thay cho họ và họ cảm thấy bước chân của họ vững chắc hơn, thơ mộng hơn, tuyệt vời hơn và giờ đây với ''Người tình già trên đầu non'', Phạm Duy đang ở trong chính Phạm Duy, ông đang từng bước đi sâu vào nội tâm ông, ông đang khám phá chính ông. Không còn ai là kẻ đồng hành với ông trên đoạn đường nầy nữa, vì thế mà những ca khúc trong tập nhạc này bàng bạc một cái gì hết sức cô đơn, hết sức lặng lẽ. Mỗi âm thanh đã đến với tôi như những lời mời gọi âm thầm của trời chiều, ánh sáng bừng lên ở cuối chân trời, rực rỡ như hào quang. Người nghe cảm nhận ở nơi đó một cái gì, vừa thực, vừa giả, vừa như ngắn ngủi, vừa như thiên thu, vẻ đẹp thật là kỳ quái, nếu người nghe bước qua khỏi được những giới hạn của chủ quan, hẳn sẽ cảm thấy được sự kỳ diệu của một đời người sáng tạo, hẳn sẽ thấy được cái chung trong cái riêng của Phạm Duy, cái riêng trong cái chung của Phạm Duy và hôm nay cái riêng trong cái riêng của Phạm Duy.
Tôi ước mong tape nhạc ''Người tình già trên đầu non'' của Phạm Duy sẽ được đón tiếp một cách nồng hậu để chúng ta còn hy vọng là những tác phẩm giá trị thực sự vẫn còn có chỗ đứng trong tâm hồn của những người tỵ nạn Việt Nam chúng ta.
Với hòa âm tuyệt vời của Duy Cường, cùng tiếng hát thâm trầm của Duy Quang và giọng hát hết sức mượt mà của Thái Hiền, băng nhạc NTGTÐN quả là một sự hoàn hảo trên nhiều phương diện, nó thể hiện được cái tính đồng nhất trong toàn bộ của một tác phẩm, sự gắn bó tự nhiên và hoàn toàn giữa nội dung của ca khúc với nghệ thuật sử dụng âm sắc đúng lúc và thông minh của Duy Cường và những tiếng hát không thể thay thế được của Duy Quang và Thái Hiền, công trình nghệ thuật nầy thật xứng đáng cho mỗi một người yêu âm nhạc Việt Nam nâng niu, gìn giữ. Chúng ta đã đánh mất nhiều điều trong cuộc sống của chúng ta, nhưng có những điều nếu mất đi thì chúng ta sẽ mất một cơ hội lớn để thăng hoa chính đời sống của mình, cuốn băng nhạc ''Người Tình Già Trên Ðầu Non'' là một trong những điều không thể nào mất được đó.
Lê Uyên Phương