Hương Ca, xuân mới của Phạm Duy
- Chi tiết
- Lê Hữu
- Lượt xem: 5680
13.11.2007
"Xuân hồng, có chàng tới hỏi,
'Em thơ, chị đẹp em đâu?...'"
Sau cùng thì "Tình Sầu", bài thơ cũ với những câu thơ thật là đẹp của Huyền Kiêu, bài thơ sau bao năm tưởng bị lãng quên, đã được chiếc đũa thần của nhà phù thủy âm thanh chạm tới và đã bước ra khỏi những trang thơ tiền chiến để hóa thành một trong những bài "hương ca" mới nhất của Phạm Duy.
Bài thơ "bị lãng quên" ấy, cùng với những bài thơ khác là hương là hoa của đất nước, những bài thơ của các thi sĩ già, trẻ thuộc những thế hệ khác nhau, cũng đã được nhạc sĩ Phạm Duy chắp cho những đôi cánh nhạc, và khoác cho tên gọi là "Những Bài Hương Ca".
Hương ca và tình ca quê hương
Sao gọi là "hương ca"? "Hương ca" hiểu theo nghĩa nào? "Hương ca" là dòng nhạc tiếp nối của những bài tình ca quê hương trước năm 75? "Hương ca" bây giờ và những bài tình ca quê hương ngày trước khác nhau ra sao?
Nhạc sĩ Phạm Duy chắc đã có sẵn câu trả lời cho những câu hỏi đại loại như vậy.
Làm sao không khác được, vì quê hương của những năm 2000 phải khác với quê hương của những năm 50, quê hương của những "cánh đồng cát dài", những "lũy tre còm tả tơi", của "chiều rơi thoi thóp trên vài luống khoai..." Đã có một khoảng cách thật là dài giữa quê hương những năm 2000 với "quê hương tôi, bóng đa ôm đàn em bé, nắng trưa im lìm trong lá, những con trâu lành bên đồi..." Bao năm rồi còn gì. Bao nhiêu là nước chảy dưới chân cầu, bao nhiêu là mây trôi trên bầu trời xanh kia. Chiếc bánh xe nặng nề của thời gian đã lăn đi một vòng quay 50 năm...
Làm sao không khác được, vì Phạm Duy là người không thích lặp lại, không muốn quay về cái cũ, vì Phạm Duy là luôn luôn mới, là luôn luôn đi tới...
Nghe Phạm Duy với "hương ca" là nghe một Phạm Duy rất mới, là nghe những bài hát rất mới về quê hương.
Gọi "Hương Ca" là "những bài tình ca quê hương" những năm 2000 cũng được vậy, có điều là Phạm Duy còn muốn nói nhiều hơn thế nữa. Ông còn muốn kể ta nghe về "hương sắc quê mình", về những "hương hoa đất nước", về những vẻ đẹp đơn sơ đôi lúc chỉ thoáng qua nhưng còn đọng lại mãi trong lòng người.
Ông như người làm vườn chăm chút từng cành lá, nâng niu từng cánh hoa, yêu đến từng vẻ đẹp của những bông hoa trong khu vườn đầy hương sắc của quê mình. Ông như như người "gìn vàng giữ ngọc" kho tàng quý giá của đất nước mình.
"Hương Ca", như nhạc sĩ Phạm Duy cho biết, hầu hết là những sáng tác sau những chuyến đi, về Việt Nam, từ sau năm 2000.
Về thăm đất nước, về thăm lại mảnh đất nơi ông cất tiếng khóc chào đời, nơi ông từng viết nên câu hát "Việt Nam, hai câu nói trên vành nôi..." Về thăm đất nước, về thăm lại mảnh đất nơi ông khoác cây đàn lên vai, khởi đầu cuộc "hành trình âm nhạc Phạm Duy", cuộc hành trình "khóc cười theo mệnh nước nổi trôi..." Về thăm đất nước, về thăm lại những đời người đã cũ, về gặp lại chính mình, về nhìn lại, nhớ lại, để thấy lòng mình buồn vui ra sao... Sau hết, về thăm đất nước để viết những bài "hương ca mới" từ những cảm xúc đọng lại sau những chuyến đi.
Những chuyến đi đã mang về "Hương Ca".
"Cái khó cho tôi là xưng tụng quê hương như thế nào để không bị hiểu lầm là xưng tụng ai cả," ông nói, có chút băn khoăn. Quả có khó, tôi hiểu, vì cuộc đời "người yêu, kẻ ghét", và càng khó đối với con người nghệ sĩ tự do Phạm Duy, từng lắm phen hứng chịu những mùi dùi công kích. Soạn "Những Bài Hương Ca", đối với Phạm Duy, quả là một "thử thách" với riêng ông. Liệu ông có vượt qua nổi? Liệu ông có cần những giải thích, giải bày vì những hiểu lầm, hiểu đúng?... Trên hết mọi thứ, tôi nghĩ, Phạm Duy sau cùng đã tìm được lời giải đáp, tìm ra câu trả lời cho chính ông. Chính điều này mới thực sự có ý nghĩa.
Thực ra, ông không cần phải lo. Hàng trăm người nghe ngồi chật kín phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt ở Nam Cali. trong "Đêm Sinh Nhật Phạm Duy" cuối tháng Mười vừa qua đủ để trả lời ông. Người ta đến vì lòng yêu mến ông và để chúc mừng, để chung vui cùng ông. Người ta đến chỉ để nghe nhạc ông và nghe ông trò chuyện. Nghe và tán thưởng. Ông còn mong gì hơn nữa.
Sinh nhật năm ngoái của nhạc sĩ Phạm Duy, tôi nhớ có viết: "83 tuổi, như cách nói vui của ông, chỉ là con số... 38 đảo ngược. Ở độ tuổi vẫn được kể là... trung niên ấy, 'đại lực sĩ Phạm Duy' (nói như nhà thơ Nguyên Sa) vẫn còn sung sức lắm, vẫn thừa sức hai tay nhấc bổng hai quả tạ nặng ký 'Minh Họa Kiều I và II'. Trái tim ông mở rộng, háo hức, tràn trề sức sống..." Sinh nhật 84, Phạm Duy còn "thừa thắng xông lên", biểu diễn thêm một màn ngoạn mục: quả tạ thứ ba nặng ký hơn, "Minh Họa Kiều III", được ông tiếp tục nâng lên, cùng với "Những Bài Hương Ca" lần đầu tiên được chính thức giới thiệu với giới thưởng ngoạn nghệ thuật.
Các dĩa nhạc "Hương Ca" đã đến tay người yêu nhạc Phạm Duy trong đêm ấy. "Hương ca" sẽ được đón nhận ở mức nào? Câu trả lời thực ra vẫn còn ở phía trước. Thế nhưng, đối với Phạm Duy, sự ra đời của những "hương ca" ấy chắc có làm ông nhẹ nhõm, vì đã không để lỡ một cuộc hẹn với chính ông, và hơn thế nữa, vì nỗi nhớ quê hương quặn thắt.
Trái tim Phạm Duy là trái tim nặng trĩu nỗi niềm hoài hương, nặng trĩu những hoài niệm quá khứ . Tuổi đời càng chồng chất, tình quê càng đậm đà. Càng xa quê lâu năm, nỗi nhớ càng thêm se sắt.
"quê nhà xa lắc xa lơ đó
ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay..." (1)
"Làm gì có trăm năm mà đợi..."
về đây nhé, cắm xong chiếc thuyền hồn
ôi lãng du quay về điêu tàn...
"Sáu mươi năm sau, lại được trở về nơi mình đã từng ngồi đó, đã từng ước mơ, nay tóc đã bạc trắng nhưng con tim thì hình như vẫn còn mơ mộng như ngày nào... Cảnh vật có thể hoang phế nhưng lòng mình không chút hoang vu mà lại ấm áp vô cùng..."
Những dòng trên (trong Bút Ký "Lữ Khách Trở Về" của Phạm Duy) là những dòng phơi trải tâm tình của ông trong chuyến trở về đầu tiên, ngồi lại trên nền nhà cũ, lắng nghe những cảm xúc của mình, như lắng nghe "giọt mưa đã gieo trên thềm nhà", như "người ngồi im bóng, lắng nghe tháng ngày qua..."
"trăm năm dầu lỗi hẹn hò
cây da bến cũ, con đò khác đưa"
Câu ca dao đổi khác đi một chút ấy đã ít nhiều tác động đến quyết định "trở về mái nhà xưa" (2) của nhạc sĩ Phạm Duy. Trở về, dẫu có muộn màng, dẫu tóc "người tình già" đã trắng như bông, dẫu đã hết một thời "về đây khi mái tóc còn... xanh xanh".
"Đã bao năm rồi tôi cứ ngồi khoanh tay chờ đợi một điều gì đó," Phạm Duy bộc bạch. Ông tự ví mình như nhân vật trong vở kịch "En attendant Godot" của Samuel Beckett. Nỗi đợi chờ khắc khoải, mỏi mòn, như người ngồi đợi hoài những giấc mơ sẽ không bao giờ đến. Nỗi đợi chờ trong câm lặng, ngày qua ngày, trong lúc cuộc sống vẫn lao nhanh về phía trước, trong lúc thời gian vẫn như nước sông trôi lững lờ trên dòng Hương giang ấy, trên dòng sông ghi dấu đời mình, ghi dấu một cuộc tình...
"làm gì có trăm năm mà đợi
làm gì có kiếp sau mà chờ"
Câu thơ đã đánh thức Phạm Duy, đã lay ông dậy... Ông như người tỉnh ngộ, như vừa giật mình thức giấc sau một giấc ngủ dài. "Mặc dầu đã lâu không còn cái thú soạn ca khúc nữa," ông nói, "tôi đã phổ nhạc ngay bài thơ ấy." Và thế là "Về Thôi", thế là bài thơ của Lưu Trọng Văn (con trai người bạn cũ của ông, thi sĩ Lưu Trọng Lư) với lời đề tặng "người tình già", đã hóa thành "Trăm Năm Bến Cũ", hóa thành bài "hương ca số 1" của Phạm Duy.
Câu thơ réo gọi. Về thôi, "người tình già đầu non" (2)... "Thế là," ông nói, "không còn ngần ngại, chần chừ gì nữa, tôi đã trở về vào đầu năm 2000." Phải về thôi, để không còn những băn khoăn, do dự, để thôi hết những trăn trở, dùng dằng. Phải về thôi, vì câu thơ ấy, vì tiếng gọi ấy, vì những người còn mong đợi ngày ông trở lại....
nào đâu có trăm năm, đâu có trăm năm, mà chờ mà đợi
nào đâu có kiếp sau, đâu có kiếp sau, mà đợi mà chờ...
Câu thơ hóa thành câu hát. Những dấu láy, những câu, chữ lặp đi lặp lại như thôi thúc, giục giã. Có đợi chờ thêm nữa cũng chỉ hoài công thôi, vì "sáo đã sang sông", vì "khúc tình xưa, xưa ấy, đã xưa rồi..."
Phải về thôi, về để thăm lại những đường xưa lối cũ, để có những giây phút tương phùng, những hội ngộ kỳ thú với những người thân yêu, những bầu bạn thâm tình răng long, đầu bạc đã có chung nhau những bề dày kỷ niệm. Về để thấy lại "cây da bến cũ", nhưng không thấy "con đò năm xưa" vì "o đò năm trước đi mô không về..."
Phạm Duy vẫn là người nhạc sĩ ngợi ca tình yêu quê hương đấy chứ? Phạm Duy vẫn còn viết những bài tình ca đất nước đó sao? Tất nhiên rồi, trước sao sau vậy, có gì khác đâu.
Khi mà người ta vẫn còn dạy các em nhỏ "mang theo quê hương trong mỗi trái tim mình" thì những "người lớn" như ông làm sao có thể chối bỏ được quê hương. Quê hương bây giờ hay "quê hương trong trí nhớ", quê hương ngàn xưa hay ngàn sau... cũng chỉ một tên gọi. Qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử, qua bao nhiêu triều đại hưng phế, "nét quê hương nghìn năm vẫn là..." (3)
Cũng như tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương có bao giờ cạn, như những con sông của ba miền đất nước–sông Hồng, sông Hương, sông Cửu Long–chẳng bao giờ cạn nguồn. Trong "hương ca" Phạm Duy, vẫn là những ngợi ca đất nước, con người, vẫn là ruộng đồng, núi non, sông biển..., nhưng cách thể hiện có khác trước. Điều này cũng dễ hiểu thôi. Trước hết, vì cái nhìn của Phạm Duy đối với quê hương đã ít nhiều thay đổi. Bao nhiêu là tang thương dâu bể, bao nhiêu là vật đổi sao dời, làm sao không đổi thay... Những cảm xúc, cảm quan mới qua những chuyến về thăm quê đã là nguồn cảm hứng cho Phạm Duy để có những bài "hương ca mới".
Quê hương là những địa danh, những nơi chốn, những tên gọi thân quen của Bắc Trung Nam ba miền. Quê hương đi từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mâu, đi suốt chiều dài đất nước.
... có bóng người vô danh
từ bên này sông Tiền
qua bên kia sông Hậu
mang theo chiếc độc huyền
và điệu thơ Lục Vân Tiên...
. . . . .
thân không là lính thú..u...ú
sao không về cố hương (ha)
chiều về nghe vượn hú..u...ú...
Chuỗi láy uốn lượn, ngân nga "ú u ú u ù..." nghe như những... tiếng hú man dại vọng ra từ rừng chiều. Đấy là "Hương Rừng", một "hương ca" khác (phổ từ những câu thơ Sơn Nam trong "Hương Rừng Cà Mâu"), với tiết tấu, nhịp điệu mạnh mẽ, khỏe khoắn, như toát lên nguồn sinh lực mới, như mạch sống dâng trào... Những ngắt nhịp ngắt quãng ngắn, gọn, dứt khoát, với những nốt đệm chắc nịch ở cuối câu (hu, hư, ha...), tựa những bước chân hăm hở băng rừng vượt suối, đi mãi đi mãi vào tận rừng sâu...
Yêu quê hương, yêu đến từng con lạch nhỏ,
yêu bùn yêu đất, yêu muỗi yêu mòng...
yêu khu rừng dâng nước (ha...)
yêu tràm đứng hiên ngang (ha...)
yêu vo ve đàn muỗi (há...)
yêu lạch nước thân thương...
ta yêu đời mưa nắng (ha...)
yêu bùn cũng là yêu (ha...)
yêu quê hương ruộng đất (há...)
yêu hương rừng ngọt thơm...
Từng lời ca, ý nhạc là những "minh họa" sắc nét về truyền thống và bản sắc của một dân tộc luôn phấn đấu để vươn lên, xốc tới, ở bất cứ thời đại nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào...
Về thăm lại quê hương để thấy quê hương là những đổi thay. Những hình tượng, những mẫu người điển hình cho Phạm Duy xưng tụng một thời như bà mẹ quê, bác nông phu, anh chiến sĩ, người thương binh... đã mất dấu, đã bị xóa nhòa. Quê hương đâu còn vận áo nâu sồng, chít khăn mỏ quạ hay đội nón quai thao... Quê hương bây giờ là triển lãm phấn son, là phơi bày da thịt, là căng tròn nhựa sống.
... da thịt em ráng chiều vụt tắt
xa lạ như mắt cá quẫy vào
vào lòng biển sâu giữa buổi chiều hoang...
Hơn thế nữa:
em là con ngựa non thon vú
giữa rừng người hoang vu
anh và em lạc vô thành phố
vó ngựa buồn quanh co...
Vẫn chưa hết:
ai bảo em tô môi trước tuổi
ai bảo em mặt trời hoàng hôn
ai bảo em da trắng nhễ nhại
ngực em bày chật một ô buồn...
Ôi quê hương tội tình. Quê hương là "vó ngựa buồn quanh co". Đấy là "Ngựa Biển", là bài "hương ca" phổ thơ Hoàng Hưng với tiết tấu dồn dập, như từng đợt sóng cứ xô tới, xô tới, và bóng ngựa chập chờn cưỡi trên mặt sóng như một ảo ảnh, một huyền thoại...
em áo trắng sóng tung ghềnh đá
em áo vàng biển động sóng rơi...
Về thăm quê hương là về thăm lại những nhánh sông đời mình, những dòng sông hiền hòa hay những khúc sông cuồn cuộn sóng. Về thăm quê hương là về soi lại đời mình dưới chân cầu sóng vỗ, là về ngồi lại bên cầu nhìn nuớc sông trôi êm đềm để "lặng nghe dòng đời từ từ trôi".
Về thăm quê hương để ngâm mình dưới dòng nước trong mát, để tận hưởng cái thú tắm truồng bên dòng sông loáng bạc giữa những mùa trăng. Về thăm quê hương là cởi bỏ hết áo quần như trút bỏ hết mọi vướng mắc, như tháo bỏ hết những mặt nạ, như mở toang những đầu óc tù hãm, như đạp đổ những bức tường thành kiến, để nhảy "ùm" xuống dòng sông sâu mà lặn hụp, vẫy vùng thỏa thích, để nước sông trong veo gột rửa và thả trôi đi những phiền muộn âu lo, những hệ lụy của đời sống...
nhào xuống dòng sông, ý... í... a... sông sâu
ngâm mình trong nước, gột hết u sầu
giạng hai chân rộng bơi vào mộng mơ
lặn sâu trong cõi thơ
lặn sâu trong cõi mơ...
(Tắm Sông Trăng)
Tôi tiếc là Phạm Duy đã bỏ mất chữ "truồng" trong tựa của bài "hương ca" (mặc dầu trước đấy ông có nói "đã tắm sông mà không tắm truồng thì mất thú"), vì quả là ý nghĩa của bài nhạc "đọng" lại nơi chữ ấy! Tôi chắc ông cũng có chút phân vân và cũng lấy làm "tiếc" như tôi khi đành phải cắt bớt đi một chữ để cái tựa ấy không hoàn toàn là bức tranh khỏa thân. Biết làm sao hơn, khi mà trong đời sống nghiệt ngã này, ai lại chẳng có lần đành bỏ lại sau lưng những gì thật quý báu trong một cố gắng để tỏ ra dửng dưng.
"Tắm Sông Trăng" cũng gợi nhớ những mùa trăng ân ái. "Tắm mát đêm thanh" là bơi lội, ngụp lặn giữa những con sóng tình, là gối đầu lên một "giường sông trinh trắng", một "gối sông trầm lắng" dập dềnh trên dòng nước bạc như một dải ngân hà giữa trời đầy trăng sao.
mặt trăng đâu đó về tắm mát cùng anh...
tắm... ư... mát đêm trăng
là tắm... ư... mát đêm thanh...
ngân hà xưa lạnh vắng
nay cuồn cuộn sóng yêu đương...
Những lời tình ấy, những giai điệu nồng nàn ấy được viết ra từ người nhạc sĩ có trên tám mươi tuổi đời. "Phạm Duy ở tuổi 80 còn trẻ hơn Phạm Duy thời 40 nhiều", nói như nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng.
Kể ra cũng không có gì ngạc nhiên, điều này được Phạm Duy giải thích trong một "hương ca" khác, "Trăng Tàn Trăng Khuyết, Hoa Nở Hoa Tàn":
trăng khi tròn rồi khi, rồi khi trăng khuyết
trăng già nua rồi trăng tái hồi trăng non
có gì đâu mà em tủi em buồn...
có gì đâu mà em khổ, em phiền...
có gì đâu mà ôm hoài mối sầu?...
"Có gì đâu...", vì lẽ biến hóa ảo diệu của đất trời, vì muôn loài muôn vật đều xoay vần theo luật tuần hoàn tự nhiên. Những hơn thua, được mất cũng "chỉ là phù vân", như ngàn năm mây trôi, như "nước đi đi mãi không về..." Từ "quê hương nghèo", "quê hương buồn", "quê hương một thời đau yếu..." đến:
quê hương một chiều ngồi mé sông
ta ca thầm một khúc hát mơ mòng...
đôi tình nhân đó nên đời vẫn vui...
cũng chỉ là... "có gì đâu mà...", như câu hát của ông.
Bài "hương ca" ấy, vì vậy, còn được Phạm Duy đặt cho một tên khác, "Vô Thường".
"Hương ca" còn đi từ những câu thơ Phùng Quán, từ những "lời mẹ dặn" về lòng chân thật: "yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét", không khuất phục trước những dối trá và bạo lực: "bút giấy tôi, ai cướp giật đi, tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá".
"Hương ca" còn đi từ những câu thơ Huyền Kiêu, từ những chuyện tình đẹp như một... bài thơ:
thu biếc, có chàng tới hỏi,
"Em thơ, chị đẹp em đâu?"
"Chị tôi xõa tóc ngang đầu
đi hái tình sầu trong núi."
Và buồn như một nỗi tiếc thương:
"Chị tôi hoa phủ đầy đầu
đã ngủ trong lòng mộ tối..."
"Xuân hồng", "hạ đỏ", "thu biếc", "đông xám", những màu sắc của bốn mùa như những "hương đồng gió nội" của đất trời quê hương cũng theo nhau đi vào "hương ca".
"Hương ca" còn đi từ những nguồn khác, có khi chỉ là mẩu chuyện nhỏ thoáng gặp đâu đó trên bước đường rong ruổi từ Nam ra Bắc, từ Bắc vô Nam trong chuyến hồi hương, như mẩu chuyện được Phạm Duy kể lại:
... Thế rồi có ngày hồi hương
cuộc đời trăm phương nghìn hướng
tạm thời ngừng cuộc lãng du
cho qua đi những ngày mưa nắng
ngày đầy hay ngày thưa vắng
cho đi theo cảnh đất trời xa
quên đi cảnh đất trời xa...
Ra đi, để mong tìm kiếm. Trở về, để mong tìm lại, cho "mình lại gặp mình", cho "tôi được gặp tôi"...
Thế rồi tôi bước về quê
sau nhiều tang thương dâu bể
qua bao vật đổi sao dời
quê hương mình vẫn là nơi
để tìm về lẽ sống mà thôi
mình tìm ra chính mình thôi
Thế rồi tôi xuống Hậu Giang
tôi qua bến phà sông lớn...
"Thế rồi...," ông kể tiếp, "tôi gặp một bé gái bán vé số. Bé xinh xắn, sạch sẽ, lễ phép. Tôi muốn tặng bé ít tiền nhưng cháu không nhận. Tôi bèn mua ít tấm vé số với giá 'đặc biệt'. Khi phà sắp sửa tách bến thì cháu chạy vội xuống, dúi vào tay tôi một chiếc kẹp tóc còn thơm mùi tóc dậy thì con gái. Có lẽ đó là món trang sức đắt giá nhất trên người cháu. Cháu tặng tôi như một cử chỉ đền đáp, vì cháu không muốn nợ ai thứ gì cả. Tôi không thể không nhận. Cầm chiếc kẹp tóc nhỏ trong tay, trong lòng tôi cứ dâng lên nỗi xúc động. Cũng như bé gái ấy, tôi không muốn 'nợ' ai bất cứ thứ gì. Tôi thích sự sòng phẳng. Bé gái và tôi, chúng tôi đã 'gặp' nhau."
Những chuyện vặt vãnh như thế vẫn diễn ra thường ngày trong cuộc sống ở quanh ta, và ta dễ quên đi. Nhưng Phạm Duy không quên, ông đã ghi lại thành "hương ca", như ghi lại một nét đẹp của quê mình. Chỉ là một cô bé. Chỉ là chiếc kẹp tóc nhỏ, chiếc kẹp tóc rẻ tiền (tôi chắc vậy), nhưng là một bài học lớn, chứa đựng một nhân cách sống.
... Thế rồi tôi vẫn còn đi
trên đường giang hồ đây đó
mang theo hương vị quê mùa
hương nồng từ đất quê ta
đến từ kẹp tóc em thơ
chiếc kẹp tóc thơm tho
(Chiếc Kẹp Tóc Thơm Tho)
"Những Bài Hương Ca" không chỉ được đón nhận và tán thưởng từ giới thưởng ngoạn người Việt:
"... The music is finely lyrical and unpredictable as ever, and written in an easy-to-understand idiom. Particularly memorable to me were the opening piece 'A Hundred Years By the Old Boatlanding' (Trăm Năm Bến Cũ), on the evanescence of life and memory, 'Bathing in the Moonlit River' (Tắm Sông Trăng), an upbeat song about a skinny-dipping excursion, and 'A Sad Love Story of Days Gone By' (Ngày Xưa Một Chuyện Tình Buồn), a buoyant piece with elegantly uneven phrasing, as charming and youthful sounding as 'Bearing Back the Harvest' (Gánh Lúa) or 'A Countryside Mother' (Bà Mẹ Quê), but which unexpectedly and dramatically ends on a note of high tragedy."
Những dòng trên trích trong bài nhận định về "Hương Ca" (Homeland Fragrance Songs) và "Minh Họa Kiều III" (Illustrations of Kiều, Part III) của giáo sư Eric Henry (Đại Học North Carolina, Chapel Hill, NC), giảng dạy về ngôn ngữ và văn chương Việt Nam và Trung Hoa, hiện đang tiến hành công cuộc khảo cứu về lịch sử tân nhạc Việt.
"Mười bài 'hương ca', như thế đã đủ chưa?" Tôi nhớ đã hỏi Phạm Duy. "Tại sao lại 10 bài?" ông hỏi lại. "Tại sao phải là những con số?"
Ông nói đúng. Biết thế nào là thiếu, là đủ? Làm gì có giới hạn nào cho những "hương ca". Đã qua rồi thời kỳ của những "mười bài tâm ca", "mười bài rong ca", "mười bài đạo ca", "mười bài thiền ca"... Là con người yêu tự do hơn tất cả mọi thứ trên đời này, là con người suốt đời chỉ mơ được là "con dế hát rong" (2) trên quê hương đất nước mình, đời nào ông chịu nhốt mình trong cái khung của những con số. Ðâu phải chỉ mười bài, khi tôi viết đến những dòng này, "Tây Tiến", bài thơ nổi tiếng hào hùng và lãng mạn của Quang Dũng, cũng đang chờ tay người nhạc sĩ tài hoa chắp cho đôi cánh nhạc để dập dờn bay vào "hương ca".
"Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
. . . . .
Áo bào thay chiếu, anh về đất
sông Mã gầm lên khúc độc hành..."
Chưa hết đâu, những câu thơ, những hạt ngọc lấp lánh nào nữa trong kho tàng thi ca của đất nước vẫn đang là nguồn cảm hứng cho những "hương ca" tiếp theo của Phạm Duy...
Qua "Những Bài Hương Ca", rõ ràng là Phạm Duy đã muốn ký thác, muốn "gửi gấm" rất nhiều. Nghe "hương ca", thấy quê hương bàng bạc, thấp thoáng trong mỗi câu hát, trong mỗi dòng kẻ nhạc. Nghe "hương ca", thấy quê hương xa xăm mà gần gũi.
Hương ca và xuân ca
Trong những ca khúc viết về quê hương của Phạm Duy, từ những bài đầu tiên đến những bài gần đây nhất, bao giờ cũng lóe lên những ước mơ về một mùa xuân mới, mùa xuân yên vui, thanh bình...
"... nằm mơ, mơ thấy trăm họ tốt tươi, mơ thấy bên lề cuộc đời, áo dài đùa trong tiếng cười".
Đầu xuân năm trước, nhạc sĩ Phạm Duy, trong một bài viết ngắn, "Những Xuân Ca Trong Đời Tôi", có đề cập đến một số ca khúc ông từng sáng tác từ nguồn cảm hứng là mùa xuân, khởi đi từ xuân ca đầu tiên, "Đêm Xuân" (1949), đến xuân ca cuối cùng trên đất nước, "Trên Đồi Xuân" (1975), và cả đến xuân ca trong những năm lưu vong, như "Ngụ Ngôn Mùa Xuân" (1988)...
Là con người nghệ sĩ mà cuộc hành trình âm nhạc có chiều dài đến hơn nửa thế kỷ, mỗi xuân ca Phạm Duy ra đời còn đánh dấu và gắn liền từng thời kỳ, từng giai đoạn đổi thay, thăng trầm của những mùa xuân đất nước. Điều này khiến cho, không chỉ đơn thuần là những bài nhạc xuân, những "xuân ca" ấy còn mang ý nghĩa lịch sử đặc biệt. Sự góp mặt đều đặn của những xuân ca Phạm Duy bên dòng lịch sử của dân tộc còn cho thấy con người nghệ sĩ ấy, điển hình cho bản sắc người dân Việt, ở bất cứ thời đại nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, vẫn toát lên tinh thần lạc quan, vẫn không từ bỏ niềm tin về một vận hội mới, một mùa xuân mới về trên quê hương.
Quê Phạm Duy ở Hà Nội, thế nhưng hầu như ta hiếm khi nghe được trong những ca khúc của ông những câu hát về nơi chốn ông chào đời, nơi chốn ít ra ông cũng từng được sống qua những mùa xuân thanh bình.
Trong "Hương Ca" đã có một bài như thế, "Mơ Dạo Xuân Hà Nội", phổ từ thơ Thảo Chi, một người làm thơ ở San Jose, CA. Bài thơ và những chuyến về thăm quê đã gieo vào lòng Phạm Duy những cảm xúc mới, đã đánh thức trong ông kỷ niệm ấm áp về những ngày vui mơ hồ đã xa thật xa trong trí nhớ, về một thời tuổi trẻ và những năm tháng tươi đẹp nhất của một đời người.
"Ngày xuân phơn phớt gió, nhè nhẹ mưa bay bay, ửng hồng trên nhánh cây, cánh hoa đào đo đỏ. Đầy trời chim én nhỏ, gọi mùa xuân về đây, lá đào rớt trên tay, tưởng chiều xuân Hà Nội..."
Bài hát có một khí hậu rất Hà Nội, và một khí hậu rất Xuân, có Chùa Hương, có ông đồ già, có câu đối đỏ, có hoa đào nở dưới trời mưa bụi bay của mùa xuân đất Bắc.
"Ước gì tay trong tay, dạo chiều xuân Hà Nội..."
"Mơ Dạo Xuân Hà Nội", là mơ về xuân thanh bình một thuở.
Nhịp điệu 3/4 dìu dặt, lâng lâng, và tiếng hát Mộng Thủy ngọt ngào, trong vắt như con suối mùa xuân róc rách. Giọng hát ấy, hương ca ấy, là "khúc hát thanh xuân" (2), là bài xuân ca mới, đã mang về mùa xuân mới cho Phạm Duy.
Lê Hữu
(1) Bài Hành Phương Nam, Nguyễn Bính
(2) Tên một ca khúc của Phạm Duy
(3) Chiều Trên Quê Hương Tôi, Trịnh Công Sơn
* Những chữ in nghiêng trong bài là ca từ Phạm Duy
(Ðã đăng trong tạp chí "Văn" Xuân Ất Dậu, Calif.)
Nguồn: http://www.phamduy.com/ngaytrove/huongca_lehuu.htm