PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400

Người Và Đất Miền Nam Trong Ca Từ "Tình Ca" Và Trường Ca "Con Đường Cái Quan" Của Phạm Duy

Phan Trang Hy
10/2016



Nói đến Phạm Duy là nói đến gương mặt đặc biệt của nền tân nhạc Việt Nam. Ông sáng tác nhiều, bài ca nào cũng đi vào lòng người. Từ “tình ca” đến “tâm ca”, từ “đạo ca” đến “tục ca” ..., mỗi chủ đề, đề tài đều chở được những điều mà ông muốn sẻ chia cùng những người yêu nhạc.

Nhạc của ông, tầng lớp nào cũng có thể thưởng thức được. Từng nghe nhiều bài của ông, tôi thấy cõi lòng ông gắn bó với quê hương, đất nước. Đến cuối cuộc đời, ông cũng tìm cách gửi thân xác của mình nơi chốn quê hương như là một minh chứng cho những giai điệu từng là máu thịt của ông. Những giai điệu ấy là tình yêu quê hương, yêu đất nước này vô hạn. Và riêng những lời ca trong “Tình ca” và trường ca “Con đường cái quan” một phần nào thể hiện được tấm lòng với quê hương, đất nước. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ xin đề cập những ca từ về một phần của Tổ quốc Việt Nam. Đó là người và đất miền Nam trong “Tình ca” và trường ca “Con đường cái quan”.

Trước tiên, trong “Tình ca”, là hình ảnh đẹp về người nông dân đi mở đất. Đó là hình ảnh “bác nông phu”, “mẹ quê”, “trẻ quê”. Hình ảnh ấy trở thành biểu tượng của người Việt một thời. Ca từ da diết, thương cảm, sẻ chia, tự hào: “Tôi yêu bác nông phu/ Đội sương nắng bên bờ ruộng sâu/ Vài ngàn năm đứng trên đất nghèo/ Mình đồng da sắt không phai màu/ Tấm áo nâu những mẹ quê chỉ biết cần lao/ Những trẻ quê bạn với đàn trâu, áo ơi/ Tấm áo nâu, rướn mình đi từ cõi rừng cao/ Dắt dìu nhau vào đến Cà Mau, áo ơi!”. Mỗi lần nghe đoạn này, lòng tôi lại liên tưởng đến câu ca dao “Ai ơi, bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần” mà người nông dân “đội sương nắng” trên “đất nghèo” quê Việt. Tôi cũng như thấy những người mẹ tảo tần, vất vả mưu sinh vì con vì cháu, không một lời than thân trách phận; mẹ chỉ có tâm niệm cầu Trời khấn Phật xin bình an ở cõi đời này. Tôi cũng thấy hình ảnh những trẻ thơ một thời trên lưng trâu nghêu ngao hát “Ai bảo chăn trâu là khổ?”. Và cả lòng tôi tràn ngập hình ảnh “áo nâu” một thời đi tìm đất sống, đi tìm tự do, đi tìm và giữ lại chất người ở vùng đất “Con chim kêu phải sợ, con cá kình phải kinh”, “Chèo ghe sợ sấu cắn chưn/ Xuống sông sợ đĩa, lên rừng cọp um” (ca dao), nhưng vẫn là vùng đất trù phú, màu mỡ, đầy ân tình “chờ sức người vươn” để “lúa miền Nam chờ gió mùa lên” và “sống no đầy là nhờ Cửu Long”.

Tình Ca - Thái Thanh trình bày - Album Quê Hương Và Kỷ Niệm (1987)


Còn trong trường ca “Con đường cái quan”, phần thứ 3 là “Vào miền Nam” đã cho người nghe, kẻ thưởng thức hình ảnh người và đất nơi đây. Đó là lời của cô gái miền Nam với lữ khách: “Hò ơ ơ ớ ơ... hò/ Bớ anh đi đường vắng đường xa/ Dừng chân đứng lại (i ì) / Hò ơ ơ ớ ơ... hò/ Nghe em đây ca đôi lời/ Chiều về trên cánh Đồng Nai/ Chờ người xây đắp ngày mai...”. Lời mời gọi đằm thắm thật thà của cô gái Nam Bộ đã làm xiêu lòng chàng trai. Lời cô gái như lời của Kiều Nguyệt Nga với Lục Vân Tiên thuở nọ. Lời của cô gái như tiếp thêm sức mạnh cho chàng trai. Các chàng trai trên cõi đời này, ai không rung cảm và trở thành chỗ dựa cho những cô gái thật lòng? Và chính sự thật lòng của cô gái đã chinh phục được chàng trai, để chàng phải cất lên tiếng lòng. Lời chàng trai là lời hứa hẹn tình yêu với cô gái. Đó là lời của lòng quyết tâm, là nghị lực để như nói với nàng: “Nhờ gió đưa về, về miền gió chan hòa/ Thơm lòng đất phù sa/ Trời nắng huy hoàng, trời sưởi ấm con đường/ Cho ta vô miền sông nước/ Chiến đấu với sình lầy/ Với thú dữ ư tràn đầy/ Với lũ muỗi ư đặc dầy như đám mây/ Chiến đấu với rừng tràm/ Ta như ong từng đàn/ Lập cuộc đời trên đất rừng hoang”. Và tiếng lòng của chàng trai là niềm tin vào mảnh đất nặng nghĩa tình có dáng dịu hiền, có lòng chân chất của cô gái Nam Bộ “thiệt thà”, “mặn mà”, “đậm đà” sẽ cho trái ngọt hoa thơm để chàng sống trong cõi yên lành: “Vào tới xóm dừa, vào vườn chuối la đà/ Ôi là mát lòng ta/ Bầu vú sữa tròn và mảnh trái thơm ròn/ Hương sầu riêng ngọt ngon/ Có mái tóc xuề xòa, có khóe mắt thiệt thà/ Đôi môi xinh hàm rang xít xa/ Người áo ngắn mặn mà, có tiếng nói đậm đà/ Người yên lành như một giấc mơ...”.


Tình yêu đầy nghĩa khí, đầy tình cảm chân thật của chàng trai đã khiến cô gái miền Nam muốn được đi cùng chàng trai trên con đường dựng xây mơ ước và trong cả cuộc đời phía trước: “Đi đâu cho thiếp theo cùng...”. Và chàng trai đã thốt lời yêu tự đáy lòng mình: “Ví dầu tình bén duyên thề/ Thì xin kết bạn đền nghì trúc mai...”.

Duyên thề đã nên, đã ươm hạt giống yêu thương để con người vượt qua mọi gian truân, thử thách, để tiếng ca vui tràn ngập: “Vợ chồng son đã nuôi lòng ước mong/ Thuận vợ chồng sẽ cùng tát biển Đông”.

Đất miền Nam đầy “gió vui trên sóng”, đầy con nước từ Tiền Giang đến Hậu Giang, rộng thênh thang miền đất mới trong chiều mênh mông với “cánh đồng lúa chín uốn mình trên sóng sông”. Người miền Nam hoan ca khúc hát mở đất về phương Nam làm nên hình hài Tổ quốc: “Về miền Nam ôi quê hương mới ơi/ Về Cần Thơ khơi kinh, khơi nước ngòi/ Về Hà Tiên ta tiễn Chúa ra đảo khơi/ Về Cà Mau ta đốt biết bao lửa vui/ Về miền Nam ta theo cơn gió đưa/ Về miền sông ăn cá nướng thơm ngày mưa/ Về đồng dưa ta tắm nắng vui đời ta/ Về miền Nam... Về miền Nam/ Người về đây trong gió bình an...”. Từng lời ca như khẳng định hành động, và trên hết là tình yêu của người đến vùng đất này. Một loạt địa danh của miền Nam hiện ra toát lên vẻ đẹp của đất và người trong gió bình an, trong những bếp lửa reo vui, trong những cơn gió hiền hòa, lẫn mùa gió chướng. Trong ta như được thưởng thức món cá nướng ngày mưa kèm theo bông điên điển: “Điên điển mà đem muối chua/ Ăn kèm cá nướng đến vua cũng thèm” (ca dao). Và những mùa nước lớn những con cá linh như ngon thêm nhờ bông điên điển: “Canh chua điên điển cá linh/ Ăn chỉ một mình ăn chẳng biết ngon” (ca dao).

Có thể nói rằng, khúc hoan ca ấy có được đâu phải ngày một, ngày hai, mà đó là thành quả của máu, mồ hôi, nước mắt, cả mạng sống của những người đã từng sống ở mảnh đất này. Mỗi lần nghe khúc hát này, lòng tôi như mơn man theo từng cơn gió, theo từng con nước lớn, nước ròng của từng con kinh, con ngòi của đất mẹ Cửu Long. Trong tôi như ngọt thơm từng quả chín dậy mùa, như bật mầm thương yêu bát cơm đầy thơm thảo, như thanh sạch dưới mưa nắng thuận hòa của đất trời hiến dâng cho người trên mảnh đất miền Nam.

Trong phần cuối trường ca “Con đường cái quan”, những lời hát cất lên bởi lòng tri ân của con người ở vùng đất mới. Tri ân cả “cái cối, cái chày”, “cái nhịp cầu ao” gắn bó, cưu mang những con người trọng nghĩa nhân trong cuộc sống: “Giã ơn cái cối cái chày/ Đêm khuya giã gạo có mày có tao/ Giã ơn cái nhịp cầu ao/ Đêm khuya vo gạo có tao có mày”. Con người miền Nam còn tri ân cả quê xưa, nơi quê cha đất tổ, mang theo cả cái nắng, cái mưa của miền Trung, gió sương, rét mướt của xứ Bắc: “Về miền Nam đem theo sương gió xưa/ Về đồng khô đem theo cơn mưa rét về/ Người về đây thương nhớ lắm con đường xa/ Về miền Trung, ra xứ Bắc yêu mẹ cha/ Đường từ xa đem ta tới đây/ Chùa chiều nay rung chuông trên luống cày/ Người gửi ơn ra bốn phía chân trời mây/ Ngẩng đầu lên dâng vút đóa linh hồn say/ Đường về đây... Đường về đây/ Trời về Tây nghe gió cuồng bay...”.

Và cuối cùng là tiếng hát nối tình yêu cả Bắc, Trung, Nam, cả mọi lòng người yêu đất nước này. Cuối địa đầu của Tổ quốc người và đất thủy chung, đầy ân tình với quê hương, đất nước. Những lời cuối của trường ca đẹp như phơi tình yêu, niềm hy vọng và cả niềm tin: “Người mơ ước tới... Đường tan ranh giới/ Để người được mãi/ Đi trong một duyên tình dài/ Con đường thế giới xa xôi/ Trong lòng dân chúng nơi nơi...

Nói tới Phạm Duy, nhiều người khen ông, và chê ông cũng không ít trong giới thưởng thức, phê bình. Khi học trung học, tôi cũng từng đọc “Phạm Duy đã chết như thế nào?” (Văn Mới, 1971) của Nguyễn Trọng Văn viết về nhạc sĩ mà tôi ngưỡng mộ bởi tài năng âm nhạc để biết thêm về ông qua một cách nhìn khác. Dù thế nào đi nữa, với tôi Phạm Duy vẫn sống và vẫn khẳng định mình trong sự nghiệp âm nhạc của mình. Và chỉ riêng một phần ca từ trong “Tình ca” và trường ca “Con đường cái quan” cũng khẳng định tình yêu người và đất miền Nam trong ông, để từ đó người và đất miền Nam luôn là một phần máu thịt của Việt Nam trong lòng người thưởng thức.


Tháng 10/ 2016
Phan Trang Hy


Nguồn: Tập san QUÁN VĂN số 041 – tháng 11/ 2016