PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400

Nhạc phổ bài thơ “Màu tím hoa sim”

Bài thơ nổi tiếng "Màu tím hoa sim" của Hữu Loan đã được phổ nhạc ít nhất là 3 bài. "Những đồi hoa sim" của Dzũng Chinh; "Màu tím hoa sim" của Duy Khánh và "Áo anh sứt chỉ đường tà" của Phạm Duy. Trong 3 bài được phổ biến rộng rãi nhất thì bài phổ nhạc của Phạm Duy được giới trẻ và giới trí thức thời bấy giờ yêu chuộng hơn cả.

Sau đây các bạn hãy cùng tôi tìm xem tại sao bài "Áo anh sứt chỉ đường tà" lại được yêu thích. Tìm xem góc cạnh kỹ thuật phổ nhạc và tìm xem Phạm Duy đã cảm nhận bài thơ "Màu tím hoa sim" như thế nào và đã diễn đạt nó bằng ngôn ngữ âm nhạc ra sao?

1- Bài "Những đồi hoa sim" do Dzũng Chinh (sau này trên internet lại viết là Chinh Dzũng) là bài được phổ biến sớm nhất (1962?), được ca sĩ Phương Dung trình bày. Bài phổ được viết theo điệu Tango-Habanera, là điệu thịnh hành của giới trẻ thời đó. Dzũng Chinh phổ thơ nhưng phải sửa lại lời rất nhiều, vì ông phải tuân theo khuôn khổ kinh điển của một ca khúc (gồm 3 đoạn: phiên khúc 1, phiên khúc 2, điệp khúc rồi phiên khúc 3). Bây giờ khi nghe lại trên internet, thực sự là chất giọng của Phương Dung không mấy thay đổi. Không biết Phương Dung hát lại bài này vào năm nào? Nhưng khi nghe lại, tôi vẫn mường tượng ra được tiếng cây kim đang "cào" trên đĩa nhựa 45 vòng, giọng hát của ca sĩ bị lệch âm vì đĩa nhựa bị vênh méo...

Những đồi hoa sim do Phương Dung trình bày

2- Bài "Màu tím hoa sim", do Duy Khánh phổ nhạc với giọng ca Hoàng Oanh là bài được lưu hành sau đó. Đây là bài phổ nhạc vẫn giữ hầu như nghuyên vẹn lời bài thơ gốc của Hữu Loan. Cũng trên nhịp điệu Tango - Habanera, hồn bài hát có vẻ đượm nhiều nước mắt hơn bài của Dzũng Chinh. Bài này được ít biết đến nhất, kể cả trong giới trí thức lẫn bình dân.

Màu tím hoa sim do Hoàng Oanh trình bày

3- Bài "Áo anh sứt chỉ đường tà". Lời thơ của Hữu Loan được bàn tay "phù thủy" của Phạm Duy sắp xếp lại để chuyển từ Thi sang Ca. Đó là kỹ thuật rất cần thiết trong phổ nhạc. Xin nói thêm: phạm Duy là nhạc sĩ đã phổ nhạc rất thành công nhiều bài thơ nổi tiếng. Bài thơ thì bị khống chế bởi luật vần, do đó khi chuyển sang nhạc cần phải làm cho nó được tự do bay nhảy hơn trong khuôn khổ của tiết tấu. Trước nhất, bài này không đơn điệu một tiết tấu như hai bài trước. Lúc thì trầm lắng ưu tư, lúc thì sôi nổi nhịp khúc quân hành nơi chiến trận. Bài thơ được phổ ra nhạc theo kiểu trường ca, nhiều đoạn, nhiều hình thức thể hiện khác nhau theo kiểu nhạc kịch opera.

Áo anh sứt chỉ đường tà do Thái Thanh trình bày trong album Thái Thanh Hải Ngoại 4



Hữu Loan và Phạm Duy

Mở đầu là một đoạn Ad libitum (hát tự do), nhẹ nhàng dẫn dắt người nghe đi vào câu chuyện:

Nàng có ba người anh... đi quân đội lâu rồi
Nàng có đôi người em có em chưa biết nói
Tóc nàng hãy còn xanh, tóc nàng hãy còn xanh...
Tôi là người chiến binh xa gia đình đi kháng chiến
Tôi yêu nàng như yêu người em gái tôi yêu
Người em gái tôi yêu, người em gái tôi yêu.

Đúng là đoạn mở đầu theo ý nhà thơ. Nhạc sĩ cũng dùng lối kể chuyện, thong thả, tùy cảm hứng của ca sĩ mà giới thiệu từng nhân vật chính của câu chuyện. Hoàn toàn chỉ mới thông tin chung, chưa có sự kiện gì xảy ra trong đoạn Ad libitum này. "Người em gái tôi yêu" được lập đi lập lại 4 lần, vừa để nhấn mạnh tình cảm mà vừa để nhạc trở về lại với âm giai chính (Am)

Ngày hợp hôn tôi mặc đồ hành quân
Bùn đồng quê bết đôi giầy chến sĩ
Tôi mới từ xa nơi đơn vị về
Tôi mới từ xa nơi đơn vị về
Nàng cười vui bên anh chồng "kỳ khôi"
Thời loạn ly có ai cần áo cưới?

Thể Ad libitum được nối tiếp bằng nhịp 2/4, từ âm giai thứ (Am) chuyển sang âm giai trưởng (A). Không khí rộn rã, lạc quan của một anh lính thời chiến về quê cưới vợ. Hẵn là anh vui và tự hào lắm. Bận quân phục làm lễ cưới, đúng là một chú rễ "kỳ khôi". Nàng dâu cũng cười vui. Họ quên hết tất cả hiểm họa chiến tranh có thể mang lại cho hạnh phúc lứa đôi. Nhìn anh chồng "kỳ khôi" bận quân phục trong ngày cưới, cô vợ rất hãnh diện về "Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt" này đã "xếp bút nghiên theo việc kiếm cung", mắng yêu chồng là "kỳ khôi"...

Cưới vừa xong là tôi đi.
Cưới vừa xong là tôi đi ...

Lúc này hai vợ chồng mới thấm thía cái cảnh biệt ly thời chiến. Âm giai trưởng đột ngột trở về thứ. Thực tế phủ phàng đột ngột đánh vào đời sống sau ngày cưới của hai vợ chồng trẻ. Không tuần trăng mật, không có nhiều những giây phút lãng mạn để đánh dấu ngày trọng đại này.

Chiến tranh là thế...

Từ chốn xa xôi nhớ về ái ngại
Lấy chồng chiến binh mấy người trở lại?
Mà nhỡ khi mình không về
Thì thương người vợ, bé bỏng chiều quê.

Trở lại Ad Libitum để diễn đạt tâm trạng người chiến sĩ. Âm giai thứ lúc này cũng tạo điều kiện cho người hát diễn đạt gần như theo lối ngâm thơ. Buồn man mác, âu lo, chạnh lòng "nhỡ khi mình không về". Chính đoạn này là khởi sự cho sự kiện "Nhân văn giai phẩm". Hữu Loan cũng đã phải đánh đổi cả sự nghiệp của mình vì bị cho là chống đối chính quyền, là phản chiến. Tình cảm do dự kiểu này của người lính được cho là không có "lạc quan cách mạng". Người chiến sĩ cách mạng đã dâng trọn trái tim cho đất nước, không còn chỗ riêng tư để mà "thương người vợ, bé bỏng chiều quê". Thật ra gia đình là tế bào của xã hội, không có thương vợ thì sẽ giảm bớt động cơ cho người lính bảo vệ biên cương. Chính câu chuyện thương tâm này mới đánh động bao chàng trai khác lên đường. Đừng tư duy theo lối tiêu cực mà lo sợ người ta nhũn lòng.

Hai bài phổ nhạc trước đây lại lạm dụng tình cảnh bi đát này mà quên mất khía cạnh bi hùng của người lính lấy vợ thời chiến. Chính lối diễn tả đó mới là phản chiến. Nghe hai bài trên, người con trai sẽ mềm lòng, run tay không còn cầm súng nổi nữa. Nhưng nghe bài "Áo anh sứt chỉ đường tà", lúc rộn ràng hùng tráng, lúc suy tư sâu lắng, mới thấy rõ sự tàn ác của chiến tranh do quân xâm lược gây ra.

Nhưng không chết người trai chiến sĩ
Mà chết người gái nhỏ miền xuôi
Nhưng không chết người trai chiến sĩ
Mà chết người gái nhỏ miền xuôi
Nhưng không chết người trai chiến sĩ
Mà chết người gái nhỏ miền xuôi
Hỡi ôi ! Hỡi ôi !

Nhịp 2/4 thể hiện nhịp quận hành. Sùng sục, sôi giận quân thù đã làm "chết người gái nhỏ miền xuôi". Sao không giỏi trực diện với "người trai chiến sĩ", sao lại đi hại người dân lành? Đoạn này cả thơ và nhạc đều nêu rõ lòng căm thù với bọn giặc đê hèn, chỉ giỏi hà hiếp dân lành...

Tôi về không gặp nàng
Má ngồi bên mộ vàng
Chiếc bình hoa ngày cưới
Đã thành chiếc bình hương
Nhớ xưa em hiền hoà
Áo anh em viền tà
Nhớ người yêu mầu tím
Nhớ người yêu mầu sim!

Bài hát chuyển sang nhịp 3/4 theo điệu valse, nhịp nhàng man mác với tình cảnh thực tại và kỹ niệm từ quá khứ.

Giờ phút lìa đời
Chẳng được nói một lời
Chẳng được ngó mặt người!

Nàng có ba người anh đi bộ đội lâu rồi!
Nàng có đôi người em, những em thơ sẽ lớn
Tóc nàng hãy còn xanh, tóc nàng hãy còn xanh
Ôi một chiều mưa rừng nơi chiến trường Đông Bắc
Ba người anh được tin người em gái thương đau
Và tin dữ đi mau, rồi tin cưới đi sau.

Rồi lại trở về với Ad Libitum để tự sự, để kể lể. Nàng cò trẻ lắm, "tóc nàng hãy còn xanh". Ba người anh nàng, vì chiến trường xa cách lại được nghe tin nàng mất trước khi tin vui lấy chồng được báo đến sau đó. Thật là một hoàn cảnh đau thương, không những cho người chồng chiến binh, mà cho cả những người thân thích ruột thịt.

Chiều hành quân qua những đồi sim
Những đồi sim, những đồi sim, đồi tím hoa sim
Tím cả chiều hoang biền biệt ...
Rồi mùa Thu trên những dòng sông
Những dòng sông, những dòng sông làn gió Thu sang
Gió rờn rợn trên mộ vàng
Chiều hành quân qua những đồi sim
Những đoàn quân, những đoàn quân và tiếng quân ca
Có lời nào ru ời ợi!

Người con trai không đau buồn đến độ tự kết liễu đời mình cho người đời thêm nước mắt. Không! Người chiến binh vẫn trở lại hành quân, nhưng chiều hành quân bây giờ với tiếng quân ca với nỗi nhớ "rờn rợn trên mộ vàng". Đoạn này, với tiết tấu quân hành nhịp 2/4, ai dám bảo là bài thơ này tiêu cực, làm nhụt ý chí chiến đấu? Vẫn "những đoàn quân và tiếng quân ca" oai hùng, bừng bừng ý chí chiến đấu. Nhưng không thể nào chối cải được tâm tư thực sự của người lính vẫn nghe "có lời nào ru ời ợi!". Tiếng ru à ơi từ xa vời vợi. Phải nói Hữu Loan là người đầu tiên đưa ra ca từ này. Thật là gọn gàng, súc tích.

À ơi ! À ới ! Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chết sớm, mẹ già chưa khâu!
Những đồi sim, những đồi sim, đồi tím hoa sim
Đồi tím hoa sim, đồi tím hoa sim
Đồi tím hoa sim, đồi tím hoa sim
Đồi tím hoa sim ...

Phạm Duy đã tận dụng khai thác hai thái cực giữa tình yêu đất nước và tình cảm riêng tư trong đoạn kết này. Vẫn nhịp quân hành, vẫn chiến đấu nhưng với tình yêu riêng tư làm động cơ cho "chiều hành quân qua những đồi sim". Người lính hành quân đến đâu cũng thấy toàn là màu tím hoa sim của của vợ mình. Chính điều này sẽ thúc giục anh vượt những ngọn đồi hành quân. Đồi nào cũng tím hoa sim, cũng có hình bóng người yêu mình bên cạnh... Nhịp quân hành (paso doble) này vẫn cứ tiếp diễn với cụm từ "đồi tím hoa sim", cho người nghe có cảm nhận là người lính vẫn chắc tay súng chiến đấu vì quê nhà, vì người yêu. Nhất là nốt nhạc cuối cùng của bài hát (chữ sim) lại ở lơ lững mà không trở về chủ âm của âm giai chính. Nốt nhạc này càng tô đậm thêm ấn tượng cuộc chiến chống giặc xâm lăng chưa chấm dứt, vẫn còn tiếp diễn với "niềm đau màu tím" không bao giờ nguôi.

Trong ba bài nhạc phổ vừa kể ở trên, thật ra lý do mà bài của Phạm Duy được đánh giá cao hơn là nhờ nó lột tả được tính chất bi hùng của câu chuyện. Hai bài kia thì chỉ nghiêng về tính bi nhiều hơn. Về kỹ thuật, bài phổ của Phạm Duy đã dùng rất nhiều công cụ của ca khúc mà diễn tả và diễn giải ý nghĩa, tình cảm của bài thơ. Tính chất đặc biệt nhất về kỹ thuật mà hai bài trước không có là: Bài "Áo anh sứt chỉ đường tà" có thể hát bè ở những đoạn chuyển sang âm giai trưởng với nhịp 2/4 quân hành. Bài này có thể được trình diễn dưới dạng dàn hợp xướng với những đoạn lĩnh xướng cá nhân như một thiên trường ca, không thua gì "Trường ca Sông Hồng" hoặc "Tiếng hát Sông Lô".


Võ Hoàng Nguyên
Tháng 3/2009