Chương 28
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 3539
Ta yêu cô Hằng
Đêm xưa xuống trần...
Chú Cuội
Bước qua năm 1999. Trong niềm vui chung của cả gia đình đang chờ Xuân tới, tôi ve vuốt hạnh phúc lớn của riêng tôi khi nghĩ rằng chỉ còn một năm nữa, tức là qua Tết năm 2000 là tôi có thể thực hiện được bốn cái lễ mừng long trọng nhất đời :
* Năm 2000, như mọi người vào tuổi này, tôi sẽ ăn mừng lễ thượng thọ 80 tuổi, trong khi sức khoẻ của tôi còn khá sung mãn, vợ con tôi còn rất đầy đủ chung quanh tôi, không một ai ở xa hay vắng bóng...
* Năm 2000, vợ chồng tôi lấy nhau và ăn ở với nhau đã đúng 50 năm, dù tôi có là người chồng không nhiều đức tính hay rất dễ tính (như mọi đấng nam nhi thôi !)... nhưng suốt cuộc đời đôi lứa, đôi ''uyên ương'' này chưa hề cãi nhau hay giận nhau một lần. Các con sẽ xúm nhau lại để làm cho cha mẹ một lễ cưới gọi là kim hôn (noce d'or).
* Năm 2000, tôi sẽ cho ra mắt nếu chưa phải là toàn thể ba phần còn lại của MINH HỌA KIỀU thì là Phần Hai của nhạc phẩm, đã được tôi coi như tác phẩm cuối cùng -- lại là sáng tác quan trọng nhất -- của đời mình nên cứ nhẩn nha sáng tác, không có gì vội cả...
* Năm 2000, có thể tôi sẽ trở về Việt Nam, sau 50 năm xa Hà Nội, 25 năm xa Saigon... đúng như đã hứa trong một ca khúc soạn ra từ năm 1988 : Hẹn Em Năm 2000.
Nhưng vào đúng ngày mùng một Tết 1999, một việc đã xẩy ra mà không một ai trong gia đình có thể ngờ được : sau một trận ho không dứt, vợ tôi đi bệnh viện khám phổi thì bác sĩ cho biết phổi đã bị ung thư đến thời kỳ không còn chữa chạy gì được nữa ! Bác sĩ còn cho gia đình tôi biết vợ tôi chỉ còn sống trong vòng một năm nữa thôi. Nhưng chỉ tám tháng sau, vào tháng 8, 1999, vợ tôi qua đời.
Trong thời gian vợ tôi nằm chờ chết, cả gia đình tôi thay phiên nhau trông nom bà, khi thì trong bệnh viện Fountain Valley, khi thì trong căn nhà ấm cúng ở Thị Trấn Giữa Đàng. Biết rằng có thể làm chậm thời gian về cõi chết nếu chăm làm ''chemotheraphy'' nhưng vợ tôi đã không chịu nổi lối trị liệu này vì mỗi lần trích thuốc thì thuốc làm tê liệt đường gân trên tay, trên ngực, làm rụng tóc v.v... Tuy nhiên hai lá phổi bị ung thư không làm cho người bệnh đau đớn, thân hình vợ tôi không bị hư hao và bà chỉ càng ngày càng khó thở và phải thường xuyên nằm với bình dưỡng khí bên mình.
Trước Tết Mậu Thân, tại Saigon, tôi đã từng chứng kiến căn bệnh và cái chết vì cancer của anh tôi, Phạm Duy Nhượng, từng đau buồn vì bất lực trước sự tàn phá ghê gớm của bạo bệnh này. Nay thì không riêng gì tôi buồn lo, bận bịu suốt đêm ngày, các con tôi cũng tất tả ngược xuôi, chật vật vì mẹ. Trên mười đứa con, cả con ruột lẫn con dâu con rể, thay phiên nhau ngủ chung phòng với mẹ để trông nom, hầu hạ việc ăn uống thuốc men. Vậy mà có những lúc phải cần đến những người đã không còn ở trong gia đình này nữa là Julie tới săn sóc. Tất cả chỉ biết chia nhau sống 24 trên 24 giờ bên cạnh mẹ để vợ tôi có được những ngày cuối cùng không lúc nào thấy cô đơn.
Ngày nhà tôi mất, sau khi chúng tôi cho đăng cáo phó, bạn bè ở khắp nơi trên thế giới gửi có tới cả trăm bức điện thư (e-mail) để chia buồn.
Các báo, từ những tờ The Register, Người Việt, Việt Báo Kinh Tế, Thế Kỷ 21, Văn Hoá, Khởi Hành ở Orange County, CA USA...
... cho tới những tờ Việt Nam Tạp Chí, Toronto, CANADA, Ngày Nay, Houston, TX USA, Phố Nhỏ, Washington DC USA, Chiêu Dương Sydney, NSW ÚC, Người Việt Brisbane, Queenland ÚC, MeKong Tokyo Nhật... đều có bài viết về sự ra đi của nhà tôi.
Ngày an táng, hơn 400 vòng hoa phúng viếng được gửi tới, treo chật trên bốn bức tường nơi nhà quàn của PEEK FAMILY FUNERAL. Trước khi đưa nhà tôi ra nghĩa trang để hạ huyệt, trong khi nắp quan tài chưa đóng lại, tôi gọi các con tới trước linh cữu mẹ rồi cho mở máy phát thanh để mọi người nghe vợ tôi hát bài Bà Mẹ Quê, bài này được thu thanh tại Saigon cách đây khoảng gần 50 năm. Thật là như chuyện trong mơ là vì làm sao mà sau một thời gian dài như thế, trải qua biết bao nhiêu biến cố ở trong hay ở ngoài nước, tôi còn giữ được cái cassette này và mới hôm qua, tìm ra đuợc nó trong số hàng nghìn cuốn băng ?
Trước hết tôi thưa với mọi người rằng tất cả những bài hát về mẹ của tôi đều lấy hứng từ hai người đàn bà là mẹ tôi và vợ tôi. Rồi tôi mời các con và hai ba người thân quyến của gia đình (Thái Thanh, Mai Hương...) cùng các nghệ sĩ có mặt trong tang lễ (Nhật Trường, Duy Khánh...) ra đứng trước linh cữu để cùng hát cho vợ tôi nghe bài Mẹ Trùng Dương.
Việc tiễn đưa vợ tôi về bên kia thế giới bằng hai bài hát về Mẹ này đã làm cho nhiều người khóc, kể cả Thượng Tọa Pháp Châu là vị chủ lễ an táng.
Ngày Vĩnh Biệt
Đáng lẽ cho đăng báo một lời cám ơn với mọi người thì tôi đã gửi bức thư cám ơn sau đây cho hầu hết những người đã chia buồn trước cái tang lớn của gia đình tôi. Đây cũng là lời tiễn biệt đối với người vợ thân yêu, vì số mệnh, phải bỏ tôi ra đi.
Midway City, ngày 16 tháng 8 1999
Cám ơn các bạn đã có những lời phân ưu đến với gia đình tôi vào những ngày tang tóc này, như những lời an ủi huyền diệu.
Nhà tôi ra đi rất êm ái như đã êm ái đến với cuộc đời quá huyên náo này. Êm ái lớn lên trong bóng mát của cha mẹ, êm ái đi vào cuộc chiến, đi vào hai cuộc tình rồi êm êm đi vào hôn nhân. Thành người vợ, người mẹ một triệu lần êm ái, rồi cùng chồng con và biết bao nhiêu tổ ấm khác, êm đềm ruổi rong di tản trong nước rồi lưu vong trên thế giới. Êm ả và âm thầm ngay cả trong cuộc hẹn hò với bạo bệnh và tử thần từ nhiều năm qua...Đầu năm nay, sau khi từ bệnh viện về nhà và biết rõ số phận mình, nhà tôi có đủ thời gian để ôn lại chuyện đời, chuyện nhà và trối trăn với chồng con, với anh em ruột, và cùng dăm ba người bạn vong niên...
Bà cũng biết rằng bà đã có may mắn, trong 50 năm nước nhà tan tác, dù cũng như nhiều người khác, phải ba bốn lần bỏ nhà bỏ cửa ra đi... nhưng bà chưa hề phải xa chồng một ngày, chỉ bị xa con ít lâu rồi lại đoàn tụ. Bà luôn luôn được sống chung dưới một mái nhà với chồng, với con, với cháu cho tới ngày tận số.
Là chủ gia đình nhưng chưa bao giờ bà phải lo lắng hay vất vả vì sinh kế, bà chỉ sống để làm người vợ đại lượng và hiền lành nhất vùng, người mẹ bao dung và hiền hậu nhất xóm với nhiệm vụ là bà tiên nữ của các con và trách nhiệm là vị Thần Hộ Mệnh (hay Bà Chúa Ngục) của chồng.
Bà là người mẹ không biết dùng roi với con. Bà là người vợ trong 50 năm chung sống với chồng không một lời nói nặng. Bà là sự nâng đỡ của tôi trong phen sa ngã, là sự thanh bình của tôi trong nhiều sóng gió, là sự thành công của tôi trong cơn vật vã với đời, là nụ cười của nàng Mona Lisa kín đáo, đậm đà của gia đình này. Nhà tôi ra đi với nụ cười lặng lẽ đó...
Về phần tôi, vào đúng ngày Tết Nguyên Đán năm nay, khi bác sĩ khám phá ra nhà tôi bị ung thư phổi và không thể sống quá một năm, tôi đã bị chấn động tinh thần, mất ăn, mất ngủ, sụt 13 pounds và phải đi khám tổng quát tim, phổi, gan, dạ dầy... xem có bị ung thư hay không ?
Kết quả là cơ thể không hề hấn gì nhưng tinh thần thì suy sụt. Tôi đã phải đình chỉ mọi hoạt động văn nghệ dù có những ''shows'' đã ''booking'' từ lâu. Suốt tám tháng trời cùng với các con lo việc chữa bệnh cho nhà tôi, thay phiên nhau trông nom bà trong bệnh viện hay khi đưa bà về nhà điều trị, tôi cũng dần dần lấy lại được sự thăng bằng trong đời sống, dù lúc nào cũng có một tảng đá lớn đè trên ngực mình.
Bây giờ thì nhà tôi đã nhẹ nhàng ra đi, tảng đá kia đã cũng nặng nề đổ xuống, lo xong việc chôn cất cho vợ là tôi có thể thành một người tự do hơn trước, vì đã làm xong bổn phận người chồng. Các con tôi cũng đã quá khôn lớn, bây giờ tôi sắp sửa được trở về cái cõi cô đơn truyền kiếp của người nghệ sĩ muôn đời. Tôi lại được tự do thênh thang vác đàn ngao du như trong một thuở xa xưa nào, hoa cài trên phím, tiếng cười trong dây... Xin được cám ơn mọi người bằng nụ cười cô đơn đó./.
Phạm Duy...
Một bông hồng cho vợ
Hai tháng sau ngày an táng, tôi đi bác sĩ để được khám sức khoẻ nói chung thì được biết áp huyết lên rất cao, phải vào bệnh viện tim để tìm bệnh. Nếu một huyết quản bị tắc thì thông bằng cách luồn ống thông từ háng tới nơi bị tắc. Nếu nhiều huyết quản bị nghẽn thì phải mổ tim để thay thế, phương pháp trị liệu này được gọi là bypass. Khi vào bệnh viện chuyên về tim tại Long Beach thì được biết tất cả những ống đưa máu vào ra trong tim tôi đều bị nghẽn, bác sĩ bắt phải mổ ngay.
Vào bệnh viện khoảng 1 giờ trưa, khám bệnh xong, bác sĩ quyết định giải phẫu, tôi được đánh thuốc mê...
... Khi tỉnh dậy vào khoảng 7 giờ chiều thì tim đã mổ xong, năm huyết quản đưa máu vào tim được thay thế bằng ''ống tĩnh mạch'' (veine) lấy từ bắp chân trái.
Trong hơn 20 ngày nằm trong bệnh viện, ngay chuyện ngồi dậy cho nữ y tá đo áp huyết hay để gắn kim vào ống nước biển cũng làm tôi mệt vô cùng. Đi tiểu tiện hay đi đại tiện là một cực hình. Nữ y tá lại còn bắt tôi phải đi bộ 20 phút mỗi ngày, khi cô ta dắt đi, khi thì đi một mình. Trong suốt đời tôi, chưa bao giờ tôi phải chống chỏi với mình như bây giờ.
Rồi tôi được cho về nhà. Người già mà mổ tim thì thường hay bị những bệnh ''hậu giải phẫu'' (post operatoires) như yếu phổi, tiểu đường... Nhưng tôi theo đúng lời dặn của bác sĩ, tập thở nhiều, tập đi bộ nhiều, ăn uống kiêng khem. Hai vết thương ở ngực và ở chân không bị nhiễm trùng vì tôi xưa nay rất lành da. Chỉ một tháng sau ngày mổ tim là tôi đã đi lại như thường. Và điều quan trọng hơn, tôi đã có một trái tim mới. Tôi khoẻ ra và chuyện buồn vì vợ chết không làm tôi quá tiêu cực nữa. Sự phản ứng ghê gớm với thể xác đã giúp tôi phản ứng luôn với bệnh tâm thần.
Tính ra, từ ngày qua Mỹ, tôi bị giải phẫu và bị đánh thuốc mê nhiều lần : một lần để đốt cái sẹo trên phổi, một lần để cạo prostate, một lần để khám ruột, lần cuối cùng và lâu nhất để mổ tim... mỗi lần là coi như đã chết trong khoảng thời gian từ một giờ tới nửa ngày. Tôi biết thế nào là chết và không sợ chết nữa.
Hai tháng sau ngày giải phẫu, tức là đầu mùa Xuân năm 2000, tôi cùng các con đáp máy bay về Việt Nam.
Phạm Duy