Chương 27
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 3484
Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông muốn đổi ba bò chín trâu...
Dân Ca Cổ Truyền
Nhạc Cảnh Thằng Bờm, Ái Vân đóng
Trong khi tôi soạn Minh Họa Kiều, tức là đi vào địa hát ca nhạc kịch Việt Nam thì tôi nhớ ra rằng trong dĩ vãng, tôi cũng đã từng soạn nhạc cảnh rồi. Nhưng trước đây, vì tôi liên tục soạn nhạc cho phòng trà, nhạc cho sinh viên, nhạc cho người tình, nhạc cho người lính v.v... với những thể tài như đoản ca, trường ca, chương khúc, cho nên người yêu nhạc không biết rõ ràng về một loại ca có cốt truyện, có nhân vật, có dàn cảnh, có diễn xuất v.v... của tôi. Những màn nhạc cảnh nho nhỏ này là những thử thách để tôi sẽ có ngày tiến tới cái gọi là ''đại ca kịch'' Minh Họa Kiều.
Vào năm 1963, khi hãng phim Mỹ Vân tại Saigon muốn có những nhạc cảnh để cho vào những cuốn phim của họ thì họ tìm đến tôi. Hãng này mướn tôi soạn hai nhạc cảnh với ''kịch bản'' -- libretto -- của kịch sĩ Năm Châu. Đó là nhạc cảnh CHỨC NỮ VỀ TRỜI và nhạc cảnh TẤM CÁM. Hồi đó, trong làng Tân Nhạc Việt Nam, mới chỉ có Lưu Hữu Phước với nhạc cảnh -- hay nhạc kịch -- CON THỎ NGỌC, TỤC LỤY và Hoàng Thi Thơ với CÔ GÁI ĐIÊN v.v...
Trong hai nhạc cảnh CHỨC NỮ VỀ TRỜI và TẤM CÁM, phần hát là do các ca sĩ Hoài Trung, Thái Thanh trong ban Thăng Long thu giọng để cho các tài tử La Thoại Tân, Thẩm Thúy Hằng diễn trong phim với kỹ thuật ''lipsing''. Rất tiếc rằng tôi không giữ được bản thảo hay thước phim của hai nhạc cảnh này.
Tới khi tôi qua Hoa Kỳ, dù vẫn được sống bằng nghề ca nhạc nhưng trong những năm đầu, về sáng tác, tôi vẫn chỉ cần soạn ra những ca khúc ngắn hay dài để thu thanh rồi cho vào những băng cassette hay CD để phổ biến, đa số là những tị nạn ca mang nặng tinh thần hoài hương.
Rồi trong cộng đồng người Việt xa xứ, vào những năm 80 bỗng phát sinh ra một ngành mới là ngành sản xuất băng video do những hãng trước đây chỉ sản xuất băng audio-cassette như THÚY NGA, LÀNG VĂN hay ASIA v.v... Trước tiên chương trình trong băng video chỉ là những màn đơn ca với ca sĩ đứng hát như một pho tượng hoặc có kèm những hình ảnh đi đôi với ca khúc, hoặc có khi với những hình ảnh chẳng ăn nhằm gì đến nội dung bài hát cả.
Sau dần, để cạnh tranh, các hãng sản xuất bỏ thêm tiền để thực hiện những màn vũ, nhạc cảnh, nhạc kịch. Và khi hãng THÚY NGA sản xuất một cuốn video về tôi với nội dung Phạm Duy, Con Người Và Tác Phẩm (Paris By Night số 19) thì tôi đề nghị đưa bài Chú Cuội vào cuốn video thành một nhạc cảnh nho nhỏ do Ái Vân đóng cả hai vai Chú Cuội và Hằng Nga.
Sau đó, hãng THÚY NGA luôn luôn nhờ tôi soạn nhạc cảnh, phần nhiều để cho nghệ sĩ Ái Vân đóng vai chính. Đó là những nhạc cảnh Người Đẹp Trong Tranh, Thằng Bờm, Thị Mầu Lên Chùa, Trên Đồi Xuân. Rồi tới hãng THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT mời tôi cộng tác với những nhạc cảnh Chum Vàng, Truyện Tình Sơn Nữ, Mài Dao Dạy Vợ. Nhạc cảnh Người Đẹp Trong Tranh, phóng tác theo truyện cổ BÍCH CÂU KỲ NGỘ, đưa ra trên sân khấu một chàng thư sinh ngồi uống rượu bên một bức tranh mỹ nữ thật đẹp. Sau phần nhạc dạo, thư sinh kể chuyện mình vừa đi hội chùa, gặp một người đẹp và mua được bức tranh vẽ chân dung của người thiếu nữ đó...
Thư sinh :
Từ khi ngơ ngẩn ra về
Sầu tương tư mãi não nề lòng ta
Rồi may gặp được ông già
Bán cho tranh vẽ bóng người chiều xưa.
Thư sinh sống với người đẹp trong tranh...
Bên song thắp ánh đèn mờ
Sớm khuya với bức hoạ đồ làm đôi
Trông tranh mà ngỡ như ai
Lung linh mắt ngọc, miệng cười đón Xuân.
Thư sinh ngủ gục... Nhạc hoà tấu và nàng tiên từ trong tranh bước ra...
Rằng ta thần nữ xuống đây
Tiền duyên thuở trước với ai
Kiếp nay xin đền tình tang, kiếp nay xin đền.
Thư sinh tỉnh giấc, thấy người đẹp :
A ha à a ha ! A ha à a ha !
Rõ ràng mày liễu mặt hoa
Đào nguyên lạc lối đâu mà tới đây ?
Và như trong truyện cổ tích, bởi vì chàng là mối duyên tiền kiếp, bởi vì tình chàng quá ư đằm thắm, nên khiến Trời rộng tâm cho, cho thiếp hầu hạ người thơ... Nhạc cảnh kết thúc với đám cưới của Thư Sinh và Giáng Kiều :
Bóng mây bỗng kéo quanh nhà
Thảo am thoắt đổi, đổi ra lâu dài
Sáng một góc trời và áo mũ xiêm hài
Lả lơi bên nói bên cười
Bên mừng tố nữ bên mời tân lang.
Nhạc cảnh Thị Mầu Lên Chùa, Trên Đồi Xuân cũng được hãng THÚY NGA thực hiện với nhiều công phu, và hình như được khán thính giả thích thú hơn. Vì trong mỗi cuốn video, có trên 20 tiết mục thì đa số là những màn hát có múa với các vũ sinh trang phục và nhẩy nhót theo kiểu Âu Mỹ, thì những màn video của tôi có nhiều dân tộc tính hơn.
Tôi rất thích nhạc cảnh Thằng Bờm, vì tôi đem được vào màn ca vũ đó một ý nghĩa hơi khác với quan niệm của mọi người. Đó là sự trao đổi giữa một người giầu có nhưng không an nhàn với một chú bé an nhàn nhưng không đủ ăn. Khi Thằng Bờm và Phó Ông biết chia cho nhau cái có của mình, trao đổi cho nhau hạnh phúc thì cả hai đều sung sướng. Nhạc cảnh này được một nữ vũ sư người Mỹ dàn cảnh với những vũ sinh đóng vai trâu, bò, chim, cá và gỗ lim cùng múa hát với Thằng Bờm và Phú Ông.
Với Trung Tâm THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT, tôi có những nhạc cảnh như Truyện Tình Sơn Nữ, Chum Vàng, Mài Dao Dạy Vợ. Nhạc cảnh Chum Vàng cũng giống như nhạc cảnh Thằng Bờm, là một chuyện cổ tích bình dân do tôi phóng tác.
...Có một đôi vợ chồng nghèo, làm nghề nông, suốt đời vất vả, lam lũ. Một hôm, chồng ra ruộng khoai (hay ruộng lúa), đang (cầy sâu hay) cuốc bẫm thì đào được một cái chum. Mở nắp chum ra, thấy chum đựng đầy vàng bạc châu báu. Người chồng bèn đậy nắp chum lại rồi để chum bên bờ ruộng. Về nhà khoe vợ là mình đào được cái chum vàng. Vợ hỏi :
-- Của trời cho, sao không khiêng chum vàng về ? Để đó, người ta khiêng đi còn gì ?
Chồng đáp :
-- Nếu thật sự là của trời cho, thì tự nhiên chum vàng sẽ về nhà, chẳng đứa nào lấy được !
Đang lúc vợ chồng trò chuyện thì có hai thằng kẻ trộm ngồi rình ở ngoài cửa (hay dưới gầm giường), chúng nó nghe hết cả. Hai thằng chạy ra bờ ruộng thì quả nhiên thấy cái chum nằm đó. Chúng vội vàng khiêng cái chum về nhà và khi mở nắp chum ra thì chẳng thấy vàng bạc đâu cả, chỉ thấy trong chum toàn là rắn, rết ! Chúng sợ quá đem chum giấu ở một nơi.
Sáng hôm sau, người chồng ra ruộng thì thấy mất cái chum. Khi về nhà, vợ hỏi :
-- Chum đâu ?
Chồng đáp :
-- Trời lấy lại chum vàng rồi !
Hai kẻ trộm lại đã ngồi rình và nghe nói vậy, chúng bực quá, chạy đi khiêng cái chum đặt lại chỗ cũ, cho vợ chồng này sẽ bị rắn cắn.
Hôm sau, chồng ra ruộng lại thấy cái chum, về nhà khoe vợ :
-- Trời cho lại cái chum vàng rồi.
Vợ bảo :
--Thế sao không khiêng về ?
Chồng đáp :
-- Trời đã cho lại cái chum thì chum sẽ về nhà mình cho mà xem.
Hai thằng kẻ trộm lại cũng ngồi rình và nghe nói vậy, chúng tức quá chạy đi khiêng cái chum đặt ngay trước sân nhà, cho vợ chồng này chết vì rắn cắn. Sáng hôm sau, vừa mở cửa ra sân thấy cái chum vàng nằm chình ình ngay đó, chồng bảo vợ :
-- Thấy chưa ? Ta nói có sai đâu ? Trời đã cho thì tự nhiên cái chum vàng sẽ bò về tận nhà mình !
Nhạc Cảnh Mài Dao Dạy Vợ cũng soạn cho Trung Tâm Video THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT, và cũng rút từ chuyện cổ nước ta, cũng đề cao luân lý.
Mở đầu, người chồng, dáng hiền lành, thuần hậu, ngồi than :
Người ta thường nói :
Mẹ chồng nàng dâu
Có yêu nhau bao giờ ?
Có yêu nhau bao giờ ?
Người ta còn nói :
Mẹ chồng hung dữ,
Nên mẹ mau chết
Nàng dâu nết na
Nàng dâu sống lâu...
Số tôi thật chẳng ra đâu,
Mẹ thì ác miệng,
Nàng dâu dữ dằn...
Có tiếng mẹ chồng và nàng dâu cãi nhau ở trong hậu trường :
Mẹ chồng nàng dâu có yêu nhau bao giờ
Nàng dâu mẹ chồng có bao giờ yêu nhau...
Rồi người vợ hộc tốc chạy ra, vẻ giận dữ :
Một mẹ chồng già bằng mười ba ông Thiên Lôi
Dạy khôn, dạy khéo, dạy ngồi, dạy đi...
Một mẹ chồng già bằng mười ba bà La Sát
Coi con dâu như rác, như một bát cơm ôi...
Ốii giời ôi, ối giời ôi, ối giời ôi ! Giời ôi !
Người ta lấy chồng thì vui
Tôi nay cái bếp những chai cùng lọ
Người ta một vợ một chồng
Tôi nay chưa thoát cái gông mẹ già...
Chồng tới gần, an ủi vợ :
Từ ngày em về làm dâu
Anh đã dặn trước, dặn sau mọi đường
Mẹ già dở dở ương ương
Thì em phải nhún
Phải nhường... phải thua!
Vợ đáp lại :
Việc gì phải nhịn trước sau
Tôi là phận gái làm dâu nhà này
Mẹ chồng ác nghiệt mà ghê
Tôi ở chẳng được, thì tôi về nhà tôi !
Vợ vùng vằng bỏ ra đi, chồng ngồi suy nghĩ... rồi cũng ra đi.
Tiếng hát trong hậu trường (giọng nam) :
Giời ơi đất hỡi!
Mẹ chồng nàng dâu
Cãi nhau như mưa rào
Có ai thua ai nào ?
Giọng mẹ the thé
Nàng dâu cũng thế
Ông giời cao vói
Nàng dâu cũng coi
Giời như cái vung...
Chồng ra sân khấu với con dao bầu thật lớn :
Sáng nay vào chợ mua dao
Về nhà lấy đá ra, mài dao kỹ càng...
Chồng ngồi xuống mài dao... vừa mài dao, vừa hát :
Cuộc đời như thể con bài
Đã quyết thì đánh, chẳng nài thấp cao
Cuộc đời như đá với dao
Năng mài thì dao sắc
Buông dao thì dao cùn...
Vợ ra sân khấu, thấy chồng ngồi mài dao, cất tiếng hỏi :
Nhà ta thiếu gì dao mà
Dao cùn chốn chợ anh mua nó về ?
Chồng không trả lời, cứ ngồi mài dao :
Ứ ừ, ứ ư...
Vợ lại hỏi...
Mài dao sắc nhọn nhiều lần
Lên rừng, lên núi để săn thú à ?
Chồng vẫn không trả lời, cứ ngồi mài dao :
Ứ ư, ứ ư...
Vợ lại hỏi...
Mài dao giết vịt hay gà
Hay là giết lợn đem ra bán hàng ?
Chồng vẫn không trả lời :
Ứ ừ, ứ ư...
Vợ lại hỏi...
Mài dao sắc nhọn, để mà
Dao này đi giết người ta lấy tiền ?
Người chồng bèn đứng lên, nhìn dao, ôn tồn trả lời:
Mài dao anh giết
Mẹ già hư nết
Đã gây nên chuyện buồn
Xấu chung cho họ hàng
Tuổi già nua đến
Thì ai cũng chết
Không là chết trước
Thì sau, chết sau
Thọ lâu mãi đâu ?
Xót em là phận con dâu
Mẹ già ác nghiệt,
Dùng dao giết Bà !
Có tiếng la trong hậu trường :
Mẹ chồng nàng dâu có thương nhau không nào !
Nàng dâu mẹ chồng có khi nào thương nhau ?
Vợ sợ quá, lạy chồng :
Một lạy mình rồi, mười lạy em xin anh tha
Đừng nên giận dữ, thật là mẹ oan
Mẹ mình già rồi mẹ đổi tâm mẹ thay nết
Em con dâu, em biết, em phải biết thương thôi...
Ối mẹ ôi, ối mẹ ôi, ối mẹ ôi ! Mẹ ôi !
Là không cãi mẹ từ nay
Em xin cố gắng đắp xây nhà này
Từ nay chồng vợ, đời đời
Ơn cao, nghĩa lớn cũng nơi mẹ già...
Chồng tới gần, ôm vợ, vợ chồng hợp ca :
Người mình đem chuyện mài dao
Ra muốn dạy dỗ : nàng dâu mẹ chồng
Mẹ mình đặt ở trên cao
Đâu ai mà dám đụng vào mẹ yêu...
Việc nhà phải nhịn lẫn nhau
Ta thờ đạo lý nàng dâu mẹ chồng
Mẹ chồng cũng phải hiền khô
Mẹ hiền, dâu thảo... chan hoà niềm vui !
Chan hoà niềm vui...
Thật là may cho tôi. Trong một thời ca nhạc Việt Nam có vẻ xuống giốc vì đa số những bài hát mới, nếu là ''tình khúc'' thì rất dung tục, nếu là ''nhạc video'' thì rất lai căng, tất cả đã biến thành nhạc thương mại... thì tôi vẫn còn có cơ hội róng lên những bài hát mà tôi cho rằng có trách nhiệm với người nghe. Tôi mong rằng ca nhạc Việt Nam có những Mạnh Thường Quân luôn luôn tìm cách giúp cho nó là tiếng nói văn hóa của một dân tộc trong mọi thăng trầm của cuộc sống hơn là món quà mua vui cho thiên hạ.
Phạm Duy