Chương 29
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 3376
Ôi ơn đời mãi mãi
Thoát thai theo đời, vun sới
Lớn lên trong vườn ân ái muôn đời...
Tạ Ơn Đời
Những Lời Cuối
Thế là xong. Trước khi tôi trở về cát bụi, HỒI KÝ 4 đã kịp hoàn tất để tôi kể nốt chuyện đời mình trong quãng cuối.
Nhưng viết gì thì viết, viết ra được lời tạ ơn đời trong khi mình còn sống mới là cần thiết. Tôi mang ơn cha mẹ, sinh tôi ra để chỉ biết hồn nhiên ca hát cho đời thêm sắc, thêm hương. Tôi mang ơn người vợ, ở với tôi trong 50 năm trời, tuy bốn lần chạy loạn nhưng lúc nào cũng có nhau, đối với tôi bao giờ cũng là một nguồn an ủi lớn. Tôi mang ơn cả lũ con, không lúc nào xa tôi cả, cho tôi sự đầm ấm cần thiết trong cuộc đời cũng có khi lạnh lẽo. Mang ơn bạn bè, những bạn lữ thứ không mỏi mệt cùng đi trên những con đường mưa nắng dãi dầu. Mang ơn những người tình, những người yêu, nhưng chưa đủ, còn phải mang ơn cả những người thù nữa. Mang ơn từ ngọn cỏ, cội hoa tới viên sỏi, đá cuội, không có ''em'' thì không có ''anh''.
Đọc cả bốn tập Hồi Ký của tôi, có thể có bạn đọc nghĩ rằng vì tôi nói tới tôi nhiều quá rồi cho tôi là kẻ tự kiêu, tự mãn. Thưa không phải thế đâu ! Trong một chương trước, tôi đã có dịp tâm sự rằng : những éo le của Việt Nam đã đẩy tôi -- và hình như cả giới nghệ sĩ -- vào con đường một chiều, một nẻo. Tôi lại là một kẻ không ngoan ngoãn, cứ chỉ muốn được thênh thang đi trên lộ trình tự do của mình. Viết ra cả trăm câu nghìn chữ như thế này, chẳng qua chỉ là phản ứng tự nhiên của một nghệ sĩ phải tự sinh tự tồn từ thời trẻ đến già mà thôi.
Nhiều khi tôi tự hỏi : trên 25 năm nay được cái may -- lúc đầu mệt nhọc mưu sinh, về sau an cư lạc nghiệp -- tới sinh sống tại một nước giầu sang nhất thế giới là Hoa Kỳ, tại sao không sống bình thản với cái mất, cái còn, cái thua, cái được trong cuộc đời rất nhiều tiện nghi này ? Mà cứ không chịu quên mình là người Việt Nam, lúc nào cũng sốt ruột sốt gan, lúc nào cũng đứng núi này trông núi nọ để được ''khóc cười theo mệnh nước'', cứ mãi mãi là anh bán thịt lợn mang hồn Trương Ba ? Cứ viết Hồi Ký ?
Thế rồi tôi nhìn ra sự thật : tôi chỉ là anh chàng chạy theo cái bóng của mình, gần như suốt đời.
Cho tới khi tôi biết bỏ loại ''nhạc ảo ảnh quê hương'' để soạn Rong Ca, là tôi bỏ được tôi, bỏ được cái nhất thời để đi tìm cái vĩnh củu. Rồi khi soạn xong Thiền Ca là tôi giác ngộ vì tìm đươc chữ ''quên'', tôi không còn ''vọng động'' nữa. Nhà tôi qua đời, tim tôi mổ xong là tôi tái sinh, tôi được giải thoát. Khắc khoải cuối cùng cũng đã ra đi với sự tôi trở về đứng trong căn nhà thời thơ ấu ở 54 Phố Hàng Dầu (nay đổi tên là Phố Lò Sũ) Hà Nội để hoàn tất chu kỳ một đời lang thang. Còn mong gì hơn nữa ? Còn làm gì hơn được nữa ? Nếu còn chút ràng buộc, đó chỉ là món nợ nhỏ phải trả cho xong : Hồi Ký 4 và KIỀU Phần 2.
Nay thì KIỀU Phần 2 và Hồi Ký 4 đã hoàn thành, lời hứa đã đúng hẹn và đây là lúc tôi xin được buông rơi tất cả. Buông bút, treo đàn, hạ màn nhung, cởi áo tuồng, chùi phấn son, tắt đèn, rời sân khấu... Tôi buông rơi hết, không có nghĩa là tôi chối từ những gì tôi đã làm ra trong dĩ vãng. Tôi vẫn chịu trách nhiệm về từng soạn phẩm của mình, nhưng tôi sẽ không còn đứng giữa chợ đời để nhận lời khen hay tiếng chê đến từ bất cứ ai, từ bất cứ đâu, cho bất cứ loại nhạc gì !
Cầm bằng cho gió cuốn bay đi, tất cả !
Bây giờ thì tôi mới thật sự là :
... vui một mình tôi đi !
(Câu chót của Bình Ca số 2, Sống Sót Trở Về)
Phạm Duy