PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400

Chương 8

Hồi Ký — Thời Phân Chia Quốc Cộng
Dìu nhau đi trên phố vắng
Dìu nhau đi trong ánh sáng...
THƯƠNG TÌNH CA

Thời yêu một Nàng Thơ...

Như đã tâm sự trong Chương 9 của cuốn Hồi Ký THỜI THƠ ẤU, tôi biết yêu rất sớm -- vào khoảng 12 tuổi -- chỉ vì tôi mê đọc truyện lãng mạn và thường được người lớn kể cho nghe những truyện tình. Dục tính trong tôi còn được khêu gợi sớm hơn nữa, ngay từ khi mới lên bẩy lên tám. Được biết những bài học về tình từ lúc còn thơ rồi lớn lên với những cuộc tình quá dễ dãi, tôi luôn luôn đi trên con đường tình ái rất đỗi bình yên. Trong cuộc nội tình đã trở thành duyên thành nghĩa với vợ hiền hay trong những cuộc ngoại tình hoa bướm nào đó, bão tố chưa bao giờ đến với tôi cả.

Nhưng vào năm 1956 này, đổ vỡ đã đến qua một tai nạn ái tình xẩy ra giữa tôi và người vợ của em vợ. Đây là lúc chúng tôi bị lôi cuốn vào một ngành nghệ thuật rất mới mẻ là điện ảnh. Tôi vừa ở Pháp về và cộng tác chặt chẽ với anh bạn Đỗ Bá Thế mà tôi đã quen khi còn ở Paris và hứa sẽ cùng anh đi vào công việc thực hiện phim Việt Nam. Lúc đó hai hãng phim lớn ở Saigon là ĐÔNG PHƯƠNG của Đỗ Bá Thế và TÂN VIỆT của Bùi Diễm đang thi đua làm phim tố Cộng với hai cuốn phim Đất LànhChúng Tôi Muốn Sống. Đây cũng là lúc tôi rất hung hăng (!) với những thành công quá dễ dãi của mình -- trong cả hai địa hạt âm nhạc và điện ảnh -- quên hẳn bài học bị bắt giam ở bót Catinat và cái chết của Hồ Hán Sơn, tất cả những chuyện đó xẩy ra cũng vì cái tính háo thắng của tuổi trẻ.

Sự buông thả không kìm chế trong sáng tác cũng như trong đời sống hàng ngày đẩy tôi vào một cuộc tình đáng lẽ tôi nên tránh. Thành thực mà nói, tôi muốn tránh cũng không được. Vì nhu cầu của công tác điện ảnh, tôi sống quá gần gũi với người vợ của em vợ, đôi khi còn phải sống chung ở Hồng Kông hay Manila để hoàn tất cuốn phim. Hơn nữa trong đời sống hằng ngày, lẽ ra vợ chồng tôi nên đi ở riêng sau ngày em vợ lấy vợ nhưng khi dọn tới căn nhà rất lớn đường Bà Huyện Thanh Quan, chúng tôi vẫn cứ ở gần nhau. Thế là vụ ngoại tình xẩy ra. Nếu tôi sống trong một xã hội Âu Mỹ thì tai nạn ái tình này cũng dễ giải quyết, nhưng vì gia đình nhà vợ -- trừ vợ tôi -- đã không bình tĩnh lại còn bị hai nhà văn (!) T.N. và T.K.N. xúi giục nên đem vụ này ra chốn công khai và vì tôi đã nổi tiếng rồi cho nên, khác với câu châm ngôn tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại, chuyện không đẹp này trở thành một sì căng đan rất lớn. Báo chí ở Saigon làm ầm lên đã đành, báo chí Hà Nội còn mỉa mai : Cam ở đất Bố Hạ mà đem vào trồng ở nơi không hợp với thủy thổ là hư ngay (!) Dù chưa đến độ lúc nào cũng đấm ngực thùm thụp để nhận cái tội gốc của những người mang số kiếp nòi tình, tôi luôn luôn buồn rầu khi phải nhắc lại mối tình cấm (amour défendu) mà tôi cả gan đi vào khi tôi mới ngoài 30 tuổi. Tôi chỉ buồn vì đã làm buồn lòng người vợ, người em. Buồn vì biết rằng những đổ vỡ này sẽ không bao giờ có thể hàn gắn được.

Khác với người Á Đông, thường cho rằng phước bất trùng lai hoạ vô đơn chí, người Pháp có câu à quelque chose malheur est bon, tai hoạ tôi gây nên và nhận lấy không ngờ đem về cho tôi hạnh phước. Cuộc tình không đẹp vừa kết thúc dẫn tôi tới một cuộc tình khác. Nhưng vì kinh qua việc gây khổ đau cho mình và cho người nên tôi rất thận trọng, tự nguyện phải nâng niu cuộc tình này.

Trong Chương 25 của cuốn Hồi Ký THỜI VÀO ĐỜI, tôi nói tới những ngày rất đẹp khi ghé lại tỉnh Phan Thiết vào năm 1944. Tại thành phố sáng sủa và ấm áp này, nhờ bài hát Buồn Tàn Thu của Văn Cao, tôi làm quen với một goá phụ rất trẻ có hai dòng máu Việt-Anh tên là Hélène. Nàng ở với mẹ già và hai đứa con, một gái là Alice, một trai là Roger, tại một đồn điền ở Suốt Kiết, cách tỉnh lỵ không xa. Giữa chàng du ca và người cô phụ trẻ tuổi có một cuộc tình rất nhẹ nhàng và trong sạch. Mối tình nửa kín nửa hở được hiểu ngầm là khá say sưa. Hai người đều biết có sự yêu mến lẫn nhau nhưng không ai dám lên tiếng yêu đương cả, chẳng khác chi trong những mối tình câm lặng khi tôi mới 16 tuổi. Mối tình thốt lên qua những lời ca tôi mượn của Đặng Thế Phong, Lê Thương, hay Văn Cao và qua những lời thơ nàng mượn của Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu hay Huy Cận. Rất có thể vào lúc đó, tôi mang mặc cảm tự ti của anh hát rong trong gánh Cải Lương và nàng chưa ra thoát lối sống goá phụ thầm lặng, chúng tôi chỉ được coi đang ở mấp mé một cuộc tình. Suốt một tháng trời, hai người dạo chơi trên phố xá đông đảo hay trên bãi cát vắng vẻ, nói với nhau những chuyện trên trời dưới bể, chuyện con dế con giun nhưng không bao giờ dám nắm tay nhau hay nói những lời ân ái như trong tiểu thuyết hay trên màn ảnh cinéma.

Khi tôi giã từ Phan Thiết và Hélène để theo gánh hát vào Nam, nàng tiễn tôi trên sân ga xe lửa. Trên bước đường giang hồ, tôi nhận nhiều bức thư (và cả những bài thơ) của Hélène. Tôi cũng luôn luôn gửi thư cho nàng. Tất cả những chuyện gặp gỡ, gần nhau, hát và đọc cho nhau nghe những lời ca, lời thơ rồi chia tay nhau, gửi cho nhau những lá thư mầu xanh mầu tím... chao ôi, sao mà giống như những gì bao quanh một mối tình huyền diệu. Thực tế, đó chỉ là một mối tình suông ! Cho nên khi xẩy ra Cách Mạng và kháng chiến ở miền Nam khiến tôi phải chạy khỏi Saigon, leo lên xe lửa trở về miền Bắc, tàu hoả ngừng tại ga Suốt Kiết mà tôi cũng không ghé thăm Hélène. Rồi kể từ đó, tôi quên nàng goá phụ trẻ tuổi.

Trở lại Saigon vào năm 1951, tôi chẳng có lúc nào nhớ tới người đẹp Phan Thiết cả. Năm tháng trôi qua với những sinh động và xuẩn động trong nghề nghiệp cũng như trong đời tư, sau tai nạn ái tình kể trên, một hôm tôi đang lang thang trước chợ Bến Thành, đột nhiên Hélène hiện ra trước mắt. Mừng mừng, tủi tủi, chúng tôi đứng nói chuyện rất lâu, biết rằng đôi bên đã có gia đình, tôi đã có bốn đứa con, nàng có thêm ba đứa con nữa. Alice và Roger đã lớn...

-- Nếu '' ông'' rảnh rỗi, xin mời lại chơi. Nhà ở ngay đầu đường Trần Hưng Đạo kia kià !

Tôi vội vàng đi theo Hélène về nhà. Hai cháu Alice và Roger chạy ra nắm tay chú. Tôi ngỡ ngàng khi thấy Alice. Cô bé giống mẹ như đúc. Cũng như các nữ sinh khác, cô bé đã biết tới những bài hát của tôi như Tình Kỹ Nữ, Bên Cầu Biên Giới, Tình Ca, Tình Hoài Hương... Có lẽ trong tiềm thức của cô thiếu nữ 16 tuổi này đã có dư hương vòng tay bế bồng của tôi lúc cô mới lên bốn cho nên cô quấn quít tôi như người quen biết từ lâu.

Đang có một thảm kịch trong lòng sau vụ ái tình được cả nước biết, tôi đi tìm an ủi ở người bạn cũ Hélène. Nhất là ở người con gái giống mẹ như đúc. Trong lúc đang có cảm giác bị mọi người chung quanh khinh khi, ghét bỏ, tôi thấy nguôi ngoai trong lòng khi nghe cả hai mẹ con nói rằng tôi chẳng có tội gì cả ! Họ nói thế vì họ muốn kéo tôi ra khỏi một sự nhục nhằn, tôi biết vậy ! Để ghi lại cuộc gặp gỡ này, tôi phổ nhạc một câu ca dao thành một tình khúc nhan đề Nụ Tầm Xuân, khi in ra có đề tặng Hệ Liên (về sau nàng lấy tên là Huệ Liên, cũng do ở tên Hélène mà ra) :

Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em lấy chồng rồi anh tiếc lắm thay !

Trong suốt một năm, hằng tuần, tôi lái xe hơi tới đón Alice đi chơi. Cô bé có vẻ không yêu người cha ghẻ. Hình như tất cả những cô bé sớm mồ côi cha đều không ưa người chồng mới của mẹ mình. Đã không ưa dượng thì chắc chắn cũng ít khi tâm sự với mẹ. Tôi là người có may mắn được nghe Alice trút bầu tâm sự của một thiếu nữ vào tuổi dậy thì. Càng nhìn mặt, càng nghe chuyện cô bé, tôi càng thấy Alice giống Hélène. Cũng vẫn giọng nói đó, cũng vẫn những chuyện tôi đã nghe nơi người mẹ, nói về cuộc đời, nói về mình, nói về người và nhất là nói về nền thi ca Việt Nam.

Thế là cái lưới ái tình chật hẹp tung lên vào năm 1944 mà không chụp vào đầu tôi, hơn mười năm sau, vì không tránh né nên tôi chui tọt vào lưới.

Một chiều mùa Thu 1957, tôi tỏ tình với Alice và được nàng ban cho một cái ừ lặng lẽ. Lúc đó, tôi có ngay quyết định là mối tình này cũng phải cao thượng như mối tình giữa tôi và Hélène. Tôi bỏ ra 10 năm để xây dựng một cuộc tình mà kết quả là một số bản tình ca soạn ra để riêng tặng nàng, từ Thương Tình Ca (1956) cho tới Chỉ Chừng Đó Thôi (1975). Nàng cũng viết ra khoảng 300 bài thơ để tặng tôi, trong đó có bài tôi phóng tác thành ca khúc :

Tôi đang mơ giấc mộng dài
Đừng lay tôi nhé cuộc đời chung quanh...

Đừng lay tôi nhé cuộc đời
Tôi còn trẻ dại cho tôi mơ mòng

Kể từ năm 1948 cho tới khi xẩy ra vụ sì căng đan về tình, tính ra đã gần một thập niên, sau khi lấy vợ và lánh xa chính trị để sống với bản thân và gia đình, rồi đi học xa, rồi trở về ''phụng sự'' (!) quốc gia, vì quá mải mê soạn nhạc xã hội, những bài tình tự quê hương, tôi không soạn một bản nhạc tình nào cả. Vả lại, trong 10 năm trời, tôi không gặp một cuộc tình nào gọi là đáng kể. Tới khi một chuyện tình không đẹp xẩy ra, trong muôn vàn đổ vỡ do tôi gây cho những người trong cuộc, có sự đổ vỡ của riêng tôi. Dù có người vợ hiền lành đại lượng, sẵn sàng tha thứ cho mình nhưng tôi vẫn chưa ngoi ra khỏi cái vực thẳm mà tôi đẩy tôi xuống. Nằm trong đáy cô đơn, tôi ngóc đầu vươn lên để soạn bài Tìm Nhau :

Tìm nhau trong hoa nở, tìm nhau trong cơn gió
Tìm nhau trong đêm khô hay mưa lũ
Tìm nhau khi nắng đổ, tìm nhau khi trăng tỏ
Tìm nhau như chim mộng tìm người mơ...

Khi quá đau khổ, người ta dễ dàng đi vào Đạo :

Gặp nhau trong hơi thở của cuộc đời, người ơi
Gặp nhau, hãy nép hơi im trong hương mới
Gặp nhau trong nhân tình đầy bác ái, ơi người
Gặp nhau trong kinh cầu một hồi chuông...

Tôi không ngờ trong một thời gian ngắn, tôi lại gặp được tình yêu. Tôi không lẩn tránh nó dù biết không giữ nó được suốt đời. Cuộc tình khởi sự bằng bài Thương Tình Ca :

Dìu nhau đi trên phố vắng
Dìu nhau đi trong ánh sáng
Dắt hồn về giấc mơ vàng, nhẹ nhàng
Dìu nhau đi chung một niềm thương...

Biết rằng có ngày phải chia xa nhau nhưng vẫn hứa :

Dìu nhau sang bên kia thế giới
Dìu nhau nương thân ven chín suối
Dắt dìu về tới xa vời, đời đời
Dìu nhau đưa nhau vào ngàn thu...

Vì vấn đề chênh lệch tuổi tác cũng như vì tôi không muốn làm phiền những người chung quanh một lần nữa, tôi quyết định ngay từ lúc đầu rằng đây chỉ là một mối tình giữa hai tâm hồn mà thôi. Tôi cố gắng tránh mọi đụng chạm về xác thịt và tôi hãnh diện để nói rằng nàng vẫn là một trinh nữ khi rời xa tôi để bước chân lên xe hoa về nhà chồng. Là một nghệ sĩ, tôi cần tình yêu để sáng tác, giống như con người cần khí trời để thở. Tôi không cần phải chiếm đoạt ai cả, nhất là chiếm đoạt một người con gái còn ít tuổi. Giữa chúng tôi, không có ràng buộc, trói chặt nhau. Mỗi cuối tuần gặp nhau, thế là quá đủ. Tôi nói lên điều này qua ca khúc Cho Nhau:

Cho nhau chẳng tiếc gì nhau.
Cho nhau gửi đã từ lâu
Cho nhau cho lúc sơ sinh ngày đầu
Cho những hoa niên nhịp cầu
Đưa tuổi thơ đến về đâu...
. . . . . .
Cho nhau làn tóc làn tơ
Cho nhau cả mắt trời cho
Cho nhau tiếng khóc hay câu vui đùa
Cho chiếc nôi, cho nấm mồ
Cho rồi xin lại tự do...

Vì yêu nhau nhưng không muốn chiếm đoạt nhau cho nên có thể cho nhau cả dãy Trường Sơn, cho nhau cả bốn trùng dương, quê hương xin vẫn cho nhau như thường... để rồi khi cần phải dứt tay chia đôi đường, đã giữ lại sự ''tự do cho nhau'' rồi thì sẽ chẳng còn gì để đôi người tình phải vương vấn hay oán trách nhau.

Tôi muốn nói qua về những tính chất nhạc tình trong Tân Nhạc Việt Nam. Khi mới thành hình, nhạc tình trong âm nhạc cải cách mang nhiều tính chất lãng mạn với những tác phẩm của Đặng Thế Phong, Lê Thương, Thẩm Oánh, Dzoãn Mẫn v.v... Tình nhân trong những ca khúc đó bao giờ cũng phải có mùa Thu, gió heo may, sông nước, trời mây, hoa cỏ... đến để làm đẹp cho cuộc tình.

Rồi theo với thời gian, nhạc tình tiến tới giai đoạn phát triển của Tân Nhạc, nó rời khỏi khung cảnh lãng mạn (romantique) để tiến tới nhạc tình cảm tính (sentimental). Bây giờ đôi lứa yêu nhau không còn cần đến bối cảnh chung quanh nữa. Trong loại nhạc tình này, chỉ có anh với em mà thôi, nghĩa là chỉ có người nam, người nữ dìu nhau đi trên đường tình. Rồi nhạc tình Việt Nam sẽ tiến tới giai đoạn não tính (cérébral) với Trịnh Công Sơn, nhục tính (sensuel) với Lê Uyên Phương, ảo tính (psychedelique) với Nguyễn Trung Cang... Nhạc tình của tôi ra đời trong giai đoạn 58-68 nằm trong loại nhạc tình cảm tính vậy.

Sau khi dìu nhau trong Thương Tình Ca để đi vào tình tôi soạn những bài Ngày Đó Chúng Mình, Đừng Xa Nhau, Kiếp Nào Có Yêu Nhau, tất cả nhấn mạnh vào chữ ''nhau'' :

Ngày đó có em đi nhẹ vào đời
Và mang theo trăng sao đến với lời thơ nuối.
Ngày đó có anh mơ lại mộng ngời
Và se tơ kết tóc giam em vào lòng thôi...

Georges Etienne Gauthier, trong một bài báo đăng trên BÁCH KHOA vào năm 1972 đã ví giai điệu của những bài nhạc tình này như sự vươn lên của cánh thiên nga :

Ngày đôi ta ca vui tiếng hát vói đường dài
Ngâm khẽ tiếng thơ, khơi mạch sầu lơi ( ý y y )
Ngày đôi môi đôi môi đã quyết trói đời người
Ôi những cánh tay đan vòng tình ái ( ớ ơ ờ )
Ngày đó có ta mơ được trọn đời
Tình vươn vai lên khơi tới chín trời mây khói
Ngày đó có say duyên vượt biển ngoài
Trùng dương ơi ! Giữ kín cho lâu đài tình đôi...

Nhưng dù nét nhạc, lời ca có đẹp đến mấy tôi cũng biết rằng không thể nào giữ được người tình suốt đời. Cho nên :

Ngày đó có em ra khỏi đời rồi
Và mang theo trăng sao chết cuối trời u tối
Ngày đó có anh mê mải tìm lời
Tìm trong đêm rách rưới cơn mơ nào lẻ loi ?
Rồi tiên đoán ngày xa nhau :
Ngày đó có bơ vơ lạc về trời
Tìm trên mây xa khơi có áo dài khăn cưới
Ngày đó có kêu lên gọi hồn người
Trùng dương ơi ! Có sót sa cũng hoài mà thôi...

Mới yêu nhau mà đã lo sợ ngày xa nhau. Chúng tôi đã khuyên nhau :

Đừng xa nhau !
Đừng quên nhau
Đừng rẽ khúc tình nghèo
Đừng chia nhau nỗi vui, niềm đau
Đừng buông mau
Đừng dứt áo
Đừng thoát giấc mộng đầu
Dù cho đêm có không bền lâu
Dù mai sau dắt nhau mà qua cầu
Mồ chôn sâu ánh trăng vàng mái lầu
Đừng xa nhau nhé
Đừng quên nhau nhé
Đừng chia nhau núi cao vực sâu
Đừng xa nhau
Đừng quên nhau
Đừng dứt tiếng ngậm sầu
Đừng im hơi đắng cay rời nhau
Đừng đi mau, để mãi mãi
Là chiếc bóng đậm mầu
Còn theo nhau tới muôn đời sau...

Trong lúc này, một người bạn gái cũ là Hoài Trinh ở Paris gửi về cho tôi nhiều bài thơ hay trong đó có bài Kiếp Nào Có Yêu Nhau mà tôi thấy rất phù hợp với thứ tình xanh vẫn còn lo sợ của tôi. Cho nên tôi vội vàng phổ nhạc ngay :

Đừng nhìn em nữa anh ơi !
Hoa xanh đã phai rồi, hương trinh đã tan rồi
Đừng nhìn em
Đừng nhìn em nữa anh ơi
Đôi mi đã buông suôi, môi nhăn đã quên cười
Hẳn người thôi đã quên ta
Trăng Thu gẫy đôi bờ, chim bay xứ xa mờ
Gặp người chăng
Gặp người chăng, nhắn cho ta
Hoa xanh đã bơ vơ, đêm sâu gối ơ thờ
Kiếp nào có yêu nhau, thì xin tìm đến mai sau
Hoa xanh khi chưa nở, tình xanh khi chưa lo sợ
Bao giờ có yêu nhau, thì xin gạt hết thương đau
Anh đâu anh đâu rồi ?
Anh đâu anh đâu rồi ?
Đừng nhìn nhau nữa anh ơi
Xa nhau đã xa rồi, quên nhau đã quên rồi
Còn nhìn chi
Còn nhìn chi nữa anh ơi
Nước mắt đã buông suôi, theo tiếng hát qua đời
Đừng nhìn nhau nữa... anh ơi...

Những bạn bè yêu nhạc thường hỏi tôi về cái gọi là bí quyết phổ nhạc. Âu là tôi xin phép nữ sĩ Hoài Trinh cho tôi được in ra sau đây nguyên bản của bài thơ để bạn so sánh :

Anh đừng nhìn em nữa
Hoa xanh đã phai rồi
Còn nhìn em chi nữa
Sót lòng nhau mà thôi.

Người đã quên ta rồi
Quên ta rồi hẳn chứ ?
Trăng mùa thu gẫy đôi
Chim nào bay về xứ ?

Chim ơi có gặp người
Nhắn dùm ta vẫn nhớ
Hoa đời phai sắc tươi
Đêm gối sầu nức nở.

Kiếp nào có yêu nhau
Nhớ tìm khi chưa nở
Hoa xanh tận nghìn sau
Tình xanh không lo sợ.

Lệ nhoà trên gối trắng
Anh đâu, anh đâu rồi !
Rượu yêu nồng cay đắng
Sao cạn mình em thôi !

Chắc bạn đọc cũng thấy bài thơ phổ nhạc được tôi thêm câu, thêm chữ. Phổ nhạc là chắp cánh cho thơ bay cao. Bài thơ ngắn ngủi, cô đọng này, vì có thêm chữ nên không còn tiết vận đều đều, bằng phẳng nữa. Bây giờ nó quay cuồng theo nét nhạc, câu nhạc. Giai điệu của câu đừng nhìn em, nữa anh ơi chuyển rất đột ngột, đi từ nốt trầm lên nốt cao nhất với hai nhẩy bực quãng 5 để diễn tả sự tột độ của tình cảm. Cái syncope sau câu đừng nhìn em làm cho mọi người thấy được sự nghẹn ngào của bài thơ và bài hát.

Đây cũng là lúc mà những bài thơ rất hay như Vần Thơ Sầu Rụng, Hoa Rụng Ven Sông, Thú Đau Thương của Lưu Trọng Lư, Ngậm Ngùi của Huy Cận, Mộ Khúc của Xuân Diệu, Tình Quê của Hàn Mặc Tử và Tỳ Bà của Bích Khê... được tôi biến thành những ca khúc để mỗi cuối tuần gặp người yêu-thi sĩ thì tôi hát tặng Nàng.


với Cung Trầm Tưởng, thăm bức tường lưu niệm Vietnam War

Lại có thêm Cung Trầm Tưởng, một thi sĩ trẻ vừa ở Paris về, đưa cho tôi mấy bài thơ để phổ nhạc như Tiễn Em, Mùa Thu Paris, Chiều Đông, Kiếp Sau, Về Đây, Bên Ni Bên Nớ... trong đó, có hai bài hát về Paris do các nữ ca sĩ trẻ đẹp như Thanh Thúy, Thu Hương, Lệ Thanh trình bày hằng đêm tại các phòng trà và được khán giả hoan nghênh. Những bài thơ phổ nhạc đó trở thành những tình khúc của một thời, thi tứ chắc chắn là của các thi sĩ nhưng động lực khiến tôi phổ nhạc, chính là Nàng Thơ của tôi.

Trong số bài thơ phổ nhạc vào lúc này, bài Ngậm Ngùi thành công nhất.


Với Huy Cận, Hanoi 2000

Bài thơ của Huy Cận cũng đã được đàn anh Lê Thương phổ nhạc từ năm 1943 hay 44 gì đó. Tiếc thay, thiên hạ không có dịp hát nó. Tôi may mắn hơn chàng Lê, vừa tung bài thơ phổ nhạc ra là mọi người biết ngay. Được Anh Ngọc hát lần đầu tiên rồi được Lệ Thu làm nó trở thành bất hủ, bài thơ của Huy Cận do tôi phổ thành ca khúc là một thứ giao lưu văn nghệ xẩy ra ngay từ lúc này. Nguyên bài thơ đã là một giao lưu giữa thơ Đường và thơ lục bát Việt Nam rồi.

Thơ hiện diện từ mấy chục năm trước, được trở thành nhạc vào lúc Việt Nam bị phân chia, ca khúc Ngậm Ngùi của Huy Cận-Phạm Duy giao tiếp hai thời thanh bình và khói lửa, giao hoà hai nghệ sĩ ở hai miền đối nghịch. Về phương diện thẩm âm, thẩm mỹ, bài đó xưng tụng một cái đẹp sắp sửa mất, đang mất hay sẽ mất, với lời thơ êm ả, bùi ngùi, thương tiếc, với nhạc điệu ôm ấp, vỗ về, an ủi. Hãy trả lại chúng tôi mộng bình thường mà có lẽ chúng tôi đã, đang hay sẽ mất. Tôi cố tình dùng hơi ''oán'' trong bài ca :

-- Phải nhấn giọng ở chữ ''bãi'' trong câu nắng chia nửa bãi chiều rồi, như ta hát Vọng Cổ, nghe không ca sĩ...

Suốt mấy chục năm liền, Ngậm Ngùi được hát liên miên. Ca sĩ mới ra lò ở Mỹ hiện nay (1991) dù đã ngọng tiếng Việt, cũng vẫn hát Ngậm Ngùi như thường. Dường như chưa hề ra thoát một u buồn triền miên, chúng ta không ngưng nghỉ ru nhau vào giấc mộng bình thường :

Ngủ đi em mộng bình thường
Ru em sẵn tiếng thùy dương đôi bờ
Ngủ đi em ! Ngủ đi em !


Phạm Duy