Chương 7
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 4786
Bể sầu không nhiều
Nhưng cũng đủ yêu...
CHIỀU VỀ TRÊN SÔNG
Hoàng Văn Chí và tôi tại Arlington VA USA
Trong khoảng 1955-56, anh bạn Hoàng Văn Chí (đang làm việc trong VĂN HOÁ VỤ) nhận được tài liệu báo chí ở Hà Nội đăng tải về vụ NHÂN VĂN GIAI PHẨM mà cơ quan tình báo trong Chính Phủ của Bác sĩ Trần Kim Tuyến, sở Thông Tin USIS của Mỹ ở Saigon, một tổ chức tuyên truyền ở Đài Loan do Linh mục Raymond De Jaegher chỉ huy và một ngoại kiều trong lãnh sự quán Ấn Độ trao cho để khai thác. Anh văn hoá vụ trưởng họ Hoàng đưa cho tôi coi để hỏi thêm tiểu sử của một số văn nghệ sĩ dính líu tới vụ NHÂN VĂN GIAI PHẨM. Do đó tôi được biết khá rõ ràng phong trào đòi tự do dân chủ của văn nghệ sĩ và trí thức miền Bắc trong đó có những người bạn cũ như Văn Cao, Hoàng Cầm, Nguyễn Hữu Đang, Trần Thiếu Bảo...
Sau khi Kruschev hạ bệ Staline ở Đại Hội Đảng CS lần thứ XX, nhà cầm quyền Liên Xô tuyên bố áp dụng chính sách cởi mở, bãi bỏ quan niệm thần tượng hoá lãnh tụ. Bắc Kinh rập khuôn Liên Xô, đưa ra khẩu hiệu Trăm Hoa Đua Nở cho phép văn nghệ sĩ tự do sáng tác, phê phán lãnh đạo. Theo gót Bắc Kinh, Hà Nội cũng cởi trói văn nghệ : phong trào NHÂN VĂN GIAI PHẨM ra đời những năm 54, 55, 56 trong giai đoạn cuộc cải cách ruộng đất gây ra những sai lầm thảm khốc cho Việt Nam. NHÂN VĂN GIAI PHẨM là phong trào đầu tiên của văn nghệ sĩ và trí thức miền Bắc đòi tự do dân chủ cho đất nước. Họ bị thẳng tay đàn áp, kẻ đi tù, người bị bạc đãi. Trước sự kiện đó, tuy trong lòng thì xót thương các bạn cũ, tôi rất vui vì sự quá lỏng lẻo trong chính sách văn hoá, văn nghệ của chính phủ Ngô Đình Diệm (và của những chính quyền đi sau). Vui là vì nếu chính phủ Diệm chưa bao giờ được xưng tụng là một Nhà Nước tôn trọng tự do và dân chủ thực sự nhưng văn nghệ sĩ ít khi bị đàn áp, trừ trường hợp đó là nhà văn, nhà báo làm chính trị hẳn hòi, đi theo một đảng phái nào đó để chống chính quyền. So với miền Bắc, người làm văn học nghệ thuật thuần túy ở miền Nam có một sự tự do tương đối nào đó trong phạm vi sáng tác.
Nhưng vui thì vui đấy, thực ra tôi cũng nên buồn một phát ! Buồn vì phe quốc gia không có một chính sách văn nghệ nào cho ra trò, chính phủ chỉ dùng những công chức để làm việc một cách rất máy móc với văn nghệ sĩ. Tổ chức kiểm duyệt nằm trong bộ Thông Tin là rất cần thiết để ngăn ngừa những người -- được gọi là ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản -- có ý định dùng văn hoá phẩm để tuyên truyền cho chế độ miền Bắc. Nhưng khi cần kiểm soát ngành nhạc, chính quyền đã rất lẩm cẩm khi làm khó dễ chúng tôi trong việc sáng tác nhạc tình. Trong cơn say mê lành mạnh hoá quốc gia, bài trừ thuốc phiện, đóng cửa vũ trường, chính quyền đóng luôn vai trò kiểm soát con tim trong phạm vi âm nhạc.
Tuy nhiên, chúng tôi đâu có chịu thua mụ kiểm duyệt. Vì sự lỏng tay của chính quyền, ngay trong thời ông Diệm, ngay khi phong trào Tố Cộng chưa dứt, ngoài loại nhạc tranh đấu mà chính quyền đề cao, chúng tôi vẫn rỉ rả đưa ra những bản nhạc tình. Rồi tới khi dòng nhạc tuyên truyền cho khu trù mật, ấp chiến lược... ra đời thì vẫn có những bản nhạc ướt át được phổ biến, tuy chẳng bao giờ được chính quyền ủng hộ nhưng cũng không bị ngăn cấm gắt gao và được tuổi trẻ hát như điên. Đó là loại nhạc với nội dung tình yêu của tuổi choai choai. Sau thời ông Diệm, nhạc ướt át ẩn thân vào những bài tôi gọi là lính ca. Khi các ông nhà binh lên cầm quyền và khi có tới ba bốn thế hệ thanh niên tiếp tục bị gọi lính -- khiến cho tôi cũng phải soạn ra một bản lính ca nhan đề Một Hai Ba Chúng Ta Đi Lính Cả Làng -- thì những ca khúc thiên về tình yêu với đề tài lính tiền tuyến và em gái hậu phương được tung ra và rất thành công.
Khi các khiêu vũ trường bị đóng cửa, những người của đêm tối bèn kéo nhau đi chơi ở phòng trà có âm nhạc sống. Gia Đình Thăng Long và giới nghệ sĩ sinh sống bằng nghề nhạc ở Saigon giờ, ngoài địa bàn hoạt động là Đài Phát Thanh, Hãng Đĩa Hát, Đại Nhạc Hội, có thêm chỗ dụng võ là những phòng trà. Tôi thường đến giúp vui cho Phòng Trà Đức Quỳnh ở đường Cao Thắng là nơi đào tạo ra các ca sĩ Thu Hương, Lệ Thanh, Thanh Thúy... Thấy phòng trà ăn khách và với sự khuyến khích của tôi, nhà văn Mặc Thu mở phòng trà Trúc Lâm ở đường Ngô Tùng Châu. Rồi tới khi kiến trúc sư Võ Đức Diên mở phòng trà Anh Vũ ở đường Bùi Viện thì tôi là người điều khiển chương trình văn nghệ.
Các khiêu vũ trường Văn Cảnh, Tabarin, Tự Do -- bây giờ đổi thành phòng trà -- cũng là nơi tôi lai vãng hằng đêm. Dù chính quyền đang chủ trương lành mạnh hoá xã hội, Saigon by night vẫn còn là không gian và thời gian để những người thích hủ hoá (!) như tôi đi tìm nguồn vui xác thịt. Phòng trà là nơi hò hẹn của những cuộc tình tạm bợ. Thế nhưng nhờ ở chủ trương lành mạnh hoá xã hội này mà có một số nữ ca sĩ trở thành những mệnh phụ phu nhân của nhiều vị quan to -- kể cả quan văn lẫn quan võ -- của hai thời Cộng Hoà.
Thanh Thúy
Khung cảnh ăn chơi ở phòng trà trong thời điểm này cũng giúp tôi có vài người tình xác thịt như thời 45, 46. Dăm ba mối tình tạm bợ này làm tôi nghĩ tới vũ nữ Định với bài Tình Kỹ Nữ và bài ca xã hội tôi soạn cho Hanoi by night khi xưa, bài Tiếng Bước Trên Đường Khuya. Tôi bèn soạn bài Phố Buồn với một thể nhạc phù hợp với thế giới hộp đêm (boite de nuit) là thể tango. Nhờ giọng hát ma quái của Thanh Thúy, nhờ nhà xuất bản ở chợ trời âm nhạc -- tái bản tới 8 lần -- bài ca xã hội này phổ biến ra dân chúng rất nhanh, rất rộng mà không cần phải nhờ tới đài phát thanh :
Đường về đêm đêm mưa rơi ướt bước chân em
Bùn lầy không quên bôi thêm lối ngõ không tên
Qua mấy gian không đèn
Những mái tranh im lìm
Đường về nhà em tối đen
Nhìn vào khe song trông anh ốm yếu ho hen
Một ngày công lao không cho biết đến hương đêm
Em bước chân qua thềm
Mưa vẫn rơi êm đềm
Và chỉ làm phố buồn thêm...
Với bài này, tôi nghịch ngợm với chữ nghĩa và vần điệu như mưa rơi tí tách, mưa tuôn dưới vách, mưa qua mái rách, mưa như muốn trách, mưa yêu áo rách... và mơ màng hộ những đôi tình nhân nghèo, phải sống trong những ngôi nhà gỗ mái tôn trong hẻm tối phố buồn (khu Bàn Cờ ?) rồi nhìn ngôi nhà gạch mà họ mơ tưởng như chiếc bánh ngọt ngon !
Trong mấy năm liền, từ khi tôi bỏ vùng quê vào thành, được ra nước ngoài trong một thời gian rồi trở về nước, ở đâu tôi cũng phải sống quá nhiều với những đô thị. Nhất là bây giờ, vì việc công cũng như việc tư, tôi phải bó chân trong một Saigon với những đại lộ tuy rất vui nhưng cũng rất ồn ào, đầy khói xe và bụi bậm. Hay với những khu phố buồn, mùa mưa, ẩm ướt, lầy lội. Tôi nhớ đồng quê, tôi nhớ thiên nhiên vô cùng. Tôi tìm mọi cách để ra đi. Rồi tôi có những buổi chiều ngồi bên dòng sông Cửu Long :
Chiều buông trên dòng sông Cửu Long
Như một cơn ước mong ơi chiều...
... để mong được như hàng cây gỗ rong, nghiêng mình (trôi) trên sóng sông yêu kiều... Tôi còn muốn theo đò ngang quá giang, thương chiều... Rồi bởi vì tôi thương nhiều, nên tôi nhớ tình yêu. Vâng, tôi lại được lãng mạn như xưa rồi ! Bài Chiều Về Trên Sông có lẽ là bài có nhiều tình cảm thiên nhiên nhất của tôi. Bài hát được soạn trên một âm giai mineure 6, coi như đó là sự thử thách của tôi trong việc dùng những âm giai khác với những âm giai tôi đã dùng từ trước tới nay.
Trong thời gian này, cuộc sống gia đình của tôi rất là hạnh phúc. Ra ngoài xã hội, tôi cũng như hầu hết dân chúng miền Nam đều thấy trong lòng phấn khởi vì thấy mỗi ngày chế độ quốc gia càng như thêm vững chắc, chính phủ đang tiến hành những công trình xây dựng qui mô. Một triệu người di cư đã gây một tác động mạnh mẽ vào tinh thần những người còn có cảm tình với ''ngoài kia''. Phong trào Tố Cộng cố gắng làm sáng tỏ hơn chính nghĩa quốc gia. Hơn thế nữa những biến cố ở trong và ngoài nước như vụ nổi loạn ở Quỳnh Lưu, vụ Nhân Văn Giai Phẩm ở Hà Nội, vụ nổi dậy ở Ba Lan, Hung Gia Lợi... càng cho mọi người có cảm tưởng rằng miền Bắc có nhiều vấn đề hơn miền Nam. Khiến ai cũng thấy hân hoan. Ai cũng muốn hát lên những lời ca vui vẻ, đằm thắm. Tôi cũng thấy như vậy. Và tôi soạn ra một số bài hát, có thể được gọi là những bản xuân ca. Khởi đầu là bài Hoa Xuân :
Xuân vừa về trên bãi cỏ non
Gió xuân đưa lá vàng xuôi nguồn
Hoa cười cùng tia nắng vàng son
Lũ ong lên đường cánh tung ròn...
Bài Xuân Thì nói rõ hơn sự yêu mến hoà bình của người miền Nam :
Tình Xuân chớm nở đêm qua
Khi mùa chinh chiến đã lui ra ngoài đời
Ngày Xuân con én đưa thoi
Có người nhớ tới những lời yêu mến nha
Xa xa có tiếng kinh cầu
Chiều trên dương thế mang sầu mênh mông
Người đi giữa độ Xuân nồng
Nhìn nhau bỡ ngỡ rưng rưng lòng nhớ thương...
. . . . . . . . . . .
Tình thương nhân thế bao la
Yêu người năm trước đã khiến cho ta giận hờn
Và thương cây súng cô đơn
Hoa đào đã nở trên vết mòn chiến xa...
Bài Xuân Nồng sau đây ca tụng mùa Xuân ở miền Nam, nơi không gió lạnh mưa phùn như ở miền Bắc, chỉ có bụi và nắng, vậy mà vẫn nên thơ :
Trời xanh xanh quá, sáng soi bên nhà
Hương xuân la đà lọt cánh cửa qua.
Ngoài trời tự do, lũ bướm quanh co
Theo đường tơ, ra ngoài nẻo mơ.
. . . . . . . . .
Một mùa Xuân nóng giữa nơi kinh kỳ
Mưa bay không về, chỉ có bụi xe
Mặt trời phương Nam trong lúc Xuân sang
Yêu người dân, Xuân nồng tình doan...
Nhưng bài xuân ca mà tôi đắc ý nhất là... Xuân Ca! Mùa Xuân của ta khởi nguồn từ khi cha mẹ ta gặp nhau :
Xuân trong tôi đã khơi trong một đêm vui
Một đêm, một đêm gối chăn phòng the đón cha mẹ về !
Xuân âm u, lắt leo trong nguồn suối mơ
Bừng reo rồi theo nắng lên từ cha chói chan lòng mẹ...
Xuân ta ra đời từ đêm động phòng của cha mẹ, rồi Xuân ta lẽo đẽo trên đường đời cho tới khi ta cũng như mọi ai, chết trong địa cầu. Nhưng đừng lo, vì ta cũng như Xuân, sẽ tái sinh, sẽ sống thêm vài lần, như trong bài Xuân Ca vậy !
Tôi vốn là một kẻ tham lam. Cho nên soạn ra những bài hát mùa Xuân rồi thì tôi muốn trở thành một kẻ hát rong quanh năm ca hát. Tôi muốn soạn ra những ''ca khúc bốn mùa''. Vì sinh ra vào một mùa Thu nên tôi rất yêu mùa lá rụng. Trong kháng chiến tôi soạn bài hát về một mùa Thu chiến tranh nhưng đích thực ra tôi đã xưng tụng mùa Thu muôn năm hoà bình. Lúc này tôi đang tập toẹ đánh đàn tranh. Tôi bèn soạn một ca khúc hát với tiếng đệm đàn tranh lấy tên là Tơ Tình. Bởi vì bài hát nói tới mùa Thu, tôi đổi tên là Tình Ca Mùa Thu. Bài này, cũng như những xuân ca, là một bài hát trong xu hướng hoà mình vào thiên nhiên của tôi :
Đêm nay sương mờ bao phủ u ú như lòng thương nữ
Nhớ mấy cung đàn, thương đường tơ, mơ hiền hoà
Đêm nay sương mờ bay toả a á như hồn câu thơ
Ngát khúc tình ca, trong mùa Thu...
Rồi trong không khí ca hát bốn mùa đó, tôi viết thêm những ca khúc mùa hè như Hạ Hồng :
Mùa hè đi qua như làn gió
Mùa hè trong ta đã đỏ hoe
Mùa hè đôi ta bốc lửa cháy
Lửa thiêu trái đất này
Mùa hè thiên nhiên như tỉnh giấc
Mùa hè đưa ta tới hồng hoang
Trần truồng yêu nhau trong trời đất
Mùa hè của uyên ương
Đôi ta chỉ có một mùa mà thôi
Đôi ta chỉ có một lần đời vui
Mùa hè ngày tháng chưa già
Mùa hè hạnh phúc đôi ta...
Hạ Hồng là một bài ca đầy nhục tính. Đây là lúc tôi tới tuổi sung sức nhất của người đàn ông, tôi không giữ nổi tôi những khi trượt chân và ngã vào lòng những người nữ miền Nam nóng như lửa đốt. Rồi sau cuộc giao hoan, tôi lười biếng nằm chết trong giường tình và soạn bài Ngày Tháng Hạ :
Ngày tháng Hạ, mênh mông buồn
Lòng vắng vẻ như sân trường
Hàng phượng vĩ cũng khác thường
Nhỏ tia máu trên con đường...
Bài Hạ Hồng rất nóng bỏng, bài Ngày Tháng Hạ thật là oi ả, bài Gió Thoảng Đêm Hè sau đây có vẻ mát mẻ hơn, nhưng cả ba bài hạ ca này đều xưng tụng dục tình :
Gió thoảng đêm hè
Gió thoảng về khuya
Gió gặp cô bé
Lúc tuổi xuân thì
Giấc ngủ không mơ
Cô bé học trò
Đến tuổi học trò...
Gió thổi căng tròn
Dưới lồng ngực son
Gió rồn tim xuống
Gió lạnh tâm hồn
Gió là nụ hôn
Làm cho cô bé
Nức nở nhiều hơn...
Chủ trương soạn ca khúc bốn mùa nhưng tôi không yêu mùa Đông cho lắm, nên ngoài bài Mùa Đông Chiến Sĩ soạn trong kháng chiến hay bài Mùa Đông Paris (tức Tiễn Em, thơ Cung Trầm Tưởng do tôi phổ nhạc), hồi tôi còn trẻ, tôi không soạn thêm một ca khúc mùa Đông nào khác. Về già, trong tổ khúc BẦY CHIM BỎ XỨ, tôi mới đả động tới mùa Đông xứ lạnh quê người, có những con chim phải thổ huyết và cấu cổ tự vẫn vì buồn !
Cho tới năm 1956, nghĩa là gần hai năm sau thời gian đi học ở Pháp, những ngày tháng sống tại miền quốc gia đầy hứng khởi này là những ngày hoàn toàn hạnh phúc của tôi. Trong gia đình, tôi sống an nhiên bên vợ hiền con ngoan. Ngoài xã hội tôi là người được ưu đãi. Trong sáng tác, tôi tìm được đường đi. Rồi tôi buông thả tình cảm ra, trước hết với thiên nhiên, sau tới với xã hội và con người. Không bao giờ tôi nghĩ rằng sự buông thả không kìm chế của tôi sẽ đưa tôi đến những đổ vỡ không tránh được.
Phạm Duy