Chương 6
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 4476
Nhà Bè nước chẩy chia hai
Ai về Gia Định Đồng Nai thì về ...
TIẾNG HÒ MIỀN NAM
Đài VTVN, đường Richaud, nơi gặp gỡ rất vui vẻ của lũ nhạc sĩ, nhạc công, ca sĩ chúng tôi...
Xa nhà, xa nước trong một thời gian không lâu lắm, nhưng khi về tới Tân Sơn Nhất sau 17 tiếng đồng hồ máy bay, cảm giác đầu tiên của tôi là thấy hơi lạ mắt lạ tai. Sau khi hoà hội Genève kết thúc, Pháp rút quân dần dần ra khỏi Việt Nam, đất nước tạm chia đôi chờ ngày hiệp thương, gần một triệu người miền Bắc bỏ nơi chôn rau cắt rốn di cư vào Nam, trước hết, làm thay đổi bộ mặt của miền ai ziề Gia Định, Đồng Nai thì ziề... Miền Nam không còn vẻ an nhàn, lười biếng của thời xưa nữa. Phong cảnh dọc đường từ Saigon về các tỉnh bị dân Nam Định, Bùi Chu, Phát Diệm làm thay đổi hoàn toàn. Họ ở trong hàng trăm cái lều vải lớn, dựng lên hai bên đường cái. Có những lều được dùng làm giáo đường với đông đảo các bà, các cô Bắc Kỳ di cư răng đen, khăn vuông mỏ quạ tới làm lễ, trước khi nhà thờ mọc lên như nấm ở những nơi được đặt tên là Hố Nai, Gia Kiệm.
Thành phố Saigon trước kia rộng rãi và thưa thớt nay như bị nhỏ lại và chật chội vì dân Hà Nội kéo vào quá đông. Những khu đất hoang biến thành những khu phố với những nhà gỗ mái tôn mọc lên chi chít như những con cờ, khiến cho một khu phố được gọi là Bàn Cờ từ trước nay lại càng có vẻ bàn cờ hơn. Ngoài đường, những người ăn mặc xuề xoà ít hơn những người mặc áo veston, đội mũ, thắt cravate, đi giầy với bít tất len. Giữa mùa nắng nóng, họ nhốn nháo đi quanh phố xá (nhất là quanh khu Catinat và chợ Bến Thành) cứ như là đi dạo bên Hồ Gươm vào một mùa Thu lãng mạn !
Trước cảnh tưng bừng của lớp người đang xây dựng một đời sống mới, tôi có đầy đủ cảm hứng để soạn bài Tiếng Hò Miền Nam mang hơi hướng của những đoản khúc nằm trong Phần III của Trường Ca Con Đường Cái Quan sau này :
Nhà Bè nước chẩy chia hai
Ai về Gia Định Đồng Nai thì về !
Ai li hò lờ ! Ai li hò lờ !
Ai nghe chăng tiếng hò bao la
Những tiếng lòng di cư vẫy vùng theo gió
Ai nghe chăng tiếng người công phu
Biết tìm tự do tránh xa ngục tù...
Chính quyền Ngô Đình Diệm mà tôi rất có cảm tình đã đứng vững sau cơn giông tố. Một gia tộc làm chính trị chuyên nghiệp vừa nắm được quyền lực thì bị những chống đối đến từ vị quốc trưởng đang lo bị truất phế tới những đảng phái chân chính hay những tổ chức tay sai của Pháp, để sống sót, chính quyền đó không thể làm gì hơn là tiêu diệt đối lập. Tôi ở Pháp hơn một năm nên không được chứng kiến những nỗ lực của anh em họ Ngô trong việc đấu tranh để nắm giữ quyền lực. Chỉ biết rằng tình hình chính trị ở trong nước đã hoàn toàn thay đổi.
Vào ngày 18 tháng 10 năm 55, Bảo Đại ở Pháp gửi công điện chấm dứt nhiệm vụ của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm thì trong ngày 23 cùng tháng, có cuộc trưng cầu dân ý với kết quả là toàn dân truất phế Bảo Đại và suy tôn Ngô Đình Diệm lên chức vị quốc trưởng. Ngoài thắng lợi chính trị đó, vào thời điểm Đông Xuân 1955-56 này, về phương diện quân sự, nhà Ngô đã toàn thắng các phe đối lập vì được sự ủng hộ của một số tướng của hai giáo phái Hoà Hảo, Cao Đài như Nguyễn Giác Ngộ, Nguyễn Thành Phương, Trình Minh Thế và của nhiều sĩ quan cao cấp trong Quân Đội. Lực lượng Bình Xuyên của Bẩy Viễn, Lai Văn Sang, Lai Hữu Tài cùng lực lượng Bến Tre của cựu sĩ quan Tây lai Jean Léon Leroy bị đánh tan tành, phải theo chân quân đội Pháp mà ra đi, mấy người này đều bị xử tử hình khiếm diện. Hộ Pháp Phạm Công Tắc của Cao Đài lánh qua Cao Mên. Tướng Trần Văn Soái về đầu hàng. Tướng Lê Quang Vinh tức Ba Cụt bị bắt và bị xử tử hình. Đài Pháp Á ngưng hoạt động, những toán quân cuối cùng của Pháp đã về nước.
Chủ quyền ở miền Nam nằm hoàn toàn trong tay họ Ngô. Từ ngày 29 tháng 10 năm 1955, nước Việt Nam Cộng Hoà được thành lập với Tổng Thống là Ngô Đình Diệm. Quốc Hội Lập Hiến khai mạc vào tháng 3 năm 1956 và có nhiệm vụ chọn quốc ca, quốc kỳ. Trong số bạn bè của tôi, Hồ Hán Sơn đã chết, Trần Văn Ân và Hồ Hữu Tường đã bị bắt rồi bị đầy ra Côn Đảo, chỉ có Nguyễn Đức Quỳnh không bị hề hấn gì vì không đi theo Bình Xuyên qua cầu chữ Y hay ra Rừng Sát.
Tôi ở Pháp về tới Saigon là theo ban Thăng Long tới hát tại Đài Phát Thanh Quốc Gia. Giám Đốc Đoàn Văn Cừu tiếp đãi tôi rất ân cần, cho tôi làm nhạc trưởng của một ban nhạc (về sau lấy tên là ban HOA XUÂN) và đề nghị tôi nên dự thi quốc ca. Tôi bèn soạn một bài có tính chất âu ca, bài Chào Mừng Việt Nam để tham dự cuộc thi :
Chào mừng nền Cộng Hoà Việt Nam
Chào Dân Chủ Mới chiếu nguồn ánh sáng mọi nơi.
Chào muôn năm bao anh hùng chiến sĩ,
Chào bao thanh niên anh dũng hi sinh.
Chào mừng anh em ! Chào mừng Đoàn Kết !
Lấy ý chí quốc gia xây đời văn minh.
Chào mừng nhân dân ! Chào mừng thế giới !
Quyết chiến đấu xây đời tự do đẹp tươi.
Hoan hô Độc Lập ! Hoan hô Hoà Bình !
Bông hoa Á Châu, đây dân Việt Nam !
Hoan hô nụ cười ! Hoan hô cuộc đời !
Vui tranh đấu không quên bao tình người.
Ngoài bài của tôi, Hùng Lân dự thi với 2 bài : Nhân Dân Cách Mạng Việt Nam và Việt Nam Minh Châu Trời Đông, Ngô Duy Linh với bài Một Trời Sao, Ngọc Bích và Thanh Nam với bài Suy Tôn Ngô Tổng Thống. Chao ôi, thật là khó khăn cho Ủy Ban chọn quốc ca trong Quốc Hội quá ! Không chọn bài Suy Tôn Ngô Tổng Thống thì sợ Tổng Thống buồn, chọn bài đó thì chướng quá, cho nên kết cục Quốc Hội Lập Hiến duy trì bài quốc ca mà các chính phủ Nguyễn Văn Xuân và Nguyễn Văn Tâm đã chọn, nhưng Quốc Hội nhờ nhân viên của Đài Phát Thanh sửa lại lời ca. Chẳng hạn câu đầu :
Này thanh niên ơi !
Đứng lên đáp lời sông núi...
... nay được đổi thành :
Này công dân ơi !
Quốc gia đến ngày giải phóng...
Đã từng đi dạy sinh viên học sinh hát khi tham gia Phong trào THANH NIÊN TIỀN PHONG vào năm 1945, tôi thấy bài Tiếng Gọi Sinh Viên luôn luôn bị thay đổi. Lời ca nguyên thủy là :
Này sinh viên ơi !
Chúng ta kết đoàn hùng tráng
Đồng lòng cùng nhau ta đi kiếm nguồn tươi sáng...
... Khi trở thành Tiếng Gọi Thanh Niên, được đổi là :
Này thanh niên ơI !
Đứng lên đáp lời sông núi
Đồng lòng cùng đi, đi, đi mở đường khai lối...
Câu :
Thanh niên ơi ! Ta quyết đi đến cùng...
... bây giờ được đổi là :
Công dân ơi ! Mau hiến thân dưới cờ
Công dân ơi ! Sao làm cho cõi bờ v.v...
Tôi không phải là người độc nhất có cảm tình với chính quyền này để hăng hái tham gia bất cứ phong trào văn nghệ nào. Sau ngày Pháp ký hiệp ước trao trả chủ quyền cho Việt Nam và rút quân về nước, với cuộc di cư ồ ạt của đồng bào miền Bắc, với việc truất phế Bảo Đại và việc thành lập chế độ Cộng Hoà, với sự tiến hành những công trình xây dựng qui mô... quả thực đã có một sự phấn khởi lớn lao trong dân chúng miền Nam. Nhất là trong giới làm văn học nghệ thuật. Đã thấy xuất hiện tại Saigon những khuôn mặt lớn của giới nhà văn, nhà báo như Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Mạnh Côn, Hiếu Chân, Võ Phiến, Mặc Đỗ, Vũ Khắc Khoan, Mai Thảo... và những cơ sở báo chí, những nhà xuất bản mới mẻ như TỰ DO, VĂN HOÁ NGÀY NAY, BÁCH KHOA, SÁNG TẠO...
Được những người đã từng đi kháng chiến như Trần Chánh Thành (và Đổng Lý Văn Phòng là Lê Khải Trạch) chỉ huy, Bộ Thông Tin của chính phủ Ngô Đình Diệm thấy được khả năng tuyên truyền của văn nghệ cho nên đã thành lập một tổ chức đặt tên là VĂN HOÁ VỤ để làm công tác vận động văn nghệ sĩ tham gia đời sống chính trị. Người đầu tiên được giao cho nhiệm vụ điều khiển Văn Hoá Vụ là Đinh Sinh Pài, một cán bộ đã từng ở Khu IV, đã từng chứng kiến hoạt động của tướng Nguyễn Sơn và Đặng Thai Mai trong công tác này. Cùng với gia đình Thăng Long, tôi tham dự Đại Hội VĂN HOÁ TOÀN QUỐC mà Văn Hoá Vụ đứng ra tổ chức. Đại Hội này treo giải thưởng cho nhiều bộ môn. Tôi đoạt giải nhất trong bộ môn âm nhạc với vở ca kịch ngắn Chim Lồng. Vở này nói tới những con chim bị mất tự do và phải được tháo cũi xổ lồng để bay đi muôn phương, nghìn hướng. Vở ca kịch này như báo trước sự ra đời của tổ khúc Bầy Chim Bỏ Xứ :
Chim, chim chim ơi ! Chim, chim chim ơi !
Hãy cất cánh bay tung đầy trời !
Hãy cất cánh bay theo bụi đời !
Đời là nụ cười ! Đời là nguồn vui !
Vì một đàn chim bay giữa gió
Và miệng thì líu líu lo lo...
Trong thời gian đi kháng chiến, tôi gần đồng ruộng nên đa số bài hát đều nhắc tới lúa : Tuổi xanh như lúa mai - Có nàng gánh lúa cho anh ra đi giết thù - Về đây với lúa với nàng... Bây giờ ở Saigon, 1955 -- nhất là khi sống ở Hoa Kỳ sau này -- không còn cơ hội gần với đồng lúa Việt Nam thì tôi bị ám ảnh bởi chim. Sau bản Chim Lồng soạn ra để dự thi trong Đại Hội VĂN HOÁ TOÀN QUỐC, tôi nói tới những con chim trời qua một bài bé ca nhan đề Một Đàn Chim Nhỏ. Đàn chim nhỏ này từ trời bay về trần gian để trả lời lũ bé vì sao những nhân vật huyền thoại như Chị Hằng và Chú Cuội không còn ở cung trăng nữa. Trả lời rằng :
Từ ngày có hỏa tinh bay,
Bay có ba ngày lên tới mặt trăng
Ố tang tình tang ố tang tình tình.
Cuội đành đem Chị Hằng Nga
Tìm xứ xây nhà không biết ở đâu
Ốtang tình tang ố tang tình tình...
Những lời nói mò trong bài hát không ngờ lại đúng với sự thực : 10 năm sau đó, quả nhiên hỏa tiễn Hoa Kỳ chỉ mất có ba ngày lên tới mặt trăng và làm cho Chú Cuội và Cô Hằng phải bỏ ra đi. Tội nghiệp cho huyền thoại khi khoa học tiến bộ. Đối với Lý Bạch và Tản Đà, mặt trăng sẽ không còn là một nơi để các ngài cùng tôi trú ẩn nữa. Bé Ca Một Đàn Chim Nhỏ này còn là sự liên tục của bài Chú Cuội năm xưa của tôi.
Chính phủ Ngô Đình Diệm đã vượt qua một gay go lớn là sự chống đối của các lực lượng giáo phái hay đảng phái và coi như đã nắm chặt chính quyền. Nhưng vẫn còn một gay go khác đến từ Hà Nội mà Đệ Nhất Cộng Hoà cần phải khắc phục. Một mặt, sau hạn định 300 ngày để dân chúng hai miền chọn nơi sinh sống theo tinh thần của bản Hiệp Định Genève, Việt Nam tạm chia đôi để chờ ngày thống nhất bằng một cuộc Tổng Tuyển Cử, rồi bây giờ khi miền Bắc nêu vấn đề Hiệp Thương thì miền Nam cương quyết chống. Mặt khác, Phong Trào Tranh Thủ Hoà Bình vừa được thành lập tại miền Nam và có những hoạt động chống chính phủ cùng với sự nổi loạn của tù chính trị tại các trại Tam Hiệp (Hố Nai), Phú Lợi (Thủ Đầu Một) -- cả hai chính biến này đều do Hà Nội giật dây -- khiến cho chính quyền phải huy động toàn thể dân chúng miền Nam vào cuộc đấu tranh chính trị với miền Bắc. Lợi dụng hậu quả không tốt của cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc, Bộ Thông Tin của chính phủ Ngô Đình Diệm được giao cho trách nhiệm tạo nên một phong trào gọi là Tố Cộng. Nằm trong bộ Thông Tin, Văn Hoá Vụ tổ chức Đại Hội Văn Hoá rồi theo dõi sinh hoạt của giới văn nghệ sĩ. Đài Phát Thanh là nơi thu hút hầu hết ca nhạc sĩ ở Saigon. Đài còn giúp họ sinh sống bằng cách tạo ra nhiều ban nhạc.
Cũng như các nghệ sĩ khác, dù rất bận trong việc sinh nhai ở phòng trà hay đại nhạc hội, tôi không hờ hững với mọi thứ công tác văn nghệ do bộ Thông Tin đề xướng. Từ Khu IV dinh tê vào Hà Nội rồi vào Saigon, anh Hoàng Văn Chí, soạn giả cuốn Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc sau này, cũng hăng hái như tôi, xung phong vào làm việc trong Văn Hoá Vụ, nhưng anh sẽ sớm thất vọng và bỏ nước ra đi. Đó là bởi vì chính quyền khởi sự dùng ngay những công chức không có kinh nghiệm văn nghệ (nhưng là người cùng quê với Tổng Thống) như Nguyễn Duy Miễn ở Văn Hoá Vụ và Bửu Thọ ở Đài Phát Thanh để thay thế Đinh Sinh Pài và Đoàn Văn Cừu, những người tương đối biết tìm cách gần gũi với văn nghệ sĩ. Sự gắn bó giữa chính quyền và văn nghệ sĩ dần dần trở nên lỏng lẻo.
Sau này, trước khi bị lật đổ, chính phủ Diệm đưa ông Ngô Trọng Hiếu về cơ quan Công Dân Vụ (với sự giúp sức của Nguyễn Đức Quỳnh) để cố gắng thu phục văn nghệ sĩ một lần nữa, cũng như có những người trong các chính phủ kế tiếp định nắm đầu văn nghệ sĩ, phải kết luận là trong suốt mấy chục năm đấu tranh chính trị với miền Bắc, miền Nam chưa hề có một chính sách văn nghệ có hiệu quả, nghĩa là chưa bao giờ vận động được văn nghệ sĩ vào cuộc tranh đấu chính trị đó. Riêng về ngành nhạc, nhờ có Tham Vụ Nguyễn văn Huấn -- vốn là một tay chơi violon -- làm việc trong Phủ Tổng Thống và được lòng hai anh em ông Diệm, ông Nhu cho nên sau khi có trường Quốc Gia Âm Nhạc, một ban nhạc hoà tấu được thành lập ở Saigon.
Mấy đêm nhạc Mozart được tổ chức dưới quyền điều khiển của một nhạc sư già người Đức là Otto Soellner. Nhưng ban nhạc hoà tấu đó chỉ hoạt động trong một hai năm rồi tan rã ngay. Suốt trong 20 năm ở miền Nam, chỉ có vài buổi concert do Nguyễn Phụng hay Nghiêm Phú Phi điều khiển. Năm nào cũng có tổ chức giải thưởng VĂN CHƯƠNG TOÀN QUỐC của Tổng Thống trong đó có giải thưởng cho nhạc hoà tấu. Người luôn luôn giật giải là nhạc sĩ Vũ Thành, nhưng không bao giờ bản nhạc trúng giải được trình tấu vì lẽ giản dị là miền Nam không có ban nhạc hoà tấu. Thật là tội nghiệp cho những nhạc sĩ Việt Nam của thời đại này.
Trong nửa thế kỷ loạn lạc, nước ta là một nước chưa giầu chưa mạnh cho nên dân chúng chưa có thể vui thú trong cảnh hoà bình thịnh vượng để tận hưởng cái hay cái đẹp của nhạc cổ điển. Tôi là kẻ biết thân biết phận, sau khi đi du học ở ngoại quốc về, nhìn thấy tình trạng đất nước nên không dám nghĩ tới chuyện soạn nhạc theo trường phái đại nhạc Tây Phương. Tôi chỉ xin nhũn nhặn làm kẻ hát rong suốt đời với một chục, một trăm hay một ngàn lời ca tầm thường. Ấy thế mà lại hay ! Tôi không phải đau khổ như các nhạc sĩ nuôi mộng làm Mozart, Chopin hay Beethoven vì trong suốt đời mình, dù tôi chỉ dùng phương tiện tầm thường nhưng lại nói lên được khá nhiều điều. Và quan trọng nhất, có rất nhiều người nghe được những điều mình muốn nói.
Nói tới Đài Phát Thanh thì vào mấy năm đầu của Cộng Hoà thứ nhất, sau khi công chức Bửu Thọ thay thế Đoàn Văn Cừu, vì không biết cách sử dụng văn nghệ trong việc đấu tranh chính trị với miền Bắc, đài Saigon tràn ngập thinh không bằng những bài hát tuyên truyền. Nếu đó là những bài hát có giá trị thì cũng tốt thôi, nhưng trong 45 phút phát thanh của mỗi ban nhạc mà chỉ có toàn nhạc khẩu hiệu thì thật là khổ cho lỗ tai của thính giả. Đài còn làm một điều rất là cao quý : nhạc sĩ sáng tác được trả tác quyền để soạn nhạc tuyên truyền. Mối lợi này khiến cho ở trong Phòng Văn Nghệ của Đài có những nhạc sĩ (xin giấu tên) làm sẵn một số nhạc điệu rồi tùy theo các chiến dịch tuyên truyền mà soạn lời. Thế thì làm sao mà có nhạc hay được, hở Trời ? Chúng tôi gọi đó là loại nhạc bốn bò vì Đài trả tiền tác giả cho mỗi bài hát đấu tranh là 400$. Vào năm 56, đó là một số tiền không nhỏ. Tuy nhiên, những đãi ngộ đối với nhạc sĩ và ca sĩ của Đài Phát Thanh không lúc nào đi đôi với thực tế. Trong suốt hai mươi năm, tiền thù lao cho ca sĩ, tiền tác quyền cho tác giả, lúc đầu mua được cả trăm tô phở, vì không bao giờ được tăng lên, sẽ không thể nào theo kịp giá sinh hoạt. Vào những năm cuối cùng của miền Nam, tiền tác quyền hay tiền thù lao đó chỉ đủ cho nhạc sĩ hay ca sĩ ăn một hai tô phở hay chỉ đủ trả một cuốc xe taxi đi hát radio. Đài Vô Tuyến Việt Nam viết tắt là VTVN được chúng tôi gọi là Đài Vô Tình Vô Nghĩa.
Nói đùa thế thôi, chứ những ngày làm việc ở Đài Phát Thanh là những ngày đầy tình nghĩa giữa đám nghệ sĩ chúng tôi và những người điều khiển tổ chức này, phần nhiều là những nhà văn nhà thơ như Thái Văn Kiểm, Huy Quang Vũ Đức Vinh, Nhất Tuấn Phạm Hậu, Hà Thượng Nhân Phạm Xuân Ninh.... Hàng ngày gặp nhau tại Đài hay tại quán Phở trước mặt Đài là truyện trò với nhau vui như Tết. Các ca sĩ hay nhạc sĩ có khi đánh đàn hay hát trong hai, ba ban nhạc khác nhau, vào trong studio rồi mà vẫn còn đấu láo huyên thuyên một hồi, rồi khi đèn đỏ bật lên mới nhào vào chỗ mình ngồi hay đứng. Ít khi chúng tôi phải tập hát hay tập đàn những bài bản ghi trong chương trình. Dù là bài mới, trông lời ca mà hát, trông nốt nhạc mà đàn.
Nhiều nghệ sĩ thành vợ thành chồng nhờ ở những năm tháng làm việc chung trong Đài Phát Thanh. Chúng tôi thân nhau đến độ gọi nhau bằng những biệt hiệu. Trưởng Phòng Văn Nghệ kiêm thi sĩ Thái Thủy đi chân chữ bát được gọi là Hoàng Tử Gù. Nguyễn Hữu Thiết mang biệt hiệu Khủng Long vì mặt mũi lúc nào cũng có vẻ đau khổ. Trưởng ban Tùng Lâm hay gắt gỏng được gọi là Tùm Lum...
Phạm Duy