Chương 9
- Chi tiết
- Phạm Duy
- Lượt xem: 5453
Mang ơn đời nâng đỡ, dâng nấm mồ thô sơ
Với dâng hương hồn thương nhớ
Còn vấn vương trong chiều tà...
Tạ Ơn Đời
1955, đã biết ''tạ ơn đời'' từ lúc này rồi...
Sau khi đất nước chia đôi, chỉ trong vòng vài ba năm, Tân Nhạc tiến từ thời thành lập tới thời phảt triển. — miền Bắc nó nằm trong tay Nhà Nước, nhạc sĩ, ca sĩ đều trở thành văn công. — miền Nam, nằm trong tay tư nhân, ngành nhạc đi tới chỗ loạn phát. Dưới thời thịnh của ông Diệm, trong phạm vi văn nghệ, xã hội miền Nam -- mệnh danh là tự do -- là một xã hội có kiểm duyệt, dù lỏng lẻo. Hệ thống thông tin quần chúng như nhật báo, radio phải qua kiểm duyệt. Âm nhạc, muốn phổ biến rộng rãi, phải qua Đài Phát Thanh và chịu sự kiểm soát của Phòng Văn Nghệ. Muốn phát hành bản nhạc, dĩa hát, băng nhạc cũng phải qua kiểm duyệt. Nhưng bên cạnh bộ máy kiểm duyệt này, Nhà Nước cũng có một hệ thống sản xuất riêng. Các Đài Phát Thanh Quốc Gia hay Quân Đội có hàng chục các ban nhạc và hàng trăm các bản nhạc phục vụ thông tin tuyên truyền. Trong sinh hoạt chung, có một nền nếp rõ ràng : Những bản nhạc đánh vào lý trí hay vào xúc cảm (một cách gượng ép) của dân chúng thì có guồng máy thông tin của Nhà Nước. Về phía tư nhân, nhạc sĩ độc lập cứ việc soạn nhạc tình cảm dù vẫn phải qua kiểm duyệt. Dần dần nó bị cơ cấu hoá và người ta cho rằng đánh vào lý trí, để Nhà Nước làm là đúng lắm. Vô hình trung có sự phân công rõ rệt giữa dân chúng và chính quyền. Nhà Nước làm chuyện thông tin tuyên truyền, tư nhân làm chuyện văn nghệ thuần túy, như thế là rất quân bình, đôi bên bổ túc cho nhau.
Do đó, dù là cơ quan Nhà Nước, các Đài Phát Thanh cũng giúp nghệ sĩ tư nhân địa bàn hoạt động. Đó là lúc những Tổng Giám Đốc và Trưởng Phòng Chương Trình hay Phòng Văn Nghệ là những văn nghệ sĩ có tâm và có tài như Vũ Đức Vinh (văn sĩ Huy Quang), Phạm Hậu (thi sĩ Nhất Tuấn), Phạm Xuân Ninh (thi sĩ Hà Thượng Nhân), nhạc sĩ Vũ Thành, Nguyễn Hiền, văn sĩ Văn Quang. Vũ Thành còn lợi dụng phòng kiểm soát của Đài để bắt các trưởng ban nhạc phải soạn hoà âm đứng đắn cho từng bản nhạc trong chương trình.
Đài Quốc Gia còn có hẳn những chương trình giúp cho tân nhạc phát huy một cách lộng lẫy do các nhà văn, nhà báo Phan Lạc Phúc, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Quang Hiện, Trần Dạ Từ phụ trách. Rồi có lúc loại nhạc vàng lên cao vùn vụt. Như đã nói ở trên, vì ngành nhạc ở miền Nam nằm trong tay tư nhân với những phương tiện phổ biến dồi dào như việc ấn hành những bản nhạc rời, việc lăng xê bài hát trên đài phát thanh, việc thu đĩa, thu băng nên nó trở thành món hàng tiêu thụ, tức là nhạc thương phẩm với những ca khúc rất dung tục, ít thi tứ vì chạy theo thị hiếu thấp của quần chúng (1). Nếu không có các nhà văn, nhà báo với những chương trình phát thanh kể trên hết lòng giới thiệu thì những nhạc phẩm đứng đắn không được dân chúng biết. Tôi mang ơn những người phụ trách các chương trình phát thanh đó. Họ giúp tôi trần tình với thính giả mỗi khi tôi tung ra một loại ca mới nào. Tôi luôn luôn được phỏng vấn. Trả lời câu hỏi của Nguyễn Đình Toàn trong chương trình nhạc chủ đề của Đài Saigon, tôi nói vào lúc đó -- khoảng cuối thập niên 50 -- đối với tôi, chỉ có ba điều quan trọng : tình yêu, sự đau khổ và cái chết.
Với cuộc tình vừa kể ở chương trước, tôi đã soạn ra những bài hát xưng tụng tình yêu của chính tôi, trong đó biết bao nhiêu điều hạnh phúc được nói lên. Còn hạnh phúc nào hơn sự dìu nhau đi trên phố vắng nhỉ ? Bạn đọc còn nhớ chứ, mỗi năm Saigon đều có những ngày mưa rất đẹp. Mưa ào ào trên đầu của những tình nhân rồi lại tạnh ngay. Mưa từng là vạn cổ sầu của Đặng Thế Phong, là sầu thiên thu nhưng cũng là mưa hạnh phúc của những tình nhân Saigon. Bài hát nhan đề Mưa Rơi :
Mưa đi từ tuổi thơ,
Mưa theo cuộc tình tơ
Mưa rơi bạc đầu ai mong nhớ mưa...
. . . . . . .
Mưa rơi vào lòng ta
Mưa rơi vào tình ta
Có hay chăng là mưa rơi vì chúng ta
Mưa rơi, và còn rơi
Không bao giờ mưa ngơi
Không bao giờ ta nguôi yêu người ơi...
Đã nhiều lần, như một sinh viên 18 tuổi, tôi đưa em về nhà em khi mưa rơi ngoài đường đêm (đường phố Saigon) và mưa vui mừng quấn quýt dưới chân êm...
Mưa rơi lạnh trời đen
Mưa trong lòng lên men
Mưa cho lửa tình thêm chút yếu mềm...
Đối với tôi, mưa rơi ngoài hè đêm, như đôi bàn tay tiên, ru nhe nhẹ một ca khúc không tên. Và tôi xin mưa cứ rơi đi, rơi mãi nhé, ôi những giọt mưa to nhỏ triền miên, mưa trên đầu vô biên, mưa ấp ủ tình duyên thêm vững bền. Xin mưa cứ rơi trên đầu những kẻ đang dìu nhau đi trên phố vắng !
Xưng tụng bước đi trên phố mưa, phố vắng của người tình qua bài Mưa Rơi vừa rồi, tôi còn có thêm một bài hát Đường Em Đi :
Đường em có đi
Hằng đêm gót hoa
Nở những đoá thơ ôi dị kỳ
Đường êm có khi
Chờ em bước qua
Là nghiêng giấc mơ ước thề
Ngàn sao sáng xa nhìn em thướt tha
Rụng rơi vướng mây tóc ngà
Đường thơm bóng gầy, nhạc run lá bay
Hàng cây thiết tha đắm say...
Đây cũng là lúc tôi hoàn tất trường ca CON ĐƯỜNG CÁI QUAN. Trong khi tôi rảo bước trên con đường tử sinh của dân tộc, tôi cũng không quên con đường tình của mình :
Đường em cứ đi
Tình ta cứ xây
Chờ em thoát thai quay đường về.
Đường quanh khúc co
Nhịp chân trói vo
Đường duyên ấm vui, đường mơ...
Hạnh phúc trong cuộc tình này khiến cho tôi như sống trong cơn Mộng Du:
Đêm đêm người mở lòng ra
Ôm ta trong cõi mơ hồ.
Giã từ đời bằng hơi gió
Hoá hồn theo cánh mây xa...
. . . . . . .
Êm êm người dệt bài thơ
Nâng ta trong lưới mơ hồ
Ta về lòng người bỡ ngỡ
Khóc cười như bé bơ vơ
Ta theo đường mộng còn lưa
Hương đưa vào nẻo ngàn thu
Người về tay ngà thương nhớ
Kêu ta bằng một lời ru...
Nhưng trong hạnh phúc của cuộc tình đã thấy le lói sự khổ đau. Tôi tự biết không giữ được cuộc tình nên tôi than :
Nếu một mai em sẽ qua đời
Hoa phủ đầy người
Xe nhịp đằm khơi, xa xôi...
Với bài Nếu Một Mai Em Sẽ Qua Đời này, tôi nghĩ tới ngày xa nhau. Với hoa phủ đầy người, người yêu lên xe hoa. Xe hoa là xe tang hay xe cưới ? Chỉ biết em sẽ qua cầu, em sẽ xa anh :
Nếu một mai không còn ai
Đứng bên kia đời trông vòi vói
Không còn ai ! Đâu còn ai ?
Trong ngày mai, có dư hương người
Chỉ là giăng giối mà thôi
Nếu về sau em có qua cầu
Không chẳng vì sầu, thương chẳng còn đâu ?
Mà nói chuyện quên nhau
Nếu vì sao, quay gót cuốn mau
Dấu chân sâu in vết không lâu
Chẳng nợ gì nhau...
Xa nhau rồi hết nợ nhau nhé ! Rồi còn gì nữa đâu mà tưởng nhớ nhau ? Mà oán trách nhau ? Mà phải khóc nhau ? Mà gọi mãi nhau ? Bài Còn Gì Nữa Đâu được soạn ra ngay từ lúc này, nghĩa là sáu, bẩy năm trước khi xa nhau :
Còn gì nữa đâu ?
Mà kể với nhau
Vết thương đầu ngày nào
Có sống bao đời sau
Thì đà mất nhau
Còn gì nữa đâu ?
. . . . . . .
Còn gì nữa đâu ?
Mà gọi mãi nhau...
Hạnh phúc gắn liền với đau khổ trong vấn đề tình yêu được thể hiện trong một số bản nhạc tình, đúng như tôi trả lời người phỏng vấn Nguyễn Đình Toàn trong chương trình văn học nghệ thuật vào cuối năm 1959. Thế cái chết thì sao ? Xin thưa ngay rằng tôi rất sợ chết. Luôn luôn bị ám ảnh bởi cái chết. Tôi từng chứng kiến, lúc còn bé hay khi bước vào đời những cái chết đáng sợ : xác người treo cổ hay trầm mình ở Hồ Gươm, cái chết của thằng bạn nhỏ phố Hàng Dầu, của chị Sâm, xác bạn đồng ngũ ở chiến khu Baria, của người dân quân ở huyện Gio Linh v.v... Tôi còn bị ám ảnh bởi cái chết của chính tôi nữa. Sinh ra khi người cha đã mang trọng bệnh, tôi là đứa bé không đến nỗi quá gầy ốm nhưng cũng chẳng béo tốt gì. Khi lớn lên, ham mê điền kinh rồi được làm nghề lao động chân tay, còn được về sống trong không khí đồng quê trong sạch nữa nên ít khi tôi bị đau ốm. Nhưng khi lâm bệnh thì toàn là bệnh nặng.
Con người sống mạnh khoẻ là nhờ con tim và bộ phổi tốt. Trong chuyến vượt Trường Sơn vào Bình-Trị-Thiên, phải đi bộ và leo núi quá sức mình, quả tim của tôi bị nở ra khiến tôi khổ sở ở chiến khu Ba Lòng và phải trở ra Thanh Hoá bằng đường biển. Vào Saigon, thỉnh thoảng thấy có sự trục trặc trong quả tim hơi to của mình, cuối cùng tôi nhờ ông lang người Tầu Chợ Lớn bốc cho khoảng 100 thang thuốc trong đó có thứ quế Việt Nam (theo ông ta nói) có khả năng làm cho quả tim không nở to ra nữa. Những ngày làm thợ ở Moncay, phải sống quá nhiều với thán khí của lò rèn và của nhà máy phát điện, tôi bị đau phổi phải vào nhà thương để chữa bệnh thổ huyết. Từ đó, trên đầu cuống phổi của tôi, có một bướu nhỏ. Những khi làm việc quá sức, vết thương nhỏ lại ứa máu ra, thường thường là vào khoảng một hay hai giờ sáng. Tôi lo sợ vì trong gia đình tôi có hai người chết vì ung thư là mẹ tôi và anh Nhượng. Hơn nữa, ở chung với gia đình nhà vợ, tôi được một người thân tặng những vi trùng mang tên bacille de Kock nhờ tôi là công chức và phải khám sức khoẻ nên bệnh lao được phát giác và chữa chạy trong hai năm. Cũng may tôi không hút thuốc lá và uống rượu nên hai bệnh tim và phổi này không có cơ hội phát triển dù nhịp độ mệt tim và thổ huyết tăng lên với tháng năm. Chỉ mãi gần đây, sau một cơn thổ huyết quá nặng, được đưa vào bệnh viện Hoa Kỳ để đốt vết sẹo đó bằng tia laser rồi được phòng thí nghiệm cho biết tumeur không có ác tính. Từ đó (tháng 4 năm 1990) tôi mới hết sợ chết. Trước đó, quả rằng trong những ca khúc của tôi, cái chết luôn luôn được đề cập.
Những cái chết trong kháng chiến tôi đã nói lên rồi. Bây giờ trong nhạc tình có phảng phất bóng dáng của Nữ Thần vác lưỡi liềm dài. Trong bài Nước Mắt Rơi soạn năm 1961 chẳng hạn, tôi nói tới cuộc đời ngắn ngủi của giọt lệ. Giọt nước mắt ra đi từ bờ mi rồi về chết trên bờ môi. Trong hành trình rất là ngắn ngủi đó, nước mắt là ngọt bùi của đôi lứa, là mặn đắng của khổ đau, là tình trinh nữ, là hồn thơ, là đời hoa sớm nở tối tàn, là suối lệ nhỏ nhoi hay là biển nước mắt bao la của chúng ta. Là nước mắt không mùi và còn là giọt nước mắt khô nữa :
Nước mắt rơi cho tình ra đời
Nước mắt theo duyên về xa vời
Mùa Xuân ngời trôi dòng lệ vui nhỏ bé xanh tươi
Nước mắt suôi cho người gặp người
Nước mắt len sau từng nụ cười
Lệ ngọt bùi say đời rủ nhau tìm lối ra khơi
Nước mắt rơi trên đường đã dài
Nước mắt đưa chân về cội đời
Giọt lệ vàng không mùi ngược trôi về với đơn côi
Nước mắt êm đi vào tuổi trời
Nước mắt khô âm thầm không lời
Vài giọt sầu lững lờ dựa nhau về chết trên môi..
Rồi tôi nói tới cái chết của chiếc lá trên đường chiều. Lá đang như chiếc thuyền rung rinh trong gió, bỗng nghe tiếng đất gọi về, lá rụng để trở thành những ngôi mộ úa trên đường chiều, nơi đó có tôi và người yêu đang đi trong cuộc tình :
Chiều rơi trên đường vắng có ta rơi giữa chiều.
Hồn ta theo vạt nắng, theo làn gió đìu hiu...
Tôi nhìn chiếc lá vàng bay giống như dĩ vãng gầy, tóc buông dài, bước ra khỏi tình phai. Tôi nhìn chiếc lá vàng rơi giống như chút hơi người giã ơn đời trên nẻo đường hấp hối. Chiếc lá vàng êm, như mũi kim mềm sẽ khâu liền kín khung cửa tình duyên. Chiếc lá vàng khô, như nét môi già đã nhăn chờ lên nẻo đường băng giá. Để chiều không chiều nữa, và đêm lần lữa, chẳng thương chẳng nhớ. Để những lệ buồn cánh khô, rơi rớt từ một cõi mơ, nghe đất gọi về tiếng ru hững hờ...
... Còn rơi rụng nữa,
Cành khô và lá
Thành ngôi mộ úa
Chờ đến một trận gió mưa
Cho rũa tình già xác xơ
Cho biến thành nhựa sống nuôi tình thơ
. . . . . . . .
Chiều tan trên đường tối, có ta như rã rời
Hồn ta như gò mối đang chờ phút đầu thai....
Dù sao, vào lúc này -- đầu thập niên 1960 -- tôi đang sống một cuộc đời rất phỉ nguyện. Tôi có đầy đủ vinh quang và tủi nhục, hạnh phúc và khổ đau dù tôi luôn luôn bị ám ảnh bởi cái chết. Sống được quá nửa đời mình rồi, tôi gẫm thân :
Ôi một lần nương náu !
Đi trên đời chẳng lâu
Trong trăm mùa Xuân héo
Tay hái biết bao niềm yêu
Dăm eo sèo nhân thế
Chưa phai lòng say mê
Với đôi ba lần gian dối
Đời vẫn ban cho ngọt bùi...
Rồi nghĩ tới một ngày sẽ phải xa đời vĩnh viễn, tôi soạn bài Tạ Ơn Đời :
Mang ơn đời chăn vỗ
Dâng cho người yêu goá
Dâng cây đàn bơ vơ
Dâng biết bao ân tình xưa
Mang ơn đời nâng đỡ
Dâng nấm mồ thô sơ
Với dâng hương hồn thương nhớ
Còn vấn vương trong chiều tà...
Trong những Chương tới, bạn đọc thân mến sẽ còn thấy, trong những xu hướng khác với xu hướng nhạc tình của tôi, ba vấn đề Tình Yêu, Sự Đau Khổ và Cái Chết vẫn còn ám ảnh tôi hoài...
Phạm Duy
(1) Có lẽ vì bài Tiễn Em được hoan nghênh nên đã có các bản nhạc khác ra đời cũng lấy chủ đề là sự tiễn đưa nhau ở sân ga như : Ga Chiều, Buồn Ga Nhỏ, Ga Chiều Phố Nhỏ, Tầu Đêm Năm Cũ, Hai Chuyến Tầu Đêm, Chuyến Tầu Hoàng Hôn, Chuyến Tầu Về Quê Ngoại, Chuyến Tầu Tiễn Biệt v.v... Nên biết rằng vào thời điểm này, chỉ còn rất ít nhà ga hoạt động vì đường xe lửa ở miền Nam luôn luôn bị Việt Cộng phá hoại.