Môi Son Julie - [9] Mái Tóc Chị Hoài
- Chi tiết
- Julie Quang
- Lượt xem: 7942
Má tôi tên Hoài. Nguyễn Thị Hoài. Chị Hoài.
Người đã gây nguồn cảm hứng cho Bố Phạm Duy viết nên bản nhạc Mái Tóc Chị Hoài để tôi hát.
Ngày đó nghe Má kể. Chị Hoài dắt díu ba đứa con về tá túc với cha mẹ ruột sau khi chồng chị, ông A. phải dời nhiệm sở. Ông thuyên chuyển đến Lào – Viên Chăn chỉ cách hơn một giờ bay của phi cơ. Tuy không xa gì mấy nhưng chị Hoài nhất định không theo chồng cũng bởi có lần chị đã nghe theo lời người đàn ông chị gọi là chồng để dấn thân vào chốn viễn xứ.
Lấy chồng nước ngoài thì phải chịu cái cảnh xa cha mẹ, anh chị em, xa lìa nơi chôn nhau cắt rốn. Chị Hoài trên tay bế đứa con gái mười một tháng tuổi lên chiếc tàu chiến của quân đội Pháp để đến – Pondichery – Inde – Chồng chị trong quân đội viễn chinh Pháp nên những phương tiện đi lại của các gia đình lính tráng đều được quân đội Pháp đài thọ. Quê chồng cách xa quê chị mênh mông mấy đại dương. . . Ngày ngày vời trông cố hương nơi chốn mịt mùng, chị thầm nhủ mình sẽ chẳng bao giờ rời xa quê hương, lìa xa cha mẹ anh chị em một lần nữa, sẽ không bao giờ chiều chiều ra đứng ngõ sau, trông về quê mẹ ruột đau chín chiều. Mà nào có phải do cha mẹ định đoạt gả bán mà là do chính chị Hoài đã chọn con đường làm thử thách để thoát cái thòng lọng ngày càng xiết chặc hơn trên cổ cái gia đình nghèo mà đông con, nhiều miệng ăn quanh năm suốt tháng quẩn quanh với túng thiếu. Cái cảnh nghèo khó như dính vào da từ đời này đến đời nọ. Phải thay đổi cái định mệnh khắc nghiệt đó, định mệnh khác nếu có đau thương hay lắm thiệt thòi mà do chính mình tự quyết vẫn cam chịu hơn là bằng lòng với số phận đặt để. Chị Hoài chọn lấy chồng xa, chị than "thân như cá thoi thóp trên bờ" khi gửi thư về thăm cha mẹ nơi cố hương.
Chị buộc phải rời xa quê hương xứ sở đến một nơi xa lạ để biết phong tục tập quán và ngôn ngữ của bên chồng, chị phải tập làm quen với những người lạ không cùng màu da tiếng nói và nhận họ là người thân bởi họ là thân nhân của chồng. Sau năm năm đau đáu nơi xứ người chị Hoài trở về quê hương mình, tay dắt tay bồng hai đứa con gái hoàn toàn không biết tiếng mẹ đẻ.
Ghi lại câu chuyện đã nghe đi nghe lại nhiều lần do con bắt Má kể như nghe chuyện đời xưa của con trẻ trước giờ đi ngủ, trong trí óc non nớt con ghi nhận chuyện Ba và Má kết hôn rồi sanh ra con còn hay hơn chuyện cổ tích thần thoại. Chuyện má kể từ hồi con còn thơ đến giờ chắc có nhiều chi tiết nhòa trong trí nhớ, còn những chuyện mắt thấy tai nghe từ bé cho đến nay có mấy chục năm thì dường như chuyện mới xảy ra ngày hôm qua.
Hôm qua Má dắt con và bồng bế hai em (lúc đó có thêm thằng cu Bi) về nương tựa bên ngoại thay vì theo chồng qua Lào. Nhà ông bà ngoại ở Cần Thơ. Quê của ông bà nằm giữa Long Xuyên và Cần Thơ là Thốt Nốt, cái nôi của Hòa Hảo. Bên Nội Ngoại bà con của Má đều theo đạo Ông Bà hay đạo Hòa Hảo. Trước khi Má ra đời, ông bà ngoại đã chịu phép rửa tội để theo đạo Ki Tô giáo. Nhà ông bà trong một xóm đạo khuất sau cái lầu chuông của nhà thờ. Hầu hết người trong xóm là người Công giáo. Má sinh ra và lớn lên chốn này tất cả đều quen thuộc đều nền nếp với Má từ con người đến cảnh vật thật gần gũi rất thâm tình "như cá lội trong ao nhà." Duy có điều làm Má bức xúc và khó nghĩ mỗi khi con nhớ Ba và nằng nặc đòi theo Ba, con hạnh họe Má đủ điều, làm khó Má đủ cách... Nhưng khi thấy mắt Má đỏ hoe, nước mắt chỉ chực trào ra con tắt đài hết líu lo những câu hỏi mắc nghẹn vì những thắc mắc còn vướng víu trong lòng. Con tắt tịt rồi chóng quên.
Ba về thăm vợ được hai lần thì Má lòi ra thêm thằng cu Ben. Không bao lâu sau Má nhận được tin sét đánh – Ba ngoại tình và có một đứa con trai – Buổi chiều hôm đó sau khi cơm nước và dọn dẹp đâu đó xong xuôi, Má dắt tay con; hai mẹ con đi tản bộ. Má cho biết tin tức của Ba một cách tóm tắt rồi vội vàng đi thật nhanh để dấu hai hàng nước mắt.
Kể từ lúc đó Má mạnh dạn và xông xáo hơn, tự lực cánh sinh không nhờ vã vào người chồng bội bạc. Buổi sáng Má dậy thật sớm lo giặt giũ áo quần cho cả nhà gồm ba người lớn và bảy trẻ em (bốn chị em tôi và ba con gái của cậu Năm) sáng nào cũng đầy ắp một thau giặt.
Giặt giũ xong bắt nồi cơm lên để đỡ việc cơm nước cho Ngoại, Má phóng ngay ra chợ để bán hàng nơi cửa hàng bán mùng. Buổi chiều tàn Má lao vào lớp học may miễn phí ban đêm do nhà thờ tài trợ, tối về các con đã ngủ khò đôi khi chập chờn thức giấc qua ánh đèn dầu leo lét hắt lên vách bóng của Má thật to, cánh tay thật dài đủ để ôm tất cả các con vào lòng.
Thân thể Má gầy mòn vì nặng gánh, lo toan mọi điều cho mọi người. Má đẹp từ trong ra ngoài từ thể chất đến tâm hồn. con biết Má đẹp với nước da trắng mịn và cái búi tó đen nhánh trên đầu toát lên cái đẹp sang cả của người phụ nữ phương Bắc. Má người miền Nam vùng sông nước lớn lên ở tỉnh thành nhưng dáng vẽ đài các như các cô chiêu nơi thành phố chẳng thế mà Bố của thằng An bạn học là một ông nha sĩ khám răng ngoài câu hỏi đau cái răng nào, còn lại toàn bộ câu chuyện ông hỏi thăm về má. Như Má bao nhiêu tuổi. Ba đang ở đâu? Ơ cái ông này sao lại hỏi đến Ba? Ông ta có ý định gì với má? Bây nhiêu câu hỏi dồn dập làm cho cái đầu óc non nớt phải lo đề phòng bảo vệ Má cho Ba.
Bao nhiêu tình yêu với Ba con dồn hết lại để thương yêu và xoa dịu nỗi đau của Má. Con tập làm quen với ý nghĩ con không có cha để quên Ba nhưng khi có người nào ngắm nghé Má thì con sẽ đứng lên vì Ba để làm kỳ đà cản mũi và con đã không trở lại với ông nha sĩ đó.
Ba không còn hiện diện trong mỗi câu chuyện. Mọi người đều tránh nhắc nhở đến. Đồng thời con tập múa tập hát để mua vui cho Má. Có lẽ từ đó Má đã nhìn ra đứa con gái lớn có năng khiếu biễu diễn và nghệ thuật hớp hồn người ta. Mỗi khi có khách viếng thăm Má hãnh diện đem con ra khoe những bài hát những điệu múa con ra sức biễu diễn để chinh phục mọi người. Năm lên mười con đã biết đổi lời nhạc đệm những lời thương yêu mà con muốn nói với Má vào trong bài hát và hát lên cho má nghe.
Tuy thiếu thốn đủ thứ từ cái ăn đến cái mặc nhưng những bài nhạc hay tuyển tập thuộc dạng xa xỉ con không thiếu một bài nào. Má sẽ nhịn ăn sáng để nuôi dưỡng âm nhạc trong con. Má ăn trưa, ăn tối với cá kho quẹt mỗi ngày để con cái Má học trường Tây với các con của những ông lớn hay đại gia giàu có. Nào phải đâu Má bon chen với người mà vì các con Má là con lai nên Má có những đòi hỏi cho các con vượt ra ngoài cái sức của Má.
Má bước thêm bước nữa các con có thêm hai đứa em.
Cuộc đời vốn lắm oan trái cho Má, gỡ được đàng này lại rối đàng khác, thêm gút mắc... Mãi đến khi con xông vào đời một cách sốc nổi những mong gánh nặng đỡ oằn vài Má nhưng than ôi con dại gây thêm lắm đoạn trường. Má ơi con má hư rồi, còn đâu má gả má đòi bạc muôn. Con xin lỗi Má những sai trái và những lầm lỡ trong đời . Con hư là tại con hư, không phải lỗi của Má. Cám ơn Má, người Mẹ bao dung và là người bạn thân đã luôn sát cánh bên con trên đường đời cho dù con là đứa con hỏng bét.
Nhớ Má, cái hình ảnh ghi đậm trong trí là lúc Má chải tóc khi tháo cái búi tó tóc xòa dài chấm chân. Mái tóc đó như nhung êm đã ấp ủ chị em con suốt quảng đời thơ ấu. Con nhớ mãi mỗi lần Má đi chợ về thấy có bồ kết là biết Má sẽ gội đầu lúc chị em con ngủ trưa. Con nài nỉ để không phải ngủ và để được xối tung gáo nước cho Má gội đầu. Bây giờ và mãi mãi con không quên cái hình ảnh những buổi trưa hè oi ả từng gáo nước mát lạnh và mái tóc dài ủ ê của Má. Rất tiếc cho các em còn quá bé để ghi nhận hình ảnh thơ mộng đẹp như trong thi ca của một mái tóc. Mái Tóc Chị Hoài đi vào lòng những ai chỉ một lần nhìn thấy là mãi mãi không quên. Con có cái may mắn nhiều lần thưởng ngoạn cái đẹp, cái hương vị ngọt ngào đó như thế nào phải kể lại cho các em nghe. Mong rằng qua bài viết này con có thể cắm sâu hình ảnh về một mái tóc ngày xưa của Má trong lòng các em. Những đứa con của Má, của Chị Hoài về một mái tóc, Mái Tóc Chị Hoài.
Mái Tóc Chị Hòa - Nhạc Nhật, lời Việt Phạm Duy - Julie Quang trình bày trong CD Trái Tim Sắt Đá
Julie Quang
Nguồn: gio-o.com