Phượng À, Phượng À, Về Quê Hương Ta
- Chi tiết
- Đỗ Quý Toàn
- Lượt xem: 3515
Lần đầu nghe Tổ Khúc Bầy Chim Bỏ Xứ, tôi mới đi xa trở về, ngồi lắng nghe những âm thanh vang dội bập bềnh dào dạt ngập thính phòng ở nhà Phạm Duy, tôi nhớ ngay đến câu thơ cổ: Phượng hề, phượng hề, quy cố hương = Phượng à, Phượng à, ta trở về quê hương cũ.
Quê hương lúc đó là những giai điệu mà Phạm Duy đã ghi lại, đã chuyển hóa. Lúc đó quê hương cũng là những hình ảnh hiển hiện trong lời ca. Những tên gọi: Chi Lăng, Cửu Long, Vành Khuyên, Chèo Bẻo, mỗi tiếng gợi lên một mảnh đời đã sống. Ðiệu hò miền Trung, điệu Quan Họ quê tôi, mỗi điệu làm thức dậy một mớ tế bào trong não bộ, một đường máu chạy trong thân thể. Phạm Duy lúc nào cũng có cây gậy thần làm phép của một đạo sĩ, rút đất đưa chúng ta đi về, rút cả thời gian mang chúng ta trở lại. Phượng này, Phượng này, mình về quê đi em.
Chúng ta sẽ cất cánh bay như đàn chim dào dạt bềnh bồng, từng mảnh chim trời phấp phới dập dềnh như sóng. Con chim quyên ngày nào xuống suối tha mồi, một đời nhớ nước. Con chim chích chòe tung tẩy truyền cành kể chuyện tuổi thơ. Chim bồ câu thủ thỉ và chim sẻ ríu rít. Lên trên rừng ba mươi sáu thứ chanh, ba mươi sáu thứ tre, mà cũng là ba mươi sáu thứ chim. Chim họp đàn tíu tít trong mười tám đoản khúc của Phạm Duy, như trăm loài chim họp mặt rộn ràng trong một bức tranh Bách Ðiểu Triều Phượng. Mà con chim Phượng Hoàng ở đây chúa tể ngự trị trên muôn loài chim trong Tổ Khúc này, là con chim Hồng, con chim Lạc, loài chim của giống nòi Hùng Vương, của con cùng dòng Lạc Việt. Phạm Duy đã cất cánh như con chim Hồng Lạc, vỗ đi cánh bao la, ra đi làm nhiều vòng thế giới, là để trở về. Tên gọi là Bầy Chim Bỏ Xứ, cuối cùng phải đọc là Bầy Chim Về Xứ, Phượng à, Phượng à, ta về quê hương nghe.
Tôi trở về đến Thị Trấn Giữa Ðàng, sau khi đã đi gần nửa vòng trái đất, thăm Úc Châu, xứ sở của huyền thoại, chỉ còn hai múi giờ nữa là về tới quê hương, nhưng ở nơi nào đi qua tôi cũng thấy quê hương, và niềm hy vọng cho quê hương. Năm 1990, thế giới đang rung động, chuyển mình. Cả loài người đang chờ đón một mùa xuân của thanh bình, tự do và thịnh vượng. Người Việt của chúng ta trên khắp thế giới cũng đang rạo rực bồn chồn với hy vọng trở về dựng lại đất nước. Cơn ác mộng sắp tan biến. Hạnh phúc là đám mây lúc hừng đông. Chúng ta là đàn chim bỏ xứ ra đi khắp cùng thế giới, chúng ta đang chuẩn bị vỗ cánh bay về, sau khi ''ngao du tứ hải cầu kỳ hoàng''. Con chim Phượng, con chim Hoàng, giờ đã thành con chim Hồng, con chim Lạc. Bản tình khúc của một thi nhân đời xưa giờ đây đã thành bản Tình Ca của hàng triệu người, lớp lớp sóng dồn cánh chim bay về xứ. Phượng này, Phượng này, mình sắp về quê hương đây.
Trên lớp sóng chập chờn của bầy chim về xứ tôi ngồi lắng nghe ở nhà Phạm Duy, có cơn sóng cao ngất là đoạn hùng ca:
Lặng nghe
Ðây con chim Hùng
Ðây con chim Việt !
Những cánh chim huyền sử mơ màng...
Lời ca đã đưa trí tưởng của tôi trở về thời hồng hoang của dân tộc. Tổ tiên chúng ta đã theo dấu bầy chim, lấy chân mây làm chỗ hẹn, vượt bao núi non, ghềnh, thác, đến định cư ở châu thổ sông Hồng từ mười ngàn năm, tự trăm ngàn năm trước. Có đàn chim hùng vĩ nào đã dẫn đường cho tổ tiên chúng ta, để các cụ gọi tên là giống chim Hồng, giống chim Lạc. Lớp người di dân thời cổ sơ đó đã tràn xuống miền đất sông Hồng, một thế hệ, mười thế hệ, cả trăm thế hệ nối tiếp nhau như những dòng nước lũ trên ngàn đổ xuống chân núi, xuống tận mảnh châu thổ đầy phù sa đỏ ngầu. Chém tre, đẵn gỗ, dựng nhà, nhóm lửa bếp, trồng lúa nước, mở đất, phá rừng, chống trả với thiên nhiên, phòng ngự quân ngoại xâm, đào kênh, đắp đê, làm mắm, làm tương, múa hát theo nhịp giã gạo và chèo thuyền, vỗ trống đồng làm hiệu lệnh, và chim huyền sử đã trở thành biểu tượng của dòng giống, thành loài vật thiêng liêng thay mặt cho tổ tiên.
Lặng nghe
Ðây con chim Hùng
Ðây con chim Việt !
Các con hãy theo bóng bầy chim, hẹn nhau ở chân trời. Hãy vỗ cánh bay xa, một đời, hai đời, từ thời ông cha đến thời con cháu, rỉ rả như nước nguồn chảy trong kẽ đá, lách theo khe núi đầy cành khô, lá mục, róc rách như suối rừng, ào ạt như thác, các con sẽ chảy xuống miền xuôi, theo dấu chim Hồng, chim Lạc hãy bay về tận miền đất ấm áp và mầu mỡ. Ở đó tổ tiên chúng ta đã đắp đất, xây nhà, dựng xóm làng, và một dân tộc đã thành hình. Các cụ đã nhớ mãi ơn loài chim dẫn đường. Loài chim Hồng, chim Việt đã trở thành tượng trưng cho dân tộc.
Ngày hội Xuân trai gái họp nhau, mỗi người đeo đôi cánh để tự biến thành chim, nhảy múa theo tiếng gõ trên đá, trên tre, theo tiếng thổi sáo tre, tù và sừng trâu, trai gái yêu thương nhau để giữ lại và truyền đi dòng giống loài chim Hùng, chim Lạc. Ðôi cánh chim đã biến thành đôi cánh tiên, rồi tiên đã trở thành hình ảnh của một bà mẹ. Mẹ từ trên núi xuống. Cha ở dưới biển lên. Nền văn minh gốc núi đã gặp nền văn minh gốc bờ biển, bờ sông, đầm lầy, nơi thuồng luồng và Giao Long vùng vẫy. Ðể sống giữa cõi sông, hồ, Tổ Tiên chúng ta đã bày ra cách xâm vẩy cá, mắt rồng trên mình. Tiên với Rồng từ đó giao hội trên thân thể và trong lòng người dân Việt. Mỗi cuộc hội hè, gặp gỡ là một lần Tiên Rồng họp mặt, giao hoan. Từ đó huyền thoại đã ra đời về cuộc hôn phối của Rồng và Tiên. Tiên đã sinh ra chúng ta, Rồng đã che chở, nuôi nấng chúng ta. Cuộc hôn nhân thần thánh đó đã trở thành biểu tượng của nòi giống. Cho đến khi người Hán ở phương Bắc tràn xuống đô hộ và tìm cách đồng hóa, huyền thoại Rồng Tiên còn được nuôi nấng nhờ nền văn học truyền khẩu. Câu chuyện được kể đi kể lại, đời ông bà truyền cho đời cha mẹ, rồi đến đời con truyền cho đời cháu. Khi mẹ đứng lên gọi các con cùng nhau lật đổ ách cai trị bạo tàn của quan thái thú người Hán, mẹ là người quê ở Mê Linh, đó cũng là vùng quê của loài chim có tiếng hót thánh thót mà tổ tiên chúng ta đặt tên là chim Mling.
Một lần khác, mẹ nói phải cưỡi con sóng dữ, chém cá tràng kình, mẹ đã gợi lại khí thế hào hùng của dòng giống Rồng. Suốt một ngàn năm, sử sách chính thức của người Hán chỉ ghi tên các quan thái thú, thứ sử, các tiết độ sứ, thì lịch sử truyền miệng của dân tộc ta chỉ kể chuyện Rồng Tiên, chuyện công chúa Tiên Dong và cậu trai đánh cá bên đầm lầy, chuyện con rùa vàng và con chim trĩ trắng, chuyện tình nghĩa trầu cau, chuyện ông Ðổng bẻ tre đánh giặc. Ở trong các ngôi đền, chùa thờ tiên, thờ Phật, còn có cả một truyền thống kể chuyện đời xưa để con cháu biết thờ dòng giống Hùng Vương. Một ngàn năm Bắc thuộc không làm cho đạo thờ ông bà đó biến mất, bao chữ nghĩa của nền văn minh Hán tộc chỉ dùng để góp vào, làm giầu cho ngôn ngữ của tổ tiên. Ðể đến khi dân tộc rũ bỏ được ách ngoại thuộc, thì chính các vị sử quan đầy chữ nghĩa lại lắng nghe lời kể chuyện tự các đền, chùa, và ghi lại câu chuyện dòng giống Rồng Tiên.
Câu chuyện được kể lại trong bí mật, âm thầm suốt mười mấy thế kỷ đã được chính thức ghi chép bằng chữ nghĩa, bị thay đổi, pha trộn vì chữ nghĩa của các ông đồ, nhưng căn bản là lòng tự hào của một dân tộc vẫn còn nguyên. Ðể đến ngày nay, ở bờ biển phía đông của Thái Bình Dương, trong Thị Trấn Giữa Ðàng, tiếng hát lại cất lên:
Lặng nghe
Ðây con chim Hùng
Ðây con chim Việt !
Con chim đại bàng là chàng nhạc sĩ tài hoa, Phạm Duy đã cất tiếng, và chim chóc xôn xao khắp cùng thế giới, chúng ta cùng hát theo, bầy chim Hồng, chim Lạc bay từ mấy chục ngàn năm, đã lang thang tám cõi, bốn trời, bây giờ lại cùng vỗ cánh theo nhịp hoan ca.
Những cánh chim Lê, Lý, Trần xưa.
Những cánh chim trên Bạch Ðằng Giang.
Những cánh chim Hồng Ðức hân hoan.
Những cánh chim ở Âu Châu, ở Mỹ Châu, ở Úc Châu và Á Châu. Chúng ta sẽ đập cánh trên nét nhạc hào hùng và tươi tắn của Phạm Duy, chúng ta sẽ theo những cánh chim huyền sử xa xăm, những cánh chim Phù Ðổng oai linh, chúng ta sẽ vỗ cánh bay về, Phượng này, Phượng này, chúng ta phải trở về quê hương ta.
Phạm Duy luôn luôn mang tôi trở về quê hương. Ngay khi tôi còn ở Saigon, điệu nhạc và lời ca của Phạm Duy đã mang tôi trở về dòng Cửu Long chiều xuống êm đềm, về cánh rừng chàm Bạc Liêu bát ngát, về quê miền Trung dũng cảm mà nghèo nàn, về tận Bắc Ninh quê hương tôi có tiếng hát trống quân, có điệu ca Quan Họ. Thời thơ ấu tôi đã được nghe Phạm Duy trong những buổi chiều trâu bò về giục mõ xa xôi, đã nhớ người thương binh của Phạm Duy, đã khóc cùng bà mẹ Gio Linh của Phạm Duy cũng như đã hát theo đoàn người trên Ðường Về Quê, hay đoàn Người Ra Biên Ải, lúc nào lòng cũng vỗ cánh theo nhịp đập cánh chim đầu đàn rất giàu giai điệu, có ngàn lời ca này.
Thế hệ tôi đã bao nhiêu người yêu bằng tiếng hát Phạm Duy, gởi lá thư tình đầu tiên nhớ lời ca Phạm Duy, yêu mến quê hương, thương dân tộc, quý tiếng mẹ đẻ của mình, cũng nhờ đã sống chung với tâm hồn của chàng du ca phong phú, sôi nổi, nồng nàn, mà cũng mơ mộng, trầm tư này. Bây giờ ở nước ngoài, cũng chính Phạm Duy mang lại cho tôi cảm hứng mênh mang, hùng tráng về đoàn chim tổ của giống nòi, loài chim đã vượt qua muôn dặm trời, bay suốt ngàn năm lịch sử. Không những Phạm Duy đã mang tôi trở về quê hương, anh còn nối liền dòng máu của tôi với dòng máu của tổ tiên muôn ngàn năm trước.
Những tế bào di truyền, những sợi nhiễm sắc chất còn in dấu thuở vua Hùng, vua Lạc, đang cựa mình chuyển động, dòng máu Lạc Việt lại dạt dào, ngọn lửa Lam Sơn, ngọn lửa Diên Hồng lại bùng cháy. Nhạc Phạm Duy đã chiếm lĩnh một khoảng trời, một khoảng đất, một khoảng tâm hồn, dù tôi đang bay trên những đám mây ở Úc Châu, hay tôi đang ngắm cảnh rừng thu ở Bắc Mỹ. Một buổi chiều tháng mười, chúng tôi lái xe lên núi miền Bắc coi lá đổi màu. Cuộc hành hương mỗi năm không thể bỏ, trên xe Quyên để băng nhạc Bầy Chim Bỏ Xứ nghe lại một lần nữa. Suốt buổi sáng đã nghe ở nhà. Tôi lái xe trên đường vòng vèo, giữa các ngọn núi đỏ như mâm sôi, những thung lũng vàng óng ả. Nhưng sau mười lăm phút tiếng ca Bầy Chim Về Xứ tràn ngập chung quanh, bỗng nhiên bao cây phong vàng, cây dương trắng, cả rừng thu Gia Nã Ðại cũng biến mất. Trước mắt tôi, chỉ là hình bóng lũy tre già xào xạc, vườn lá chuối xanh tơ và hàng dừa lả lơi trên đồng lúa dậy thì xanh mơn mởn.
Nhạc Phạm Duy tới, mang theo cả đất nước Việt Nam. Muốn ngắm rừng thu ở Canada phải đổi sang Rachmaninov, nếu không phải là Claude Champagne. Phạm Duy chắc chắn sẽ mang tôi về với sông Ðuống, sông Hương, với Trường Sơn, đèo Cả. Mỗi chúng tôi ra đi mang theo trong hành lý cả bầu trời và mặt đất quê hương, cả lịch sử dân tộc và câu chuyện đời mình. Nghe Phạm Duy bao hình ảnh đó đã thức dậy.
Vì thế, bây giờ nghe Tổ Khúc Bầy Chim Bỏ Xứ, tôi chỉ thấy đàn chim đang vỗ cánh bay về. Chúng ta sắp trở về rồi em. Hãy cất tiếng hát một bài hoan ca, một điệu hùng ca của đàn chim bay về, mang về quê hương ấm no, tự do và hạnh phúc, Phượng à, Phượng à, quay về cố hương thôi.
Ðỗ Quý Toàn
Montréal 10-90