Cái Ðược và Cái Mất trong Âm Nhạc Phạm Duy
- Chi tiết
- Hàn Vĩ
- Lượt xem: 2898
Nếu nói đến âm nhạc của Phạm Duy, thì không thể không nói đến chặng đường lịch sử và các biến động của nó, từ năm 1945 trở lại đây. Có thể nói tóm gọn một câu, các tác phẩm âm nhạc của anh Phạm Duy, đều phản ảnh gắn liền đối với tiến trình quan hệ lịch sử đó. Tuy nhiên với quan hệ khách quan, chủ quan của mỗi người khác nhau, cùng với quan điểm chính trị, và xu hướng chính trị của mỗi người có khác nhau, cũng sẽ đưa lại cho mình có những nhận định khác nhau, hoặc sản sinh ra những điều ngộ nhận khác nhau. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, trên quy luật tất yếu đưa đến sự hình thành cuộc cách mạng nào đi nữa, thì dòng thác cách mạng khác cũng tất yếu được nảy sinh và hình thành, có khi song song quan hệ, và tồn tại, có khi cùng hòa đồng, có khi tách ra cùng đối lập. Ðó là dòng thác cách mệnh dân tộc, không cùng đứng trên một quan điểm chính trị nào. Nhưng nó lại đóng một vai trò quyết định về ý thức cho mỗi quan điểm chính trị và cách mạng, không ai có thể chối bỏ, và không ai có thể phủ định được.
Tác phẩm sáng tác của anh Phạm Duy, có thể nói nội dung phản ảnh hiện thực xã hội Việt Nam trong những giai đoạn này, về chiều sâu cũng như chiều rộng, không có một hoàn cảnh nào, và không có một đối tượng nào lại không đi sâu vào tâm tư và tình cảm của anh. Con sông, bến đò, nương dâu, đồi cỏ v.v... đều là những đối tượng được anh khắc họa và miêu tả một cách chân thành, tạo cho người nghe có được một không gian đẹp, một thời gian để thương để nhớ. Và khi anh nói đến hình ảnh của con người, thì được anh trìu mến: người mẹ già, anh thương binh, anh chiến sĩ, chị dân quân, anh thanh niên, cô con gái v.v... đều được anh nâng niu, tạo nên những hình ảnh đậm đà chân thật, mang những hương vị quê hương và đất nước, nói chung tác phẩm của anh là những bản tình ca, không hề có những nhục dục sấn vào, như những tác phẩm chỉ nhằm đi vào miêu tả những khía cạnh tâm lý lứa đôi, để rồi than thở với nhau một đôi lời. Và càng không có những loại tác phẩm nhắm sâu vào những phạm trù của lý trí, tạo nên những chất hoang dã cuồng nhiệt, đưa con người dấn sâu vào những khắc khổ đam mê, sinh ra nhiều điều nói ác, gào thét, đâm chém lẫn nhau v.v... Trái lại, đó là những bức tranh xã hội điêu tàn, một con người cao thượng, một tấm lòng bình dị đáng thương, đáng yêu, đáng nhớ, đáng được ghi vào sổ vàng của dân tộc. Hỡi cô con gái giặt yếm bên bờ, thuyền tôi đậu bến sông Lô, nửa đêm nghe tiếng quân thù thở than... Mẹ già cuốc đất trồng khoai, nuôi con đánh giặc đêm ngày... đó là những bức tranh thực, đã được anh Duy thực hiện một cách trọn vẹn.
Dù phải sống trong chế độ nào đi nữa, người nghệ sĩ dám đưa trái tim bên trong của mình để đương đầu và đối chọi với những sức mạnh bằng lý trí thì điều đó đối với một con người đã là một sự khó, và thậm chí đối với người nghệ sĩ lại càng khó hơn, nhất là đối với xã hội Việt Nam trong những giai đoạn này anh Phạm Duy đã từng sống giữa hai cuộc chiến, và hai xã hội có chế độ khác nhau, nhưng anh đã sống trong sự trưởng thành và lớn lên trong quan điểm chính trị của những người đi trước. Giết người đi để tôi sống với ai?... hoặc Sớm nay vừa thức dậy, nghe tin anh gục ngã giữa chiến trường... (trong những tác phẩm Tâm Ca). Nếu nói ai đã đưa lại cho anh những sự trưởng thành này, chắc chắn rằng, đó là dòng máu của một dân tộc anh hùng, đã vun đắp cho anh từ những phút đầu anh tham gia vào hàng ngũ gọi là cách mạng. Bởi vậy dù có quy luật tất yếu đến với anh bằng con đường cách mạng nào đi nữa, cũng không thể vượt qua khỏi sự đo lường của những giá trị bên trong tiềm thức của anh, và cũng chính từ ý nghĩa và giá trị này cho chúng ta tìm đến một chân lý và giá trị lớn hơn, đó là nếu trong tâm hồn và tình cảm của anh Phạm Duy có mất đi, cũng chỉ mất đi một chế độ mà thôi, cái còn lại là cái gì của tất cả, về một ý tưởng của con người.
Tác phẩm của anh Phạm Duy phần lớn mang thể loại ca khúc, dù là những tác phẩm có tầm vóc lớn như những thể loại trường ca và tổ khúc, cũng đều mang tính chất của loại nhạc có lời ca rõ ràng như: Bà Mẹ Gio Linh, Con Ðường Cái Quan, Bầy Chim Bỏ Xứ v.v... Người nghe cũng đều được nhận rõ tác giả muốn nói gì? Và ước muốn những gì? Tuy trong những phần lời ca sau này, có đượm màu triết lý sâu xa hơn, ẩn ý và ngụ ý có phần sâu sắc hơn cũng đều đem lại cho người nghe có được một cảm quan trực tính hơn về một ý thức để kêu gọi thức tỉnh lòng người, dù anh có đến với Tâm Ca, Vỉa Hè Ca, và Tục Ca đi nữa đó vẫn là thái độ được anh đem vào ý thức của con người bằng một cách trực tính, đồng thời cũng từ đó để nói rõ thái độ của anh đối với một chế độ ra sao. Thông qua những thể loại như vậy, anh đã phát triển tính năng động miêu tả của nghệ thuật âm thuật âm thanh tan biến không đi đến bằng mắt để nhìn thấy, trái lại đi đến từ tâm hồn và đọng lại cho mỗi người một ý nghĩa không gian và thời gian tính của nó. Cũng chính ý nghĩa này, âm nhạc của Phạm Duy có được một giá trị vượt thời gian tính của nó, nói một cách rõ nghĩa hơn, nhạc của anh mang giá trị ba chiều, quá khứ, hiện tại và tương lai. Chiều ơi, lúc chiều về mọc ánh trăng tơ... không ai có thể quên được hình ảnh của một chiều hoàng hôn xứ Việt được, dù cho chúng ta đã và đang sống trong cái thế giới đa thanh và đa điệu ở cái xứ Los Angeles này, có cả tên phố mang tên Hoàng Hôn (Sunset) cũng không hề gợi lại cho ta một hình ảnh nào và một cảm thông nào để cho ta có được một phút gọi là an ủi. Lẽ tất nhiên ở mỗi một con người đều có một tình cảm và cảm thông riêng biệt, không ai giống ai, và không dân tộc nào giống dân tộc nào. Nhưng có những tác phẩm âm nhạc không hề đem lại chúng ta một cảm thông nào đó cũng là một hiện tượng thường tình đã có và đang xảy ra không ít.
Ðứng về mặt lý luận âm nhạc, có lúc người ta hình dung nó gần với vật lý học, và số học. Ví dụ như hòa âm, và phối khí chẳng hạn, hoặc giả đối với các cấu trúc để tạo nên một nhạc cụ chẳng hạn. Nhưng họ lại quên giá trị khác nhau về một cơ bản, khoa học số học và vật lý học đi đến từ một phương thức ''logic'' để giải thích cho một phương trình cấu trúc nào đó chứ nó không thể đi đến từ những cảm xúc rung động về một đối tượng để cho tư duy của người nghệ sĩ có được một giá trị về chiều sâu và chiều rộng trong những bực thang âm, tạo thành một giai điệu, mang ý nghĩa chiều cao trong các cơ cấu của các âm thanh và chiều dài trên bình diện của tiết điệu và tiết tấu. Thông qua những suy nghĩ này cho chúng ta tìm đến một khả năng sáng tạo đáng quý, trong cách thức sử dụng năng động tính trong các bậc thang âm ngũ cung mà anh đã có công đóng góp cho nền âm nhạc mới cách mạng Việt Nam. Mặc dù xét về hình thức cố định, nó chỉ có năm âm năm mầu sắc khác nhau: hò, xư, xàng, xê, cống. So với những bậc thang âm cố định 7 âm và 5 bán cung của Tây phương có phần ít hơn. Nhưng giá trị ở nghệ thuật không tùy thuộc ở lượng nhiều hay ít, trái lại tùy thuộc tư duy của người nghệ sĩ đứng trước những xúc động và rung động, miêu tả ra sao, đặc biệt nhất trái tim của người nghệ sĩ đó dành cho ai, và dành lại hiệu quả âm thanh nào, để khắc họa nên những màu sắc nào mang lại cho đối tượng có được sức sống gì?
Trong thế giới âm nhạc nói chung, không có một nhạc sĩ nào, tự mình tách rời ra khỏi ngôn ngữ của dân tộc mình để tạo thành danh cả. Ngay cả đến các nhạc sĩ hiện đại ngày nay cũng vậy, dù cho họ sử dụng đến những bậc thang âm vô điệu thức đi nữa, họ cũng đều quay trở về nhận lấy những bậc thang âm của các dân tộc Châu Phi, hay là các bậc thang âm của các dân tộc Châu Á, để đưa mình trên con đường sáng tạo, những tác giả này kể ra cũng rất nhiều, người viết không cần nhắc lại, ai nấy cũng đều rõ. Ðó cũng là một lý do để chúng ta thấy tính sáng tạo về mặt đa thức và đa tính trong các tác phẩm âm nhạc của anh Phạm Duy ra sao, và cũng từ đó làm cho ta sáng tỏ hơn về mặt nội dung lẫn hình thức sáng tạo của anh.
Bầy Chim Bỏ Xứ với một nội dung rộng lớn, đòi hỏi một hình thức cũng phải có một khả năng rộng lớn, mới có thể có đủ khả năng diễn đạt nổi tình cảm nội dung của Tổ Khúc. Nếu chỉ xét trên bình diện ngũ cung trong thanh âm của dân tộc Việt Nam, chắc chắn sẽ tạo nên những bước khó khăn cho tư duy diễn tả của mình, đặc biệt nhất về phương diện Khúc Thức, nói một cách rõ nghĩa hơn, trong các dân ca Việt Nam, trên phương diện Khúc Thức, chỉ cho chúng ta một giá trị chung, về một thể loại đơn, mà không hề có kép (tức chỉ có mỗi phần A, mà không hề có phần B). Những điều kiện đó lẽ dĩ nhiên chúng ta không đòi hỏi và yêu cầu trong dân ca cổ phải cần đến và nói đến, bởi vì một lẽ duy nhất, dân ca cổ không nhằm tạo nên một chủ đề rộng lớn, mà chỉ nhằm khắc họa cho nó một hoàn cảnh, và một đối tượng nhắm miêu tả cho nó mà thôi. Ðể đạt đến sự sáng tạo này, trên phương diện giai điệu của anh, đã cho chúng ta thấy được một sáng tạo thành công, đó là tìm đến khả năng giao điệu tính cho nó, một ví dụ trong nhiều ví dụ như ta đã thấy sau đây, trong bản nhạc Về Miền Trung chẳng hạn:
FA SOL SIb DO RE
SIb DO MIb FA SOL
từ những bậc bốn trong thang âm ngũ cung, chúng ta có được thêm nốt Mib xuất hiện mà không gây những ấn tượng đột xuất như là những chuyển điệu làm mất hẳn mỗi điệu thức chính mà làm cho điệu mang được đa tính của nó, và tạo cho khả năng miêu tả của khúc thức chứa đựng được nhiều nội dung hơn, tức có thể là loại thể hai đoạn đơn hoặc thể loại ba đoạn đơn A-B, hoặc A-B-A có nhạc đề có phát triển và có kết.
Tính chất kết hợp và giao thế điệu trong Bầy Chim Bỏ Xứ chẳng những không làm mất hẳn về mặt cố định nốt, mà còn làm cho tính nốt có thêm được màu dân tộc, điều này cho chúng ta có ý niệm về nhạc dân tộc, phần lớn giá trị nặng về âm, hơn là thanh, tức trong âm đã có thanh, vì vậy xét về mặt cao độ, trong âm nhạc dân tộc, âm cố định phần lớn dành cho những khả năng, nhấn, rung, vuốt, vỗ, nhiều hơn là cho nó xuất hiện theo nghĩa bình quân luật. Do vậy trong phương diện điệu thức của dân tộc, luôn luôn dành cho những khả năng tự tại của người nghệ sĩ biểu diễn hơn là khả năng của người sáng tác.
Thực ra người viết bài này không nhằm đi sâu vào nghiên cứu và phân tích từng tác phẩm một mà chỉ nói lên một phần giá trị chung, đó là tài năng âm nhạc của anh Phạm Duy, không chỉ là một vốn quý, đáng trọng và đáng yêu, trái lại nó nói lên những điều tất yếu, trong tâm hồn và mỗi tình cảm của chúng ta. Qua Tổ Khúc Bầy Chim Bỏ Xứ hồn dân tộc, tình dân tộc luôn luôn sống mãi, chúng ta không vì một lý do gì để đánh mất giá trị và chân lý này, dù phải sống và đứng trước những áp lực và cạm bẫy của những thế lực nào đi nữa, ít nhất cũng phải nói lên được tiếng nói như anh Duy đã nói:
Chim đi rồi một buổi chim về
Cho tình yêu nở khắp miền quê
Vì đã không làm nên mùa Xuân mới
Thì một ngày chim dữ cũng lui chân
Ðể thấy giang sơn là không riêng rẽ
Của lũ chim nào, là chốn vui chung.
Thân tặng anh Phạm Duy những lời nhận xét trên đây, cũng là những lời tâm tư của tôi đối với anh trong những năm tháng đã qua.
Chúc anh thành công trên bước đường sáng tạo.
Hàn Vĩ