PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400

Phạm Duy và Bầy Chim Bỏ Xứ

Olivier Messiaen (1908, một nhạc gia người Pháp, còn là một nhà thơ, một nhà sưu tập dã cầm tài tử. Ông đã chu du khắp các lục địa Âu, Mỹ, Á để thu góp những âm thanh của các loài chim để làm chất liệu cho những tác phẩm của ông. Những tuyệt tác lần lượt ra đời như '' Quator 1941) '', '' Oiseaux Exotiques (1958) '', ''Fêtes des Belles Eaux ''...

Phạm Duy không giống Massiaen, ông đi chu du khắp các lục địa để sưu tầm những nỗi lòng của người Việt xa quê hương. Bằng hình thức ẩn dụ ông mượn những loài chim trong ca dao, dân ca để hót lên những âm điệu hoài hương đó qua tổ khúc Bầy Chim Bỏ Xứ.

Những tác phẩm của Phạm Duy luôn luôn đổi mới về nội dung, hình thức và cả nhạc thuật nữa. Nhưng dù tân kỳ hóa tác phẩm của mình thế nào chăng nữa ông cũng chẳng bao giờ xa rời cái trục âm nhạc dân tộc.


Bầy Chim Bỏ Xứ được viết dưới dạng thức tổ khúc. Tìm trong kho tàng dân ca Thanh Hóa, chúng ta thấy có '' Tổ khúc Múa Ðèn '' xuất xứ từ xã Ðông Anh, huyện Ðông Sơn. Tổ khúc này là tổng hợp của 10 ca khúc Thắp Ðèn, Luống Bông Luống Ðậu, Vãi Mạ, Ðan Lờ, Nhổ Mạ, Ði Cấy, Kéo Sợi, Se Chỉ Vá May và Ði Gặt. Ðiệu tính của 10 ca khúc rất thống nhất dù có bài nhắc lại ý của bài trước.

Tổ khúc Bầy Chim Bỏ Xứ cũng không đi ra ngoài quy luật trên. 18 khúc nhạc dài ngắn khác nhau chuyên chở 10 ý nhạc chính. Một phần của khúc nhạc 2, 3, 15, 17 nhắc lại khúc nhạc đầu tiên. Riêng khúc nhạc 8, 12 giữ nguyên ý nhạc của khúc nhạc đầu tiên nhưng chuyển sang âm giai thứ. Khúc nhạc 13 và 14 nhắc lại ý nhạc của khúc thứ 10.

Về bố cục, ta có thể chia tổ khúc Bầy Chim Bỏ Xứ làm hai phần. Phần đầu nói đến các loài chim ở trong nước rồi bay đi khắp thế giới : Bầy chim buồn bã, Chim Quyên Từ Ðộ Bỏ Thôn Ðoài, Bầy Chim Nhỏ Bé, Con Chích Choè Và Con Chào Mào, Chim Bay Từ Ðồng Lúa Phương Nam, Một Ðôi Phượng Qúy, Trên Cành Vàng Con Hoàng Khuyên.

Phần thứ hai nói đến những loài chim Việt khắp nơi trên thế giới tỏ tình hoài hương rồi mang món quà tình yêu của mùa Xuân tươi đẹp đến cho những loài chim trong nước. Rồi tất cả mở hội hoan ca trên đất nước vừa trải qua những cơn đau khổ.

Ðiệu tính của 18 khúc nhạc đều thống nhất trừ một phần rất nhỏ hơi gượng ở khúc thứ 9 và 13 (Én kể cho nghe, nhạc kể cho nghe...) Nếu chữ ''kể'' luyến láy khéo léo sẽ làm ý nhạc duyên dáng hơn.

Ðặc biệt khúc nhạc 11 tựa đề Lên Rừng Già Ba Mươi Sáu Thứ Chim phỏng theo dân ca quan họ Bắc Ninh theo Hùng Lân và Nguyễn Thanh là ''chanh chua'' thì Phạm Duy giữ nguyên ý nhạc chính của dân ca tuy nhiên đổi lời và thêm thắt để hợp với ý ông muốn diễn tả. Ðoạn kết ở khúc nhạc này ông xưng tụng sự cương quyết của người ca sĩ có tiếng hát vượt thời gian khi không còn tự do thì im lặng không hát nữa. Trong dân ca quan họ Bắc Ninh có bài Rầu Rĩ Là Con Chim Xanh nếu Phạm Duy muốn dùng để diễn tả cùng ý trên trên cũng không đến nỗi gượng lắm :


Rầu rĩ là con chim xanh
Ðêm đông dóng dả đỗ cành soan đâu
Sông sâu nước chảy đá mòn
Tình thâm mong trả, nghĩa còn đấy đây
Mong cho sum họp những ngày...

Về hình thức ẩn dụ, trong lịch sử ca nhạc kịch Việt Nam thời Tự Ðức và Thành Thái (1844-1907) có đại kịch tác gia Ðào Tấn dùng tên mười ngàn loại thuốc để dựng vở Vạn Bửu Trình Tường với một trăm hồi diễn trong một trăm buổi. Nói như vậy những người hâm mộ nhạc Phạm Duy kỳ vọng ở ông vở Ðại Nhạc Kịch Bầy Chim Bỏ Xứ trong tương lai và lấy tổ khúc làm nhạc nền. Khởi đầu từ chim đỗ quyên kết thúc và thăng hoa bằng chim Hồng, chim Lạc đó sẽ là những hình ảnh rất đẹp để tạo hình, tạo sắc. Tựu trung Bầy Chim Bỏ Xứ  là một đề tài lớn, ít nhất đối với một triệu người Việt tha hương sẽ là nền tảng cho giới hậu sinh có thể nâng kích thước diễn tấu lên bằng đề tài. Nền tảng này không thể phủ nhận, chính Phạm Duy đã dựng lên cho lớp người đi sau.



Phạm Văn Kỳ Thanh