Ðiểm Tâm Ðắc Bầy Chim Bỏ Xứ
- Chi tiết
- Đặng Tiến
- Lượt xem: 3228
Trên những réo rắt cằn cỗi miền Trung, người dân quê hương nghe câu hát:
Con chim xanh ăn quanh bãi cát...
Hình tượng đơn giản và bi thiết. Chim gì mà lại xanh? Ở đây chắc không phải sứ giả của Tây Vương Mẫu trong điển cố. Gọi là chim xanh để đồng hóa con chim với không gian của nó, màu trời bát ngát và sắc lá mượt mà. Màu xanh của sông biển, rừng núi, ruộng đồng giăng lả giăng la; thế giới mông mênh của cánh chim, ở đây, bị giới hạn vào bãi cát nhỏ bé. Bãi cát thì có gì cho chim bươn chải? Thế mà chim vẫn ăn quanh, vẫn không bay xa theo tầm mời gọi của trời cao đất rộng. Con chim nhẫn nại, chịu đựng thủy chung với bãi cát khốn khó, là hình ảnh con người Việt Nam, thời này qua thời khác.
Thế rồi một buổi sáng, những cánh chim xanh, chim hồng, loài chim tóc trắng, những vàng anh và ô thước, cùng một lúc vỗ cánh bay đi, thành một áng cầu vồng ngũ sắc.
Chim xa bầy còn thương cây nhớ cội
Người xa người tội lắm ai ơi
Dường như có giọng hò mái nhì cất lên đâu đây, não ruột như muốn níu lấy, muốn giữ lại năm sắc cầu vồng cho sông nước quê hương. Nhưng Bầy Chim Bỏ Xứ đã bay xa, lưới đêm dầy đặc sập xuống, chỉ còn vọng trong sương đêm giọng hò nức nở và tiếng nước thì thầm.
Tổ khúc Bầy Chim Bỏ Xứ mà Phạm Duy vừa hoàn thành sau mười lăm năm thai nghén, sáng tác và tu chỉnh là một trường ca đặc sắc về nhiều mặt nghệ thuật và tư tưởng. Muốn giới thiệu cần một bài dài, ở đây tôi chỉ nêu lên hai điểm mình tâm đắc nhất.
Trước hết là cái hồn dân tộc, qua những câu ca dao, đồng dao, những làn điệu dân ca mà Phạm Duy đã dày công sưu tầm và chuyển vào một nhạc phẩm hiện đại, một cách tài hoa và uyên bác. Chim là một biểu tượng nghệ thuật không riêng gì của Việt Nam, nhưng đặc biệt gắn bó với dân tộc ta, từ những cánh chim khắc họa trên trống đồng Ngọc Lũ, vật tổ của dân tộc ta, đến những tên Văn Lang, Hồng Bàng, Mê Linh, Trưng Trắc... dường như cũng là tên những loài chim. Cổ tích chúng ta từ xa xưa, có lẽ từ thời nhà Lý, đã rộn rã lời chim, con chim ăn khế trả vàng, con vàng ảnh vàng anh chui vào tay áo. Nay Phạm Duy đưa những lời chim muôn đời ấy vào chung một trường ca, mà anh gọi là Tổ Khúc. Khúc hát những con chim cùng một tổ, hay cùng bay về một tổ. Một dịp để chúng ta suy nghĩ thêm về ý nghĩa hai chữ Tổ Quốc.
Ðơn giản và cảm động bao nhiêu khi được nghe hát lại một câu ca dao:
Én bay thấp nên mưa ngập bờ ao
Én bay cao nên mưa rào lại tạnh
Ngày nay khoa khí tượng tân tiến đã xua đi những loài chim báo bão, chúng ta được thông tin khoa học, nhưng lại mất đi những đàn chim én và những bờ ao, nghĩa là những cánh ước mơ và những bờ hò hẹn chênh chếch sao mai.
Phạm Duy ươm lại tuổi thơ của chúng ta bằng những câu đồng dao ăm ắp tình người sau bao gian truân vẫn biết che chở đùm bọc lấy nhau để bảo tồn cuộc sống, bên ngoài những kỳ thị phân chia:
Bồ các là bác chim di
Chim di là dì sáo sậu
Sáo sậu là cậu sáo đen
Sáo đen là em tu hú...
Cùng một dạng với câu này, chúng ta còn có nhiều câu khác: Kỳ nhông là ông kỳ đà hoặc Bầu ơi thương lấy bí cùng. Phạm Duy còn nhắc lại câu:
Con chim sáo sậu
Ăn cơm nhà cậu
Uống nước nhà cô
Ðánh đổ bát ngô
Cậu cô bắt đền
Câu đồng dao hóm hỉnh, có ý mỉa mai ông chú bà cô, nhưng chủ yếu nhắc chúng ta thận trọng cử chỉ để tránh đổ vỡ, vì như một nhà văn đã nói: Ở đời có những đổ vỡ không hàn gắn lại được. Chúng ta cảm động khi nghe cụ Phạm Duy năm nay làm lễ thượng thọ bảy mươi, còn lo hàn gắn những tan vỡ do lịch sử và con người gây nên.
Chim ngoan về đậu ngọn tre già
Ta và chim khâu vá đời sau...
Ðây là điều thứ hai tôi tâm đắc. Vì nhạc Phạm Duy nhiều lúc bi thiết, do nhu cầu nghệ thuật, nhưng lời hát không bi quan, không vuốt ve những nhớ thương và tiếc nuối mông lung, mà mang sức cường tráng xô đẩy người Việt đến gần nhau, ngồi lại với nhau, dù chỉ là để nghe nhau hát. Phạm Duy Liêm Pha* truyền thụ cho đời sau niềm tin ở cuộc sống, con người và đất nước, anh tin ở một ngày về, ngày Bầy Chim Hồi Xứ. Niềm tin đó, cũng là một đặc tính của dân tộc ta như câu phương ngôn Còn da lông mọc, còn chồi xanh cây :
Chim đi rồi một buổi chim về
Cho tình yêu nở khắp miền quê
Phạm Duy cho chúng ta một làn điệu quan họ tuyệt vời:
Nơi rừng nhà ba mươi sáu ơ
Chim ơ loài chim
Có con chim ở lại
Có con chim đi rồi
Quan họ rằng, tôi hiểu rằng
... Rằng chim hót, tiếng chim Thanh
Bầy Chim Bỏ Xứ dồi dào nhạc tính dân tộc, nhưng tác giả không dễ dãi dừng lại ở những làn điệu cổ truyền, anh không lập lại những điệu sẵn có dù hợp với đề tài như Lý con sáo, Cò lả...Có lẽ vì thế mà con cò vốn thân thuộc với dân quê và đồng ruộng Việt Nam chỉ xuất hiện thoáng qua. Người nghe mơ tưởng:
Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non
Nàng về nuôi cái cùng con
Ðể anh đi trẩy nước non Cao Bằng
Câu này có lẽ xuất hiện từ thế kỷ XVII khi quan quân nhà Lê phải đi đánh nhau với nhà Mạc ở các vùng biên giới phía Bắc. Và con cò hiện thân gầy guộc của người phụ nữ Việt Nam, ngày nay vẫn còn hiện đại, qua bóng dáng những người vợ, cuối thế kỷ XX, vẫn gánh gạo nuôi chồng, trong mươi mười lăm năm với những gian nan và tủi nhục mà người phụ nữ thời Lê Mạc chưa hề biết đến. Dĩ nhiên Bầy Chim Bỏ Xứ là một tác phẩm nghệ thuật, ta không nên đòi hỏi tác giả phải thêm vào chuyện nọ chuyện kia.
Nhạc cổ truyền do nhân dân sáng tác tùy hứng, để nâng đỡ lời ca, một cách hồn nhiên, do đó nó có những hạn chế nhất định về mặt hòa âm, và tiết tấu, và khó tách rời khỏi lời ca. Phạm Duy phải giải quyết một khó khăn lớn: Lời ca trong tổ khúc phải hay, phải mang một thông điệp nhân đạo và lại phải bắt nguồn từ ca dao, trong khi đó nhạc cú cũng phải hay, hiện đại và phong phú. Thính giả ngày nay trong đó có người nước ngoài, không ai kiên nhẫn ngồi chịu đựng một nhạc điệu nghèo nàn, trong bốn mươi lăm phút.
Phạm Duy phải để ra non mười lăm năm, đã sử dụng kiến thức kinh nghiệm và tài hoa của một nửa thế kỷ sáng tạo và sáng tác để hoàn tất một tuyệt phẩm. Bầy Chim Bỏ Xứ bắt đầu khoan thai đằm thắm rồi trở thành bi thiết. Có đoạn hồn nhiên, nhí nhảnh, rồi trầm lắng đắm say, trước khi bay bổng nâng cao lời thơ :
Mây trời này mây trời không tím ngát
Con Hoàng Khuyên không ngừng hát chiêm bao.
Có lúc hào hùng, giục giã như trống xuất quân, rồi lại trở về thanh thoát, bao dung. Bầy Chim Bỏ Xứ nay trở thành Bầy Chim Ngàn Xứ; chim đã yêu mình nên nhớ yêu người mà vẫn chung tình với một gốc đa, một nóc rơm. Con chim Ðỗ Quyên qua kinh nghiệm xa nước và nhớ nước, qua kinh nghiệm tử sinh, đã nhận ra được lẽ huyền đồng tạo vật, cho nên lời hát thăm thẳm bao la, hóa giải mọi biên giới phù trầm :
Bầu trời này hay thế giới mông mênh
Thì cũng chỉ ca một bản Xuân tình
Ở chốn trần gian hoặc ở vô hình...
Kết từ đẹp của một bài ca đẹp, và một cuộc đời đẹp. Huy Cận, ở tuổi gần thất tuần còn có câu thơ trẻ, khỏe :
Con chim bay không thấy bóng mình bay
Chỉ thấy những chân trời phải tới...
Phạm Duy là cánh chim say mê những chân trời, soải cánh không ngừng nghỉ, không mệt mỏi, và bóng chim đã vẽ lên không gian đường bay của nghệ thuật và đường về của tâm tư. Người xưa trên địa bàn, khắc hình chim để làm kim chỉ nam: nhạc Phạm Duy là địa bàn cho nhiều thế hệ.
Ðặng Tiến
----------------------------------------
* Liêm Pha: Tướng giỏi nước Triệu thời Chiến Quốc, 70 tuổi còn cầm quân ra trận.