Bầy Chim Bỏ Xứ: Ðiềm Báo Trước Cuộc Trở Về
- Chi tiết
- L.M. Trần Cao Tường
- Lượt xem: 3034
I. BÍ MẬT CHO CUỘC TRỞ VỀ CỦA DÂN TỘC DO THÁI
Lịch sử dân tộc Do Thái có ba cuộc trở về chính. Cuộc trở về đầu tiên được Kinh Thánh ghi lại trong cuốn Xuất Hành từ đất nô lệ Ai Cập. Cuộc trở về gần đây nhất sau gần hai ngàn năm vong quốc, được diễn tả điển hình qua cuốn Về Miền Ðất Hứa (Exodus) của Leon Uris với cao điểm là tuyên ngôn năm 1948 thành lập quốc gia Do Thái với thủ đô là Tel Aviv có nghĩa là Ðồi Xuân từ sa mạc cát bỏng hoang vu. Nhưng cả hai cuộc trở về này đều được hình thành với nhãn quan của biến cố then chốt: bí mật nào đã đưa đám dân lưu đày bên Babylon trong cảnh rã rời như một đống xương tàn có sức mạnh làm đứng lên như một đoàn người sống lại đầy sinh khí? Cũng chính bí mật này đã trở thành Con Ðường Mẫu cho tất cả các cuộc trở về của nhân loại, từ những hoán cải nội tâm cá nhân cho đến những cuộc phục hưng của cả một dân tộc.
1/ Từ bài hát ''Ta Ngồi Ta Khóc Ta Nhớ Sion''
Trong cảnh lưu đày xa tổ quốc, người Do Thái đã vang lên lời sầu thảm qua Thánh Vịnh 137:
Babylon xác héo mòn
Nhớ thương than khóc Sion từng ngày
Trên bờ liễu rũ đó đây
Treo đàn xót phận lưu đày tha hương
Lũ người đô hộ chẳng thương
Bắt tôi ca hát tìm đường mua vui
Làm sao tôi hát Chúa ơi!
Bài ca tụng Chúa ở nơi xứ người
Salem ta nếu quên ngươi
Thì bàn tay phải cũng rời thân ta
Lưỡi tê miệng mở không ra
Vì tôi quên lãng ngày xa đền thờ
Giavê xin chớ làm ngơ
Kìa phường ngỗ nghịch hững hờ khinh khi
Salem chúng nỡ bạt đi
Phá tan đền Thánh phân ly dân Người
Trong cơn cùng khổ rã rời
Thành tâm tin Chúa chờ thời hồi hương
(Hoàng Vũ chuyển ý thành thơ)
Chắc chắn dân Việt tỵ nạn cũng đã có nhiều bài ca tương tự. Có thể nói, mỗi người tỵ nạn là một thảm kịch chỉ có thể viết ra bằng nước mắt hơn là ngòi bút. Phạm Duy đã cố diễn những nấc nghẹn ra bằng lời trong loạt bài Hát Trên Ðường Vượt Biển:
Bên bờ sông Seine ta ngồi ta khóc
Ðã thấm sâu khổ nhục kiếp lưu đày
Ma mất mả tìm không thấy cuộc đời
Chim mất tổ là thôi hát ngày dài...
Bên bờ sông Seine ta thành tượng đá...
(Ngàn Lời Ca trang 321)
2/ Ðến thị kiến hồi sinh:
Không ai có thể tin nổi trạng huống của dân Do Thái lưu đày bi thảm và thất vọng như một đống xương khô nằm rải rác khắp cánh đồng như kiểu ''Killing Fields'' mà lại có một chút hy vọng nào được!
Thế mà tiên tri Ezekiel và đám môn đệ của ông đã dám tin vào cuộc phục sinh Do Thái. Ezekiel là một tư tế bị lưu đày ở Babylon với dân vào cuối thế kỷ thứ 6 trước Ðức Kitô. Sở dĩ ông có niềm tin ấy là vì dưới con mắt ông, Thiên Chúa muôn cơ binh vẫn đang dẫn đầu cuộc hành trình của dân tộc ông, mặc dầu đang đi qua đêm đen hãi hùng, đang mò mẩm qua vùng mồ mả đầy xác chết và xương trắng ngổn ngang. Lịch sử của dân tộc Do Thái phải có một ý nghĩa, mặc dù dưới con mắt của nhiều người là phi lý chán chường. Cái hướng lịch sử này đang được mở tới theo một con đường huyền bí do Ðấng Toàn Năng, hay nói theo kiểu người mình là ''Cùng tắc biến'' trong tinh thần Kinh Biến Dịch. Ðã đến lúc xe lịch sử chuyển bánh thì không một sức mạnh nào cản ngăn được nữa. Ezekiel đã thành công trong việc khắc sâu niềm tin này vào tâm khảm những kẻ lưu đày khi họ phải đương đầu với một tương lai mịt mù đen tối của dân tộc họ qua Thị Kiến Hồi Sinh:
Tay quyền phép Ðức Giavê chạm đến
Thần khí Người chợt giáng xuống mênh mông
Ngài đem tôi đặt chính giữa cánh đồng
Ôi ghê rợn đầy xương khô rải rác
Ngài hỏi tôi ''Xương còn với xác?''
Tôi trả lời ''Ngài biết rất tỏ tường''
Rồi bảo tôi ''Truyền sấm chỉ trên xương
Ta cho chúng Thần Linh và sức sống
Ta cho gân là sinh lực chuyển động
Ta cho thịt mọc lấp kín xương người
Ta căng da và khí lực bởi trời
Cho sức chúng trở về cõi thế
Ðể chúng biết một mình ta Chúa tể''
Vâng lời Ngài tôi tuyên sấm trên xương
Sấm truyền xong, kìa huyên náo lạ thường
Các bộ xương đã từ từ ráp nối
Cả thịt da mọc đùn lên tựa thổi
Nhưng vẫn là những đống xác vô tri
Ngài lại bảo ''Truyền sấm đến tử thi
Ðể Thần khí ta nhập vào xác ấy''
Dứt lời truyền, cả đoàn người đứng dậy
Ðông đảo thay người người chen vai sát cánh
Ngài bảo ''Ðó toàn thể Israel,
Ta cho chúng phục sinh từ cõi chết''
Chúng nhủ thầm ''Xương héo khô gần hết
Hy vọng gì sắp mục nát tiêu ma''
Ngài bảo chúng ''Ta mở mộ ngươi ra
Cứu ngươi sống làm dân ta tuyển chọn
Ðưa ngươi đến đất lành Ta đã chọn
Nơi sữa mật triền miên chảy chẳng ngừng
Cho Thần Lực nguyên khí sống muôn đời
Ta thi hành lời sấm truyền đã hứa''.
(Ezekiel 37: 1-14; Hoàng Vũ chuyển thành thơ)
Quả thực, người Do Thái đã dựng lại quê hương của họ từ một niềm tin. Và người khơi dậy viễn tượng cho một cuộc tái thiết quê hương chính là Ezekiel.
3/ Từ một giấc mơ đến kế hoạch lên đường:
Lịch sử dân tộc Do Thái ở giai đoạn này rất giống hoàn cảnh người Việt tỵ nạn. Sau mấy chục năm sống tại Babylon, người Do Thái đã quen dần với kiếp tha hương, lớp trẻ đã bắt đầu hội nhập lối sống mới. Ða số đã có công ăn việc làm và nhà cửa ổn định. Chuyện quê hương đất nước chỉ còn là đề tài ''văn nghệ'' dành cho một số vị cao niên còn thương quê nhớ cội mà thôi. Chẳng ai còn thời giờ mà nghĩ tới cái chuyện xem ra lẩm cẩm và lỉnh kỉnh là chuyện trở về đất Tổ.
Ấy thế mà một người thuộc thế hệ trẻ, tức là thế hệ thứ hai của lớp người lưu đày, đã dám gióng lên một chân trời tươi sáng có sức làm xác tín một nhóm nhỏ, vẫn thường được gọi là ''Nhóm Do Thái sót lại'' (remnant of Israel), và nhóm nhỏ này đã làm bừng lên cả một phong trào trở về phục hưng đất nước, gây được hứng khởi nơi cả một lớp người vươn lên khỏi những gì bế tắc tăm tối, bằng một kế hoạch thực tế. Vị tiên tri đó không ai biết tên, vẫn thường được gọi là Isaia Thứ Hai. Ông đã quy tụ một nhóm gồm những người có chung một viễn ảnh về cuộc phục hưng đất nước, tìm ra tụ điểm tinh thần dân tộc qua việc tìm gom lại ''Bộ kinh Dân Tộc Do Thái'' vẫn thường được gọi là Cựu Ước. Và nhóm nhỏ này bắt đầu một chương trình đào tạo lớp người mới sẵn sàng trở về xây lại quê hương từ con số không. Có thể nói, dưới con mắt nhiều người, nhóm nhỏ này thật điên dại. Ðang an cư lạc nghiệp tại đất mới mà lại dại dột mò về một vùng đất hoang tàn không có một căn bản nào về chính trị, binh bị, tài nguyên! Nhưng lớp người ấy nếu đã không dám làm chuyện ''điên khùng'' đó, thì lịch sử nhân loại đã không có được cái nôi phát sinh ra một sức mạnh tinh thần như Do Thái Giáo và Ki Tô Giáo.
Mấu chốt cho những xác tín và gây phấn khởi cho cuộc trở về bắt nguồn từ Lời Sấm Phục Hưng:
Hãy trèo lên mọi núi đồi khắp chốn
Hỡi Sion hãy loan báo tin mừng
Mạnh tiến lên và trổi nhạc tưng bừng
Mọi thành quách hân hoan: kìa Chúa đến
Ðây Thiên Chúa người tôn thờ yêu mến
Ðến uy hùng Ngài thống trị muôn dân
Việc Người làm sau trước rất ân cần
Là mục tử nhân lành ai dám sánh
Thu họp chiên trong bàn tay chí thánh
Ngài bế bồng chăm sóc đám chiên con
Dìu chiên mẹ tới suối nguồn nước mát
Cho no thỏa trong đồng xanh cỏ mới
Ban sức mạnh cho bao người mệt mỏi
Ngài phục hồi những kẻ yếu lâm nguy
Bao trai tráng cũng rời rã suy vi
Người già yếu đã ngả nghiêng thống khổ
Ai vững tin nơi Chúa Trời bến đỗ
Ngài ban ơn sinh lực mới vươn lên
Họ sẽ bay cao thẳm chốn từng trên
Như phượng hoàng cõi không trung vỗ cánh
Sức thần Chúa họ sẽ liền nhận lãnh
Dù chạy xa chẳng mệt mỏi hư hao
Dặm đường trường thanh thản bước chân cao
Ðời sống họ sẽ an nhiên thư thái
(Isaia 40:9-11; 29-31, Hoàng Vũ chuyển thơ)
Vậy thì bí mật cuộc trở về của dân tộc Do Thái, trước hết và trên hết, chưa phải là những giải pháp như nhiều người đang nghĩ đến về chính trị, quân sự, kinh tế. Dĩ nhiên rất ư là cần thiết... mà là một niềm tin được thể hiện qua một chủ đạo đặt nền trên Bộ Kinh Dân Tộc trong một thời điểm đúng nhất.
II. CON ÐƯỜNG EMMAUS NÀO CỦA NGƯỜI TỊ NẠN?
Hình ảnh hai môn đệ trên đường bỏ cuộc trốn chạy vẫn in sâu trong tâm khảm nhiều người Thiên Chúa Giáo. Ðến một lúc nào đó, người theo Chúa cảm thấy rõ mọi sự đều đổ vỡ, phi lý và vô nghĩa!
Con đường ác mộng từ Pleiku về Phú Yên. Ðại Lộ Kinh Hoàng từ Quảng Trị về Huế. Con đường vào các trại cải tạo thống khổ. Con đường vượt biên thây con chất biển Ðông, xác vợ chết nhọc nhằn vùi dập. Ôi những con đường Việt Nam mang nặng thương đau. Còn lại gì cho mình và còn lại gì cho nhau?
1/ Từ người tình già trên đầu non:
Nhạc sĩ Phạm Duy đã tài tình diễn tả được vết thương nội tâm sâu thẳm nhất của người tỵ nạn trong Mười Bài Rong Ca Hát Cho Năm 2000. Già nua chưa hẳn vì tuổi tác mà vì những vết hằn phi lý trong cuộc đời ô trọc đầy oan nghiệt này.
Người tình già trên đầu non
Tuyết đã tan trên vai mỏi mòn
Giữa đám mây xanh xao chập chờn
Nhìn mặt trời thoi thóp hoàng hôn
Người tình già trên đỉnh khơi
Muốn lãng quên trăm năm một đời...
(Ngàn Lời Ca trang 361)
Ðó là tâm trạng của những người bỏ cuộc, tìm quên. Nhưng rồi chả lẽ tự tử như con chim Quyên ''nhớ nước đau lòng con quốc quốc'' mà cấu cổ chết trên ghềnh đá ly hương? Hoặc có lúc nào đó ngồi suy nghiệm về cuộc đời mà lòng bao dung tha thứ và bình thản chấp nhận được cuộc đời như Phạm Duy trong bài Những Gì Sẽ Ðem Theo Vào Cõi Chết.
Rồi mai đây tôi sẽ chết
Trên đường về nơi cõi hết
Tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây?...
Tôi không đem theo với tôi cả buồn vui mấy nỗi...
Tôi sẽ không đem theo với đâu những gì đâu!
(Ngàn Lời Ca trang 169-170)
Hoặc siêu thoát như một thiền giả nhìn dòng đời trong cuộc tử sinh này, như là Bài Hát Nghìn Thu:
Nghìn thu anh là suối trên ngàn
Thành sông anh đi xuống, anh tuôn tràn biển mơ
Nghìn thu anh là sóng xô bờ
Vào sông em đi mãi, không bao giờ biển vơi...
Nghìn thu trăng chợt sáng hay mờ
Lặng im anh lên xuống không ai ngờ hiển nhiên...
(Phạm Duy, Ngàn Lời Ca trang 371)
Lớp người khác, đa số thuộc lớp trẻ trung hơn, có lẽ ưa thực tế với những hồ hởi mới. Vùi đầu vào cuộc chơi mới, với những lo âu tìm kiếm mới. Lo kiếm sống, lo trả nợ ngân hàng. Lo học thêm để có việc làm cao lương hơn để sống mức sống cao hơn. Cái vòng lẩn quẩu này quay người tỵ nạn như quay dế ném vào chỗ đấm đá. Ðến một lúc nào đó giật mình tự hỏi về sự hiện diện của mình trên mảnh đất ly hương này, như Lê Bi đã tự đặt vấn đề trong ''Một đoạn thơ xuôi trích từ 1990'' (Thế Kỷ 21, tháng 8.90 trang 46)
''Có người bảo đất nước chúng ta may mắn có hàng triệu ông bà đại sứ.
Có người bảo đó là hàng triệu du học sinh.
Có người bảo đó chỉ là những kẻ đi kiếm bơ thừa sữa cặn!''
2/ Ðến Bầy Chim Về Tổ:
Nếu hai môn đệ trên đường Emmaus đã chợt thức tỉnh khi nghe người đồng hành bên cạnh kể chuyện về Ðức Kitô, thì người tỵ nạn cũng đang tìm ra ý nghĩa của bao nhiêu chuyện xem ra phi lý: ''Vậy thì Ðức Kitô chẳng phải chịu như vậy rồi mới được vinh quang sao?'' Mấu chốt của câu chuyện là hai môn đệ chợt nhận ra Chúa Kitô đã sống lại và đang hiện diện thực sự trong cuộc sống của mình qua mọi biến cố. Và ngay lúc đó, họ trở về Giêrusalem báo tin cho các môn đệ khác. Người Thiên Chúa Giáo tỵ nạn nhìn lại những biến cố hãi hùng bỗng dưng nhận ra một sợi chỉ mầu nối liền những gì rời rã nhất, cảm thấy một chất đạo biến đổi kỳ lạ. Tất cả đều đang mang một ý nghĩa huyền bí nào mà chỉ Ðấng dẫn mình đi thấy rõ.
Người ''ngoại đạo'' Phạm Duy đã thực rất đạo khi vừa hoàn tất tổ khúc Bầy Chim Bỏ Xứ. Từ nội dung tổ khúc có lẽ nên gọi là Bầy Chim Về Tổ thì có vẻ tươi sáng và hợp thời điểm hơn.
Con chim trốn chạy chết năm nào đã tái sinh thành con chim én bay lên từ mùa đông tàn lụi để báo tin mùa xuân dân tộc đã đến:
Nhạn kia ríu rít trời xanh
Én kia chắp cánh bay quanh địa cầu...
Én kêu gọi bao chim bạn cùng nghe
Một trời xuân đã bát ngát trên đường về
Tôi hiểu loài chim đã hót tiếng Xuân tràn trề
Bài hát vang lên như lời sấm về một Việt Nam Phục Sinh từ ''mộ phần thế kỷ'' khi mà :
Người phu trong chiều buông
Lòng hân hoan, chôn mộ xong
Nghe mùa xuân đang rộn rã tới gần...
Mai đây nấm mồ một nụ vàng sẽ hé...
Hoa ơi tên gì? Có phải hoa hướng dương?''
(Phạm Duy, Ngàn Lời Ca trang 366)
Và người nhạc sĩ tài ba mà những sáng tác đã như dòng hơi thở quê hương, như nhịp tim đập thổn thức từng gắn liền với vận nước nổi trôi của đất nước từ hơn nửa thế kỷ qua, đã hân hoan ''chắp cánh bay lên''. Ðoàn con đang xâu xé nhau vì ý thức hệ ngoại lai và vong bản, bỗng dưng cùng nhìn thấy một thị kiến Bầy Chim Huyền Sử một trăm con của Chim Âu Tổ Mẫu đang cùng bay về non ngàn Tản Viên, ngọn núi thiêng chất chứa tự hào dân tộc với ''sách ước gậy thần'' của sức mạnh tinh thần dân tộc. Và đàn con đang tan tác lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm trên thế giới nghe được tiếng hồn thiêng sông núi, bỗng chợt tỉnh bay thoát ra khỏi những bế tắc ngột ngạt thường ngày, thoát ra khỏi những lẩm cẩm trong cơ cấu tổ chức giậm chân tại chỗ hay những xung khắc đẳng vị của những sinh hoạt đoàn thể, để cùng vuơn lên trong một lý tưởng chung.
Trứng rồng lại nở ra rồng
Liu điu lại nở ra dòng liu điu
Trứng rồng lại nở ra rồng
Chim tiên lại đẻ ra dòng chim tiên.
Lặng nghe đây con chim Hồng, đây con chim Lạc.
Hỡi những cánh chim huyền sử xa vời.
Lặng nghe đây con chim Hùng, đây con chim Việt.
Hỡi những cánh chim của Tiên với Rồng.
Những cánh chim ẩn ngữ Ðông Sơn, hoàn mỹ âm dương.
Những cánh chim dẫn đường đưa lối.
Những cánh chim sinh tử không rời.
Vỗ cánh theo Cha về miền xuôi, vỗ cánh theo mẹ bay lên núi...
III. NGƯỜI THIÊN CHÚA GIÁO TRONG DÒNG SINH MỆNH DÂN TỘC
Hừng đông của thế kỷ 21 đã bắt đầu lóe lên. Niềm tin và trách nhiệm nào cho người Thiên Chúa Giáo trước tiền đồ dân tộc? Chả lẽ vùi đầu vào cát an phận để khoán trắng vận mạng dân tộc cho người ngoài lo hay cứ ngồi tiếp tục than trách đổ tội?
Nguyễn Trường Tộ! Giá còn sống chắc bản điều trần của ông không cần gởi đến một vua Tự Ðức, mà phải dâng lên tận mỗi lòng người. Ðừng đổ tội cho phong kiến. Ðừng đổ tội cho thực dân. Ðừng đổ cả cho đế quốc. Ðừng đổ hết cho những kẻ cầm quyền... Mấy năm qua tôi nuốt nhục nghe mà chưa thể tìm nổi lời biện bạch. (Lê Bi, trích dẫn trên, trang 46)
Thời điểm nào cho người Thiên Chúa Giáo đối với đất nước? Người Do Thái cũng đã hỏi như vậy trước thống khổ quê hương: Có những người biệt phái và bè Sađốc đến để thử Ngài, thì xin Ngài làm một dấu lạ từ trời cho họ xem. Ðáp lại, Ngài nói với họ: Chiều đến các ông nói: ''Ráng vàng thì gió'', và sớm mai: ''Hôm nay ráng đỏ thì mưa''. Ráng trời, các ông biết ước định, còn về thời điểm các ông lại mù tịt! (Mt 16:1-3)
Hiện nay những phong trào về nguồn tinh thần dân tộc đang lan rộng. Tìm ra bản sắc mình là vấn đề sinh tồn trong việc giáo dục thế hệ trẻ. Thu lượm tinh hoa thế giới để góp phần Thiên Chúa Giáo vào công việc xây dựng lại đất nước là bổn phận hàng đầu của các con cái Chúa. Mỗi người với khả năng và vị thế đang có của mình đều là món nợ phải trả cho Tổ Quốc.
Một người Thiên Chúa Giáo như Karol Wojtyla đã góp phần tích cực vào việc phục hưng đất nước của Ngài. Một người Thiên Chúa Giáo đã ý thức trách vụ trần thế trong dấn thân cho dân tộc.
''Nếu tôi không dám dứng lên... Ai sẽ là người dựng lại quê hương tôi?'' Nhịp tim quê hương đang đập dồn dập. Ai là người bắt đầu hòa vào nhịp sống này để khơi cho dòng sinh mệnh dân tộc chảy tới.
Ðức Giêsu đang nói với người Thiên Chúa Giáo ''Ta sẽ lấy ai mà ví cái thế hệ này? Họ giống như lũ trẻ ngồi nơi chợ mà gọi lũ trẻ khác rằng: Chúng ta thổi sáo, sao chúng bay không múa? Chúng ta than vãn, sao chúng bay không đấm ngực.'' (Mt 11:16-17)
***
Kính gởi nhạc sĩ Phạm Duy,
Lần đầu tiên viết thư cho ông, một người tôi vốn hằng ngưỡng mộ và mến phục từ nhỏ. Tháng trước, linh mục Ngô Duy Linh có cho tôi một copy băng nhạc Bầy Chim Bỏ Xứ, tôi đã nghe đi nghe lại với một tâm tình phấn khởi muốn tung cánh bay về tổ. Nhân đó có viết một bài cho tờ ''Thời Ðiểm Thiên Chúa Giáo'' trong đó có đề cập tới ông và Bầy Chim Bỏ Xứ. Tôi thấy tâm tình của ông thật giống tâm tình của nhà tiên tri Ezekiel thời Do Thái lưu đày, giống tâm tình Bầy Chim Về Tổ cũ. Linh mục Ngô Duy Linh xem xong bài tôi viết, Ngài đắc ý bèn bảo tôi gởi cho ông.
Nhân dịp Lễ Tạ Ơn, tôi xin chân thành cám ơn ông. Tôi hãnh diện vì dân tộc Việt đã có ông, Mẹ Tiên, Bố Rồng cũng thơm lây đấy, vì trứng rồng lại nở ra rồng.
L.M. Trần Cao Tường
Giáo Xứ Maria Nữ Vương Việt Nam
New Orleans, LA 21-11-1990