Tính chất hiện thực trong Nhạc Kháng Chiến của Phạm Duy
- Chi tiết
- Trần Hữu Thục
- Lượt xem: 4440
…Lúc xung phong vào Nam Bộ (1945), ông sáng tác những bài ca ủng hộ kháng chiến, nhưng lời nhạc đầy tính cách ước lệ và nhiều sáo ngữ như gươm tráng sĩ, thư phòng, chiến y, ngựa hồng, chinh phu - âm vang của Chinh Phụ Ngâm hay Cung Oán Ngâm Khúc độ nào.
Ta là gươm tráng sĩ đời xưa
Bên mình chàng hiên ngang một thuở…
(Gươm tráng sĩ)
Từ chàng ra đi, lưng khoác chiến y
Mà hồn nương bóng quốc kỳ
(Chinh phụ ca)
Trong một số bài khác (loại nhạc hùng), ca từ hùng hồn, gây nhiều ấn tượng, hát lên nghe "kêu", mạnh, kích thích, nhưng vẫn là những từ ngữ có tính cách ước lệ: chiến đấu, chiến thắng, oán thù, máu, giết, vấy máu, máu xương. Ngay cả một số bài hát rất "mới" như Xuất quân hay Nợ máu xương, ngôn ngữ và hình ảnh lại rất "cổ điển" (từ của chính PD):
Từng bụi lốc cuốn rơi
Từng đường kiếm thét ngời
Một đường kiếm thét oai hùng đưa
Đoàn quân tiến qua làng
Từng thanh kiếm đứt ngang
...Ầm rung tiếng sa trường
Như nhắn nhủ người trai mài kiếm dưới trăng
Những bài hát rất cần hiện thực, nhưng chẳng "hiện thực" tí nào! Sau này, khi tham gia toàn quốc kháng chiến, những bản nhạc có tính cách tuyên truyền vận động quần chúng, thứ ngôn ngữ "cổ điển" tuy không còn nữa, nhưng tính ước lệ và sáo ngữ vẫn còn áp đảo:
Một đoàn người hiên ngang
Đeo trên vai nợ máu xương
Vui ra đi không buồn nhớ thương
...Một rừng cờ phấp phới!
Một màu vàng chiêu dương!
Và một nền vinh quang bằng máu!
(Khởi hành, 1947)
Thành thật mà nói, nhạc tuyên truyền động viên quần chúng mà viết như thế là nhất! Nghe hát, ai mà chẳng sôi máu anh hùng! Mãi đến bài Đường Lạng Sơn (1947), ca từ bắt đầu nghe khang khác:
Rừng êm ái thức giấc trong sương mờ
Đồi núi bâng khuâng vươn vai
Vừa mới tan cơn mê say
Chợt nghe thấy tiếng chim hót vang trời
...Đồi nương xanh, xanh núi xanh lơ
Rừng cây xanh, xanh lá bên hoa
Màu áo chàm phất phơ trong mây mờ
Nhà sàn cao tuy mái thô sơ
Một đoạn văn tả cảnh khá đặc sắc! Thay vì chỉ dùng để phô diễn ý tưởng, ngôn ngữ ở đây được sử dụng để diễn tả những gì xảy ra chung quanh: rừng thức giấc, sương mờ, đồi núi vươn vai, chim hót, rừng xanh, con suối. Tuy tác giả không nói gì về cảm nghĩ của mình nhưng cách diễn tả sự vật cho thấy lòng tác giả rộn ràng trước cảnh bình minh.
Nhớ người ra đi (1947) là một câu chuyện kể rất "đời thường", qua đó, ông chú ý đến những chi tiết lỉnh kỉnh trong cuộc sống vốn không hề có trong các nhạc phẩm trước đó:
Nhưng mỗi khi dưới mái nhà mênh mang
Ngừng chơi nắm tay mẹ hỏi rằng
Rằng cha chúng con đâu
Về mua bánh cho, cho con mẹ ơi.
Con đường sáng tác chừng như đã đổi hướng. Ngôn ngữ ước lệ hoàn toàn biến mất. Thay vào đó là một thứ ngôn ngữ khác, cũ nhưng lại là "mới toanh", phản ảnh một cách rõ nét cuộc sống đa dạng chung quanh. Ca từ áp dụng trong các bài dân ca mà ông gọi là dân ca mới hòa hợp với tiết tấu nhạc dịu xuống, khoan hòa hẳn đi, không còn tính cách kích động bên ngoài, đã tạo một nét hoàn toàn mới, chi phối cả một đoạn đường dài về sau này trong nhạc trình PD. Những cốc rượu ngon, mạnh có tính cách gây hưng phấn nhất thời được thay thế bằng những chén rượu dầu đạm bạc nhưng có tác dụng lâu dài, càng uống càng thấm thía.
Đậm nét nhất trong thời kỳ đầu là hiện thực nông thôn. Kể ra thì cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Ông sống, và chiến đấu giữa lòng nông thôn và đối tượng sáng tác là quần chúng nông thôn. PD nói "Chủ ý của tôi là làm sao đem được Tân Nhạc vào thôn quê. Cũng may là về phần đề tài, tôi có cả một dân tộc của tôi và cả một cuộc đấu tranh thần thánh để đưa vào thể dân ca mới này, do đó mà nó dễ đi vào quần chúng" (Ngàn Lời Ca, tr. 27). Nhạc và lời do đó có tính cách phổ thông, bình dị và dễ hiểu. Qua ông, khung cảnh sinh hoạt làng quê Việt Nam dường như hiện ra mồn một trước mắt chúng ta bằng âm thanh, bằng hình ảnh và bằng tấm lòng với tất cả các khía cạnh đặc thù của nó: niềm vui, nỗi buồn, cái đói, cái nghèo, niềm hy vọng, sự đau khổ, cảnh tan nát, sự hiu hắt, không khí êm đềm. Ông không cường điệu hóa, không bi thảm hóa. Ông cố nói lên những gì xảy ra trong thực tế. Nhiều đoạn ca từ y như những bức tranh vẽ lại cảnh sinh hoạt bên ngoài không thêm không bớt.
Áo chàm về quảy lúa trên vai
In hình vào sườn núi chơi vơi, ơi chiều…
...Lúc chiều về mọc ánh trăng tơ
Mái nhà sàn thở khói âm u
Cô nàng về để suối tương tư
(Nương chiều)
Mênh mông mênh mông sóng lúa mênh mông
Lúc trời mà rạng đông ư rạng đông
Bóng người thấp thoáng cuối đường thanh vắng
Bước đều mà quang gánh nặng vai ư nặng vai
...Tiếng người ơi ới qua làn nắng mới
Vui chân đi tới phiên chợ mai
...Lão bà tóc trắng kĩu kịt quang gánh
Môi trầu mà tươi đám cỏ xanh
(Gánh lúa)
PD quan sát thực cảnh bằng cái tâm. Không gian của PD là không gian cuộc sống. Mọi vui buồn đều hiển lộ qua cử chỉ, thái độ và cung cách sinh hoạt của con người. Cảnh chiều về đầu tháng ở một bản làng trong Nương chiều có cái gì bình an, thơ mộng trong lúc cảnh rạng đông nhộn nhịp, rộn ràng tại một thôn làng trong Gánh lúa cho thấy sự sung túc, vui vẻ. Cái gì gây nên các cảm giác khác nhau đó? Hiện thực bên ngoài, như ta biết, là một khối hỗn độn những sự kiện, sự vật, màu sắc, chuyển động...Viết hay vẽ là rút ra từ cái đống hỗn mang đó những chi tiết để biến thành chất liệu. Chọn chi tiết nào, bỏ qua chi tiết nào, tô đậm thêm hay làm nhạt đi một chi tiết tùy thuộc vào tâm cảnh của người sáng tác. Bởi thế, "bắt" được các chi tiết, bỏ chúng vào một cấu trúc để tạo thành tổng thể (ở đây là ca từ một bản nhạc) vừa phản ảnh hiện thực lại vừa phản ảnh tâm hồn người sáng tác. Quá trình chấm dứt với sự chọn lựa ngôn ngữ diễn đạt. Ở trong Nương chiều đoạn trên, chính các cụm từ sườn núi chơi vơi, trăng tơ (không phải là trăng non), suối tương tư cho ta cái cảm giác thơ mộng, bình an. Còn mênh mông sóng lúa, tiếng người ơi ới làn nắng mới cho ta thấy niềm vui sống của người nông dân trong Gánh lúa.
Cũng khung cảnh thôn làng, nhưng trong Tình hoài hương, PD cho ta một cảm giác khác:
Quê hương tôi có con sông đào ngây ngất
Lúc tan chợ chiều xa tắp
Bóng nâu trên đường bước dồn
Lửa bếp nồng, vòm tre non, làn khói ấm hương thôn
Chỉ trong vài giòng đơn giản, PD vẽ nên một nông thôn ấm cúng, thân mật với những sinh hoạt điển hình hàng ngày. Cảnh không có gì xa lạ: con sông đào, chợ chiều xa, áo nâu, vòm tre, làn khói, bếp lửa. Hãy để ý ngôn ngữ diễn tả của PD: ngây ngất, xa tắp, bước dồn, nồng, non, ấm. Chính những từ ngữ đó làm cho khung cảnh trở nên "spicy".
Đi sâu vào cuộc sống người nông dân, PD xây dựng nên một hình ảnh tươi mát, bình dị nhưng chứa chan hy vọng trong Vợ chồng quê:
Chàng là thanh niên, mạch sống khơi trên luống cày
Nói năng hiền lành như thóc với khoai
Nàng là con gái nết na trong xóm
... Chàng vừa cày sâu vừa hứng mưa trên đất màu
Nàng vừa cuốc bẫm, tắm trong sương sớm
Tát nước xong rồi sẽ về thổi cơm…
Những chi tiết rất thôn dã được PD nhẹ nhàng đưa vào ca từ: luống cày, cày sâu, cuốc bẫm, đất màu, thóc, khoai. Niềm hy vọng được nâng cao thêm một bực nữa qua một ghi nhận độc đáo: đứa bé tắm mưa…
Nhìn thằng cu bé tắm mưa trong ngõ
Nước mưa chan hòa cho tốt lúa nhà.
Tài năng biểu hiện trong nghệ thuật tả chân của PD là thế. Ông chọn những hình ảnh phổ thông, nhưng bất ngờ và có tính đặc thù tùy theo tâm trạng, hoàn cảnh. Bài hát trên nói về niềm hy vọng, về cuộc sống nông thôn đạm bạc nhưng hạnh phúc. Cho đến giờ, nghe hát không biết bao nhiêu lần, hình ảnh của thằng cu bé đẫm mưa trong ngõ vẫn mang đến cho tôi một cảm giác thú vị y như lâu ngày được nhấm nháp một món ăn đặc sản quê hương hợp khẩu vị: muỗng ruốc ngon, tí nước mắm nhỉ, trái ớt cay. Bức tranh hiện thực trong ca từ của PD bao giờ cũng đơn giản như thế, từ đầu cho đến về sau này, suốt hơn nửa thế kỷ.
Đó là một nông thôn an bình, no đủ. Sau đây là một nông thôn đói nghèo, bị chiến tranh tàn phá, hy vọng tan nát:
Làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói
Có những cánh đồng cát dài
Có lũy tre còm tả tơi
Ruộng khô, có những ông già rách vai
Hiu hắt bên đàn trẻ gầy
Có người bừa thay trâu cày
Không cày sâu, cuốc bẫm, chẳng đất màu, vắng mặt thằng cu bé tắm mưa trong ngõ. Thay vào đó là cánh đồng cát dài, tre còm, ruộng khô, trẻ gầy và thê thảm hơn nữa là người bừa thay trâu. Hậu quả là:
Chiều rơi thoi thóp trên vài luống khoai
Hiu hắt tiếng bà mẹ cười
Vui vì nồi cơm ngô đầy
Tưởng tượng thế nào về cái cảnh nắng chiều rơi thoi thóp" trên vài luống khoai. Khoai thì "vài luống" mà nắng chiều lại "thoi thóp". Cái gì thoi thóp: nắng? luống khoai? cuộc đời? con người? Nắng đâu có thoi thóp trên những vồng khoai um tùm lá với những cọng non mơn mởn vươn lên! Đất khô cằn sỏi đá, chỉ un lên được vài luống khoai. Thiếu phân, thiếu nước, thiếu chăm sóc, cây khoai lớn không nổi. Chúng thoi thóp. Con người thoi thóp. Ấy thế mà phải cười. Một niềm vui gói ghém, tém tủm, chắt chiu. Thảm!
Chưa hết. Cái nghèo, cái thiếu đưa đến một cuộc sống vô vọng. Nàng là con gái nết na trong xóm được thay thế bằng một o nghèo :
Nửa đêm thanh vắng không một bóng trai
Có tiếng o nghèo thở dài
Vỗ về trẻ thơ bùi ngùi
Thật thấm thía! Ghi nhận được tiếng thở dài của một o nghèo (cô gái nghèo), và thấu hiểu được mối liên hệ giữa nửa đêm thanh vắng không một bóng trai với cái bùi ngùi toát ra trong giọng dỗ dành em bé, PD đã đẩy hiện thực ngoại giới thành hiện thực tâm giới: nỗi cô đơn thầm lặng của cô thôn nữ đang tuổi dậy thì.
Đó là cái đói nghèo của một làng quê bình thường. Còn một làng quê ở một vùng bị địch chiếm đóng thì hoang vắng đìu hiu, có cái gì bất thường và đầy đe đọa:
Chiều qua, tôi đi ngang vùng chiếm đóng
Không bóng trâu cày trên đồng
Vắng tiếng heo gà trên sân
Làm sao mà còn cảnh lúc tan chợ chiều xa tắp, bóng nâu trên đường bước dồn để rồi được ấp ủ bởi vòm tre non, lửa bếp nồng và làn khói ấm !
Về chiến tranh, một trong những bài hát phổ thông là Nhớ người thương binh. Bài hát là một câu chuyện kể bắt đầu bằng một buổi chiều và nàng thôn nữ:
Chiều về chiều về trên cánh đồng xanh
Có nàng gánh lúa cho anh ra đi diệt thù
Nhớ thương, đợi chờ, mong ngóng để cuối cùng nhận một bi kịch:
Chàng về, chàng về nay đã cụt tay
Máu đào đã nhuốm trên thây bao nhiêu quân thù
Bi kịch càng lớn hơn về sau:
Và ngày tôi đã bị thương
Thân tàn nay sống hậu phương ai ơi bên người (ư ư)
Theo tôi, bài ca tuy được viết ra để ca ngợi người thương binh nhưng (có thể là vô tình) chứa đựng tâm tình phản chiến. Có phải đây là bản nhạc phản chiến đầu tiên trong lịch sử âm nhạc Việt Nam? Hai mươi mốt năm sau, 1968, dựa vào bài thơ của một nhà thơ, PD triển khai ra thành một trong những bài nhạc phản chiến dữ dội gấp bội phần:
Em hỏi anh! Em hỏi anh! Bao giờ trở lại?
Xin trả lời! Xin trả lời! Mai mốt anh về
...Anh trở về trên chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn mùi tang trắng
...Anh trở về trên đôi nạng gỗ
Anh trở về bại tướng cụt chân
Em ngại ngùng dạo phố mùa Xuân
Bên người yêu tật nguyền chai đá...
...Anh trở về nhìn nhau xa lạ
Anh trở về dang dở đời em...
(Kỷ vật cho em)
Khiếp! Dù có khác nhau về nhịp điệu, về khung cảnh và về tính cách, cả hai bài (nhất là bài sau) đều "đặc sệt" hiện thực với một thứ ngôn ngữ trực tiếp...khiến ta có lúc phải nổi da gà vì khiếp đảm! Tôi đã từng kinh qua cảm giác đó khi nghe bài hát này phát trên loa phóng thanh trong khu thương bệnh binh Tổng Y Viện Cộng Hòa ngày nào.
Hãy trở lại với thời kháng chiến.
Bà mẹ Gio Linh cho ta một bi kịch khác, có thể nói là có một không hai trong lịch sử nghệ thuật việt Nam. Theo tôi, có lẽ bản nhạc này nằm trong số một vài bản nhạc thuộc loại "đỉnh cao" của lối viết hiện thực trong ca từ PD. Bà mẹ Gio Linh cũng là một câu chuyện kể. Vẫn là cảnh thôn dã thân thuộc với vồng khoai, luống rau, túp lều, mẹ già cơm bữa đói bữa no... Nhưng ở đây là một nông thôn trong tình hình sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng chấp nhận mọi biến cố, kể cả những biến cố thảm khốc nhất. Tình tiết phát triển từ thấp đến cao, đạt đến cực điểm để rồi dịu dần, đi đến kết thúc. Đây là một hiện thực kinh hoàng mà chữ nghĩa dường như không đủ để diễn tả. Căm thù. Cảm giác chai lì. Sự hồn nhiên và lạnh lùng đến kinh khiếp chen giữa những tiếng hò ơi hò ơi tha thiết và thảm thiết. Ca từ đầy kịch tính. Các hình ảnh trái ngược đan xen vào nhau.
Đang ở trong cảnh sinh hoạt bình thường:
Mẹ già tưới nước trồng rau
bỗng nhiên biến cố ập đến:
Quân thù đã bắt được con
Mang ra giữa chợ cắt đầu
Rồi cảnh kinh khiếp:
Mang khăn gói đi lấy đầu
chen với cảnh bình thường thân thuộc:
Đường về thôn xóm buồn teo
Xa xa tiếng chuông chùa gieo
Đỉnh cao của câu chuyện là một hình ảnh vô cùng rùng rợn: người mẹ nhìn chăm chăm vào đầu đứa con vừa bị chặt:
Tay nâng nâng lên rưng rức nước mắt đầy
Mẹ nhìn đầu con, tóc trắng phất phơ bay
Ta yêu con ta, môi thắm bết máu cờ
Nụ cười hồn nhiên đôi mắt ngó trông ta
Bi kịch được diễn tả bằng một nghịch lý: thái độ bình tĩnh một cách lạ lùng của người mẹ trước cái chết thảm thương của con mình. Nghe tin con chết mà nghẹn nghào không nói một câu, tỉnh bơ mang khăn gói đi lấy đầu (y như đi lấy một dụng cụ gì đó!). Nhìn thấy đầu con, người mẹ chỉ rưng rức nước mắt trong lúc tóc trắng phất phơ bay. Không van vỉ, ỉ ôi, không la hét, kêu gào mà chỉ lặng nhìn. Nó cho thấy nỗi căm thù và đau khổ ghê gớm đến độ mất cả cảm giác. Và nó cũng cho thấy là khi nuôi con đánh giặc đêm ngày, không nề áo rách sờn vai... là bà chấp nhận mọi thứ, kể cả cái chết thảm khốc như thế. Nó cũng cho thấy cái kiêu hãnh, cao ngạo, gan lì của người mẹ trong thời kháng chiến. Chỉ với cái cao ngạo và chịu đựng đặc thù như thế mới hiểu hết được hình ảnh nụ cười hồn nhiên đôi mắt ngó trông ta.
Một bức tranh hiện thực vô cùng sinh động và bi tráng: trên con đường làng vắng teo, một bà già tóc trắng chầm chập bước, tay ôm chiếc đầu lâu còn tươi vết máu của đứa con vừa bị chặt. Một mình. Không ai ở đó để chia sẻ nỗi bi phẫn của bà. Chỉ có tiếng chuông chùa xa xa hồn nhiên vọng lại. PD dùng sự thật trần trụi để ngụy trang một trạng thái tâm lý, một cái nhìn phê phán tích cực đối với hiện thực. Ông buộc hiện thực đảm đương một gánh nặng tâm thức: chuyên chở nỗi phẫn nộ vô bờ của mình đối với cái tàn bạo của chiến tranh và thù hận.
Tôi nhớ đến những giòng thơ của một nhà thơ nổi tiếng Hoa Kỳ, bà Ruth Stone, viết về cảnh chồng bà treo cổ tự tử qua bài The Electric Fan and the Dead Man:
Tied a silk cord around his meat neck
and hung his meat body, loved though it was,
in order to insure absolute quiet
on the back of a rented door in SoHo
Trong một bài thơ khác, Reality, bà diễn tả việc người ta mổ thi thể chồng bà để khám nghiệm:
As a fish, gutted for trade
so my darling as a cadaver
was slit, his viscera removed
pulled out by a gloved hand/as waste.
Đoạn thơ trên từa tựa bản báo cáo của cảnh sát hình sự và đoạn thơ dưới không khác mấy với một bài sinh vật học! Mấy ai đọc chúng lại nghĩ rằng đó là những giòng thơ của Ruth Stone, nhà thơ đã đoạt nhiều giải thưởng thi ca Hoa Kỳ, kể cả giải National Book Reward (2002). Sự kiện đã không "nên thơ" chút nào mà ngôn ngữ lại càng "phản thơ": trần trụi, lạnh lùng. Các nhà phê bình Hoa Kỳ cho rằng ngôn ngữ thơ của Ruth Stone vừa cụ thể vừa siêu vượt cùng một lúc.
Có thể nói như vậy về ca từ của PD trong Bà mẹ Gio Linh?
Trần Hữu Thục