Theo Chân Phạm Duy Một Đoạn Đường Từ 1945 tới 1951 (Quãng đường Kháng Chiến Ca)
- Chi tiết
- Phạm Xuân Đài
- Lượt xem: 5174
Trong chuyến đi Mỹ mùa hè năm 1970, tôi có tặng cho các bạn quốc tế một số cuốn Dân Ca-Folk Songs của Phạm Duy, trong đó các lời ca được dịch sang tiếng Anh. Mấy hôm sau một cô bạn Thụy Điển nói với tôi: "Lời các bản nhạc trong cuốn sách hay quá!" Tôi không ngạc nhiên vì lời khen ấy, vì tôi đã biết lời trong đó rất hay, tôi chỉ mừng có người chịu khó đọc và hiểu được cái hay đó.
Tôi nhớ cô bạn đã chỉ tôi coi bài Xuân Ca :
Xuân trong tôi đã khơi trong một đêm vui
Một đêm một đêm gối chăn phòng the đón cha mẹ về
Xuân âm u lắt leo trong nguồn suối mơ
Bừng reo rồi theo nắng lên từ cha chói chan lòng mẹ
Rồi nói với tôi: "Tôi chưa thấy ai nói về mùa xuân của đời mình như thế này. Mùa xuân bắt đầu từ khi mầm sống đầu tiên của tôi được tạo nên, được tả trong động tác ái tình của cha và mẹ. Thật tuyệt vời."
Thú thật lúc bấy giờ tôi ngỡ ngàng. Tôi đã hát Xuân Ca nhiều lần, và không lưu ý để hiểu hết ý nghĩa của ngay đoạn mở đầu như cô gái Thụy Điển đã nhìn thấy trong bản dịch tiếng Anh. Thường bài hát nào cũng thế, thoạt tiên người ta rung cảm vì âm hưởng của lời lẽ ngân lên hơn là chính ý nghĩa của lời lẽ đó, nhất là loại ý nghĩa thâm trầm. Nhưng sau khi nói chuyện với cô bạn, tôi bỗng "ngộ" toàn bộ nội dung mấy câu trên, và có cảm giác như mình ý thức được tình trạng của mình từ khi mới chỉ là một tế bào, một con tinh trùng giữa cõi âm u của "nguồn suối mơ" trong cha tôi, để vào đêm gối chăn phòng the đầu tiên ấy, theo cơn "nắng lên từ cha" mà được phóng vào làm chói chan lòng mẹ. Đó mới là nguồn cội của cái gọi là xuân của một đời người. Ca tụng mùa xuân thì phải bắt đầu từ tình trạng ấy, chỗ thâm sâu, chỗ uyên nguyên của tất cả những biểu hiện về sau mà người ta vẫn ca tụng về mùa xuân.
Sự nghiệp sáng tác của Phạm Duy rất phong phú, như một trái núi quá lớn, muốn leo lên thoạt tiên không biết bắt đầu từ đâu. Nhưng nếu muốn tìm một chủ đề chính của toàn bộ tác phẩm của ông thì lại không khó, vì nó nổi bật lên như một ngọn tháp giữa một khu rừng cây, đó là chủ đề về dân tộc và đất nước. Có thể đề tài tình yêu cũng rất giàu có và quan trọng, và lại được biết đến nhiều qua trình diễn, nhưng dân tộc và đất nước luôn luôn là cảm hứng căn bản, chủ đạo trong sáng tác của ông, và trải dài suốt đời ông. Thử đi cùng ông một đoạn ngắn thôi, đoạn mở đầu, từ 1945 đến 1951.
Không phải chủ đề về quê hương dân tộc chỉ mới bắt đầu từ 1953 với bài Tình Ca, mà sớm hơn nhiều, từ những ngày vận nước biến chuyển từ giữa thập niên 40 để chuẩn bị vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Bài Tình Ca chỉ là một sắp xếp rất lý trí những nội dung chính yếu của tình yêu đất nước và dân tộc; tôi yêu tiếng nước tôi vì những lý do này, tôi yêu biết bao người vì các yếu tố kia... dù cách trình bày rất là nên thơ thì bài hát vẫn nặng tính cách tuyên ngôn, giảng giải. Tình yêu thật sự không biểu lộ khi người ta nói "tôi yêu" mà ở trăm ngàn cách thế khác, đi thẳng vào từng hơi thở, từng nhịp đập của mạch máu người nghe, chứ không phải qua cái đầu.
Tình yêu ấy bừng nở nơi chàng thanh niên Phạm Duy năm 1945 khi Việt Nam đương ở ngưỡng cửa của độc lập mà phải đối đầu ngay với ý đồ trở lại của thực dân Pháp, chàng thét lên trong cái thế nhất hô bá ứng của dân tộc vào thời điểm ấy: Bờ cõi vang lừng câu quyết chiến! Chàng sống đúng trạng thái tinh thần của cả nước Việt Nam lúc đó, và ghi lại trung thực hào khí của khoảnh khắc lịch sử ấy trong khúc Xuất Quân, rồi chính khúc xuất quân đó đã ảnh hưởng ngược lại hâm nóng biết bao bầu máu người trẻ lẫn người già từ Nam ra Bắc. Bây giờ nhìn lại thời điểm chớm mở màn cuộc kháng chiến chống Pháp thì chỉ thấy duy nhất có bài Xuất Quân là tiếng kèn xung trận dõng dạc và thôi thúc nhất vang lên trong cả nước, đi trước, đi trên và đi thẳng vào lòng người hơn tất cả mọi hiệu triệu chính trị của thời ấy.
Tình yêu nước nơi Phạm Duy được khơi dậy bởi tình cảm chống ngoại xâm. Đó là tình cảm chung của mọi người Việt Nam khi vừa thoát được ách nô lệ mà thấy nguy cơ lại sắp bị xâm chiếm lần nữa, và từ khởi điểm ấy, mỗi người thể hiện tình yêu nước mỗi cách, nông sâu dài ngắn hoặc biến thể ra rất khác nhau. Riêng với Phạm Duy, xuất quân đánh Pháp chỉ là điểm khởi đầu của một hành trình vĩ đại về sau để đi sâu, đi dài vào dân tộc và đất nước Việt Nam. Giữa thời đại mà tình yêu nước được thể hiện với những tác phẩm còn xa lạ với quần chúng, chính những ca khúc kháng chiến của Phạm Duy sẽ có nhiệm vụ cứu chuộc niềm tin và tình tự chính thống của con người Việt Nam, giữ vững một nối kết giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.
Ông vừa viết xong bài Xuất Quân lẫm liệt Ngày bao hùng binh tiến lên thì đã nghĩ ngay đến hình ảnh ma quái của những Chiến Sĩ Vô Danh :
Mờ trong bóng chiều
Một đoàn quân thấp thoáng
Quân này là quân ma, họ đã ra đi chiến đấu và đã ra người thiên cổ, ông dùng ngay hình ảnh ấy để lay động lòng người đang đứng trước cuộc chiến giữ nước.
Ra biên khu trong một chiều sương âm u
Âm thầm chen khói mù
Bao oan khiên đang về đây hú với gió
Là hồn người Nam nhớ thù.
Một thanh niên đang ở độ tuổi ngoài hai mươi, mang bầu máu nóng phụng sự cho đất nước mà đã sớm nhìn ra những hình ảnh của "cõi bên kia" như thế thì cũng là chuyện lạ. Bài Nợ Máu Xương lại càng lạ hơn nữa, vừa hiện thực vừa siêu thực, tả toàn cảnh chết chóc vì chém giết :
Ai nghe không sa trường lên tiếng hú?
Tiếng lầm than, những tiếng người đời quên.
Đi lang thang tiếng cười vang tiếng hú
Xác không đầu nào kia?
Nghe phảng phất như Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du ! Phải chăng linh cảm mẫn nhuệ của một nghệ sĩ lớn đã khiến Phạm Duy nhìn thấy trước cảnh chiến tranh tàn phá kinh hoàng trên đất nước Việt Nam suốt ba mươi năm sắp tới, dù thời điểm viết Nợ Xương Máu là vào năm 1946, trước khi toàn quốc kháng chiến với Pháp. Ông đã dùng những hình ảnh cổ điển của thi ca thời đó để vẽ nên sự chết chóc, nhưng bản chất của tấn thảm kịch chiến tranh thì thời nào cũng thế :
Lá rụng tơi bời
Đoàn quân tiến qua làng.
Từng thanh kiếm đứt ngang,
Từng lớp áo rách mướp,
Từng cánh tay rụng rời!
Qua làn mây trắng
Đoàn quân tiến về trời
Ầm rung tiếng sa trường...
Tiếng ầm rung chết chóc đó còn vang mãi trong lòng người không biết bao nhiêu thế hệ nữa khi họ có dịp ôn lại những trang sử xưa, không phải những trang chính sử ghi lại một cách vô cảm các biến cố, mà là những trang sử như của Phạm Duy viết khi đoàn quân tiến qua làng với những chiếc áo rách mướp, những thanh kiếm gãy ngang, những cánh tay không còn nguyên vẹn... và nói rõ họ đang tiến về trời. Lịch sử một dân tộc không thể không ghi những trang như thế, cũng như mấy năm về sau khi sáng tác ông đã đóng vai một ký giả chiến tranh tả thực cái cảnh dã man rùng rợn quân thù đã bắt được con đem ra giữa chợ cắt đầu từ một thảm cảnh của làng Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Hoặc một cách gián tiếp, chỉ dùng một số hình ảnh ước lệ, nhưng hiệu quả gợi cảm thương về sự chết chóc vẫn lớn:
Người đi không về
Chắc rằng có người nhớ
Hương khói chiêu hồn
Hiu hắt những chiều trận vong…
(Đường Ra Biên Ải)
Nhưng trong kháng chiến ca của Phạm Duy, theo tôi, bài quan trọng nhất của ông là bài Đường Về Quê. Nếu Xuất Quân là tiếng kèn báo hiệu thời điểm vùng dậy đánh quân thù thì Đường Về Quê là bản lộ trình của cuộc kháng chiến. Từ xưa, nước ta là nước nông nghiệp, nông thôn là căn bản của cuộc sống kinh tế và đạo lý. Năm 1946, cuộc chiến nổ ra ở thành thị, và cũng như bao lần đã xảy ra trong lịch sử, muốn lãnh đạo cuộc kháng chiến thì phải bỏ thành thị đi về vùng thôn quê và rừng núi. Bước đường về quê của người thành thị là bước đường muôn thủa của các trận chiến giữ nước của Việt Nam, đoàn người về quê cuối năm 1946 như dẫm vào con đường cũ mà bao triều đại trước đã đi, với tâm trạng vừa bỡ ngỡ vừa say sưa để làm lại cái sứ mạng lâu dài và gian nan. Bài hành khúc đơn sơ Đường Về Quê vào thời điểm đó đóng vai trò như một đại cáo, một mặt ẩn dụ về con đường đi của dân tộc, một đoàn người đi miên man trên đường gian nan, luôn luôn phải lấy nông thôn làm gốc; mặt khác là bức tranh tả thực đoàn người vừa phá hết phố phường biệt ly đời gấm hoa ra đi để thực hiện lý tưởng của mình đối với đất nước. Khác với thành thị của họ, đồng ruộng trong sạch quá, thơm tho quá. Bỏ lại sau lưng đời sống ngựa xe giày dép áo quần của thành thị, họ đang dấn mình vào thôn quê -- cũng là vào quê hương đích thực -- với cả một tâm trạng ngỡ ngàng mới mẻ:
Kìa đoàn người đi say sưa qua đồng mênh mông
Người bàng hoàng đưa câu ca theo nhịp chân không
Rồi người sẽ hết bàng hoàng, rồi chân không giày dép sẽ trở nên chai cứng, rồi người sẽ hóa thân nhập vào cảnh nương chiều lúc chiều về rợp những nương khoai, trâu bò về giục mõ xa xôi hoặc sẽ không xa lạ nữa với cảnh bóng người thấp thoáng cuối đường thanh vắng, bước đều mà quang gánh nặng vai. Người thành thị sẽ trưởng thành với nếp sống nông thôn theo với cuộc kháng chiến trưởng thành, nhưng tất cả phải được mở đầu với Đường Về Quê.
Từ đó, Phạm Duy tiếp tục con đường về quê, đi sâu, đi cao vào nhiều ngõ khác nhau. Nhưng với phương tiện nào? Dĩ nhiên bằng tân nhạc, nhưng ông đã dựa vào những truyền thống về nhạc điệu, tiết điệu, lời ca của dân ca cổ, căn bản là dùng hệ thống âm giai ngũ cung nhưng phát triển cho phong phú hơn. Chưa kể tác động của lời hát rất tài tình của ông, chỉ riêng nhạc điệu đã cho người ta cảm giác gần gũi ấm áp như làm vang động lại nhiều âm hưởng vẫn nằm sâu tự đời não đời nào trong tâm thức người Việt Nam. Và như thế, ông gửi cho chúng ta tâm tình về người thương binh, về mùa đông chiến sĩ, về nỗi nhớ người ra đi của bà mẹ, của người vợ, người con, về chiến thắng sông Lô, về cảnh nương chiều, hay cả khi đi về miền Trung... tất cả như một dòng chảy đậm đà dịu ngọt thấm vào lòng người nghe, người hát. Tân nhạc dựa trên căn bản dân ca là một nhãn hiệu trình tòa của nhạc Phạm Duy ngay giai đoạn đầu kháng chiến, làm thành bản sắc của ông suốt thời gian này và mãi mãi về sau. Trong một bài viết của mình trên báo trong nước trong thời kỳ đổi mới (từ cuối thập niên 80), nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý (tác giả Dư Âm) đã hết lời ca ngợi Phạm Duy về cách ứng dụng dân ca vào tân nhạc này và nói rằng thời đầu kháng chiến ấy ông đã học hỏi phương cách này rất nhiều. Phạm Duy nhìn cuộc kháng chiến một cách toàn diện, không chỉ nhấn mạnh khía cạnh chiến đấu. Mà hình như ông không để tâm nhiều về những chiến công, về tinh thần bắn giết. Ông thường nghiêng về những số phận trong cuộc chiến, như người thương binh, bà mẹ có con bị giặc giết, hay là cảnh hoang tàn không bóng trâu cày trên đồng, vắng tiếng heo gà trên sân, hoặc tinh tế hơn khi quan sát làng mạc vùng bị Tây chiếm:
Nửa đêm thanh vắng không một bóng trai
Có tiếng o nghèo thở dài
Vỗ về trẻ thơ bùi ngùi.
Dân tộc và đất nước đối với ông không còn là những khái niệm trừu tượng, viết về cuộc chiến không phải là hô những khẩu hiệu "tiến công" chung chung, mà là những mảng đời cụ thể, có thể đau thương, có thể hùng tráng và nhiều khi cũng rất là thơ mộng. Không nhạc sĩ nào trong cuộc kháng chiến Pháp đã ghi lại nhiều bức tranh cực tả từng nỗi niềm trong lòng đời sống thời đó như ông.
Nhờ Phạm Duy mà đã có những tiếng hát nói lên được một cách vừa thâm sâu vừa thăng hoa niềm tự hào, sự đau thương, tính bền bỉ gan dạ và lòng yêu nước của dân tộc trong một giai đoạn lịch sử toàn dân vươn mình chấm dứt chế độ thực dân trên đất nước.
Về thành từ năm 1951, ông đóng lại một giai đoạn sáng tác và mở ra một giai đoạn mới: trước đây trong cuộc chiến ông đã nói lên vinh quang và khổ đau của dân tộc, bây giờ ông đi vào tình tự quê hương. Nhưng dù là giai đoạn nào, chất liệu cơ bản bất biến của ông vẫn là tình yêu dân tộc và đất nước. Tình Hoài Hương, Tình Ca, rồi trường ca Con Đường Cái Quan, trường ca Mẹ Việt Nam và vô số các bản nhạc khác của ông đã đưa "tình tự dân tộc" thành một vùng lớn rộng như biển, cao như núi và sâu thăm thẳm như mấy ngàn năm lịch sử của đất nước Việt Nam. Leo vừa hết một ngọn núi lại thấy hiện ra một đỉnh khác, thôi xin hẹn để qua cơn choáng ngợp sẽ lại tìm đường lần hồi đi thám hiểm nữa. Chỉ mong gối chưa chồn, như Phạm Duy đã hát ngày xưa: đường mịt mùng, bàn chân còn rong ruổi ruổi rong...
Phạm Xuân Đài